Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra

Thứ Năm, 14/03/2019, 08:30
Hàng ngày, báo chí đề cập tới rất nhiều vụ việc bức xúc. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng thừa nhận còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết...Nói được ra những "bức xúc” chắc là vẫn tốt hơn không nói. Điều đó cho thấy tất cả mọi người đều đau đáu mong muốn những vấn đề cấp bách của xã hội, của đất nước được giải quyết theo chiều hướng tốt đẹp...


Vụ việc người dân xã Ninh Lộc, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa dựng lều, cử người túc trực 24/24 giờ để thực hiện kiểm đếm xe qua Trạm thu phí Ninh Lộc, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, đòi hỏi tính minh bạch của hoạt động thu phí đang thu hút rất nhiều sự quan quan tâm của dư luận xã hội. Việc làm này có được phép hay không, có vi phạm pháp luật hay không chúng ta chưa bàn tới. Một câu hỏi đặt ra là tại sao trước những vấn đề “bức xúc, nhức nhối” ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của người dân, lẽ ra phải được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời thì lại để người dân phải “tự xử” như vậy?

Hàng ngày, báo chí đề cập tới rất nhiều vụ việc bức xúc. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng thừa nhận còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết. Người dân thường xuyên than phiền về bức xúc và cả trên diễn đàn Quốc hội, ta cũng thường nghe nhiều vị đại biểu nói nhiều điều bức xúc. Nói được ra những "bức xúc” chắc là vẫn tốt hơn không nói. Điều đó cho thấy tất cả mọi người đều đau đáu mong muốn những vấn đề cấp bách của xã hội, của đất nước được giải quyết theo chiều hướng tốt đẹp. Nhưng con đường từ “nói lên bức xúc" đến chỗ "giải quyết những bức xúc" vẫn còn xa.

Không hiếm gặp trường hợp người dân phản ánh, kiến nghị giải quyết khúc mắc trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; yêu cầu xử lý ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước từ khu công nghiệp thải ra không qua xử lý; tình trạng xe quá khổ, quá tải băm nát những con đường khiến giao thông đi lại khó khăn dẫn đến tai nạn chết người… thì cán bộ, công chức vẫn đủng đỉnh làm theo đúng "chủ trương", đúng "quy trình" với những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà…

Đến thời hạn trả lời công dân thì xã bảo đã gửi lên huyện, huyện nói đã báo cáo sở, sở trả lời đang chờ chủ trương ở trên. Từ những việc làm như vậy, đội ngũ cán bộ, công chức đang tự xây những bức tường ngăn cách mình với nhân dân. Người dân thấp cổ bé họng chỉ còn cách chịu đựng và mòn mỏi chờ đợi. Đến khi không thể kiên nhẫn được nữa thì người dân đã phải tự mình giải quyết những bức xúc đó!

Việc tự thành lập tổ giám sát của người dân xã Ninh Lộc cho thấy sự thiếu tin tưởng của người dân vào các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng như trách nhiệm của hệ thống chính quyền. Cũng từ việc làm tự phát kiểu này, nhiều nơi, người dân đã tập hợp đông người, làm rào chặn xe ôtô không cho lưu thông gây ách tắc, cản trở giao thông; ngăn không cho công nhân vào làm việc ở các công ty gây ô nhiễm môi trường; căng băng rôn phải đối việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng chưa đúng, chưa thỏa đáng; lấn sâu thêm vào việc đối đầu với chính quyền là những khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp…

Những việc làm này đã gây xáo trộn cuộc sống, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự ở địa phương. Nhưng nguy hiểm hơn là trong lúc rối ren, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị đã thừa cơ biến sự việc nhỏ thành mâu thuẫn, từ đó kêu gọi, xúi giục, kích động người dân đẩy mạnh trào lưu “tự xử” và nhiều người dân thiếu hiểu biết đã gây xô xát với các lực lượng chức năng, vô tình vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chống người thi hành công vụ.

Từ những sự việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, khi người dân đã có tâm làm việc tốt, dám lên tiếng với vụ việc, hiện tượng tiêu cực, thiếu công khai, minh bạch đáng lẽ chính quyền, các cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh, cùng tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc để người dân đỡ bức xúc và cần phải lan tỏa những hành động đẹp đó ra cả cộng đồng, từ đó góp phần khích lệ các cá nhân khác trong xã hội nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng một xã hội minh bạch tiến tới xây dựng Chính phủ liêm chính, chính quyền vì dân thì ngược lại, họ lại thờ ơ, im lặng.

Trước cái mới, lạ chưa hiểu đầy đủ thì thường mọi người phản ứng theo hiệu ứng đám đông. Do vậy, ở đâu các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền xây dựng và thực hiện chính sách tốt, hài hòa các lợi ích, đặc biệt là những việc có lợi cho dân thì ở đó dân đồng tình ủng hộ và không bao giờ thấy “dân giận” đến mức phải “tự xử”. Nếu để dân phải nổi giận thì sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra và hậu quả sẽ nguy hại tới nhường nào. Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”...

“Tiên trách kỷ hậu trách nhân”, việc đầu tiên phải uốn nắn thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với nhân dân; quy định trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan công quyền trong giải quyết thỏa đáng những vướng mắc, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân và quan trọng nhất là bảo đảm được công lý không để tồn tại nhiều kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, kích động. 
Cù Tất Dũng
.
.