Nhớ Trinh Đường

Thứ Sáu, 22/04/2022, 16:11

Một lần, cách đây đã rất lâu, tôi còn là sinh viên trường Đại học Tổng hợp ngành Ngữ văn có gửi đến báo Văn nghệ mấy bài thơ. Gửi nhưng không hy vọng sẽ được đăng vì ngày đó đăng thơ trên tờ báo này không dễ, bởi tôi khi ấy còn là một cậu sinh viên vô danh. Thêm nữa, thơ đăng trên báo Văn nghệ khi ấy toàn là của những nhà thơ tên tuổi hoặc nếu xa lạ thì cũng phải đặc sắc lắm.

Vì thiếu tự tin nên gửi xong tôi không theo đuổi tiếp, nhưng bỗng nhiên có người bạn đọc được một bài thơ của tôi đăng trên báo này đã báo cho tôi biết. Quá vui sướng, tôi bổ ngay đến toà soạn báo thì được một người trông hom hem và phúc hậu ra tiếp. Ông tự giới thiệu là Trinh Đường, biên tập phần thơ ở báo này. Tôi thấy rất hân hạnh vì được một nhà thơ nổi tiếng ra nói chuyện với mình.

Đám sinh viên văn khoa chúng tôi không xa lạ gì tên tuổi Trinh Đường. Riêng tôi, lúc còn là học sinh lớp 10 đã viết một bài báo bình luận tập "Hoa Gạo" của ông. Nay được trực tiếp gặp Trinh Đường, lại được ông ân cần thăm hỏi, nói chuyện về thơ phú, tôi rất cảm động và khoe với ông là hồi còn học lớp 10 có mạo muội viết bài nói về tập "Hoa gạo" của ông, được đăng báo Nhân dân.

trinh đường.jpg -0
Cố nhà thơ Trinh Đường (1917-2001).

Ông nói: "Mình nhớ ra rồi. Đó là năm 1963, đọc báo Nhân dân, mình có thấy một bài nói về tập thơ của mình. Mình hỏi Phạm Lê Văn thì được biết tác giả là một em học sinh đang học lớp 10. Hóa ra là cậu đây ư?". Rồi Trinh Đường phê bình, góp ý mấy bài thơ còn lại của tôi rất thẳng thắn. Ông vạch rõ bài thì tứ thơ không mới. Bài thì tìm tòi chữ nghĩa cầu kỳ quá gây khó hiểu cho người đọc… Rồi ông hỏi tôi còn tiếp tục viết phê bình, lý luận nữa không và khích lệ tôi hãy sáng tác nhiều, thấy được thì cứ gửi đến báo, ông sẽ không bỏ sót một bài nào mà không đọc.

Chúng tôi đang nói chuyện thì có người muốn gặp Trinh Đường. Người này cũng làm thơ, tự giới thiệu là Trưởng một ty nọ từ tỉnh khác về Hà Nội chơi. Trinh Đường rất bình thản nói với ông ta: "Xin lỗi anh. Tôi đang tiếp anh bạn trẻ đây. Anh có thể trở lại gặp tôi vào đầu giờ chiều nay vì bây giờ cũng đã muộn". Vị khách nhìn đồng hồ rồi nài nỉ Trinh Đường: "Tôi chỉ gặp anh chừng nửa tiếng vì có việc rất cần". Trinh Đường lại từ tốn: "Việc chúng tôi đang trao đổi cũng rất cần. Anh bạn đây không thể đến vào lúc khác". Người khách không về ngay mà có vẻ nấn ná. Trinh Đường lại nói tiếp: "Nếu chỉ để hỏi bài vở thì xin anh hãy yên tâm là chúng tôi sẽ đọc kỹ, cứ thấy hay là đăng thôi. Anh không cần phải trở lại gặp gỡ làm chi, mất thời gian cho cả hai chúng ta". Vị khách kia bắt tay Trinh Đường có vẻ hờ hững.

