Những bóng giai nhân trong đời văn Nguyễn Huy Tưởng

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:30
Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là nhà văn được biết đến với danh hiệu "người chép sử bằng văn chương", tác giả của những kịch, tiểu thuyết trang nghiêm, mực thước, như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Sống mãi với Thủ đô... Nhưng ẩn sau gương mặt hiền lành, ít nói, sau những trang văn đậm chất sử thi của ông, là một trái tim đa cảm, dễ xúc động, nhất là trước những người đẹp như ông từng thổ lộ trong những trang nhật ký. 

Trước khi kết hôn với bà Trịnh Thị Uyên (ngày 7/11/1939) - người bạn đời song hành cùng những bước đường hoạt động văn chương và cách mạng, Nguyễn Huy Tưởng đã từng ôm ấp những mối tình đầu khi ông mới chớm bước vào tuổi yêu với những cảm xúc chân thành.

Nhật ký những ngày đầu năm 1938 của ông có nhiều trường đoạn dày dặn như những câu chuyện tình đầy lãng mạn. Không giống với những văn sĩ lãng mạn thể hiện tình yêu bằng những bài thơ, trang văn mùi mẫn, Nguyễn Huy Tưởng đến với tình yêu theo cách "truyền thống": viết thư, tiếp cận từ xa, qua nhà để nhìn ngắm người đẹp… với những cử chỉ dè dặt, ngại ngùng, xấu hổ, mặc dù ông đã bước sang tuổi 27 - cái tuổi mà không ít chàng trai Hà thành như ông đã dày dạn trong tình trường.

Bài viết này xin được nói đến hai trong số những bóng hồng đã trở thành "nhân vật" trong bộ Nhật ký từng được công bố của Nguyễn Huy Tưởng, những người có lẽ gây nhiều cảm xúc nhất cho đời sống tình cảm khá thâm trầm của ông, thậm chí còn đi vào những tác phẩm ông viết sau này.

Cô hàng xén Cổ Loa

Nguyễn Huy Tưởng gặp cô hàng xén trong một lần tình cờ về quê khi hai người cùng xuống một ga tàu. Người con gái thôn quê, nước da trắng trẻo, đôi mắt tình tứ ngay lập tức đã lọt vào mắt xanh của chàng trai đang khát tình: "Từ ngày tôi gặp ở ga Đầu Cầu một người con gái nhà quê, mũm mĩm với nước da rất trắng, với đôi vú cực đẹp, với đôi mắt cực lẳng, rồi tôi thấy nàng xuống ga Xuân Kiều, nhìn lại tôi khi tôi đứng ở cửa ga nhìn nàng, rồi tôi thấy nàng đi về phía Cổ Loa, rồi sau tôi biết rằng nàng buôn bán hàng xén ở chợ Sa, từ ngày ấy tôi cứ vớ vẩn nghĩ cách tán tỉnh con người ngon ấy" (Nhật ký, 28/3/1938).

Viết là… làm, từ đấy, Nguyễn Huy Tưởng quyết tâm theo đuổi, mặc dù ông biết sẽ bị những dị nghị, đàm tiếu: "Tôi về đến chợ trong lòng rộn rực, để xe đạp gửi nhà người quen… Tôi thấy làm thẹn rằng một người con giai như tôi ở ngay thành phố Hanoi, không tán tỉnh được một người con gái tân thời, lại lặn lội về tận nhà quê, chim chuột!".

Mặc cho sự băn khoăn, khát khao gặp gỡ người con gái "mũm mĩm" ấy đã giúp Nguyễn Huy Tưởng mạnh bạo tiếp cận nàng trong một không gian mang đậm nét quê - Chợ Sa: "Tôi tuy ít nói nhưng cũng tán được vài câu. Sau hết tôi vớ lấy quyển sách, để bức thư vào đó, và vứt vào nàng, cùng một lúc tôi giả tiền diêm thuốc. Đột nhiên tôi thấy nàng đẹp vô cùng. Cả ngày hôm ấy tôi sung sướng, nhất là lúc nghĩ đến cảnh nàng dộn dịp, nóng ruột mong cho hết buổi chợ để xem thư, đến cảnh nàng đọc thư tôi, buổi tối, dưới ngọn đèn con, rồi mơ tưởng đến tôi, muốn đến với tôi mà còn ngại ngùng. Tôi chờ đợi nàng, và mong mỏi ngày sung sướng".

