Nhà văn Tô Hoài:

Người đích thực giang hồ xê dịch

Thứ Năm, 15/10/2015, 14:16
Nhắc đến nhà văn Tô Hoài, bạn đọc nghĩ ngay đến tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" nổi tiếng. Tôi đã đọc nhiều bài viết về ông, nhưng tôi thích nhất là bài "Tô Hoài với quan niệm con người là con người" của nhà lý luận, phê bình Nguyễn Đăng Mạnh...

Theo từ điển Bách khoa mở Wikipedia, nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, quê ở Thanh Oai, nhưng ông lớn lên ở bên ngoại thuộc làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tên thật của ông là Nguyễn Sen. Tô Hoài là tên ghép của hai địa danh, con sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức (Hà Tây cũ). Ông được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Ngoài ra ông còn được giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á - Phi, giải thưởng Bùi Xuân Phái và nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông còn được vinh danh là Công dân ưu tú của Thủ đô Hà Hội.

Nhắc đến nhà văn Tô Hoài, bạn đọc nghĩ ngay đến tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" nổi tiếng. Tôi đã đọc nhiều bài viết về ông, nhưng tôi thích nhất là bài "Tô Hoài với quan niệm con người là con người" của nhà lý luận, phê bình Nguyễn Đăng Mạnh.

Nhà văn Tô Hoài.

Theo Nguyễn Đăng Mạnh, Tô Hoài cái gì cũng biết. Không gì qua mắt ông được. Ông có những phát hiện ngộ nghĩnh, buồn cười và diễn đạt bằng một vài từ rất gọn và đích đáng. Ngoài 20 tuổi, ông xuất bản cuốn truyện "Dế Mèn phiêu lưu ký" nổi tiếng.

Ngoài 80 tuổi ông cho ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết "Ba người khác" gây chấn động dư luận. Ngày còn đi học ở quê, tôi đọc gần như thuộc lòng "Dế Mèn phiêu lưu ký", cho đến tận bây giờ tôi còn nhớ như in những bài học rút ra từ anh chàng Dế Mèn dại dột mà kiêu hãnh. Những nhân vật sinh động trong cuốn sách gắn liền với trí tưởng tượng của tuổi thơ tôi. Tôi đến với văn chương có lẽ cũng bắt đầu từ những nhân vật như thế. Trên 70 năm sáng tác, cố nhà văn Tô Hoài đã để lại một khối lượng đồ sộ gần 200 tác phẩm với nhiều thể loại. Nhưng "Dế Mèn phiêu lưu ký" luôn gắn liền với tên tuổi của ông.

Theo nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, Tô Hoài là nhà văn của đời thường, của chuyện thường, nhà văn của phong tục, kể những chuyện đời thường, những chuyện gắn với lề thói, phong tục Việt Nam rất tài tình.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng người ta nói Nguyễn Tuân là nhà văn của giang hồ xê dịch, thực ra Tô Hoài mới là người đích thực giang hồ xê dịch. Nhưng Tô Hoài giang hồ xê dịch không phải chỉ để xê dịch mà để quan sát, để lắng nghe, để thu nhận, để viết. Ông đi khắp đất nước, đi ra thế giới và ở nơi đâu ông đến đều có trong tác phẩm của ông. Vốn sinh ra trong một gia đình mà bố là thợ thủ công, bản thân Tô Hoài cũng đã từng làm rất nhiều nghề để kiếm sống, cũng nhiều lúc thất nghiệp. Những hồi ức của ông trong "Cỏ dại" với một linh hồn bơ vơ, một tuổi thơ như cỏ dại. Ông cho rằng tâm hồn thiếu nhi là thế giới "thần tiên và hồn nhiên, một đất trời, một thế giới mầu xanh, mầu xanh hy vọng của tuổi các em …".

Trò chuyện với con gái ông, tôi hình dung rằng, ông chăm sóc, dạy dỗ các con cũng tỷ mẩn, cũng nhẹ nhàng, cũng rất cụ thể và tinh tế như khi ông viết văn vậy. Khi ông tả "cung cúc như gà chạy mưa"; "lơ láo như mắt vịt"; "ngơ ngác như mặt ngỗng"; "đời xám như cái mào gà"; "vầng trăng trắng bệch như cái mẹt bánh đúc"; "ông trăng đêm ấy đỏ như miệng con mèo gào rồi lặng ngắt …"; "Cuộc sống trong ao mà những con Chẫu Chàng thỉnh thoảng ngoi lên mặt nước, đờ đẫn nhìn theo mấy cái bọt mình vừa thở"… thì ai cũng hiểu rằng ông là nhà văn của đời thường, của tuổi thơ chúng ta, của những gì mà tuổi thơ có thể hiểu được một cách sinh động, cụ thể, thấm vào máu thịt. Đó phải chăng cũng là những bài học đầu tiên, sinh động nhất mà trước hết là dành cho bạn đọc nhỏ tuổi và sau này là để cho các con ông khi tiếp xúc với thế giới xung quanh…

Từ "Dế Mèn phiêu lưu ký" đến "Ba người khác"; "Chiều chiều"; "Vợ chồng A Phủ" vân vân… tất cả các tác phẩm của ông, tôi thiển nghĩ đều thấm đẫm tính nhân văn cao cả, đều trung thực, hướng đến con người, dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào con người phải được sống đúng với bản chất của CON NGƯỜI. Đó cũng là những giá trị tư tưởng trong các tác phẩm của ông để lại cho đời sau.

