Trình độ ca sĩ cần được nhìn nhận như thế nào?

Thứ Sáu, 03/11/2017, 08:05
Nghệ thuật vốn không có khuôn mẫu cố định. Và những tranh luận về nghệ thuật cũng có trăm hồng ngàn tía khác nhau. Dù không dựa vào cơ sở thẩm mỹ, giới show biz vẫn hứng thú với những phát ngôn gây sốc...


Trường hợp ca sĩ Thanh Lam với nhận định mang chút băn khoăn "Trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này..." đã khơi lên một làn sóng phản ứng dữ dội từ phía các nghệ sĩ biểu diễn đang ăn khách. Sự ồn ào ấy cần đánh giá như thế nào?

Nguyên nhân vụ ầm ĩ xuất phát từ một bài phỏng vấn ca sĩ Thanh Lam. Với câu hỏi: "Trước đây, Đàm Vĩnh Hưng có nhắc tới sự kì thị của nghệ sĩ ngoài Bắc với nghệ sĩ trong Nam. Theo chị, có sự phân biệt Nam Bắc trong âm nhạc hay không?", ca sĩ Thanh Lam hồn nhiên trả lời rằng: "Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi. Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này".

Nếu xem xét thật kỹ lưỡng thì câu hỏi và câu trả lời hơi xa nhau. Chứng tỏ nhân vật được chất vấn nhân dịp có người gợi chuyện đã vô tình bộc lộ quan niệm ấp ủ lâu nay một cách thiếu kiềm chế.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lập tức phản pháo hùng hồn: "Tôi cho rằng khả năng là có 2 vấn đề xảy ra. Thứ nhất, câu chuyện trao đổi thì dài nhưng bị cắt ngay đúng câu nói đó. Nếu trường hợp này xảy ra thì quá tội cho nghệ sĩ.

Thứ hai nếu trong lúc cao hứng chị Lam có nó câu đó thì quả thật là hơi cạn và tự đưa mình vào vòng cô lập. Nếu không muốn nói là chị đã đào sâu thêm khoảng cách của ca sĩ 2 miền Nam - Bắc. Tôi cũng không biết chị Lam đang muốn gì khi đưa ra ý kiến về sự nổi tiếng của các ca sĩ miền Nam như vậy. Nhận xét như thế không nên có từ một người "bề trên" như chị Lam.

Ca sĩ Thanh Lam.

Ở đây, tôi đang nói với một tâm thế rất bình tĩnh, không có một chút tức giận hay ác cảm nào. Đúng là thực tế tại miền Nam có nhiều ca sĩ nổi tiếng không được qua trường lớp đào tạo chính quy. Nhưng làm nghệ thuật ai cũng hiểu sự nổi tiếng không đến từ việc bạn có bao nhiêu bằng cấp, học trong trường bao nhiêu năm. Nổi tiếng là do định mệnh, do Tổ nghiệp quyết định…".

Và ca sĩ Nguyên Vũ cũng hùa theo hào hứng: "Tôi cho rằng quan điểm của chị sai và mang tính chủ quan. Làm sao chị ấy biết được ca sĩ nổi tiếng không được học hành. Nhiều người không học trong nhạc viện như chị nhưng học từ thầy cô riêng, học theo kiểu nghề truyền nghề cũng là học thôi. Có ai là ca sĩ nổi tiếng mà không biết gì về thanh nhạc đâu? Sự nổi tiếng không đơn giản mà có.

Là ca sĩ trước tiên phải có giọng hát trời phú, sự nhạy bén, tư duy âm nhạc và đặc biệt phải có duyên sân khấu, trời cho nữa mới có thể nổi tiếng. Chị Lam nhận xét ca sĩ miền Nam nổi bằng truyền thông lại càng sai. Thử hỏi nếu ca sĩ không có thực lực thì truyền thông nào đẩy lên được?

Thực tế, truyền thông chỉ tìm đến những ca sĩ được khán giả yêu thích. Nếu người đó không được khán giả quan tâm thì viết bài về người đó ai đọc? Tôi cho rằng ca sĩ nổi tiếng phải là người khiến khán giả bỏ tiền đi coi chương trình, mua đĩa và thu hút bán vé. Từ sự thu hút của họ mà truyền thông mới quan tâm. Thực tế tôi chưa thấy ai không có giọng hát, bất tài vô dụng mà nhờ truyền thông, báo chí nổi tiếng được".

Tuy không liên quan trực tiếp đến mình, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Hà cũng từng "mát tay" với công nghệ lăng-xê cho nhiều ca sĩ, đã không ngần ngại tham gia vào cuộc đối thoại nhuốm màu sắc thị phi: "Tôi nghĩ, sự học trong cuộc đời rộng lắm. Một đứa nhỏ từ khi nằm trong bụng mẹ đã được học rồi. Khi lớn lên, trước khi đến trường đã được ba mẹ dạy cho nhiều điều về cách ăn nói, đối nhân xử thế… Bill Gates cũng đâu tốt nghiệp đại học nhưng vẫn thành công và nổi tiếng toàn thế giới. Riêng với ca sĩ, để có được thành công, họ phải học rất nhiều, chứ không riêng gì về thanh nhạc.

