Nhà văn Nguyễn Vinh Tú: Vượt lên tuổi tác

Thứ Năm, 03/05/2018, 09:14
Ông ngồi đó, lặng lẽ giữa bạn bè và thế hệ hậu sinh nhưng tôi biết, trong tâm hồn ông ngập tràn niềm vui, khi ở tuổi 89, ông vẫn còn ra sách và những trang viết của ông vẫn được bạn đọc đón nhận.


Nhà văn Nguyễn Vinh Tú, nhà văn thuộc thế hệ vàng của văn học cách mạng vẫn lặng lẽ sống và viết. Với ông, văn chương chính là số phận, để "vầng trăng khuất" Nguyễn Vinh Tú vẫn tỏa sáng cho đến những năm tháng cuối của cuộc đời.

Cách đây 4 năm, chúng ta có dịp đọc tác phẩm "Ách giữa đàng" của nhà văn lão thành Nguyễn Vinh Tú. Và hôm nay, khi ông đã ở ngưỡng tuổi gần 90, vẫn còn có thể ngồi giữa bạn bè, trình làng cuốn "Tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tuyển văn gồm trích đoạn các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Vinh Tú như tiểu thuyết "Khuất một vầng trăng", "Ách giữa đàng" và một số truyện ngắn "Cát bụi thao trường", "Xuất kích chuyển quân" "Tâm hồn mi ni"…

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người bạn cùng thời với ông và nhiều nhà văn thế hệ hậu sinh như nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà văn Ngô Thảo, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đều dành cho ông những lời kính trọng. Ở tuổi tri thiên mệnh này, sống đã là điều may mắn. Nhưng Nguyễn Vinh Tú không chỉ sống khỏe mạnh mà ông còn viết, còn trăn trở với văn chương.

Nhà văn Nguyễn Vinh Tú cùng vợ trong lễ ra mắt tác phẩm “Tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú”.

Ông sinh năm 1929 trên quê hương Nam Đàn - Nghệ An. Cuộc đời ông gắn bó với quân đội, từng tham gia đánh giặc ở Đồng bằng, lên Tây Bắc rồi về Hà Nội, đi theo tiếng gọi của kháng chiến. Ông thuộc lớp nhà văn đầu tiên trưởng thành trong quân đội, đã có những cống hiến cho Văn nghệ Quân đội thời kỳ sơ khởi cùng với nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Cang, Xuân Thiêm…

Khi tạp chí Văn nghệ Quân đội ra đời, ông được đăng số đầu tiên các bài "Xuất kích chuyển quân", "Vượt đường 10", "Cát bụi thao trường"… Ở thời điểm đó, Nguyễn Vinh Tú may mắn được gặp gỡ những nhà văn nổi tiếng như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, cùng hoạt động văn nghệ với họ. Ông cũng đoạt nhiều giải thưởng văn chương thời đó.

Nhưng số phận đưa đẩy Nguyễn Vinh Tú ngoặt bước sang con đường khác. Ông chuyển sang Điện ảnh Quân đội vài năm rồi ra quân, đi làm thợ đến khi về hưu. Làm thợ, Nguyễn Vinh Tú xa cách môi trường văn chương, có những khi túng đói phải cắn răng bán đàn chó của mình để sinh nhai. Con đường văn chương của Nguyễn Vinh Tú bị đứt đoạn.

Trong lời tự sự của mình ông viết: "Do bị thương hỏng một giác quan, tôi đành "Ta dại ta tìm nơi ồn ào", ai nói to tôi mới tiếp chuyện được. Lao vào lao động nặng kèm bệnh rối loạn tiêu hóa, kèm theo thành phần "lớp trên" chính cống nên tôi đành cam phận".

Nhưng con người văn chương trong Nguyễn Vinh Tú không cam phận mà nó vẫn âm ỉ cháy. Ngọn lửa văn chương đã trót nhóm trong lòng vẫn không tắt, dù cuộc đời nhọc nhằn, vất vả, thậm chỉ nếm đủ những cay đắng, thăng trầm của số phận. Văn chương, nói như nhà văn Nguyễn Văn Thọ viết về ông, "như cái ách quàng lên vai ông".

Và chỉ đến khi tận cuối đời, Nguyễn Vinh Tú chính thức cầm bút trở lại. Cách đây 10 năm, năm 2008, Nguyễn Vinh Tú cho ra mắt tiểu thuyết "Khuất một vầng trăng", và sau đó là tập truyện ngắn "Vết chân chim" và tiểu thuyết "Ách giữa đàng".

Mới đây nhất, Nhà xuất bản Hội nhà văn đã cho ra mắt "Tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú". Một sức viết đáng nể bởi ông khởi lại nghiệp viết khi đã ngoài 80, viết trong cô độc, không có ai cùng trang lứa để chia sẻ, nhiều bạn văn lứa ông đã khuất. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, người bạn cùng thời với ông chia sẻ: "Lứa nhà văn chúng tôi xuất hiện, trong đó có Nguyễn Vinh Tú, ai còn lại nay đã đều hơn 80-90 xuân.

Cái sự viết từ những ngày trẻ trung ban đầu ấy, ai cũng mong viết có đầu có đũa cả. Nhưng phải thực là tài năng, là thiên tài mới phát triển được. Nhưng chính những ảo tưởng của tầng lớp chúng tôi khi ấy tạo ra văn hóa xã hội. Khi con người ta giàu ảo tưởng, ta không coi thường nó, từ ảo tưởng ấy, sự thành công chút ít cũng là đóng góp cho văn hóa xã hội.

