Dạo chơi bên miệng hố tử thần

Thứ Năm, 08/10/2020, 10:25
Pleiku vào mùa hoa dã quỳ. Giữa tháng mười, hoa chúm chím những đốm lửa vàng nhấp nhô theo các con dốc đi về thành phố Pleiku. Trong sương mờ bảng lảng tôi bỗng nhớ đến câu thơ của nữ sĩ Hương Lan đã viết: “Dã quỳ vàng mà em ngỡ hoàng hôn rơi”. Người dẫn đường nói sẽ giới thiệu cho chúng tôi không phải một “Pleiku má đỏ môi hồng” mà là những núi lửa đã làm nên hồn cốt Pleiku.


Ngọn núi lửa chìm Biển Hồ

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi tại Biển Hồ. Mọi người ngơ ngác hỏi núi lửa đâu. Anh Vinh, người dẫn đường chỉ tay về phía Biển Hồ đầy sương giăng. Hóa ra Biển Hồ chính là một núi lửa bị sụt lún cách đây hàng triệu năm. Một núi lửa (âm) đã chết tạo nên vùng hồ rộng 250ha. 

Anh nói khi mùa nước lên mặt Biển Hồ rộng tới hơn 400ha. Mùa dông bão gió thổi mạnh làm sóng hồ cuồn cuộn dựng sóng như ngoài biển khơi. Lúc này mấy lán trại trên sườn núi bám quanh hồ cũng bắt đầu rộn ràng lời ca. Cả một rừng hoa lau sáng bừng mặt hồ mênh mông. Tiếng đàn ghi ta đâu đó vang lên chậm rãi gợi nhớ đến một thuở hồng hoang của xứ sở này. Đó là câu chuyện cổ tích xa xưa…

Tảng đá cột mốc tọa độ đỉnh núi lửa. Đây là khối nham thạch có niên đại hàng triệu năm tuổi. 

Biển hồ ngày đó là ba ngọn núi trong dãy núi trên độ cao 1.000 m. Người dân Gia Lai coi núi là bùa hộ mệnh với những nương rẫy mùa màng tươi tốt quanh năm. Dòng suối chảy qua với cánh đồng hoa hai bên luôn mang lại những niềm vui mỗi khi mùa về. Những chàng trai cô gái Ê Đê và Gia Lai vẫn cùng nhau tỏ tình vào những đêm trăng. Lời ca tiếng hát luôn rộn ràng trong tiếng đàn Kní da diết: “Ơ rừng nắng chiếu khắp nơi nơi/ Lá biếc xanh bao đẹp tươi/ Suối cá bơi từng đàn/ Chim trời dập dìu về từng đàn. Người người rộn ràng về theo nhau…”. 

Những khúc dân ca Gia Lai đã ra đời như thế. Vậy mà bỗng một ngày nọ trời tối sầm, ba ngọn núi biến mất để lại một khoảng trống đen thăm thẳm không thấy đáy. Bản làng cùng những người dân cũng mất hút trong biển đen vô tận. Đó là sự đổ vỡ bí ẩn của ngọn núi lửa. Nó bừng cháy trong chốc lát rồi cả ba ngọn núi bị sụt lún trong dòng dung nham trôi ngầm dưới lòng đất. 

Mọi người quanh vùng khóc thương đau xót cho những người thân. Nhưng rồi đất xung quanh thung lũng đen bỗng đỏ hồng trở lại. Nước suối đổ vào cùng nước mắt của người Gia Lai. Biển hồ hình thành từ đó. Người ta còn nói Biển Hồ không đáy, nếu bỏ một quả bưởi xuống nó sẽ trôi ra tận biển Quy Nhơn. 

Nhưng rồi ông trời bịt đáy hồ lại để cho nước nguồn dâng đầy. Hồ có nơi sâu tới 40m. Dân Gia Lai bám quanh hồ sinh sống. Họ lại lên núi làm rẫy. Đất đỏ bazan bao la xung quanh trở thành những vườn cây cà phê và trà cho đến ngày nay. Biển Hồ đã cung cấp nước cho thành phố Pleiku và là vựa cá lớn cho khắp vùng Tây Nguyên. Đó chính là “Đôi mắt Pleiku” luôn luôn vang lên với niềm vui bất tận. 

Lúc này anh Vinh cho đội văn nghệ biểu diễn. Một chàng trai ngạo nghễ bước ra với chiếc tù và trong tay. Anh thổi lên khúc ca gọi bạn tình. Âm thanh vang vọng khắp núi rừng. Rồi chàng cất tiếng: “Em đẹp thế Pleiku ơi!/ Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/ Không dám nhìn vào đôi mắt ấy/ Đôi mắt Pleiku –Biển Hồ đầy…”. (Nguyễn Cường). Chính vì thế Biển Hồ được coi là viên ngọc quý của Pleiku.

Một bi kịch tình yêu

Câu chuyện về núi lửa chìm Biển Hồ được tiếp tục với một sự tích kỳ lạ khác. Anh Vinh dẫn chúng tôi rời thành phố chừng 8 cây số về phía Nam rồi dừng lại trước một ngọn núi bên quốc lộ. Đó là núi Hàm Rồng. Anh nói đây cũng là một ngọn núi lửa (nổi) đã tắt hàng triệu năm trước. Hiện núi trở thành một địa thế quan trọng cho quân đội. Nhưng nó vẫn hoàn nguyên là một cái phễu xanh khổng lồ nhìn từ trên cao. 

Sinh hoạt của người Gia Lai dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya.