Và cái ngày "sung sướng" đã đến khi người con gái hàng xén đáp lại lời tỏ tình của ông. Nguyễn Huy Tưởng không giấu nổi niềm vui sướng khi lần đầu được cảm nhận hương vị tình yêu: "Tôi đem hết tấm lòng yêu, xen lẫn lòng cám ơn, trút vào cô Nhân, cô con gái bán hàng xén ở Cổ Loa. Nàng yêu tôi, nàng thành thực, nàng ngoan ngoãn, nàng kính phục tôi.

Tôi còn nhớ một hôm vào Cổ Loa, gặp nàng đang cua cỏ, nàng thấy tôi, ra ngồi ngoài bờ ruộng, bỏ cả công việc để nói chuyện. Ôi! Nhân! Nhân! Tôi hình dung thân hình đều đặn và gợi dục của nàng, tôi nhớ cái cười rất lỗng của nàng, nước da tuyệt trắng và cái mồm rất tươi. Ta muốn yêu và yêu nàng. Nhân! Nhân! Ta muốn vì nàng làm một cuốn truyện để nhớ tấm lòng yêu thanh khiết của nàng đối với ta" (16/11/1938).

Nhưng rồi, công việc mòn mỏi nơi sở Đoan, đồng lương còm cõi, gia cảnh bần hàn, những lo lắng về cơm áo gạo tiền khiến cho những lần đi lại, tìm đến chợ Sa ngày một thưa dần. Rồi một năm nọ, người con gái đi lấy chồng để lại trong trái tim Nguyễn Huy Tưởng những tiếc nuối, sầu vương: "Cô Nhân, cô hàng xén ở Cổ Loa đã đi lấy chồng. Cô là cả cái năm ngoái của tôi. Tôi nhắc tới cô như nhắc tới cái thời đã qua, không trở lại nữa. Tôi thấy nhớ, thấy tiếc, tôi ngẩn ngơ, tôi thấy cái trẻ một lùi, cái già một tiến; tôi thấy tiếc cái buổi ngây thơ - mới năm ngoái tôi gặp nàng, gặp ở Đầu Cầu - khi nàng gánh hàng ra tầu, tôi cảm nàng với đôi mắt cực sáng và lẳng, ngực rất nở, da rất trắng… Thôi, thế là hết. Hết một cách lặng lẽ, nhưng âm thầm, một câu chuyện tình, nó mở từ đầu năm ngoái, và nó kết thúc vào đầu năm nay. Bây giờ có về đến chợ, tôi sẽ chỉ thấy trơ những người chế giễu, mà bóng nàng thì khuất hẳn, mất hẳn. Nhân có còn âm hưởng gì trong lòng ta nữa không?" (23/2/1939).

Câu hỏi "Nhân có còn âm hưởng gì trong lòng ta nữa không?" khó có câu trả lời chính xác, chỉ biết rằng trong những sáng tác sau này của nhà văn có nhân vật Nhân - cô gái làng hoa Ngọc Hà trong những ngày Hà Nội kháng chiến vẫn băng mình qua bom đạn mang gạo, rau và cả hoa vào tiếp tế cho các chiến sĩ đánh Tây. Đó là một hình ảnh đẹp của tiểu thuyết và truyện phim Nguyễn Huy Tưởng về Hà Nội Liên khu I mà tên cô chắc chắn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên…

Cô bé Hàng Vôi

Bước sang tuổi 27, Nguyễn Huy Tưởng ý thức rõ về sự trôi chảy của thời gian, ông khao khát có một bóng giai nhân để bầu bạn, tâm sự sẻ chia, khơi nguồn cho sáng tác. Ông từng bộc bạch: "Lòng của cái người 27 tuổi là tôi này, rộng quá như cái nhà bỏ không, chưa có tình yêu nó như đồ đạc làm cho êm đềm và có sinh thú. Tôi khao khát tình yêu, tôi muốn yêu một cách nồng nàn: tôi quá khô khan mà chỉ nụ cười, giọng nói của một người con gái có thể làm tươi tốt được" (13/9/1938).

