Gieo và gặt

Thứ Năm, 09/02/2017, 08:47
Khổng Tử từng dạy: "Nói là gieo, nghe là gặt". Trong số các nhà thơ, nhà văn mà tôi hay tiếp xúc, trong đó có Trần Ninh Hồ, tôi thường xuyên trong vai "kẻ gặt" và chợt thấy "vỡ" ra nhiều điều về thơ.


1. Trong "Thơ Việt Nam Thế kỷ 20" (thơ trữ tình) xuất bản qua Nhà xuất bản   Giáo dục năm 2005, Trần Ninh Hồ được tuyển chọn 2 tác phẩm: "Thủng thẳng với mùa xuân" và "Ai qua Uy Viễn". Trong "Thủng thẳng với mùa xuân", Trần Ninh Hồ có hai câu thật độc đáo: "Chợt ước thành đom đóm/ Vừa bay vừa giật mình". Do có thành tựu về thơ và văn, năm 2012, nhà thơ Trần Ninh Hồ đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Có lần, khi có người hỏi: "Nếu được khuyên các nhà thơ trẻ vài câu, ông sẽ khuyên thế nào?". Nhà thơ Trần Ninh Hồ trả lời: "Hãy bắt đầu từ gốc rễ (sức nghĩ), bắt đầu từ sự phong phú của đời sống và tri thức của dân tộc, nhân loại. Từ sức nghĩ sẽ tạo ra sức mạnh cho sức cảm.Bởi vì sức nghĩ là xương cốt, sức cảm là máu thịt.Hay còn gọi là mối quan hệ giữa hồn và cốt trong thơ.

Theo Thánh Thán thì nghĩ mà đến được thì đi một bước (hay là viết một từ) cũng gần cái nơi phải đến.Nghĩ mà không đến thì đi ngàn dặm (viết ngàn từ) càng xa cái nơi phải đến. Có một câu nói dường như người Á đông nào cũng biết: Đại giác thì đại mộng. Xem thế thì mọi tìm tòi chữ nghĩa, nếu chỉ dừng ở mức hình thức hoặc chỉ là hình thức, thì mới chỉ là lập lòe xanh đỏ, vẫn mang nhiều tính chất của quảng cáo hàng chợ. Chính ánh sáng trắng ngỡ như không có, mới là sự hòa nhập tuyệt vời của bảy màu căn bản. 

Những giá trị đích thực (hồn và cốt, mộng và giác) cho con người có cảm giác đứng trước sự trong trẻo trước ánh sáng trắng của khí trời. Thợ mỏ có một từ rất hay để phân biệt giữa gió trời và gió nhân tạo. Và thợ mỏ gọi gió trời là gió tươi. Nếu trong thơ mà kết hợp được ánh sáng tự nhiên và gió tươi thì không có gì lý tưởng hơn".

Khi tôi hỏi: "Cách đây gần hai trăm năm, hình như "Thần Siêu" (Nguyễn Văn Siêu) từng lên án về sự duy hình thức?", không một chút chần chừ, nhà thơ Trần Ninh Hồ trả lời ngay: "Đúng là"Thần Siêu" (Nguyễn Văn Siêu) từng trao đổi qua thư từ với "Thánh Quát"(Cao Bá Quát) như thế. 

Nội dung bức thư như sau: "Gần đây (ở Hà Thành), có một bọn tự biết mình bất tài, không thuyết phục được ai, liền sinh ra loại văn chương tắc tị và bí hiểm để hù dọa thiên hạ. Mới đầu thì kẻ ngu tin. Sau rồi, đôi kẻ có trí cũng a tòng mà đi theo. Cái sự độc hại này, xem ra còn ghê gớm hơn văn chương của bọn người không đọc sách".

Từ đây có thể suy ra: Văn chương tắc tị và bí hiểm là của những kẻ bất tài, sinh ra để hù dọa là chính, có ảnh hưởng đến những kẻ bất tài và kéo theo sự an tòng của đôi kẻ có trí.

Đó là những lời khuyên, những lời nhận xét về thơ và người làm thơ thật chí lý!

