Còn một trách nhiệm khác

Thứ Năm, 20/05/2021, 10:14
Cộng đồng mạng đang rộ lên bàn tán xoay quanh chuyện những nghệ sỹ như Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh... đăng bài viết quảng cáo cho Dogecoin, Shiba Inu, FXT Token cùng vài loại tiền mã hoá.


Những dòng trạng thái cho thấy có vẻ như họ đang đóng vai những nhà đầu tư thông minh và mở ra một cơ hội đầu tư hấp dẫn để cộng đồng mạng “cùng làm giàu”. Nhưng khi mà các dòng trạng thái của họ thể hiện tinh thần “sao và chép”, nhiều người đã nghi ngờ rằng họ không phải nhà đầu tư gì cả mà đơn thuần chỉ là những con chim “hót thuê” cho một lực lượng trục lợi nào đó?!

Lập tức, nhóm nghệ sỹ kia đã ẩn (hoặc xoá) bài đăng. Và nếu nhìn vào cả những bài báo “rắc thính” được rải đầy trên vài trang thông tin điện tử, ai cũng có thể nhận ra đó là một màn quảng bá có lớp lang, có đầu tư đàng hoàng.

Một thông tin khác khiến nhiều người tập trung hơn sự quan tâm của mình vào thế giới tiền ảo và các sàn giao dịch trực tuyến hiện nay. Đó là sự kiện cơ quan Cảnh sát điều tra “đánh sập” 4 sàn giao dịch vàng ảo, tiền ảo trái phép là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss và hàng chục website tương tự khác có dấu hiệu lừa đảo theo phương thức đa cấp. 

Đây là một chiến công lớn và rất kịp thời của lực lượng Công an, bởi giai đoạn gần đây, khá nhiều người đã và đang bị dụ dỗ rót tiền vào các sàn giao dịch ảo này với nguy cơ mất trắng hàng ngàn tỷ đồng.

Tất nhiên, sự kiện cơ quan Công an phá án không giúp khẳng định rằng các đồng tiền ảo mà nhóm nghệ sỹ nói trên quảng cáo là tiền ảo giả nhưng nó có sức cảnh báo rất lớn đối với cộng đồng. Đã có những ý kiến nghiêm túc đòi hỏi các nghệ sỹ phải chịu trách nhiệm về hành vi quảng cáo của mình. Mỗi nghệ sỹ đều có một lượng người hâm mộ riêng rất tin vào uy tín của họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong số người hâm mộ ấy có người thiệt hại vật chất đáng kể chỉ vì tin vào các quảng cáo mà thần tượng mình lan truyền?

Song, đòi hỏi trách nhiệm đối với nghệ sỹ về tính chân thực của thông tin quảng cáo chỉ là một phần nhỏ mà thôi. Còn một trách nhiệm lớn hơn mà chúng ta chưa thấy nhắc tới. Đó chính là trách nhiệm thuế mà cụ thể là thuế thu nhập cá nhân.

Khi mạng xã hội trở thành một kênh quảng cáo, thương mại hữu hiệu, những người có khả năng lôi kéo cộng đồng luôn là điểm đến của các chiến dịch quảng bá, truyền thông. Để một nghệ sỹ, ngôi sao hạng B đăng tải một bài viết quảng cáo trên tài khoản facebook cá nhân của mình, đơn vị thực hiện chiến dịch phải chi không dưới 2 đến 3 ngàn USD. Thậm chí, có những ngôi sao hạng A, với lượt “like”, “share” (quan tâm, chia sẻ) lên tới con số chục ngàn, giá để đặt một quảng bá có thể lên tới con số trăm triệu đồng.

Nhìn vào số lượng quảng bá ấy, nhìn vào các bài viết khoe siêu nhà, siêu xe, chắc chắn cơ quan thuế cần phải có động thái để xác minh nguồn thu nhập và tính thuế. Liệu việc truy thu thuế ấy đã và đang được tiến hành đến đâu? Triệt để hay không? Có thất thoát hay không?

Cách đây 17 năm, khi bắt đầu tiến hành truy thu thuế thu nhập cá nhân, những nghệ sỹ như Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà... đã từng công khai với truyền thông con số mà họ nộp thuế. Sự công khai ấy cho thấy ý thức trách nhiệm của họ rất lớn. Còn hiện nay, thế hệ nghệ sỹ đương đại thu nhập khủng hơn thời 17 năm trước rất nhiều. Nhưng họ đóng thuế ra sao, bao nhiêu, nguồn thu nhập thế nào lại luôn là bí ẩn. Và thường thì những gì bí ẩn vẫn có thể đồng nghĩa với những gì mờ ám.

Văn Đoàn
.
.