Hoàng tửu

Thứ Ba, 17/01/2023, 14:25

Cu Tửu chợt như tỉnh rượu, cao giọng quát vào mặt Sáng, thế mà bảo đĩ điếm à! Sáng bình tĩnh nói, Én làm đĩ anh ạ. Cô ấy bán trôn nuôi miệng. Nấc lên, Cu Tửu đập cái chén vỡ tan. Giọng Sáng trầm xuống, mãi sau này em mới phát hiện ra, cô ấy cho bọn lái xe đường dài ngủ, bọn chúng trả cô bằng hàng. Sao mày không giết nó? Không, em vẫn yêu Én.

I-

Làng Đan, một làng ven núi Đan, thời gian xảy ra câu chuyện này đã ngót nghét thế kỉ, vốn rừng rú, rậm rạp. Một đêm tháng chín mùa thu, có người mẹ trẻ trở dạ, đứa bé ra đời mới có bẩy tháng tuổi, non bấy ngạt thở, tím ngắt. Mụ đỡ bảo không sống được. Người cha, một tay nấu rượu cự phách, hoàn toàn thất vọng, ôm mặt bỏ ra ngoài. Người mẹ kiệt sức, vẫn tin đứa bé còn sống, quyết cố giành giật con khỏi tay thần chết. Người mẹ tìm thấy chai rượu của cha đứa bé, uống một ngụm rồi vành môi mớm cho hài nhi từng giọt, kiên trì một cách điên cuồng. Và chuyện kì lạ đã xảy ra, đứa bé ọ ẹ khóc.

II-

Bố Cu Tửu có nghề nấu rượu gia truyền, nhưng sau một lần đi dự đám cưới về, say rượu cảm gió rồi mất. Lúc đó anh cu mới học xong cấp II. Nghe nói ông nội cũng mất do say rượu. Bố mất, Cu Tửu ở lại quê, theo đít con trâu ít năm, rồi được tuyển đi làm công nhân, ăn gạo Chính phủ. Và anh trở thành một thợ bậc cao nấu rượu lành nghề, được ông xưởng trưởng cưng chiều như con.

Quê Cu Tửu xa xưởng rượu những hơn hai chục cây số, nên được lãnh đạo xưởng bố trí ở trong một gian nhà tập thể chung với hai thanh niên độc thân, sau một người lấy vợ là gái địa phương, ra ở rể nên chỉ còn lại Cu Tửu và anh kia, tên là Sáng.

Cu Tửu có tiếng hiền lành, ai trêu hoặc đùa nghịch tai quái kiểu gì cũng chỉ cười, không hề sửng cồ tức giận với ai. Có người ác mồm nói, hiền quá hóa đần. Nhưng Cu Tửu không đần, học nghề nhanh, tiến bộ trông thấy. Làm ở công đoạn ủ rượu, cái công đoạn quan trọng vào bậc nhất để bảo đảm cho ra rượu ngon, là phải điều chỉnh giữ sao cho nhiệt độ ổn định, đúng yêu cầu. Cu Tửu có một bàn tay tuyệt vời, chỉ cần sờ vào rượu là biết nhiệt độ bao nhiêu, chuẩn hơn cả nhiệt kế.

Xưởng rượu có chế độ nhượng rượu cho cán bộ công nhân viên trong xưởng với giá gốc, nhiều người mua về, bán chui gấp đôi gấp ba giá mậu dịch. Cu Tửu cũng mua, không bán, tích lại chỉ để uống. Không hiểu sao rượu của xưởng làm ra, phân phối khắp tỉnh, tiếng vang ra cả nước, qua tay Cu Tửu lại ngon hơn lên rất nhiều. Cu Tửu uống rượu như uống trà.

