Gã binh nhì và những người đàn bà “không hóa đá”

Thứ Bảy, 06/10/2018, 08:28
Chẳng ai dè truyện ngắn “Hồi ức của một binh nhì” viết năm 1993 lại “tự dưng” thành danh xưng, giờ nói về nhà văn Nguyễn Thế Tường bao giờ người ta cũng gọi kèm “binh nhì”.


Thực tình thì sau 4 năm quân ngũ (1971 - 1975), anh lính lái xe tăng cấp 1 Nguyễn Thế Tường trở lại giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội với quân hàm Hạ sĩ cùng thương tật 2/4. Trong những năm chiến trận, ông từng tham gia nhiều trận đánh nhưng trận “đấu tăng” diễn ra tại Cửa Việt (Quảng Trị) rạng sáng ngày 28/1/1973, trước giờ hiệp định Paris có hiệu lực vẫn là trận hào hứng nhất. Trận đó xe tăng mang số hiệu 704 do ông lái đã lập công lớn.

Tôi gặp ông lần đầu dễ cũng hơn một phần tư thế kỷ. Hồi đó tỉnh Quảng Bình mới tái lập và về lại Đồng Hới nên còn đơn giản mọi nhẽ, Nguyễn Thế Tường hay tin có bạn học cùng Tổng hợp Văn  thì vội tới chơi. Ông vội nên cẩu thả đến nỗi mỗi chân mỗi dép. Người bạn học cùng ông thấy thế nói nhỏ vào tai tôi “Tay này nhìn thế nhưng có nhiều đứa con gái thích nó”.

Hay thật đấy, chuyện Nguyễn Thế Tường ăn vận lôi thôi nhưng được nhiều chị em “mê” thì quả là…chuyện lạ. Ừ mà chuyện lạ ấy lại điều có thật mới chết chứ. Năm 1969 chàng tân sinh viên khoa Văn hình như được một "bóng hồng” trong lớp cảm mến vì cô nghe chuyện Tường đi bộ từ quê nhà ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) ra Hà Nội nhập học.

Có điều “Trái tim dù biết hát/ Nhưng tình đời dễ đâu”. Học hết năm thứ hai thì Tường có giấy gọi nhập ngũ, chàng vui vẻ lên đường nhưng lại chợt nghĩ linh tinh “Đi B lần này có mười phần chắc chín phần chết" nên liều viết thư “tỉnh tò” với cô bạn học ấy và mừng rơn khi thấy nàng hồi âm. Thế là chàng “tưng tửng” suốt 4 năm chinh chiến cho đến ngày trở lại trường học tiếp thì... con sáo đã sang sông.

Mấy năm trước nhà văn Nguyễn Thế Tường cùng mấy bạn sinh viên đồng ngũ trở lại thăm nơi từng đóng quân huấn luyện trước khi đi B ở thôn Cao Kiên, thị trấn Nhã Nam (Hà Bắc cũ, nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Hồi đó, có một cô gái làng “xinh xỉnh xình xinh” hình như có cảm tình với Tường?

Sau bốn mươi năm đằng đẵng, về thăm lại lại đúng vào bữa “người xưa” vắng nhà. Ông cùng mọi người lên xe trở về Hà Nội với tâm trạng “buồn dâng lên mắt”. Xe tới Yên Viên thì chuông điện thoại rung riết róng. Phía máy bên kia là một giọng đàn bà nghe nhớ nhớ quen quen. Người đàn bà ấy nói trong hơi thở gấp rằng bà vẫn giữ nguyên vẹn tấm áo bộ đội số 4 mà hôm chia tay ông đã tặng bà.

Nguyễn Thế Tường nửa tin nửa ngờ nhưng người ấy nói rất mong ông quay lại, giọng tha thiết lắm làm ông trào lên xúc cảm. Người ấy còn nói thêm là mình đã tự tay thêu tên người tặng lên ngực áo. Rồi “người xưa” nhắc to cái tên “Hải Triều” trên áo. Nguyễn Thế Tường nghe mà ngỡ “chết ngồi”, còn anh bạn đồng ngũ, đồng môn người vừa được “xướng danh” đang ngồi bên cạnh thì vội quay đi cố nhịn tiếng cười. Nguyễn Thế Tường bảo “Số mình toàn mừng hụt”.

