Có một “Lê Tín Nhiệm”

Thứ Ba, 23/08/2016, 08:25
Những năm gần đây, người ta thấy Lê Tiến Vượng cặm cụi tổ chức các chuyến đi thiện nguyện ở miền ngược. Vượng thấy cần là làm ngay, không bao giờ hoãn. Anh hô một tiếng, bạn bè anh em xắn tay mỗi người một việc. Làm đâu gọn đó, chính xác rõ ràng. Trong chuyến đi vùng sâu ở Võ Nhai, khi ngắm ngôi trường tiểu học Ngọc Sơn 2, xã Thần Sa của người Mông, Dao đang huếch hoác sập xệ vô phương cứu sửa chữa. Vả lại xã cũng không có tiền mà sửa...


Bạn đọc Văn nghệ Công an mười mấy năm nay đã quen với nét vẽ hào hoa của Lê Tiến Vượng trên ấn phẩm này. Các minh họa thanh thoát cho các truyện ngắn, thơ và trào lộng trên các truyện châm biếm. Ngắm lại, nét vẽ của anh đã đồng hành gần 30 năm cùng rất nhiều thế hệ thanh thiếu niên bởi anh là trưởng phòng thiết kế báo Thiếu niên Tiền Phong. Dáng cao, trán rộng, giọng nói hào sảng và nụ cười đôn hậu, một thời làm khổ không biết bao nhiêu cô gái. Nhưng thực sự anh là nghệ sĩ biết giữ tổ ấm gia đình. Vượng biết lo cho mình và lo cho người khác.

Những năm gần đây, người ta thấy Lê Tiến Vượng cặm cụi tổ chức các chuyến đi thiện nguyện ở miền ngược. Vượng thấy cần là làm ngay, không bao giờ hoãn. Anh hô một tiếng, bạn bè anh em xắn tay mỗi người một việc. Làm đâu gọn đó, chính xác rõ ràng. Trong chuyến đi vùng sâu ở Võ Nhai, khi ngắm ngôi trường tiểu học Ngọc Sơn 2, xã Thần Sa của người Mông, Dao đang huếch hoác sập xệ vô phương cứu sửa chữa. Vả lại xã cũng không có tiền mà sửa.

Vượng hứa với nhà trường sẽ giúp xây lại ngôi trường mới. Chỉ một đợt kêu gọi, được sự giúp đỡ của bạn bè và cả những nhà hảo tâm ở nước ngoài, số tiền xây ngôi trường đã đủ 200 triệu để động thổ ngay. Nhanh như thoi đưa, Tháng 8 này, ngôi trường nhỏ sẽ khánh thành với 4 phòng học. Kết quả trông rõ từng ngày. Rất phấn khởi, đồng chí Bí thư xã Lê Văn Tiến xúc động phát biểu về họa sĩ Lê Tiến Vượng đã gọi nhầm là họa sĩ Lê Tín Nhiệm.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng tại lễ động thổ Trường Tiểu học Ngọc Sơn 2, xã Thần Sa, Thái Nguyên.

Nghe thấy tên nhầm, cả đoàn và bà con ồ lên, nhưng nhầm lại mang cái lý của đồng bào Mông. Cái tên Lê Tín Nhiệm cũng không kém phần chính xác. Đó là cái tên của nhân dân đặt cho anh chứ không phải dễ mà có.

Trường đang hoàn thiện, Vượng kêu gọi ủng hộ tiếp phần nội thất. Ngay lập tức, các trang thiết bị tốt tương đương học sinh thủ đô được sắm sửa. Công ty AHCOM đã đảm trách việc này và khẳng định đồng hành cùng “Trái Tim Hồng” trong mọi dự án. Thiện nguyện đối với Vượng không chỉ là xong một việc là kết thúc mà luôn bền bỉ giúp đỡ các cơ sở đó trong tương lai.

Chắc Lê Tiến Vượng cũng không hình dung mình tình cờ lại trở thành một nhà thiện nguyện. Mọi việc tình cờ đưa đẩy và anh thêm một việc lớn trong đời. Cuộc đời của “Lê Tín Nhiệm”.

Một lần gặp lại bạn là cựu binh thời bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 80 và được nghe kể về một cựu chiến binh đã mất. Vợ của đồng đội này là chị Huyên, nuôi hai con nhỏ lại đang điều trị ung thư ở viện K. Không có tiền nên hàng ngày sống bằng cháo từ thiện của các nhà hảo tâm. Số phận mờ mịt không biết trông cậy vào đâu. Vượng đến thăm và được bác sĩ cho biết trường hợp nếu xạ trị kịp thời thì 90% cứu được. Ngay lập tức anh kêu gọi bạn bè và các Facebooker ủng hộ.