Bấy giờ Nguyễn Huy Tưởng làm thư ký nhà Đoan. Một lần trên đường từ sở về nhà, ông bất chợt gặp ánh mắt của người thiếu nữ khi nhìn lên gác của ngôi nhà bên phố. Đó không phải một ánh mắt bất kỳ mà của một "cố nhân": "Tôi đã gặp nàng. Người con gái mà năm 1936 tôi không để ý đến một chút nào, nay đã chiếm hết cả linh hồn tôi. Chiều về thường qua phố Hàng Vôi, nhìn lên gác một ngôi nhà to thấy một thiếu nữ nhỏ nhắn đang lấy tay chỉ tôi, và cười một thứ cười trong trẻo. Tôi thẹn và cắm đầu rảo bước đi…

Người thiếu nữ ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, tôi yêu nàng. Hình ảnh của nàng bao phen bị lung lay, trong địa phận lòng tôi, từ đó hoàn toàn đứng vững, và cái chủ quyền thần thánh ấy một ngày một được kính trọng hơn lên… Tôi yêu nàng một cách thành thực, không vì tư lợi; tôi yêu vì nàng là nàng, và trong đời tôi, tôi chỉ yêu nàng với quả tim thanh khiết… Nàng qua như đem một luồng gió thơm tho thổi vào tôi, và quét hết bụi trần. Tôi lại muốn làm văn, làm sách, tôi muốn làm cho xong bộ Ngọc Khánh và Mộng Mai và gửi tặng nàng một cuốn… Có lúc ngông cuồng, tôi lại muốn tìm đến nàng, hỏi cho được tên nàng rồi thôi - để lấy tên nàng đặt cho cuốn sách hay trong tiểu thuyết mà tôi sẽ làm" (28/7/1938).

Hình ảnh cô bé Hàng Vôi trở đi trở lại nhiều trong những trang Nhật ký. Vẻ yêu kiều của nàng được Nguyễn Huy Tưởng diễn tả bằng những xúc cảm mạnh của một trái tim yêu. Ông ví mối tình của mình dành cho cô bé Hàng Vôi cũng mãnh liệt, thành thực, nồng cháy như tình cảm của thi sĩ Ý Dante mà ông thần tượng: "Tôi mơ màng nghĩ đến cô gái ở phố Hàng Vôi của tôi! Tôi tưởng đến Dante, nhà thi hào Ý đã yêu nàng Béatrix một cách ngấm ngầm và thâm trầm đến suốt đời. Tôi muốn thành kính yêu người con gái Hàng Vôi của tôi, suốt đời không quên và tôi đặt nàng lên địa vị thánh thần" (20/10/1938).

Nhưng vì yêu đơn phương, không có cơ hội (hay không dám?) gặp gỡ trực tiếp, để nhắn gửi những yêu thương, mong nhớ, nên nhiều đêm chàng công chức Hà Thành mất ăn mất ngủ, trằn trọc, băn khoăn với những cung bậc cảm xúc: khi nhớ nhung, lúc hờn ghen và đôi khi lo sợ, sợ một ngày nào đó nàng sẽ quên chàng theo bóng tình lang.

Bà Trịnh Thị Uyên - Vợ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng các con.

Ngày 6/2/1939 là một ngày đáng nhớ của Nguyễn Huy Tưởng với người con gái chưa biết tên: "Gặp em bé Hàng Vôi/ và tìm thấy nhà em/ 21 rue de la Citadelle [phố Đường Thành]/ ngày 6 fevrier vào khoảng 5 giờ chiều/ một ngày kỷ niệm. Tôi ví tôi như một con chim rã cánh được nàng chữa cho lại được vùng vẫy bay xa. Về tôi định làm một bài thơ ví nàng như một nữ thần qua trong tâm trí tôi, thì bao nhiêu những hình ảnh con gái khác lả tả rơi hết. Tôi vui vẻ, và định làm một bài thơ đề là Nhất điểm linh đài, trong đấy tôi sẽ tả tình của tôi một cách chân thật với em bé Hàng Vôi".

