(Đọc tập truyện ngắn “Phong lan về trời” của Phạm Việt Long, NXB Dân trí, 2020)

Ông “Bê trọc” lại thả “Phong lan về trời”

Thứ Sáu, 05/11/2021, 10:16

Nhà văn Phạm Việt Long, tác giả cuốn tiểu thuyết “Bê trọc” được bàn tán hơn 20 năm trước, lại vừa ra mắt tập truyên ngắn “Phong lan về trời”, gồm 16 câu chuyện, tập trung 2 chủ đề chính là những day trở về nhân tình thế thái trong cuộc sống hiện tại và hồi ức về cuộc chiến tranh cứu nước đã qua. Đây cũng là 2 đề tài chủ yếu trong các sáng tác văn xuôi của Phạm Việt Long từ trước tới nay.

Những day trở thời bình…

Tiếp sau cuốn tiểu thuyết “Bê trọc” về đề tài chiến tranh, Phạm Việt Long có thêm cuốn tiểu thuyết “Giã từ”, bộc lộ những thao thức, dằn vặt của tác giả trước cái xấu, cái ác trong cuộc sống thời bình. Tác phẩm miêu tả tình hình đất nước chuyển từ thời kỳ bao cấp sang cơ chế thị trường với những tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa; giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động; giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam… Đó là thái độ không khoan nhượng của một nhà văn công dân.

pham-viet-long.jpg -0
Nhà văn Phạm Việt Long.

Tập truyện ngắn “Phong lan về trời” lần này vẫn tiếp tục tinh thần ấy. 15 truyện ngắn trong phần đầu của tập truyện là 15 câu chuyện bức xúc của đời thường hiện tại. Trong truyện ngắn “Âm bản”, nhiếp ảnh gia tên Bình là người say mê thể hiện cái đẹp nhưng luôn bị cái xấu vùi dập, phải bỏ nghề để mưu sinh. Anh vay mượn để buôn bán nhưng do đen đủi thua lỗ, lại bị lừa lọc nên nợ nần đầm đìa không trả được, cuối cùng phải đi tù với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Anh đã nhận hết tù tội về mình để những bạn buôn cùng bình an vô sự. Thông qua tâm sự của Bình với đứa con gái bất hạnh, người đọc thấm thía hơn nỗi đau kiếp người và thêm trân quý người lao động chân chính. Hoặc “Vợ chồng… 6 tháng” là một tứ truyện giản dị nhưng gửi gắm trong đó là thông điệp: Hãy sống thiết tha với cuộc đời, trân trọng những gì mình đang có và yêu thương người thân khi còn có thể… Một câu chuyện cảm động giữa tình và lý, giữa cái mênh mông của tâm hồn và cái chật hẹp của luật lệ, quy ước...

Nỗi niềm ấy của nhà văn còn hướng đến cây cỏ, thiên nhiên, môi trường đang bị sự vô tâm, lòng tham và cái ác tàn phá. Câu chuyện về “nguồn gốc” số phận cây Thiết mộc lan trong truyện “Dạ hương” là một ví dụ. Đặc biệt truyện ngắn “Lánh nạn phóng sinh” nhà văn đã khẩn thiết phê phán của một mỹ tục vốn đầy tính nhân văn truyền thống đã bị biến thành một tệ nạn của thời hiện đại cũng chỉ bởi lòng tham của con người ở những khía cạnh khác nhau. Một số truyện khác trong tập, như: “Ngờ vực”; “Rắn thần”; “Chó săn, Cáo và Mèo”; “Huyền thoại đầm Bạch Liên”... cũng lên án và cảnh báo cái xấu, cái ác vẫn luôn hiện hữu trong đời sống hiện nay. Điều đáng quý là tinh thần chiến đấu ấy được xuất phát từ một tình cảm trong sáng, chân thành, nhân ái và đó là một giá trị đáng kể trong tập truyện ngắn này.

Một thời gian lao và… sống đẹp!

Tập truyện ngắn “Phong lan về trời” còn đưa người đọc trở về những năm tháng chiến tranh hào hùng bi tráng. Đó là một thời gian khổ, hi sinh nhưng thật đẹp; từ cảnh thiên nhiên nguyên sinh, rừng núi hùng vĩ… đến tình người, tình yêu nước cũng trong sáng đẹp đẽ vô cùng. Truyện ngắn được lấy làm tên chung cho tập sách, là một ký ức “đau mà đẹp” như thế. Giò phong lan rừng là biểu tượng cho tình yêu trong sáng trong bom đạn ác liệt. Giữa Trường Sơn bom đạn, giò phong lan của tình yêu đôi lứa đã phải “về trời” vì B52. Nào ngờ trong cuộc sống hòa bình hôm nay, những thứ ô nhiễm môi trường hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng còn tàn độc hơn bom đạn…

pvl3.jpg -0
Bìa tập truyện ngắn “Phong lan về trời” của nhà văn Phạm Việt Long.