Sau khi xạ trị và mổ u xong, Vượng và nhóm thiện nguyện đưa chị Huyên về quê Ninh Bình và mua cho chị một số đồ đạc và một con bê để ổn định cuộc sống. Con bê đã thành nàng bò và đã đẻ được 3 bê con. Nhóm đã ủng hộ chị Huyên 3 lần với 200 triệu đồng. Những câu chuyện cổ tích bắt đầu từ tình đồng đội.

Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện “Trái Tim Hồng” ra đời như vậy. Một mình chủ nhiệm Lê Tiến Vượng không thể làm được, nhưng chữ tín của anh đã có sức hội tụ không nhỏ để có những cộng sự  là bạn bè, nhà hảo tâm trong nước như: Nguyễn Vinh Huỳnh, Nguyễn Ngọc Tuấn, Thanh Hằng, Lan Anh, Thanh Thúy, Anh Nguyễn Quý Nghĩa, Nam Phương, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Thị Hiền Hòa,  Đỗ Nhâm, Vũ Kim Tuyến, Hải Giang Anh, Đỗ Nhâm, Cam Hà, Vũ Thị Thắm, vợ chồng Hoa - Hợp  cùng các bạn trong CLB văn học, các thanh niên tình nguyện và CLB nghệ thuật cánh Buồm… nhà hảo tâm xa Tổ Quốc như: Ánh Tuyết, Xuyến Trần, Minh Tấn Tạ (Đức), Sharron Nguyễn (Singapore), Jessica Nam Nguyễn (Mỹ), Jonla Phạm (Canada), Nga, Thuỷ ở (Czech) Lan (Úc) cùng nhiều các nhà hảo tâm giấu tên … Rất nhiều.

Sau đó, “Trái Tim Hồng” lại giúp cháu Huy, hải Phòng. Hoàn cảnh mồ côi cả cha và mẹ nhưng vẫn học giỏi và thi đỗ đại học. Nhóm đã giúp cháu có một số đồ dùng và xe máy để đi học thuận lợi.

Ngay thủ đô cũng có những trường hợp xót xa. Ở Bồ Đề Gia Lâm, có  bốn chị em mồ côi bố, mẹ mất tích, hiện sống nhờ người bà đã ngoài 80 tuổi bán nước chè. Chị cả đang học lớp 10 bị mắc bệnh bại liệt rồi phải bỏ học. Em có khuôn mặt xinh đẹp nhưng da bọc xương, không đi lại được. Lê Tiến Vượng và Nguyễn Ngọc Tuấn đã quyên góp trên trang Facebook được hơn 30 triệu tiền thuốc men, nhiều quần áo, sách vở, quà… và một phần tiền để hỗ trợ mấy bà cháu…

Họa sĩ Lê Tiến Vượng mặc áo rét cho học sinh ở Trường Tiểu học Ngọc Sơn 2.

Ở xã Vân Hán, Thái Nguyên, có hai chị em dân tộc Nùng bị mồ côi cả cha và mẹ là Hoàng Thị Hương (Lớp 4) và Hoàng Văn Cương (lớp 2) cũng được “Trái Tim Hồng” giúp xây, sửa lại ngôi nhà cùng giường tủ bàn ghế góc học tập. Đồng thời nhóm cũng quyên góp đủ tiền chu cấp ăn học cho hai cháu đến hết cấp hai.

Cháu Nguyễn Thị Hường tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên thi đỗ đại học Bách Khoa nhưng gia đình không có tiền cho cháu đi học. Vợ chồng Vượng đến tận nhà động viên gia đình cho cháu về Hà Nội học. Mọi chi phí ăn ở học hành gia đình Vượng lo100%. Hiện Hường đã trở thành thành viên trong gia đình Vượng và là cô sinh viên năm thứ hai. Vì những việc tương tự, có những gia đình vùng sâu coi Vượng như một người ruột thịt.

Kể ra vài trường hợp khó khăn từ xa tới gần để thấy công việc của CLB “Trái Tim Hồng” đang “phủ sóng” ngày càng rộng. Năm nay, Vượng xoay hướng nhiều hơn tới các vùng xa của Điện Biên, lai Châu. Họa sĩ này cùng bạn bè sẽ xây trường mầm non ở Tuần Giáo, Điện Biên và làm một hệ thống nước sạch cho một trường dân tộc bán trú… Sẽ có một tổ chức du học sinh ở nước ngoài và quỹ học bổng của một tờ báo giúp sức.

