Vấn nạn thi hoa hậu, người đẹp "chui":

Khi chế tài xử phạt quá nhẹ

Thứ Tư, 01/04/2015, 08:00
Những lùm xùm xung quanh việc vận động viên Taekwondo Nguyễn Văn Sơn đi thi "chui" và đăng quang trong đêm chung kết cuộc thi "Nam vương toàn cầu 2015" tổ chức tại Thái Lan vẫn đang là đề tài bàn tán trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bởi trước đó không lâu, liên tục các án phạt đã được các cơ quan chức năng đưa ra với không ít những trường hợp vi phạm tương tự nhằm làm giảm làn sóng kiếm tìm danh hiệu từ cuộc thi nhan sắc "chui" của các nam thanh nữ tú. Thực trạng đó phần nào cho thấy chiếc roi quản lý của nhà chức trách vẫn chưa thực sự,  phát huy tác dụng.

Nô nức thi "chui"

Dường như án phạt của Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT & DL) TP HCM đối với người mẫu Diệu Linh hồi đầu tháng 1/2015 không có ý nghĩa gì với chàng thanh niên vốn là vận động viên Taekwondo Nguyễn Văn Sơn. Anh vẫn hồn nhiên hay thản nhiên "đi theo vết xe đổ" là tham gia một cuộc thi nhan sắc khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.

Chuyện là trước đó, dù mới chỉ là một người mẫu, chưa có bất kỳ một danh hiệu nào từ các cuộc thi nhan sắc trong nước nhưng Diệu Linh vẫn lên đường tham dự cuộc thi "Hoa hậu Du lịch quốc tế 2014" tại Malaysia. Tại cuộc thi này, cô đoạt 2 giải thưởng phụ là giải "Trang phục dân tộc đẹp nhất" và "Hoa hậu Đông Nam Á".

Vì lý do "đi thi hoa hậu, người đẹp quốc tế mà không xin phép" khi về nước, người mẫu Diệu Linh đã nhận mức phạt hành chính là 22,5 triệu đồng. Trước đó không lâu, 2 người đẹp khác là Huỳnh Thúy Anh và Cao Thùy Linh cũng đã nhận án phạt từ Thanh tra Sở VH -TT & DL TP HCM cho những sai phạm tương tự.

Huỳnh Thúy Anh thì tự ý tham gia tới 2 cuộc thi "Hoa hậu cộng đồng người Việt" tại Mỹ và "Hoa hậu liên lục địa" tổ chức tại Đức. Còn Cao Thùy Linh cũng có mặt tại cuộc thi "Hoa hậu Quốc tế" ở Thái Lan. Chưa hết, năm 2014 còn ghi tên người đẹp Tường Vy thuộc công ty người mẫu của "ông trùm" Vũ Khắc Tiệp vào danh sách những người đẹp thi "chui" khi cô tự ý tham gia cuộc thi "Hoa hậu người Việt thế giới tại Mỹ" và giành ngôi Hoa hậu.

Người đẹp Cao Thùy Linh chủ động tới cơ quan chức năng nộp phạt để tránh được án cấm diễn.

Ngoài ra, không thể không kể đến người đẹp Quế Vân với giải Á hậu 1 cuộc thi "Hoa hậu người Việt thế giới" diễn ra ở Mỹ; người đẹp Kim Duyên đoạt Á hậu 1 cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam toàn cầu"; Phan Hoàng Thu cũng đã bị Sở VH - TT& DL Hà Nội xử phạt hành chính 15 triệu đồng vì tham gia cuộc thi "Hoa hậu Du lịch quốc tế" mà không xin phép… Trường hợp của thí sinh Nguyễn Văn Sơn như một bằng chứng cho thấy không chỉ nữ giới mà nam giới cũng bị cuốn theo làn sóng này. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2014 đã có đến 8 trường hợp người đẹp tự ý tham gia các cuộc thi nhan sắc ngoài lãnh thổ đất nước khi chưa được phép.

Tìm kiếm danh hiệu bằng mọi giá

Khi được báo chí hỏi về lý do đi thi khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng, người đại diện của Nguyễn Văn Sơn cho biết:"Sơn nhận lời tham gia dự thi vào phút chót, ngày 18 - 2, tức 30 Tết. Trong khi đó, ngày tập trung thí sinh các nước lại vào đúng 25/2, tức mùng 7 Tết. Vì vậy ê kíp chúng tôi không thể xin phép cấp quản lý vì thời gian này là kỳ nghỉ Tết của các cơ quan hành chính. Chúng tôi rất tiếc về sự việc này. Khi về nước, chúng tôi xin chấp nhận các quyết định xử phạt"…

Lý do nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra ai cũng biết sự thật đằng sau câu chuyện này. Theo quy định hiện nay, nếu có xin phép, Nguyễn Văn Sơn chắc chắn không được cấp giấy phép vì anh chưa đạt được bất kỳ một danh hiệu nào tại các cuộc thi trong nước. Biết chắc vậy nên anh cùng ê kíp của mình cứ thi đã. Đây cũng là lý do mà các người đẹp Diệu Linh, Huỳnh Thúy Anh, Cao Thùy Linh, Tường Vy… viện dẫn cho các hành động thi "chui" của mình.