Diện tích của chân núi rộng chừng 250 ha gần bằng diện tích mặt Biển Hồ. Có nhà địa chất nói vui nếu lật úp núi Hàm Rồng xuống Biển Hồ là vừa khít. Âm dương hòa hợp. Khi lên tới miệng núi lửa cao chừng 200 m chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước phong cảnh thật diệu kỳ. Trong lòng chảo núi lửa là cánh đồng rau xanh mướt. Những đàn bướm bay tung tỏa bên sườn núi hoa cải vàng tươi. Gió ào ạt tràn xuống từ rừng cây. Cánh đồng cà chua đỏ lựng khoe sắc lật tung những cánh lá xum xuê. 

Một chiến sĩ trong đơn vị đóng trên núi dẫn đường cho biết quanh năm rau hoa xanh tốt không cần tưới bón gì. Những người nông dân chỉ việc lên trồng và đến vụ là thu hoạch. Lộc trời đã ban cho người Gia Lai như thế đó.

Nhưng bất ngờ chúng tôi được nghe anh Vinh kể lại chuyện bi tình sử mà người Gia Lai vẫn truyền tụng về ngọn núi này. Đó là mối tình của chàng trai Ralan Ly nghèo khó và cô gái xinh đẹp Hđrông. 

Cuộc tình không tới và bị chia rẽ bởi nàng Hđrông là con của một tù trưởng giầu có và nổi tiếng tàn ác. Vượt qua mọi rào cản đôi tình nhân đã thề nguyện cùng chết nếu không lấy được nhau. Họ hẹn non thề biển. Hai trái tim hòa cùng một nhịp yêu thương say đắm. 

Thấy vậy tù trưởng nổi cơn giận dữ và ra lệnh bắt giam con gái. Ralan Ly lòng như lửa đốt. Ngày đêm chàng trông ngóng người yêu. Trong ngục thất nàng Hđrông cũng thắt ruột thắt gan vì khao khát gặp lại bạn tình. Như thần giao cách cảm mách bảo. Một hôm Ralan Ly ra suối ngóng chờ người yêu như mọi khi thì bất ngờ Hđrông xuất hiện. Nàng đã tìm cách trốn khỏi nhà.

Lập tức cả hai bỏ chạy. Một ngày họ leo núi. Cả đêm họ vượt thác ghềnh suối sâu. Rồi hôm sau một đồng cỏ hiện ra. Họ ôm nhau mừng rỡ vì đã chạy thoát khỏi làng. Nhưng không ngờ có tiếng ngựa hý và xích sắt vang lên. Sau mấy ngày đêm quân lính của tù trưởng đã phát hiện và tấn công vào chỗ trú của đôi tình nhân. 

Hai người chạy lên núi chống trả quyết liệt. Trong tay họ chỉ có đá và cành cây đối chọi lại. Bất ngờ có một mũi tên lao vút về phía Ralan Ly. Nhưng nàng Hđrông đã lao tới lấy thân mình chặn mũi tên để cứu người yêu. Mũi tên tẩm thuốc độc. Hđrông chỉ kịp trao nụ hôn cuối cùng cho Ralan rồi ngất lịm. 

Rừng núi gầm lên trong bão tố ập đến. Sấm sét nổ ầm ỳ trong nỗi đau khôn cùng. Chàng trai bế thốc người yêu đi trong gió táp mưa sa. Cứ thế chàng băng rừng vượt núi trở về. Vào một đêm trăng sáng chàng khóc cạn nước mắt và kiệt sức gục chết bên người yêu. 

Sáng hôm sau nơi đó núi Hàm Rồng mọc lên. Người Gia Lai đã quỳ bên núi và làm lễ để tưởng nhớ đến cuộc tình sắt son này. Hàm Rồng là một biểu tượng tình yêu của người Gai Lai từ đó. Tiếng hát trong những đêm trăng luôn vang lên bên vách núi: “Anh yêu thương ơi/ Mối tình nồng nàn/ Dạt dào tim em từng ngày đêm/ Nhớ anh/ Nào có thấu chăng/ Anh ơi” (dân ca Gia Lai).

Nhảy dù trên đỉnh Chư Đăng Ya

Gia Lai còn một ngọn núi lửa nổi (dương) luôn được tổ chức lễ hội hàng năm. Đó là núi lửa Chư Đăng Ya cách Pleiku chừng gần 30 cây số. Ngọn núi lửa này còn có diện tích lớn hơn Hàm Rồng. Đất khắp triền núi và trong lòng chảo đã được chia đều cho dân làng Plơi Lagri xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Páh (Gia Lai). Họ canh tác và thu hoạch hoa màu quanh năm. Nhiều chứng tích của núi lửa còn lưu lại ở đây rất rõ nét. Đó là những tảng đá mác ma còn sót lại trong những dòng nham thạch phun trào, dân làng Plơi thường đào lên để xây tường nhà.

Nhưng thú vị nhất ở đây đã diễn ra lễ hội hoa dã quỳ vào tháng 11 hàng năm. Nơi đây là thiên đường của hoa dã quỳ. Dọc đường hơn 5 cây số từ quốc lộ vào tràn ngập màu vàng. Dường như đất đỏ của núi lửa Chư Đăng Ya đã tạo cho hoa dã quỳ một sắc vàng khác lạ. Tươi thắm hơn hoa ở vùng khác. 

Các chàng trai cô gái đến dự lễ hội rất say mê trò chơi bay dù từ trên đỉnh Chư Đăng Ya. Bởi khi đó ở dưới họ là cả một biển hoa vàng. Âm thanh cồng chiêng rộn ràng chào đón mọi người. Tiếng loa vang lên đầy phấn khích: “Hỡi những con chim đại bàng của xứ sở Chư Đăng Ya. Hãy tung cánh!”.

Vương Tâm
.
.