Giới mỹ thuật lên tiếng về nạn tranh giả được đấu giá khủng trên sàn quốc tế:

Đồng lòng vì sự minh bạch

Thứ Bảy, 28/09/2019, 08:38
Trung tuần tháng 9, một sự kiện gây "rung chấn" đối với các họa sĩ, giới nghiên cứu mỹ thuật cũng như công chúng, đó là việc nhà đấu giá Sotheby's Hồng Kông đã đăng tải trên trang web của mình 4 tác phẩm của các họa sĩ hàng đầu thời mỹ thuật Đông Dương của Việt Nam đều dính "nghi án tranh rởm".


Phiên đấu giá dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6-10 tới đây, song với sự lên tiếng mạnh mẽ của công luận cũng như đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam về việc 2/4 bức tranh mà Sotheby's Hồng Kông sắp đấu giá hiện vẫn được bảo tàng này lưu giữ, đã khiến những "kẻ buôn tranh" phải chùn tay...

Thông tin trên trang Sotheby’s Hồng Kông cho hay, sàn đấu giá này sẽ bán ra các bức tranh được cho là của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương với mức giá cao ngất ngưởng: "Lá thư" được cho là của danh họa Tô Ngọc Vân với giá khởi điểm từ 800.000 đến 1.500.000 HKD; tranh lụa "Hai cô gái trước bình phong" được cho là của danh hoạ Trần Văn Cẩn giá khởi điểm từ 60.000 đến 90.000 HKD; tranh sơn mài "Dân quê Việt" được cho là của danh hoạ Nguyễn Sáng giá khởi điểm từ 100.000 đến 150.000 HKD và bức tranh sơn mài "Tranh phong cảnh" được cho là của danh họa Nguyễn Gia Trí với mức giá khởi điểm từ 1.200.000 đến 1.800.000 HKD (1 HKD tương đương gần 3.000 Việt Nam đồng).

Tranh "Hai cô gái trước bình phong" và "Bức thư" được niêm yết trên trang web đấu giá của nhà đấu giá Sotheby's Hồng Kông hiện đã được gỡ bỏ.

Ngay sau khi các tác phẩm này được niêm yết công khai, giới phê bình - nghiên cứu của Việt Nam đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, không chỉ vì mức giá khởi điểm tiền tỉ được đưa ra, nhìn vào những hình ảnh được đăng tải trên trang web, cả 4 bức tranh này đều vướng vào nghi án tranh giả, tranh nhái phong cách.

Theo phân tích của một số họa sĩ, nhà nghiên cứu, đặc biệt là nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Long - người vô cùng tâm huyết với các tác phẩm thời "các cụ Đông Dương" thì, những tác phẩm này đều thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, rất khó có thể là những tác phẩm của các họa sĩ bậc thầy như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí. Đặc biệt, bức tranh sơn mài "Dân quê Việt" được cho là của Nguyễn Sáng lại rất "yếu về nghề" - mà điều này dường như không thể xảy ra đối với "bậc thầy sơn mài Nguyễn Sáng" được.

Vì thế, đa số những người có con mắt nghề nghiệp đều cho rằng, đây chỉ là những tác phẩm "gắn mác" để bán kiếm lời, chứ không phải tranh thật. Ngoài ra, với những tác phẩm gắn với tên tuổi những họa sĩ danh tiếng bậc nhất Việt Nam được đem đấu giá quốc tế, nhưng lại có chất lượng nghệ thuật kém như vậy sẽ hạ thấp tên tuổi và giá trị của các danh họa Việt - những người đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên lịch sử mỹ thuật Á Châu. Đây chính là điều mà các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật uy tín của Việt Nam như Thành Chương, Nguyễn Đình Đăng, Phạm Long, Phạm An Hải... vô cùng bức xúc.

Việc đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lên tiếng xác nhận, 2/4 bức tranh đang được Sotheby’s Hồng Kông đem ra đấu giá đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ đã khiến nhiều tâm tư được giải tỏa, đó là: "Lá thư" của Tô Ngọc Vân và "Hai cô gái trước bình phong" của Trần Văn Cẩn.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật xác nhận với báo giới rằng: "Chúng tôi chỉ có thể khẳng định tranh của chúng tôi là thật. Cũng có nhiều người từng liên lạc với chúng tôi để xác nhận thông tin về việc tranh này tranh kia thật giả ra sao, chúng tôi cũng trả lời trên cơ sở chỉ có thể khẳng định tác phẩm của mình là thật...".

Theo những hình ảnh được công bố, hiện 2 bức tranh này đều nhuốm màu thời gian và bị "xuống cấp" do nhiều nguyên nhân, và màu sắc tương đối khác (2 bức Sotheby's Hồng Kông chào bán với giá tiền tỉ màu rất tươi mới, không có dấu ấn thời gian).

Trước đó, lần lượt những công bố của bà Hoàng Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật về hoàn cảnh mua 2 bức tranh này đã khiến dư luận hết sức chú ý. Ngày 14-9, bà Hoàng Anh đưa thông tin cho biết: "Bức tranh "Hai cô gái trước bình phong" thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được mua năm 1965 từ một gia đình ở phố Bà Triệu, là một người họ hàng với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến. Chính bà Hải Yến đã giới thiệu bức tranh này cho bảo tàng. Tranh được vẽ năm 1943, kích thước 45x48cm, được mua với giá 200đ.