Nhớ lại những ngày Hà Nội rét đến 6 độ, tôi vào Bệnh viện Hữu Nghị thăm nhà văn Tô Hoài. Khi tôi đến, ông đang phải nằm truyền dịch, ngỡ ông không nhận ra mình, nhưng khi tôi xưng tên mình và tên tờ báo Tiền Phong, ông bảo: "Vui lắm, vui lắm, đi du thuyền Hồ Tây vui lắm, lại được uống bia, bia ngon lắm…". Phải một lúc tôi mới nhớ ra, lần kỷ niệm thành lập báo, có mời một số cộng tác viên thân thiết đi dự tiệc trên du thuyền Hồ Tây.

Lần ấy, nhà văn Tô Hoài ngồi cạnh tôi, ông nói chuyện thật hài hước và dí dỏm. Người ta bảo nhà văn Tô Hoài có một trí nhớ kỳ lạ, quả không sai. Ông nheo nheo mắt nhìn tôi rồi nói rất mạch lạc: "Chín mươi tư tuổi rồi đấy, chín mươi tư …". Chín mươi tư tuổi, lại đang nằm trên giường bệnh mà còn nhớ được như vậy quả là xưa nay hiếm. Thế mà chỉ mấy tuần sau, ông đã đi, đi về cõi vĩnh hằng.

Trước đó, mấy lần tôi gọi điện cho Sông Thao, con gái ông đang làm biên tập ở Nhà xuất bản Kim Đồng để hỏi chuyện. Sông Thao rất tận tình tuy cô rất bận, bận việc cơ quan, bận việc nhà, lại đang lo chăm sóc bố nằm trong bệnh viện. Sông Thao kể rằng kỷ niệm về bố thì nhiều, nhưng cô nhớ nhất là khi cô vào đại học rồi mà còn được bố mang thước, bút chì kẻ dòng cho cuốn vở học sinh của cô: "Dạo đó, vở học sinh được đóng loại giấy 5 hào 2 xu không có lề. Hôm đó em đang nằm thiu thiu ngủ thì nghe tiếng sột soạt, nhìn ra, thấy bố em lục tìm mấy cuốn vở mới đóng mang ra kẻ lề… Những lần em ốm, bố thường ngồi bên cạnh, nhiều khi bố ngồi viết vẫn cho em ôm lấy ngang lưng ông, thật ấm áp… Em cứ ôm lưng bố như thế mà ngủ…Bố thường dẫn chúng em đi xem phim, tỷ mẩn cắt móng tay cho em… Bố là tấm gương cho tất cả chúng em về sự lao động cần cù, bền bỉ không biết mệt mỏi. Cuộc đời của ông là bài học cụ thể, sinh động nhất về tính tự lực, sự vươn lên, sức sáng tạo vô tận, tự mình làm nên sự nghiệp…".

Tôi hỏi Sông Thao rằng, có phải tên em là tên một con sông không? Sông Thao nói đúng vậy, bố em lấy các địa danh ở Phú Thọ đặt tên cho các con của mình: Nguyễn Đan Hà, Nguyễn Đan Thanh, Nguyễn Sông Thao, Nguyễn Phong Vũ. Bà Nguyễn Thị Cúc, vợ nhà văn Tô Hoài kể chuyện sinh con: "Năm 1948, sinh cháu Đan Hà, hồi đó tôi mới đôi mươi, lúc tôi sinh con ông ấy không có mặt ở bên, ông chỉ kịp lên bờ hỏi tôi con gái hay con trai rồi đi. Ông ấy đi công tác với nhà thơ Tố Hữu. Mấy đứa sau cũng thế, một mình tôi gánh vác và chăm nom đằng đẵng bao năm trời ở nơi tản cư kháng chiến… Một lần có người đến tận nhà mách: Chị biết không, ông Tô Hoài có con với người khác đấy. Tôi bảo, càng tốt, càng có người đẻ hộ…".

Khi kể chuyện này, bà Cúc đã ngoài 90 tuổi. Cũng như nhiều bà mẹ Việt Nam có chồng đi kháng chiến thời ấy, bà Cúc đã tần tảo nuôi con, lo mọi việc cho chồng trong những năm gian khổ, những năm chiến tranh, những năm nhà văn Tô Hoài phải xa nhà. Bây giờ các con của ông bà đã trưởng thành, được học hành đến nơi đến chốn, có người trở thành cán bộ nhà xuất bản có uy tín như Nguyễn Sông Thao, có người trở thành nhà báo như Nguyễn Phong Vũ.

Theo Nguyễn Sông Thao, ông bà hiện nay đã có 6 cháu, 4 chắt. Cháu chắt của ông đều được học hành dạy dỗ đến nơi đến chốn. Con đầu của Nguyễn Sông Thao tốt nghiệp đại học, đã đi làm ở ngân hàng, con thứ hai của cô cũng đã vào đại học.

Nhà vườn Sóc Sơn 2015

Dương kỳ Anh
.
.