Kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1820-2020)

Dùng "Chữ cải tiến" viết lại "Truyện Kiều", được không?

Thứ Sáu, 17/04/2020, 08:13
Việc PGS. TS Bùi Hiền chia sẻ đã hoàn thiện tác phẩm "Truyện Kiều" bằng 3 loại chữ (chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, chữ cải tiến) và mong muốn được xuất bản thành sách trong năm 2020 đã khiến dư luận băn khoăn.


"Truyện Kiều còn, tiếng ta còn

Nguyễn Du (1765-1820), tên tự Tố Như, được biết đến là đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Theo Tiến sĩ Phan Tử Phùng, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, thuộc Ban Vận động UNESCO vinh danh Nguyễn Du cho rằng, Nguyễn Du, theo đúng cách gọi của UNESCO, là Great Personality - đại danh nhân văn hóa hay vĩ nhân văn hóa.

Từ cốt truyện "Kim Vân Kiều" của Thanh Tâm Tài Nhân (người Chiết Giang thời nhà Minh, Trung Quốc), Nguyễn Du đã xúc động mà viết nên "Đoạn trường tân thanh", nghĩa là tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột. Dân gian vốn thích sự ngắn gọn để dễ nhớ nên gọi là "Truyện Kiều".

Tuy nhiên, tên gọi "Đoạn trường tân thanh" đã nói lên giá trị của tác phẩm để đời của Nguyễn Du. Về nỗi đau đứt ruột xuất phát từ hai điển cố của Trung Hoa. Điển cố thứ nhất nói về chuyện vượn mẹ nhìn đàn con bị con người hành hạ mà kêu lên một tiếng thảm thiết rồi chết. Khi mổ bụng vượn mẹ thì người ta thấy ruột đứt ra từng đoạn một. Điển cố thứ hai, vua Đường Vũ Tông rất sủng ái Mạnh Tài Nhân vì nàng hát hay múa giỏi. Nhà vua lâm bệnh nặng, nàng vào múa hát vĩnh biệt nhà vua. Khi hát xong, Mạnh Tài Nhân chết đứng. Khám tử thi của nàng thì thấy ruột đứt ra từng đoạn.

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du ở khu lưu niệm Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Vì sao Nguyễn Du đặt tên tác phẩm mình là tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột? Bởi Nguyễn Du không dịch truyện "Kim Vân Kiều" của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa ra tiếng Việt, mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt, một truyện thơ mang tư tưởng nhân văn sâu sắc của người Việt Nam về người phụ nữ. Những tư tưởng coi khinh người phụ nữ của xã hội phong kiến Trung Hoa như xem phụ nữ là món hàng để mua bán, xem trọng trinh tiết của người phụ nữ… đã bị Nguyễn Du lên án trong "Truyện Kiều".

Vào năm Canh Thìn 1820, trong lời tựa viết cho "Truyện Kiều", Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân, tức tú tài Nguyễn Đăng Tuyển (1795-1880) đã nhận xét: "Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy".

Có thể khẳng định rằng, chỉ riêng "Truyện Kiều" cũng đã đủ để lại dấu ấn của Nguyễn Du với hậu thế. Vào thời kỳ Pháp thuộc, học giả Phạm Quỳnh từng nói "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Năm 1965, tức 200 năm sau khi đại thi hào Nguyễn Du được sinh ra, trong bài thơ "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng", nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) đã bật lên xúc cảm: "Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn".

Cũng trong năm 1965, nhân có chuyến đi công tác tại các tỉnh miền Trung, nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) đã viết bài thơ "Kính gửi cụ Nguyễn Du" nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh của đại thi hào. Bài thơ có đoạn: "Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày".

Nguyễn Du tự nhận về "đứa con tinh thần" của mình là những "lời quê', "chắp nhặt", "dông dài", chỉ là để "mua vui". Nhưng 3.254 câu của "Truyện Kiều" đã thành công vượt bậc hơn cả nguyên bản "Kim Vân Kiều". Nhiều tài liệu viết rằng, sau khi Nguyễn Du viết xong "Truyện Kiều", những bạn hữu của ông đọc rồi đem khắc bản gỗ và bán tại các cửa hàng sách.

Đào Nguyên Phổ (1861-1908), một vị quan nhà Nguyễn ghi lại rằng: "Truyện giai nhân diễn thành giai tác, lại đượm hương trời càng là thêm vẻ, nên chi người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, tranh nhau sao chép đến nỗi giá giấy đắt như giấy quý Lạc Đô". Dân gian đã ví von: "Mê gì? Mê đánh tổ tôm. Mê ngựa hộ bổn, mê nôm Thúy Kiều". Và vua Tự Đức (1829-1883) rất mê "Truyện Kiều", từng nhận xét tác phẩm này là "hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu".

Năm 2015, vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới đã đánh giá "Truyện Kiều" của Nguyễn Du gồm 3.254 câu thơ lục bát là một kiệt tác văn học, với lý do tác phẩm này đã chinh phục các thế hệ công chúng trong hơn 200 năm qua. "Truyện Kiều" cũng đã được chuyển ngữ sang hơn 20 thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Anh, Nga, Pháp… với trên 35 bản dịch.

"Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"

Những việc làm "méo mó" thêm "Truyện Kiều" do đó sẽ bị dư luận phản ứng. Bởi việc này rõ ràng là sẽ hạ thấp giá trị tác phẩm văn học đã được xem là kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trên bản đồ định vị giá trị văn hóa của thế giới.

Vì phục tài đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Đăng Tuyển dù bận rộn với công việc quan trường (ông làm tới chức tri phủ Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay) cũng đã có tác phẩm "Đào hoa mộng ký tục Đoạn trường tân thanh" với tham vọng viết tiếp "Truyện Kiều". Tác phẩm lấy bối cảnh hoàn toàn ở Việt Nam, với những địa danh Việt Nam. Những nhân vật trong tác phẩm đều là kiếp sau của những nhân vật trong "Truyện Kiều".

Tác phẩm vừa viết bằng chữ Hán, vừa viết bằng chữ Nôm này hiện nay đã thất lạc một phần nội dung và ít được biết đến. Có thể qua đó thấy được rằng, sức hút của "Truyện Kiều" đối với người đương thời là quá lớn. Đến nỗi người viết lời tựa cho tác phẩm này cũng đã viết tiếp câu chuyện với tham vọng trở nên nổi tiếng.

Việc Nguyễn Đăng Tuyển sáng tác ra "Đào hoa mộng ký tục Đoạn trường tân thanh" không ảnh hưởng gì đến danh tiếng của "Truyện Kiều". Tuy nhiên, hiện nay, bắt đầu có hiện tượng "sửa" "Truyện Kiều". Chẳng hạn, vở kịch "Nguyễn Du với Kiều" do NSND Lan Hương làm đạo diễn và dàn dựng được công diễn lần đầu vào tháng 2-2012.

Nếu như nhiều sự sáng tạo và đột phá của vở kịch "Nguyễn Du với Kiều" được khán giả đón nhận thì cái kết của nó với hình ảnh nàng Thúy Kiều hóa thân thành Phật Bà nghìn mắt nghìn tay đã khiến dư luận không đồng tình. Bởi trong những câu cuối của "Truyện Kiều", Nguyễn Du đã viết rằng: "Thiện căn ở tại lòng ta". Như vậy Nguyễn Du có muốn Kiều thành Phật đâu!

Cuốn "Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng" của tác giả Đỗ Minh Xuân, do NXB Văn hóa-Thông tin ấn hành năm 2012 đã sửa hơn 1.000 chỗ trong "Truyện Kiều".  Ông Đỗ Minh Xuân lấy lý do chữ nghĩa của "Truyện Kiều" rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh… nên ông sửa lại cho phù hợp.

Tuy nhiên, việc làm này khiến dư luận lo lắng sẽ làm "méo mó" "Truyện Kiều". Chẳng hạn, câu: "Trộm nghe thơm nức hương lân/ Một nền Đồng Tước khóa Xuân hai Kiều" đã được ông kỹ sư đổi thành "Trộm nghe thơm nức hương lân/ Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều". Có nghĩa là, đài Đồng Tước mà Tào Tháo kỳ công xây lên để mong cướp được nàng tuyệt thế mỹ nhân Đại Kiều và Tiểu Kiều - vợ của Tôn Sách và Chu Du dưới ngòi bút của Nguyễn Du đã biến thành một cái buồng nhỏ nhoi và thô tục.

Bởi vậy, việc PGS. TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông, chia sẻ đã hoàn thiện tác phẩm "Truyện Kiều" bằng 3 loại chữ (chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, chữ cải tiến) và mong muốn sẽ được in thành sách trong năm 2020 đã khiến dư luận băn khoăn.

Là người có công trình cải tiến chữ quốc ngữ làm dậy sóng dư luận nhưng theo PGS. TS Bùi Hiền, chữ cải tiến "khoa học, tiết kiệm, dễ học, dễ dùng". Bởi thế, theo ông, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật, tư tưởng, văn hoá trong cả ba dạng chữ viết. Tuy nhiên, nếu xem "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến của PGS. TS Bùi Hiền, chắc hẳn nhiều người sẽ hoa mắt chóng mặt khi đọc những câu đầu tiên của Truyện Kiều: "Căm năm cow kõi wười ta/ Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau/ Cải kua một kuộk bể zâu, Nhữw diều côw qấy mà dau dớn lòw" (Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng).

"Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như" (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?). Đó là lời Nguyễn Du trong bài thơ "Ðộc Tiểu Thanh ký" của ông. Theo người viết, "khấp" là khóc nhưng cũng có thể hiểu là tưởng nhớ, là xem trọng. Bởi vậy, làm "méo mó" "Truyện Kiều" không chỉ vô tình làm giảm đi sự tôn vinh của UNESCO dành cho Đại thi hào của dân tộc Việt Nam.

Huế, ngày 4-4-2020

Nguyễn Văn Toàn
.
.