Sự thành công của Nguyễn Vinh Tú bạn tôi nằm ở vẻ đẹp của lao động văn chương". Một vẻ đẹp bền bỉ không bị mài khuyết bởi thời gian, thậm chí thách thức cả thời gian. "Tôi không thích đọc tiểu thuyết vì từ lâu nó bịa một cách sống sượng, đọc được 5,6 trang là bỏ. Nhưng khi đọc tiểu thuyết "Ách giữa đàng", tôi thấy mát lòng vì Nguyễn Vinh Tú đã khai thác cuộc sống trên cơ sở sự thật để làm chất liệu cho tác phẩm mình đời hơn" - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận xét khi đọc tiểu thuyết "Ách giữa đàng" của Nguyễn Vinh Tú.

Còn nhà văn Nguyễn Văn Thọ, thế hệ hậu sinh bày tỏ niềm kính trọng về đời văn của Nguyễn Vinh Tú: "Tập sách này tập hợp tuyển chọn những tác phẩm toàn phần hay trích đoạn của nhà văn già Nguyễn Vinh Tú khi ông đã tới 90 xuân. Nó làm tôi nhớ lại hình ảnh ngày ban đầu gặp ông, một người ít nói, lầm lũi ngồi trong bóng tối góc quán của một chiều sắp tàn. Chỉ thấy đôi mắt vẫn sáng lên từ góc tối, chỉ có giọng nói khi ông bàn về lòng yêu văn chương là vẫn chứa chan niềm hy vọng. Viết, chính nó giúp ông cởi bỏ hết vui buồn một đời người, tự bỏ cái ách bằng sự nỗ lực của chính mình mà chia sẻ với cuộc đời."

Cuộc đời nhiều phiền muộn, nhưng những trang văn của Nguyễn Vinh Tú vẫn đầy niềm tin yêu. Ông viết như một sự dồn nén. Tiểu thuyết "Ách giữa đàng" dày 400 trang viết về một đề tài rất thời sự, chống tham nhũng.

Thật đáng nể phục người viết ở tuổi gần 90 với dáng vóc nhỏ nhắn, khắc khổ như một lão nông ấy đã kiên trì với 400 trang viết ngồn ngộn chất liệu đời sống. Ông gửi gắm vào đó tâm huyết của mình với đất nước, với cuộc sống đương đại, với thế hệ trẻ hôm nay.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói: "Tôi thật khâm phục một người không thể nghe rõ những đối thoại hằng ngày, những âm thanh của cuộc sống mà lại viết miệt mài mà lại đời đến thế. Không dùng nhiều thủ pháp nhưng những câu chuyện trong tác phẩm khiến người đọc cảm thấy không có tính hư cấu. Tính bi hài của cuộc sống được nhà văn truyền tải một cách cuốn hút".

"Khuất một vầng trăng" là nỗi cô đơn của con người khi sống giữa thời đại mà không được thời đại vui cùng. Cuộc đời nhân vật đã bị bỏ quên dưới bầu trời. Đây là tiểu thuyết dài hơi của ông và nhận được nhiều sự đồng cảm của giới văn chương. Tập truyện ngắn "Vết chân chim" là những tiếng cười trào lộng nhiều nước mắt về những thân phận trong suốt đời sống của chính ông. Những phận người lao động bé nhỏ, những cô gái làm tiền, ông nhìn họ bằng cái nhìn nhân ái, yêu thương.

Dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn, dù viết về những lầm than, oan nghiệt, những bi kịch của thời đại ông đã từng sống nhưng Nguyễn Vinh Tú vẫn thản nhiên nhìn lại cuộc sống bằng sự sẻ chia với những số phận, những cảnh đời. Văn của ông không có sự nguyền rủa, cay độc, nó mặn vị đời như những gì ông đã trải qua. Đó là điều đáng nể ở một con người đã đi qua những ba động của lịch sử, vẫn giữ cho mình một cái nhìn tin yêu, bao dung với cuộc đời.

Vâng, ông chưa bao giờ ngừng tin yêu cuộc sống, bởi chỉ khi yêu mãnh liệt cuộc đời này, ông mới có đủ sức khỏe và tinh thần và niềm tin để viết. Văn chương, với Nguyễn Vinh Tú là cách ông trút bỏ những gánh nặng nhân gian chất chứa trong tâm hồn ông. Và đến tận những năm gần đây, ông mới trút hết. Không vì danh lợi, cũng không vì điều gì khác ngoài văn chương, những trang viết của Nguyễn Vinh Tú chất chứa nhiều nỗi niềm của thời cuộc.

Tôi vẫn bị ám ảnh bởi đôi mắt xa xăm của nhà văn Nguyễn Vinh Tú, đôi mắt hằn vết chân chim của thời gian. Đôi mắt chất chứa nhiều câu hỏi về cuộc đời, về thời cuộc. Tôi chia sẻ với suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nếu như Nguyễn Vinh Tú ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội hay Điện ảnh Quân đội thì ông sẽ liên tục được sống trong môi trường văn chương. Và nếu vậy, hẳn có lẽ ông sẽ tiến xa lắm như bao bạn đồng niên khác. Nhưng cuộc đời vốn nghiệt ngã, thử thách. Ông đã vượt qua thử thách để sống và viết, để cởi bỏ "cái ách" mà cuộc đời đã quàng lên vai ông. Âu đó cũng là hạnh phúc của một đời văn rồi.

Hứa Phương Nhi
.
.