Đáp ứng mong mỏi của người dân

Thứ Sáu, 02/07/2021, 16:29
Tuần qua, Bộ Công an đã tổng kết việc triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân. Đây là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại.


Kết quả này là sự nỗ lực, chỉ đạo rất quyết liệt, sâu sát, sáng tạo của đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công an; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành, tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và sự ủng hộ tích cực của người dân cả nước. 

Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Công an tỉnh Sơn La tổ chức cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử.

2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân sẵn sàng kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 33/63 UBND các tỉnh, thành phố để xác thực thông tin công dân phục vụ giải quyết 236 thủ tục hành chính, đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước về dân cư, bỏ bớt những giấy tờ không cần thiết trong thực hiện các thủ tục hành chính... Khi đó, việc đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… sẽ được tích hợp.

Trong cuộc đời của mỗi con người, ít nhất cũng có một lần phải đến cơ quan công quyền. Nếu như có một cuộc điều tra xã hội học về nhận xét của mỗi người sau lần phải đến “cửa quan” ấy, thì dám chắc không lấy gì làm dễ chịu, số người thực sự hài lòng về thái độ, cung cách làm việc của các cán bộ ở đó không nhiều. Hay cho câu “Cán bộ Nhà nước là công bộc, là đầy tớ của Nhân dân”, nhưng hình như ở không ít địa phương, nhiều cơ quan, người dân thấp cổ bé họng vẫn đang bị "hành" là chính. Nếu không phải người thân, quen của cán bộ cấp xã, phường, cấp quận, huyện… việc lo thủ tục giấy tờ cứ phải đợi dài dài.

Phải chăng, những cán bộ này không thuộc nội quy của cơ quan được in rất rõ ngay lối vào trụ sở? Phải chăng, họ đã quen với cách làm việc “qua sông thì phải lụy đò”, mà họ chính là những con đò còn nặng nề tác phong hách dịch, cửa quyền? 

Một vụ hành dân điển hình khiến xã hội vô cùng bức xúc và có thể được ghi vào lịch sử nền hành chính công Việt Nam xảy ra năm 2017, khi một người dân ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội không thể khai tử cho bố đẻ của mình do cán bộ phường sách nhiễu. Cho đến khi người dân không chịu nổi phải lên tiếng và báo chí vào cuộc, vụ việc mới được giải quyết thỏa đáng. Câu nói “hành chính nghĩa là hành là chính” hay chế độ “một cửa nhưng nhiều khóa”, thật sự buồn khi nó đã in sâu trong tiềm thức người dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là một dấu mốc quan trọng, bước đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử, khi kết nối rộng rãi với các dịch vụ công và tư nhân, sẽ hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức, viên chức với doanh nghiệp, người dân, tạo một kênh giao tiếp tiện lợi, đơn giản giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước, giúp công khai, minh bạch giữa người xử lý, giải quyết dịch vụ công với người được cung cấp dịch vụ công thông qua mạng điện tử. Đến lúc đó, người dân và doanh nghiệp chỉ cần dùng điện thoại thông minh và thực hiện vài thao tác là có thể dễ dàng thực hiện các bước đăng ký thủ tục hành chính “không giấy” và tra cứu tình trạng hồ sơ. Từ đó chống được nạn cửa quyền, hách dịch, chống tiêu cực, ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.

Dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp các dữ liệu công dân, thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng/năm. Đặc biệt hơn nữa, khi 2 hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý con người; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Để thủ tục hành chính không còn… hành là chính, với  quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Bộ Công an đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào cuộc sống, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đang là điều mong mỏi của Đảng, Nhà nước, sự trông đợi và kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Hy vọng sau đây, Việt Nam sẽ nhanh chóng thực hiện được cam kết xây dựng được một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì Nhân dân phục vụ.

Cù Tất Dũng
.
.