Khách đi rồi, ông nói với tôi: "Mình nhận ngay ra ông bạn này. Đến đây nhiều lần rồi, gặp hết Tổng đến Phó Tổng biên tập chỉ vì một bài thơ. Các ngài ấy đều tìm cách lảng tránh. Làm Trưởng ty cứ nghĩ người ta phải đăng thơ cho mình mà không thấy còn dở òm". Vị khách kia đã đi ra cổng, nhưng nghĩ thế nào lại quay vào nói với Trinh Đường: "Đầu giờ chiều, tôi mắc họp. Xin trở lại gặp anh vào khoảng 17 giờ. Phiền anh nán lại chờ tôi". Trinh Đường đành đồng ý. Ông khách đi rồi, Trinh Đường nói: "Khổ quá! Chắc lại có ý mời mình đi ăn uống đây. Có bài thơ mà quá trịnh trọng, mất nhiều thời gian".

Quý trọng, biết ơn và có được nhiều ấn tượng đẹp về Trinh Đường ở lần gặp đầu tiên, sau đó, thỉnh thoảng tôi lại đến tòa soạn báo Văn nghệ thăm ông. Lần nào ông cũng hỏi có thơ mới gửi không. Tôi dè dặt, không dám gửi tuy thi thoảng vẫn làm thơ. Ông bảo tôi hãy tự tin, đừng hiểu nhầm báo Văn nghệ là nơi cao siêu, kiêu kỳ gì. Ngược lại, luôn mong muốn phát hiện và giới thiệu được nhiều gương mặt mới trong tất cả các lĩnh vực thơ, văn xuôi, dịch thuật, phê bình, lý luận. Ông còn dặn thêm thấy bạn nào trong lớp hoặc bất cứ ai làm thơ mà có ý muốn đăng báo thì cứ gửi đến Văn nghệ. Báo không định kiến tên tác giả nổi tiếng hay còn xa lạ. Tôi nhớ mãi câu ông nói với tôi hôm ấy: "Hãy tự tin. Để nổi tiếng thì ai cũng phải bắt đầu từ xa lạ và chịu khó miệt mài rèn luyện ngòi bút".

buổi tưởng niệm 100 năm ngày sinh và 16 năm ngày mất của tđ.jpg -0
Buổi lễ tưởng niệm 100 năm sinh và 16 năm mất của nhà thơ Trinh Đường tại quê hương ông (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).

Ra về hôm ấy, tôi nhớ mãi nhà thơ quê xứ Quảng (Trinh Đường quê ở Quảng Nam) giản dị, chân tình, luôn mở lòng đón nhận những sáng tạo dù chỉ là bước đầu của lớp trẻ chưa định hình. Tôi có quen biết nhiều người làm thơ chưa thành danh khác và đã kể chuyện với họ về Trinh Đường và nói họ hãy tìm đến ông. Sau đó, có nhiều người được ông dìu dắt, nâng đỡ, đều chung một cảm nhận về ông như tôi.

Bẵng đi nhiều năm, tôi không có dịp gặp lại Trinh Đường thì đến một ngày kia…

Lần ấy vào khoảng năm 1995 - 1996 gì đó. Lúc này tôi đang đứng đầu một cơ quan văn hóa ở Hà Nội. Một buổi sáng, Trinh Đường lọ mọ tìm đến chơi với tôi ở cơ quan đóng tại phố Hàng Buồm (Hà Nội). Bước lên tầng 3 (không có thang máy), ông thở hổn hển, chừng mệt mỏi lắm. Lúc này ông đã về hưu, đang ở tuổi 76 nhưng hom hem, yếu nhiều.