Nói vui vậy thôi chứ Nguyễn Thế Tường không chỉ có cái duyên được phụ nữ “mê” mà ông luôn dành cho “chị em” một mối quan tâm duy nhất và sâu sắc. Hầu như các truyện ngắn hay tiểu thuyết của ông đều có “bóng dáng đàn bà”. Đấy “Hồi ức của một binh nhì”, truyện ngắn đầu tiên xuất bản của ông đấy, một câu chuyện về lính mà đẫm tình yêu đôi lứa.

Ông viết: “Chúng tôi đã đến, đã nói chuyện và dường như đã quen nhau từ lâu lắm rồi, đã tìm nhau lâu lắm rồi, dường như chúng tôi đã yêu nhau. Hai đội binh đều áp sát hàng rào kẽm gai, từng đôi một xoắn xuýt tâm sự - như chúng ta thường nói là không biết mệt mỏi.

Tôi mạnh dạn cầm tay "người chiến sĩ gái" dành cho tôi. Mãi đến cuối buổi, tôi mới biết được tên thật của nàng là Nụ. Lạ lùng thay, Nụ không có ý định rụt tay lại. Cổ tay Nụ tròn và mát. Tôi nhìn rất lâu vào cái cổ tay ấy rồi ngước lên thấy Nụ cười, một nét cười hiền lành và say đắm, mà sau này suốt hai mươi năm qua tôi không hề tìm thấy bất cứ ở đâu dưới gầm trời này…

Đêm ấy, khuya lắm chúng tôi mới rời nhau ra, không phải vì buồn ngủ hay mệt mỏi mà vì trời đang rạng dần…”.

Rồi đến “Gót lữ đoàn”, một truyện ngắn hay chẳng kém gì “Hồi ức của một binh nhì”, thấy ở đó một số phận người đàn bà xuyên suốt khiến người đọc chỉ mong được cùng chia sẻ “Sáng sớm, chị quẩy đôi thùng đi gánh nước.

Từ bao năm nay vẫn thế, cứ sáng sớm là chị đi gánh một đôi nước đủ dùng cả ngày đêm cho hai o cháu. Đôi thùng của chị làm bằng gỗ. Những thanh gỗ được chẻ đều nhau ghép vòng tròn bằng hai đai sắt, khít như dán. Đôi thùng mịt mù như tâm tính chị. Vui buồn không rõ, có nước hay không cũng nặng nặng, ẩm ẩm, khua mạnh cũng không kêu, để nằm thì cứ lì lì yên lặng như hai mụ cóc trộp nơi góc nhà. Nơi chị gánh nước là cái giếng trời.

Gọi “giếng trời” vì con suối chảy trên đồi xuống bỗng quẩn lại một vòng xoáy thành cái sũng nước rồi mới chảy tiếp ra ruộng. Đường đi từ nhà ra giếng phải qua một cái biền có nhiều cây duối dại, vài ngôi mộ hoang. Một thửa ruộng có đoạn bờ, ếch, nhái, chàng hương lên ngồi chầu hẫu giương mắt nhìn. Chỉ một đoạn đường mà với cái tốc độ đi của một người đàn bà quá lứa lỡ thì, hơi ngẩn ngơ như chị cũng nhớ được, quên được khối thứ. Đầu tiên chị tự hỏi, không hiểu mình gánh nước buổi sáng như thế này đã bao lâu…”.

Trong tất cả tác phẩm đã nêu, hiếm khi thấy Nguyễn Thế Tường phản ánh trực diện về cuộc chiến mà chỉ đơn thuần là những lát cắt thật nhỏ bên lề cuộc chiến như: Số phận của người đàn bà thời hậu chiến. Tình yêu nảy sinh giữa bom đạn chiến tranh hay là những ngẫm ngợi sâu xa, điều chỉ có ở những người từng tham gia chiến trận.