Làm toa tàu thì dễ, làm đầu tàu cực mệt. Vượng phải dành ra không ít thời gian, tiền bạc, công sức, uy tín cá nhân… Mọi việc minh bạch thì trên dưới một lòng, gần bảo xa nghe. Đã làm là phải lên danh sách từng cái tên, từng con số thu chi củ tỷ cù tỳ. Tất cả trong một, Vượng dẫn đầu, Vượng cầu nối, Vượng tài xế, Vượng “cửu vạn”.

Đấy là chưa nói với trẻ em thì Vượng còn là một “món” được ưa thích. Vượng có tài biểu diễn kịch câm từ thời ở đội văn nghệ xung kích sư đoàn 10 cách đây hơn 30 năm. Thời thanh niên sối nổi lọt vào mắt xanh mấy vị tuyên huấn, Vượng được sung vào đội đàn ca sáo nhị sư đoàn. Ở đây, Vượng chơi guitar, sáng tác ca khúc, viết kịch bản tiểu phẩm, múa và diễn kịch câm. Thân pháp dẻo như nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ vậy. Bây giờ cái món kịch câm tưởng vô dụng lại cho các cháu Mông, Dao cười chảy nước mắt.

Mỗi khi nhận được thông tin ở đâu đó xa xôi có những hoàn cảnh đặc biệt, Vượng lại phải lên phương án quyên góp. Không chỉ là quyên đủ, đều mà còn phải thú vị nữa. Thế mới là cách làm của nghệ sĩ.

Bên cạnh sự thành đạt về vẽ và thiết kế đồ họ, Vượng còn có tài làm thơ lục bát với những vần thơ đầy tình. Vượng in một tập mang tên “Lục bát bên đời” để tặng bạn bè nhưng nó cũng không nằm ngoài kế hoạch cộng đồng của anh. Vượng mời 20 họa sĩ nổi tiếng ủng hộ những bức minh họa. Sau đó bán đấu giá những bức tranh đó cùng 500 tập thơ để gây quỹ ban đầu cho “Trái Tim Hồng”. Tranh sơn dầu, bột màu của Vượng bán đi cùng dành phần lớn cho thiện nguyện. Cách này làm sóng “tình cảm” lan tỏa hơn dự kiến.

Một số bạn bè có thế mạnh “nhà trồng được” thì có cái gì mang tặng các cháu cái đó. Có những nhà thời trang may cho các cháu hàng trăm bộ quần áo rét, sản xuất hàng trăm đôi ủng vượt đường trơn.

 Việc vác tù và với nhiều người dễ bị gia đình ca cẩm. lệnh ông sao chống được cồng bà. Nhưng may cho Vượng có một bà xã là giám đốc công ty thời trang Hải Yến lại tâm đầu ý hợp. Bà Vượng thường kè kè ông Vượng một đôi trên tất cả các chuyến lên mạn ngược.

May nữa như có vé số độc đắc, vợ chồng Lê Tiến Vượng có 2 cô con gái đã nhan sắc lại tài cao. Hai chị em Quỳnh Anh và Hương Thảo đều hết lòng ủng hộ bố mẹ trong công việc chia sẻ cộng đồng. Quỳnh Anh đã là một nhà thiết kế thời trang còn Hương Thảo đang du học tại Nhật Bản. Năm 2015, Hương Thảo vừa đoạt danh hiệu Á hậu “Miss Du học sinh toàn thế giới” đã năng nổ cùng bố, mẹ lên vùng cao làm thiện nguyện. Hương Thảo còn có tài làm ảo thuật rất khéo. Hiện nay, Hương Thảo và các bạn hướng lên giúp một điểm khó khăn ở huyện Tuần Giáo.

Tham việc như vậy, Lê Tiến Vượng chắc phải mọc đủ 3 đầu sáu tay mới làm hết. Thế mà anh vẫn cân đối được thời gian làm nghề, giao đãi bạn bè và chăm sóc cộng đồng.

Việc vác tù và không ảnh hưởng tới tiến độ của các đơn đặt hàng. Với Văn nghệ Công an, An ninh thế giới cuối tháng, Cảnh sát toàn cầu… Lê Tiến Vượng giống như chiến sĩ đội 113. Mỗi lần bài vở bị dồn ép thời gian, chỉ có đội họa sĩ cực nhanh mới minh họa trực tiếp được. Việc gấp cứ gọi Lê Tiến Vượng như đường dây nóng của minh họa.

Với độ tin cậy cao và qua thử lửa nhiều năm, có thể gọi luôn Lê Tiến Vượng là Lê Tín Nhiệm như đồng chí bí thư xã Thần Sa đã vô tình đặt tên mới cho anh.

Lê Tâm
.
.