Đừng bao giờ nghĩ có tiền là có tất cả. Quăng một cục tiền nhưng không biết cách sống thì không ai đem cho bạn những thứ tốt nhất để mà thành công đâu. Ca sĩ hát trên sân khấu được khán giả tung hô nhưng đằng sau đó phải có sự hậu thuẫn của rất nhiều người về hòa âm, phối khí, trang phục…

Một mình ca sĩ không làm được tất cả. Vì vậy chỉ khi xây dựng được mối quan hệ tốt, họ mới có được những đồng minh giỏi giúp mình thành công. Do đó, tôi cho rằng phát biểu của chị Thanh Lam là nông cạn, hồ đồ. Có vẻ như chị ấy đang chưa hài lòng với những gì mình có nên mới phải kêu lên, chê bai người khác như thế…".

Không ai phủ nhận, ca sĩ Thanh Lam là một tài năng trong làng nghệ thuật. Được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, ca sĩ Thanh Lam được đào tạo đàn bầu trước khi vụt sáng trong lĩnh vực thanh nhạc. Ca sĩ Thanh Lam đầy cá tính, trên sân khấu lẫn ngoài đời thường. Tuy nhiên, sự thẳng thắn và sự mạnh bạo của ca sĩ Thanh Lam ở trường hợp này lại vô tình thể hiện sự kiêu ngạo của chị.

Luận điểm "không có ngành nghề nào không cần phải học" là đúng, nhưng kiểu suy diễn chủ quan "nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông" thì lại hỏng. Điều ca sĩ Thanh Lam nhấn nhá là "trình độ" được hiểu là bằng cấp và trường lớp ư? Nghệ thuật nói chung và thanh nhạc nói riêng, có 1001 cách học khác nhau.

Nghề dạy nghề, học ở đồng nghiệp, học ở sách vở, học ở quần chúng, thậm chí học ở va vấp và thất bại của chính mình và ở người khác. Đặc biệt, trong lĩnh vực thanh nhạc, không phải rèn luyện theo mô hình X hoặc phương pháp Y thì đúng ngày đúng tháng sẽ trở thành ca sĩ trứ danh. Thiên bẩm nghệ thuật rất quan trọng với một ca sĩ. Trời cho chất giọng là tiêu chí đầu tiên, sau đó mới đến sự mài giũa bằng nỗ lực cá nhân.

Tuy nhiên, để nổi tiếng thì ca sĩ không chỉ cần hát đúng nhịp, đúng phách mà còn phải cộng thêm nhiều yếu tố khác, như xúc cảm của bản thân, cái duyên trên sàn diễn, nhạy bén với thị hiếu, sự đầu tư nghiêm túc cho từng hình ảnh, từng tiết mục, từng sản phẩm…

Học vấn cũng quan trọng với ca sĩ, nhưng chưa đủ để quyết định tên tuổi của một ca sĩ. Không bao giờ có chuyện Tiến sĩ hát hay hơn thạc sĩ, thạc sĩ hát hay hơn cử nhân, cử nhân hát hay hơn Tú tài… Học là một chuyện mà hành là một chuyện khác. Hơn nữa, ca sĩ nào thì dòng nhạc nấy, dòng nhạc nào thì công chúng nấy.

Ca sĩ Thanh Lam năm nay 48 tuổi, còn giữ được vị trí như hiện nay đã là rất giỏi. Tuy nhiên, hơn ai hết, ca sĩ Thanh Lam cần hiểu rằng, đã bước chân vào show biz thì phải chấp nhận luật chơi của show biz. Ca sĩ Thanh Lam và những người cùng suy tư nghề nghiệp của Thanh Lam có quyền hát những gì mình thích, còn các ca sĩ khác có quyền hát những gì họ thích và khán giả thích. Nước sông không phạm nước giếng, và nước giếng cũng không phạm nước….ao!

Có vẻ thấy được "vạ mồm" của mình sẽ có hệ lụy xấu, ca sĩ Thanh Lam cũng vội vàng phân bua: "Nếu ai dành thời gian ra đọc một cách thiện chí và chí tình sẽ thấy chia sẻ của tôi với mục đích vì một nền âm nhạc tốt hơn, khán giả có nhiều cái để giải trí, và làm phong phú hơn tâm hồn. Mọi ví dụ hay tên tuổi đưa ra đều với sự mong mỏi các em hạn chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh để lâu đài nghệ thuật của chúng ta ngày một lung linh.

Là nghệ sĩ câu chữ đâu được vẹn toàn như nhà triết học, nên mong những ai bị tổn thương hãy vì thiện ý và tính xây dựng của Thanh Lam mà bỏ quá cho. Còn sự thật không Thanh Lam nói sẽ có người khác nói, hy vọng sẽ có cách nói ngọt ngào hơn".

Trong đạo Phật có tích "qua sông bỏ bè". Người ta chỉ dùng bè để qua sông, chứ không ai đã qua sông rồi vẫn khiêng theo cái bè để nghênh ngang đi trên đất bằng hòng dọa nạt thiên hạ rằng mình cũng sở hữu một… cái bè. Chuyện học hành và bằng cấp cũng giống như vậy. Cái bè tri thức đưa mỗi người đến công việc, nhưng mỗi công việc cần có cách giải quyết linh hoạt hơn. Tri thức để đáp ứng công việc, chứ công việc không dùng để minh họa tri thức.

Ca sĩ học để hát, chứ ca sĩ không thể hát giống như học. Do vậy, phát ngôn của ca sĩ Thanh Lam không đúng chỗ dễ gây hiểu lầm là chị quá kiêu ngạo khi trưng trổ "trình độ" của mình.

Tâm Huyền
.
.