Sau những “Hồi ức của một binh nhì” và “Gót lữ đoàn”, Nguyễn Thế Tường lấy dòng cảm hứng “chiến trận” làm chủ đạo cho những trang viết của mình. Những “Người đàn bà không hóa đá”, “Lính giảng Kiều”, “Điều không thể mất”, “Trận đánh cuối cùng”, “Hai người lính”, “Vết thương không chảy máu”... như một sự “ngoái đầu nhìn về” quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc “lãng du” không dài lắm của một đời người”.

Ngay cả tiểu thuyết “Bến đắng”, tác phẩm được nhận Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư lần thứ V cũng là một tác phẩm viết về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.

Ở tiểu thuyết này, hình bóng của người phụ nữ được ông khắc họa “Sâu sắc và chân thực” với câu chuyện tình của ba thế hệ. Đầu tiên là mối tình của người thiếu nữ miền quê với anh giáo làng, mối tình nồng thắm mà vời vợi những nửa thế kỷ kể từ khi anh giáo ra trận cuối năm 1946, cho tới cuộc gặp lại muộn màng giữa vị tướng hồi hưu với một bà “da mồi tóc trắng”.

Tiếp đó là cô con gái của bà yêu một anh bộ đội, anh ấy đi B và nằm lại chiến trường, để khi đến tuổi 40 cô đành “liều” thực hiện “quyền làm mẹ”. Sau đó là cô cháu gái tuổi “chớm đôi mươi” cũng hẹn hò với một cậu lính sắp ra trấn đảo. Kết thúc câu chuyện là lời nói buồn buồn của người đàn bà “da mồi tóc trắng” với vị tướng già “Ba đời mẹ con bà cháu nhà em đều làm “bến đợi”, đều khăng khăng chờ”.

Nguyễn Thế Tường dạo này trầm rất nhiều, chắc là do ông sinh năm Nhâm Thìn, lứa U70, nên sinh như vậy? gặp ông trong trại sáng tác về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” ở Đại Lải, tôi nhắc toàn chuyện tếu. Nhắc thế mà thấy ông hiếm nụ cười cho dù vẫn là nét mặt xương xương ẩn dưới vành mũ phớt rất “nghệ”, hàng râu mép nhìn “điêu điêu”. Gặng mãi mới hay “cuộc chiến tranh và những gương mặt đàn bà” dù đã qua trôi hơn bốn mươi năm nhưng nó còn “dai dẳng” trong ông, thôi thúc ông không nguôi nhắc nhớ về nó.

Rồi ông nhà văn “binh nhì” gỡ kính khỏi mắt để lau, trầm ngâm mấy phút rồi vẫn cúi đầu lau kính mà chậm rãi nhả từng câu một. Giọng ông khê khê, nghe hơi làng lạc, chút nước mắt rơm rớm nơi khóe mắt: “Tôi mới rồi về lại nghĩa trang xã Tân Dân (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) để viếng người bạn cùng kíp xe tên là Hoa Xuân Toàn. Anh ấy là pháo thủ. Xe 704 của chúng tôi sau khi đã tiêu diệt 4 xe tăng địch thì hết đạn và bị tăng đối phương bắn trúng tháp pháo. Tôi là lái xe ngồi thấp lại ngay trước đầu xe nên dính ít mảnh đạn. Tôi ngỏ lời muốn lập tấm bia ghi chiến công của bạn nhưng người em của anh Toàn đã trầm giọng “Thôi anh ạ, Nhắc lại làm gì khi có những người mẹ, người vợ có con, có chồng đã bỏ mình nơi chiến trận”.

“Binh nhì” Nguyễn Thế Tường lại cúi đầu lau kính, dường như ông đang trở về với dòng hồi ức chiến trận, trở về với những người đàn bà “không hóa đá” của mình. 
Nguyễn Trọng Văn
.
.