Đặc biệt, truyện vừa “Hơi ấm rừng chò” chiếm gần nửa độ dày tập sách đã khai thác một góc khác của cuộc chiến tranh. Những nhân vật trong truyện, theo sự phân công của tổ chức, chỉ âm thầm làm nhiệm vụ của mình ở hậu cứ: phát rẫy, trồng khoai, tỉa lúa… và vô số công việc hậu cần phục vụ cho đồng đội ở tuyến trước. Họ ở tuyến sau, nhưng dường như chẳng có ngày nào được bình yên: Họ đói muối, sốt rét, bị những trận B52 “rải thảm” và máy bay rải chất độc hoá học ngay trên đầu. Họ ốm đau trong hoàn cảnh thiếu thuốc, ở xa bệnh viện, có lúc đành để đồng đội kiệt sức dần rồi chết trên tay mình… Những cô gái trẻ măng, hồn nhiên tắm bên suối, những tân binh từ miền Bắc mới vào chưa mấy kinh nghiệm, lơ ngơ trong lúc hành quân... đều có thể ngày mai, ngày kia bị hi sinh vì vô vàn thủ đoạn tàn độc của quân thù… Sự khủng khiếp, tàn khốc của chiến tranh chỉ dịu đi khi tình yêu lãng mạn, tươi đẹp của các cặp đôi như Hoài với Hải, như Giáo với Nhơn... được nhen nhóm, nẩy nở và bồi đắp. Và sự hi sinh của những mối tình trong chiến tranh càng tôn vinh những phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ.

Giọng văn linh hoạt

Nhà văn Phạm Việt Long nguyên là phóng viên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuốn tiểu thuyết “Bê trọc” (xuất bản năm 1999) của ông được coi là một trong những tác phẩm văn học phi hư cấu khá thành công của văn học Việt Nam hiện đại. Tác phẩm đã nhận được giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam và dựng thành phim truyền hình dài tập… Một tác phẩm văn học “kể chuyện truyền thống” mà đạt được như vậy kể cũng đã khá thành công.

Từ đó đến nay, Phạm Việt Long tiếp tục xuất bản một số tác phẩm văn xuôi đáng chú ý như: “Du khảo Hoa kỳ sau thảm họa 11-9” (bút ký, 2022), “Giã từ” (tiểu thuyết, 2007), “Bi Bi và Mặt Đen” (bộ sách truyện thiếu nhi, 2016)… Đến tập truyện “Phong lan về trời” lần này cho thấy nhà văn vẫn tiếp tục sở trường về miêu tả và kể chuyện ở một cấp độ mới. Ở phần đầu, với 15 truyện ngắn, tác giả xây dựng tác phẩm từ nhiều góc chiếu khác nhau: Khi thì dùng góc chiếu hiện thực để phản ánh chân thực cuộc sống hàng ngày, vượt lên những khó khăn về vật chất để giữ lấy định hướng của cuộc đời. Có khi, ông lại dùng góc chiếu ngụ ngôn, dùng loài vật để cảnh báo những mối nguy hại do con người gây ra. Lại có khi ông dùng góc chiếu huyền ảo nhuốm màu sắc tâm linh để cắt nghĩa “đời thực” và “giác ngộ” lẽ đời.

Đặc biệt trong truyện vừa “Hơi ấm rừng chò”, nhà văn tiếp tục thành công với những hồi ức chân thực của người từng trải qua chiến tranh suốt những tháng năm tuổi trẻ, nhưng tác giả đã không mô tả hiện thực ấy bằng giọng văn hào sảng như trong “Bê trọc” mà ta bắt gặp một lối tiếp cận khác, một tiếng nói riêng tư hơn và thấm đượm nỗi buồn nhân bản…

Ngoài lối kể bám sát đời sống thì ở tập truyện này, ta thấy Phạm Việt Long còn sử dụng yếu tố huyền ảo, nhân hóa rất “nhuyễn”. Kể cả trong truyện vừa “Hơi ấm rừng chò” là truyện viết về chiến tranh, cũng được viết khác so với “Bê trọc” gây ấn tượng trước đây của ông, đó là lối kể mạnh bạo hơn về cái riêng tư trong tình yêu, kể cả phần tính dục cũng được ông đề cập, dù nhẹ nhàng nhưng để lại ấn tượng sâu sắc, nhân văn. Tập truyện thể hiện sự đổi mới triệt để trong chính ngòi bút của nhà văn, nhiều truyện phảng phất sương khói liêu trai dẫn dụ người đọc. Nhìn chung, các truyện ngắn và truyện vừa của Phạm Việt Long trong “Phong lan về trời” đều có kết cấu khá đơn giản. Tác giả không dùng lối văn chương hoa mỹ, cầu kỳ. Sự duy mĩ của nhà văn nằm ở các hình tượng và nhân vật mà ông theo đuổi.

Là nhà báo từng trải, từng tham gia công tác quản lý văn hóa cấp Bộ, là tiến sĩ nghiên cứu và tham gia giảng dạy văn hóa bậc đại học… nên các sáng tác văn xuôi của Phạm Việt Long mang đậm hơi thở của đời sống, “chất đời” thấm đẫm trong từng trang viết của ông. Với nhiều chi tiết đầy tính ẩn dụ và có chủ ý ở một số truyện, ngòi bút của ông đã phơi bày, truy đuổi đến tận cùng cái xấu, cái ác. Dù khai thác nhiều vấn đề khác nhau, dù nói về chiến tranh hay thời bình, dù phê phán mạnh mẽ những thói hư tật xấu… thì trước sau tác giả của “Phong lan về trời” đều nhằm tụng ca cái đẹp, tình yêu thương con người và thiên nhiên, nỗi khao khát hoà bình và những tình cảm trong sáng, chân thành trong cuộc sống hôm nay.

Mai Nam Thắng
.
.