Nhà thơ Trần Ninh Hồ và nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong một lần vi hành Hà Nội.

Khi tôi hỏi: "Thế anh có mô-đi-phê ít nhiều không mà nghe thấy hiện đại vậy?", Trần Ninh Hồ khẳng định: "Không. Nên nhớ những gì thuộc về "kinh điển" thì không cũ và luôn mới đến tận hôm nay".

Nhân thể, Trần Ninh Hồ bàn thêm: "Không thể "trồng cây chuối" hoặc diễn trò "trồng cây chuối" mãi trong thơ được đâu. Trong cuộc sống, về cơ bản, người ta vẫn phải đi bằng hai chân.Trong đời và trong thơ cũng thế.Còn "trồng cây chuối" chỉ là một tiết mục được trình diễn trong rạp xiếc và chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian chóng vánh thôi".

2. Trần Ninh Hồ là người rất mê thơ Cao Bá Quát.  Ông bảo: "Cao Bá Quát là tác giả của những câu thơ tràn đầy khí phách: "Ta muốn trèo lên đỉnh núi cao ngất/ Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước; Nếu không thấy ba đào hùng tráng/ Thì biết làm sao được tấm lòng muôn dặm".

Bước lên núi Dục Thuý, ông đã cộng ông, cộng cái tôi của ông với phong cảnh bên ngoài để bật ra những câu thơ khác lạ: "Trời đất có núi ấy/ Muôn thủa có chùa này/ Phong cảnh đã kỳ tuyệt/ Lại thêm ta đến đây". Vào thời đầy những lễ giáo, những khuôn phép mà dám hạ câu: "Lại thêm ta đến đây", thì đủ biết cái cá nhân của kẻ sĩ Cao Bá Quát mạnh đến nhường nào".

Trong số những bài thơ mà Chu Thần còn để lại cho hậu thế hôm nay, "Sa hành đoản ca" là một bài thơ hay vào bậc nhất, là viên ngọc sáng giá trong kho tàng thơ ca Việt Nam. Trong bài thơ này, Cao Bá Quát đã nêu ra một tiền đề của cái giới hạn: "Bãi cát dài lại bãi cát dài - Đi (tiến) một bước như lùi một bước".                                            

Đọc một bài thơ nữa có cái tên thật giản dị ("Chiều tà, say trở về" - bản dịch nghĩa), ta thấy thi sĩ họ Cao như đang ở giữa trời đất mà viết: "Say mềm, đi không cần người đỡ/ Cả một dải sông mịt mờ những khói cùng tre/ rầm khẽ hỏi bông hoa sen: "Có đỏ bằng mặt rượu của ta không?"

Qua đây mới phát hiện thêm: Cái sự ngạo nghễ, chất chưởng, kiêu bạt đã làm ấn tượng thêm phẩm cách thi sĩ hiếm hoi trong con người nhà thơ lớn họ Cao.

Vốn hay thơ, lại yêu thơ, nhà thơ Trần Ninh Hồ bổ sung thêm cho người yêu thơ và người làm thơ những câu thơ thân phận và đầy trải nghiệm của Cao Bá Quát.

Rồi Trần Ninh Hồ đọc thêm hai bài thơ của Cao Bá Quát mà ông yêu thích:

Đời năm xe sách cũng bằng thừa
Trải mấy phong trần tóc rụng thưa
Dài ngắn so chi lòng với tóc
Rối thì cũng rối cả như tơ

và:

Biển xô cuốn núi, núi sừng sững
Non Bắc non Nam ngàn bạt ngàn
Mũ lọng mình đi bước lếch thếch
Công danh nhường ấy mấy ai nhàn
.

Cao hứng lên, ông còn đọc một bài thơ nữa:

Cả thế gian bao la có thể
Vào sống nhờ trong một câu thơ
Vậy mà khi một câu thơ lâm nạn
Cả thế gian bao la không chốn nương nhờ.

Nghe xong, nhiều người giật mình. Có người hỏi:

-  Lại của Cao Bá Quát chăng?

