Giáo dục trực tuyến còn nhiều lỗ hổng

Thứ Năm, 16/04/2020, 08:41
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hệ thống đào tạo, giáo dục trực tuyến làm biến đổi cách học cũng như vai trò của người học. Người học đóng vai trò trung tâm và chủ động của quá trình đào tạo, có thể học mọi lúc, mọi nơi nhờ có phương tiện trợ giúp việc học...


Cùng với nhiều cơ sở giáo dục khác trên cả nước, trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh viên, đồng thời phòng, chống dịch bệnh lây lan, các trường đại học đã quyết định lùi lịch học của sinh viên, chuyển hướng giảng dạy trực tuyến, yêu cầu sinh viên chủ động tự học online dưới sự hướng dẫn và học liệu của nhà trường, của giảng viên phụ trách lớp học phần.

Để phục vụ cho việc học online có hiệu quả, sinh viên không chỉ cần nghe giảng, mà còn phải thường xuyên truy cập website, cổng thông tin điện tử của học viện, trường đại học nơi mình đang theo học, những trường bên ngoài để tìm kiếm, trao đổi, khai thác thông tin cần thiết phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập, thu thập kiến thức chuyên ngành cũng như những kinh nghiệm cho nghề nghiệp trong tương lai.

Dịch bệnh COVID - 19 đã làm thay đổi quan niệm và phương pháp giáo dục trên toàn cầu.

Ở cấp cao, các sinh viên có thể trả phí để được trải nghiệm hướng dẫn đầy đủ, tiếp xúc với các giáo sư, với những học giả. Tuy nhiên, rất ít trường đại học, học viện của Việt Nam làm được điều đó và vì vậy, sinh viên thờ ơ, xa lạ với chính website, trang thông tin điện tử của ngôi trường mình đang học.

Chúng ta chỉ cần lướt qua các trang website của các trường đại học, một điều dễ nhận thấy là nội dung website của các trường rất thiếu những thông tin "nóng" đang được sinh viên, học viên quan tâm. Phần lớn website được dành để giới thiệu về cơ cấu tổ chức, các phòng ban, đoàn thể, lịch sử của trường, các thành tích mà nhà trường đã đạt được, các hoạt động của lãnh đạo nhà trường, các khoa, phòng... cùng nhiều thông tin vô thưởng, vô phạt.

Trên trang nhất các đề mục có vẻ đầy đủ, nhưng khi click vào các thư mục như "Thư viện", "Nghiên cứu", "Hội thảo khoa học", "Học liệu", "Việc làm cho sinh viên" thì thường không thể cập nhật được hoặc "bị bỏ hoang", chỉ hiện ra danh mục, mã số của tài liệu, đề tài khoa học, tên của các cuộc hội thảo mà không thể tiếp cận được nội dung, nếu có nội dung thì cũng không có gì mới, chỉ là một tin mang tính chất giới thiệu, thông báo về hội thảo, phản ánh về hoạt động nghiên cứu. Các thông tin về học thuật trở thành của "hiếm" trên các trang điện tử, trang website của các trường. Đây cũng chính là tình trạng chung của nhiều website các trường đại học, học viện hiện nay.

Chi phí để xây dựng một trang website, cổng thông tin được tính bằng con số hàng chục, có nơi lên đến hàng trăm triệu. Số tiền chi ra hằng tháng cho việc thuê server và quản trị trang web cũng không nhỏ. Với sự đầu tư như thế, lẽ ra các website phải phát huy được những công năng, sự tiện dụng của nó và phải nhận được sự quan tâm ủng hộ của giảng viên và sinh viên.

Tuy nhiên, sự thực lại không phải như vậy và chẳng có gì phải ngạc nhiên khi học viên không hào hứng truy cập website, bỏ qua một kênh thông tin đáng lẽ là rất quan trọng và sát sườn như vậy. Bởi họ không tìm thấy điều gì gần gũi, những cái họ đang cần ở đó.

Nhu cầu về giáo dục, đào tạo trực tuyến đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong nền kinh tế tri thức, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Khi việc học tập online trở thành một hiện tượng phổ biến, các học viện, trường đại học sẽ trở thành nơi cung cấp "dịch vụ đặc biệt", với những tiện ích về việc không phải  di chuyển, học tại nhà, thông qua công nghệ thông tin để lĩnh hội kiến thức rộng lớn của nhân loại với chi phí rẻ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hệ thống đào tạo, giáo dục trực tuyến làm biến đổi cách học cũng như vai trò của người học. Người học đóng vai trò trung tâm và chủ động của quá trình đào tạo, có thể học mọi lúc, mọi nơi nhờ có phương tiện trợ giúp việc học.

Đặc biệt là cho phép tra cứu trực tuyến những kiến thức có liên quan đến bài học một cách tức thời, duyệt lại những phần đã học một cách nhanh chóng, tự do trao đổi với những người cùng học hoặc giáo viên ngay trong quá trình học, những điều mà theo cách học truyền thống là không thể hoặc đòi hỏi chi phí quá cao.

Website, trang thông tin điện tử không chỉ là nơi các trường tổ chức giáo dục, đào tạo, truyền tải tri thức mà còn là kênh quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình trên mạng xã hội. Để website, trang thông tin điện tử của mình trở thành bộ mặt, thu hút người học, các học viện, trường đại học cần phải trả lời được câu hỏi: Học viên mong muốn gì ở đó và nhà trường phải làm gì để đáp ứng được những yêu cầu đó. Từ đó, nhanh chóng nâng cấp cả về hình thức và nội dung trang website để có nguồn tài liệu dồi dào, phong phú; xây dựng học liệu điện tử, cập nhật, cung cấp các thông tin cần thiết cho người học; xây dựng diễn đàn làm cầu nối trung gian cho sinh viên trong và ngoài trường trao đổi ý kiến, chia sẻ tri thức, kết nối với nhau hình thành kỹ năng hội nhập toàn cầu.

Đừng để lãng phí một kênh thông tin quan trọng mang đến cho thế hệ trẻ những phương thức học tập hiện đại, áp dụng công nghệ vào giảng dạy và quản lý nhằm

mang lại hiệu quả giáo dục tối ưu nhất không chỉ trong học tập mà còn trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

Cù Tất Dũng
.
.