Cùng đợt mua ấy, bảo tàng còn mua được 2 bức tranh quý nữa gồm: "Chải tóc bên cầu ao" của Lê Văn Đệ; "Hiện vẻ hoa" của Nguyễn Tường Lân cũng với giá 200đ/1 bức...". Không chỉ có thế, ngày 3-9, bà Hoàng Anh đã lên tiếng về tác phẩm "Bức thư" ngay từ khi catalogue các phiên đấu của Sotheby's vẫn chưa được công bố trực tiếp trên website.

Hiện trạng bị xuống cấp của tác phẩm "Hai cô gái trước bình phong" và "Bức thư" hiện đang được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ.

Bà cho biết: "Theo lời kể của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, bức tranh được mua vào khoảng năm 1962 -1963 tại một gia đình ở Hà Nội cùng thời gian mua bức "Em Thúy" của Trần Văn Cẩn từ nhà cụ Đỗ Huân và bức "Hai thiếu nữ và em bé" cũng của Tô Ngọc Vân thì được mua từ nhà bác sĩ Nguyễn Tấn Di Trọng.

Thoạt tiên, gia đình bác sĩ Trọng có nhã ý tặng lại cho Bảo tàng. Nhưng sau đó, Bảo tàng vẫn quyết định trả 300 đồng cho gia đình bác sĩ Trọng, bằng tiền mua bức "Em Thúy". Riêng "Bức thư" thì có lẽ mua thấp hơn một chút nhưng bà Hải Yến không nhớ chính xác...".

Với những thông tin được xác thực và có hồ sơ lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được dư luận, báo chí chính thống và nhiều trang facebook cá nhân đăng tải công khai, đến ngày 21-9, nhà đấu giá Sotheby's Hồng Kông đã âm thầm gỡ bỏ thông tin và hình ảnh về hai tác phẩm "Lá thư" của Tô Ngọc Vân và "Hai cô gái trước bình phong" của Trần Văn Cẩn mà không đưa ra một lời giải thích nào. Nhưng đối với giới họa sĩ, phê bình mỹ thuật Việt Nam, đây thực sự là một tín hiệu vui.

Bởi lẽ, đây không phải là lần đầu tiên nhà đấu giá Sotheby's Hồng Kông dính vào nghi án đưa các tranh nhái, tranh giả của các họa sĩ thời mỹ thuật Đông Dương Việt Nam lên sàn đấu giá quốc tế. Song có lẽ, đây là lần đầu tiên những phản ứng, lên tiếng của giới mỹ thuật trong nước đã khiến một "ông lớn" như nhà đấu giá Sotheby's Hồng Kông buộc phải điều chỉnh việc làm của mình chứ không phải "ném đá ao bèo".

Các họa sĩ, nhà nghiên cứu trong nước cho rằng, cũng chưa thể biết được việc Sotheby's Hồng Kông gỡ các hình ảnh về tác phẩm của Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn khỏi trang web có đồng nghĩa với việc họ sẽ không cho đấu giá chúng vào ngày 6-10 tới đây không, nhưng nó cho thấy, giờ đây người ta không thể nhắm mắt làm bừa vì lợi nhuận mà làm ngơ trước dư luận trong nước như trước đây được nữa. Còn nhớ, cách đây 2 năm, vẫn là Sotheby's Hồng Kông đã đưa lên sàn đấu giá bức tranh "Gia đình" được gắn tên họa sĩ Lê Phổ đã vẽ một thiếu phụ có... 2 bàn tay trái (do kỹ thuật giải phẫu - tạo hình quá yếu kém), nên các họa sĩ Việt cũng từng khẳng định chắc chắn đây không thể nào là tác phẩm của danh họa Lê Phổ được.

Với bức tranh lụa này (được ghi danh họa Lê Phổ vẽ khoảng năm 1938-1940), được Sotheby's Hồng Kông giới thiệu sẽ bán với giá ước tính 1.500.000 đến 2.500.000 HKD (ước tính 191.000 đến 319.000 USD) trong phiên đấu giá "Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại" vào chiều 30-9-2017.

Cũng liên quan tới một tác phẩm của danh họa Lê Phổ - người mà giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật vẫn nói vui với nhau rằng, tuy đã qua đời mà vẫn sáng tác khỏe nhất - vì cùng với Bùi Xuân Phái, ông cũng là họa sĩ bị làm giả tranh nhiều nhất. Năm 2012, một bức tranh của Lê Phổ được nhà đấu giá Barridoff ở bang Maine (Mỹ) đưa lên web chuẩn bị đấu vào tháng 10-2012.

Trong khi đó, tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Singapore có một bức cùng tên, cùng bố cục và hình nhưng kích cỡ khác nhưng có gam màu hoàn toàn khác. Bức tranh sắp đấu của nhà Barridoff hồi đó, dù các chuyên gia thẩm định của Barridoff khẳng định đây là "đồ thật" thì dư luận vẫn lên tiếng chỉ trích, trong đó có một trong những người họ hàng gia đình họa sĩ lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt. Sau đó, nhà đấu giá Barridoff cũng lặng lẽ gỡ tranh xuống, dù Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Singapore không hề lên tiếng...

Tất cả những việc làm tích cực, vô tư của giới họa sĩ, phê bình mỹ thuật, báo chí thời gian qua đã cho thấy một sự đồng thuận trong việc bảo vệ một nền "mỹ thuật sạch" và minh bạch. Điều này chắc hẳn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật nước nhà đồng thời tạo uy tín, niềm tin với công chúng quốc tế đối với mỹ thuật Việt Nam, sau nhiều lần "mất điểm" vì nạn tranh giả, tranh nhái hoành hành.

Nguyệt Hà
.
.