Chưa biết tên nhưng đã biết nhà nàng, thế là đủ để Nguyễn Huy Tưởng ngắm nhìn nàng từ xa với con mắt nhuộm đỏ sắc tình. Vẻ đẹp của người thiếu nữ với ánh mắt gợi tình làm trái tim Nguyễn Huy Tưởng xao động. Nhà văn ví nàng như một tác phẩm tuyệt mĩ mà suốt đời ông muốn vươn tới, chiếm lĩnh: "Nàng chẳng đẹp, nhưng nàng trông nho nhã, quý phái. Người nàng là một tác phẩm hoàn toàn. Mắt nàng sâu xa huyền bí. Nàng nhìn tôi, nàng có nhận ra tôi không? Nàng tên là gì? Tôi đã yêu nàng, một cách thầm kín. Nàng là hình ảnh của tất cả cái hay, cái đẹp, nàng là tất cả tuổi thanh niên của tôi với cái vui, cái mát, cái tươi, cái thơm của nó. Nàng là nàng, của tôi, hoàn toàn của tôi. Nàng là tất cả cái tinh khiết, tất cả cái nên thơ" (8/3/1939).

Nhưng cũng giống như nhiều mối tình khác của Nguyễn Huy Tưởng, cô bé Hàng Vôi dù đã để lại ấn tượng sâu đậm nhưng cuối cùng ông cũng không dám tìm gặp, tán tỉnh, mà chỉ giấu kín trong lòng hình bóng của người thiếu nữ Hà thành đài các, ngây thơ, trong sáng.

Trong Nhật ký, Nguyễn Huy Tưởng còn ghi lại những cảm xúc riêng tư với những người con gái ông mới gặp lần đầu bằng những câu văn của tuổi thanh niên, vừa chân thành, nồng nhiệt, vừa có chút bông lơn, khôi hài. Chẳng hạn khi gặp người con gái cùng cha đi chợ phiên, Nguyễn Huy Tưởng đã miêu tả vẻ đẹp của nàng bằng những câu văn giàu hình ảnh: "Một em gái vào khoảng 14-15 tuổi, thanh lịch, quý phái, nho nhã, đẹp lạ lùng, đi với bố chơi Chợ Phiên. Tôi đã gặp nàng một lần ở hội chợ, và đã được dịp thưởng ngoạn cái sắc đẹp mơ màng ấy. Nhưng hôm nay thì nàng đẹp quá chừng, vừa huyền bí, vừa ngây thơ. Mắt nàng huyền ảo như đêm sáng trăng, êm ái như chiều thu, âm thầm như bóng tối; mặt trái xoan đều đặn, và sáng sủa như gương… Người nàng thon nhưng không cứng, nó uyển chuyển, đường cong mềm mại và dịu dàng... Tôi ác nghiệt đến như tưởng nàng chết, mà mình đào mả nàng đem cái thây về ướp để ngắm cái sắc đẹp tuyệt trần".

Đọc những đoạn văn diễn tả những rung động của tuổi yêu với những câu văn miêu tả giàu sức gợi cảm gợi hình, người đọc thấy ở Nguyễn Huy Tưởng một tâm hồn rộng mở với những cảm xúc hồn nhiên, chân thành, mãnh liệt. Ở con người ông, có lẽ những thèm khát ái tình cũng dạt dào, da diết, quyết liệt không kém với khát vọng và niềm đam mê sáng tạo văn chương.

*

Như vậy, với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đằng sau những tác phẩm lớn mang tính sử thi, ngợi ca lịch sử, nhân dân, Tổ quốc, là những câu chuyện đời thường, giản dị. Những trang Nhật ký mà ông có ý thức ghi chép một cách bền bỉ trong suốt những năm tháng cuộc đời đã đem đến cho người đọc những hình dung sinh động về một người nghệ sĩ đích thực. Những mối tình đầu cũng giống như những bài thơ dang dở, dù chưa kịp kết trái, đơm hoa nhưng đã mang lại cho Nguyễn Huy Tưởng những dư vị bâng khuâng, những xúc cảm ngọt ngào  kích thích năng lực sáng tạo của ông trên bước đường đến với văn chương và cách mạng…

-----------------

Chú thích: Những trích dẫn trong ngoặc kép được trích từ cuốn “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng”, tập 1, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2006.

Nguyễn Huy Phòng
.
.