Thi sĩ họ Trần cười phá lên và nói rất vui:

 -  Không phải. Đây là thi phẩm "Cảm đề Cao Bá Quát" của Cao Bá…Hồ đấy.

3. Trần Ninh Hồ là người rất nhanh nhạy trong khâu biên tập thơ. Ông bảo: "Có khi chỉ bỏ một phụ âm hoặc thêm một phụ âm thôi, mà câu thơ khác hẳn. Hồi còn là Trưởng ban thơ Báo Văn nghệ, câu "Đi qua em có thấy/ Nỗi buồn còn rung cây" trong một bài thơ của Hoàng Trần Cương gửi đến, tôi sửa thành "Nỗi buồn còn run cây". Chỉ bỏ mỗi phụ âm "g" mà câu thơ hay hơn hẳn.

Còn tôi, có lần khi chuẩn bị bản thảo để cho ra đời một tập thơ mới, trong một bài thơ viết về thi sĩ Bùi Giáng, người đánh máy vô tình đánh nhầm "Ta về trong cỏ là hoa" thành "Ta về trong cỏ làm hoa". Tôi thấy sự đánh máy nhầm này thật có ích đối với tôi.Thế là tôi thay "làm" cho "là" trong câu thơ của tôi.Câu thơ cũng khác đi rất nhiều khi thêm vào phụ âm "m". Còn thêm một từ qua một hiện tượng địa lý mà thành thơ thì không ai tài như Xuân Diệu: "Trái đất ba phần tư nước mắt". Thêm từ "mắt", câu thơ trở nên có tâm trạng hẳn. Nhìn chung, cái sự bớt và thêm trong thơ, có lắm khi nó quan trọng và lạ như thế đấy".

Trần Ninh Hồ là người thông minh, hóm hỉnh.Thỉnh thoảng, ông bộc lộ mình qua việc "xuất khẩu thành chương".

Có lần, trong khi tranh thủ ăn sáng để kịp đến Văn Miếu đọc thơ trong Ngày thơ Việt Nam, ông đọc luôn:

Đói lòng, ăn bát bún riêu
Để còn kịp đến Văn Miều…đọc thơ.

Có lần đọc một tập thơ có lời tựa của một nhà thơ, ông đọc luôn:

Làm thơ là sự đã liều
Thêm người để tựa như diều đứt dây.

Lại có một người làm thơ cho in hẳn một tập thơ dày dặn và đương nhiên là rất tốn kém.Trong tập thơ, người này in rất nhiều thơ để nịnh vợ và in kèm nhiều tấm ảnh của vợ và cũng là để nịnh vợ. Khi người này tặng Trần Ninh Hồ và hỏi ông: "Thế nhà thơ đã đọc chưa và nhận xét thế nào?" Trần Ninh Hồ thủng thẳng:

Xem thơ và đọc ảnh
Thơ và ảnh như nhau
Xem thơ không thể chậm
Đọc ảnh càng phải mau.

Người làm thơ này thoạt nghe, mặt hơi tái. Sau, bình tĩnh lại, mới nói nhỏ với Trần Ninh Hồ: "Xin ông nói nhỏ thôi và đừng đụng đến tập thơ ấy nữa, kẻo vợ tôi nghe thấy thì chúng ta không còn rượu để mà uống nữa đâu".   

Có lần, trong lúc lai rai ở một quán rượu, bất chợt Trần Ninh Hồ đọc một bài thơ của cụ Trần Tế Xương:

Sơ khảo khoa này, bác cử Nhu
Thực là vừa dốt lại vừa ngu
Văn chương nào phải là đơn thuốc!
Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu!

Ông bảo: "Bài thơ này có tên là "Bác Cử Nhu" đấy. Nếu là người thẩm định  thơ, định giá thơ thì phải hết sức cẩn thận, khách quan. Không thể khuyên xằng hoặc khen xằng khen xịt được đâu. Tiếc, bây giờ có nhiều người không làm được theo lời khuyên của cụ Tú Xương nhà ta".

Đặng Huy Giang
.
.