Ông cho tôi biết đang đi thu thập bài để làm một tuyển thơ gì đó. Ông nói tôi chuẩn bị gửi cho ông mấy bài vừa ý nhất, còn dặn tôi có quen biết ai làm thơ mà thấy hay thì nói họ gửi đến cho ông hoặc tôi gửi hộ họ cũng được. Tôi nói: "Đã là tuyển thì thơ chắc chắn phải hay, phải đặc biệt và tác giả cũng phải nổi tiếng trong lĩnh vực làm thơ chứ anh. Em không ở vào hai trường hợp đó thì sao có thể gửi được". "Ý trước của cậu thì đúng, còn ý sau thì cậu rất nhầm. Mình chọn bài chứ không chọn tác giả và cũng không có vấn đề bình quân chủ nghĩa. Nếu hay thì một tác giả mình có thể chọn nhiều bài. Còn nếu dở thì tác giả có tầm cỡ, nổi tiếng đến mấy mình cũng không thể dùng tác phẩm".

Nhưng sau đó, tự thấy thơ chưa có gì đặc biệt, tôi đã không nghĩ đến việc gửi thơ cho ông. Nói chuyện một lúc, ông nói mệt, đề nghị được nằm nghỉ trên chiếc đi-văng trong phòng tôi làm việc một lúc. Tôi hỏi ông có cần về nhà để nói người chở ông về. Ông bảo không cần, chỉ nằm một lúc là khỏi và còn phải tiếp tục đi tiếp đến các địa chỉ khác. Nhưng chỉ nằm chừng mươi phút, ông lại trở dậy, tiếp tục nói chuyện với tôi.

Ông nói tôi có bài gì mới thì đọc cho ông nghe. Tôi đọc mấy bài thơ tình ngắn. Ông đề nghị tôi chép ngay cho ông. Tôi lại lưỡng lự thì ông nói: "Cậu lạ nhỉ. Bao nhiêu người trao cho mình liền mấy chục bài. Cậu lại lười". "Thưa anh. Không phải em lười mà tự thấy không nên gửi đăng ở đâu vì em chỉ làm chơi, toàn thơ tình nói chuyện riêng tư. Em không dám chen chân vào tuyển tập toàn những tên tuổi lớn". "Rồi cậu sẽ thấy không phải toàn nhà thơ tên tuổi đâu. Nhiều người còn xa lạ chứ. Mình lại trông cậy nhiều ở họ đấy. Chính ở họ mới hy vọng có được những bài thơ hay, độc đáo. Cậu cứ đưa cho mình. Không vào tập thì đăng ở đâu chẳng được. Thậm chí là để mình thưởng thức một mình".

Chỉ khi ông nói vậy tôi mới chép trao cho ông. Sau đó ít lâu, lại có người cho tôi biết đã đọc được cả chùm thơ của tôi đăng trên một tờ báo không phải chuyên về văn nghệ nhưng khá trang trọng. Thì ra ông đã gửi đến toàn soạn tờ báo kia. Cũng sau một vài tuần, ông lại đến tìm tôi tại cơ quan để đưa khoản tiền nhuận bút. Tôi nghĩ sau khi về hưu, ông làm hợp đồng cho tờ báo này, giúp họ lo phần văn nghệ. Nhưng ông nói không phải vậy, chỉ là thấy nếu không đăng thì phí nên đã đưa đến để tờ báo kia đăng. Điều này chứng tỏ ông rất có uy tín, có tiếng nói thuyết phục đối với tờ báo này. Trưa hôm đó, tôi mời ông ở lại để ra quán uống bia, liên hoan vui vẻ với nhau. Nhưng ông từ chối, nói là phải kiêng bia rượu và không ăn uống nhiều, rồi cáo biệt ra về. Không rõ ông nói thật hay tế nhị khước từ, không muốn tôi mất thời gian.

Sau lần ấy, tôi không bao giờ gặp lại được Trinh Đường nữa. Đến cuối năm 2001, sau mấy tháng xa nhà, lúc trở về, tôi nghe tin ông đã qua đời được mấy tháng (ông mất ngày 28/9/2001). Tôi ngậm ngùi nhớ tiếc ông - một nhà thơ chân chính, tâm huyết, nhất là đối với các thế hệ sau, đàn con, em - đã không mệt mỏi để vô tư khích lệ, dìu dắt họ bước vào nghiệp thơ. Hình như cái tuyển tập thơ mà ông theo đuổi trước đó đã không kịp hoàn thành.

Nguyễn Đình San
.
.