Cho đến bây giờ "Tiền trảm hậu tấu" vẫn là cách mà các người đẹp triệt để áp dụng để đối phó với cơ quan chức năng. Thậm chí thay vì đợi khi nào bị phát hiện ra mới "ngoan ngoãn" tới nộp phạt như Quế Vân, Kim Duyên, giờ đây các người đẹp như Diệu Linh, Nguyễn Văn Sơn "cao tay" hơn khi chủ động tới gặp các cơ quan chức năng để nhận lỗi và vui vẻ nộp phạt. Không khó hiểu vì sao các người đẹp hăm hở với các cuộc thi này bởi mang tiếng là quốc tế nhưng quy mô nhỏ, dàn thí sinh không mấy xuất sắc nên mức độ cạnh tranh thấp sẽ đem đến cơ hội giành giải cao.

Tất nhiên, không chỉ bị phạt tiền, người đẹp Huỳnh Thúy Anh, Tường Vy còn không được tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trước công chúng và trên sóng phát thanh, truyền hình theo nội dung của Quyết định số 384/QĐ - NTBD được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH - TT & DL) công bố. Theo quy định của Cục Nghệ thuật Biểu diễn thì quyết định cấm biểu diễn đối với những người vi phạm này sẽ hết hiệu lực sau khi chấp hành đầy đủ các yêu cầu về xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Cục Nghệ thuật Biểu diễn có văn bản chấp thuận nội dung giải trình, cam kết không tái vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu của các đối tượng trên.

Từ vấn nạn thi chui ngày càng nở rộ đã chứng minh một thực tế án phạt vài chục triệu, thậm chí cấm biểu diễn với những trường hợp vi phạm không có tác dụng hạ nhiệt cơn khát danh hiệu đang ngày một nóng bỏng hiện nay. So với số tiền khổng lồ chi phí cho các cuộc thi mà các thí sinh này bỏ ra để mang về danh hiệu thì số tiền nộp phạt chả thấm vào đâu.

Bỏ ra cả đống tiền để mua danh hiệu còn được thì chả có lý gì họ không chịu chi thêm một chút để dễ bề dấn thân vào giới showbiz. Một bên là phạt mấy chục triệu, một bên là danh hiệu để sau đó hái ra tiền tỉ, vì thế các người đẹp đã không ngần ngại chấp nhận bị phạt. Cấm diễn một thời gian cũng không hề gì bởi họ vẫn có thể xuất hiện tại các sự kiện nhỏ. Chưa kể, danh hiệu dẫu của "ao làng" thì cũng vẫn còn đó để các người đẹp vin vào tự hào. Thậm chí, nhiều người đẹp còn dùng việc đi thi "chui", về bị phạt là một cách để được nhắc tên, tạo dấu ấn.

Cần những hình phạt đủ mức răn đe

Việc các cơ quan chức năng quy định một cách chặt chẽ những ai đủ điều kiện tham gia các cuộc thi sắc đẹp ở phạm vi quốc tế là điều hết sức cần thiết để góp phần giữ gìn hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong  mắt bạn bè quốc tế. Rõ ràng, nếu không có sự thẩm định, sàng lọc trước thì khi các thí sinh "mang chuông đi đấm xứ người" có những hành động, phát ngôn không đúng thì việc đầu tiên là ảnh hưởng tới hình ảnh đất nước. Tránh những điều đáng tiếc như đã từng xảy ra trong một số cuộc thi mà gần đây nhất là việc thí sinh Nguyễn Văn Sơn đã cầm ngược bảng tên đất nước khi chụp ảnh cùng các thí sinh khác là một ví dụ. Khi thực hiện được điều này, chất lượng thí sinh tại các cuộc thi nhan sắc sẽ được nâng cao.

Thí sinh Nguyễn Văn Sơn (ở giữa) đang phải đối mặt với án phạt cấm diễn vì tự ý tham gia cuộc thi khi chưa được cấp phép.

Tuy nhiên, từ thực tế người đẹp ùn ùn thi "chui" đã cho thấy những quy định cấp phép và xử phạt đã không phù hợp với thực tế. Hiện nay, ngoài những cuộc thi chính quy có uy tín như "Hoa hậu thế giới", "Hoa hậu hoàn vũ", "Hoa hậu quốc tế"… thì đã xuất hiện nhiều cuộc thi khác với quy mô, mục đích khác nhau. Các cuộc thi này đa phần do một cá nhân, hay một công ty đứng ra tổ chức. Bên cạnh đó, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là với những người đẹp, khát vọng được vinh danh trên đấu trường nhan sắc là có thật và hoàn toàn chính đáng. Chính vì vậy, để có thể hạn chế tình trạng thi "chui", các cơ quan chức năng cần phải ngồi lại để đưa ra những biện pháp phù hợp với tình hình mới.

Đơn cử như có thể mở rộng số lượng các cuộc thi để cho thí sinh Việt Nam có thể tham gia sau khi nghiên cứu, thẩm định chất lượng của những cuộc thi như lịch sử cuộc thi, thành phần ban giám khảo... Trong trường hợp vi phạm, không chỉ xử phạt riêng thí sinh mà xử phạt cả những đơn vị đứng ra đưa thí sinh đó đi thi. Với quy định cấm biểu diễn, cần có quy định thời gian phù hợp, đủ dài để những danh hiệu "ao làng" kia dù có cũng không giúp những người đẹp kém ý thức dựa vào khi dấn thân vào showbiz.

Khánh Thảo
.
.