Sáng sớm, trước khi đi làm, Cu Tửu lót dạ khúc sắn luộc, tráng miệng bằng một chén rượu. Mấy công nhân đi làm qua, thấy Cu Tửu xoay xoay chiếc chén đầy rượu, hít hà chưa uống ngay, bèn hỏi, chè cay à anh Cu. Ờ, còn sớm, ghé làm một chén nhé. Người công nhân thấy Cu Tửu cười, vẻ xởi lởi bèn bước lên thềm. Cu Tửu chắt cho anh ta lưng chén bảo, ngồi xuống nếm thử. Anh ta đón chén rượu đưa lên định làm một tợp, nhưng kịp dừng lại. Quái lạ, sao mà thơm, thơm hơn mùi da thịt đàn bà, không phải rượu của xưởng nhà. Rượu Cu Tửu nhấp một hớp, thấy các mạch máu chảy râm ran khắp người, bèn thốt lên, thế này mới là rượu chứ. Cu Tửu cười không nói gì.

Sau đó, tiếng đồn rượu Cu Tửu lan ra khắp xưởng. Không ít tay thợ trẻ kiếm cớ ghé qua xin Cu Tửu chén rượu. Tiếng đồn rượu Cu Tửu ngon, uống say nhưng không nhức đầu, uống xong vợ khen, vang đến tai xưởng trưởng. Một hôm ông gọi Cu Tửu lên văn phòng, hỏi người ta bảo cậu uống rượu thay trà có đúng không? Dạ, quê cháu quen thế ạ. Ông xưởng trưởng nhìn thẳng vào mắt Cu Tửu, người ta còn nói rượu của cậu ngon hơn rượu của xưởng là thế nào? Cu Tửu vò đầu, một lúc sau ấp úng, cái đó, cái đó… Ông xưởng trưởng biết tính của Cu Tửu nên không ép, chỉ nhẹ nhàng bảo, mang cho tôi một cút để kiểm tra.

Hoàng tửu -0
Minh họa: Đỗ Dũng

Tối hôm đó, Cu Tửu đem đến biếu ông xưởng trưởng hẳn một lít. Mấy ngày sau, đi kiểm tra công đoạn ủ rượu, ông xưởng trưởng nói, rượu cậu cho, uống hết rồi.

III-

Cu Tửu có vợ ở nhà quê, nhưng ngày nghỉ lễ và chủ nhật hầu như không về, trừ dịp Tết âm lịch, mọi người đùa “đồ” của vợ Cu Tửu bị để mốc. Ngày nghỉ Cu Tửu ít đi chơi, toàn bộ thời gian hí hoáy với những can rượu của mình. Thi thoảng Cu Tửu có đọc sách, đọc mỗi ''Thuỷ hử'', đọc hết lại đọc lại. Quê Sáng, người cùng nhà thì ở xa tít tận Hua Bum, Mường Tè, đường sá cách trở, tầu xe khó khăn, phải gộp phép vài ba năm mới đi một lần. Ngày nghỉ, bếp ăn tập thể cũng nghỉ, dẫn đến việc hai người góp gạo thổi cơm chung, nhưng Sáng thường bỏ đi đâu suốt ngày, thành thử Cu Tửu luôn một mình một mâm, ăn uống chiếu lệ, lấy rượu thay cơm.

Một tối chủ nhật, Sáng đi chơi về, thấy Cu Tửu vẫn vạ vật với cút rượu và quả chuối nướng nguội ngắt, bèn sà xuống ngồi cạnh, nói cho em xin chén rượu. Cu Tửu mở đôi mắt đỏ lừ, sưng húp trỏ cút rượu nói, uống bao nhiêu tự rót. Sáng tợp liền hai chén, nhìn Cu Tửu nói, hỏi thật anh, cả năm anh không về nhà, vợ nó không đi theo thằng khác à? Im lặng. Sáng hạ giọng hỏi tiếp, thế khi bí bách, anh xả nước vào đâu? Cu Tửu lắc lư toàn thân, nhưng vẫn im lặng không đáp.

Nhìn quả chuối nướng hươm vàng nhưng lạnh ngắt vẫn còn nguyên, tự nhiên Sáng thấy thèm, nuốt nước bọt. Chợt Cu Tửu bảo, thèm thì ăn đi. Sáng bẻ quả chuối lấy một nửa, tợp một hụm rượu, kiên trì đề tài cũ, em hỏi thật đấy, rồi em kể chuyện em cho mà nghe.

Nâng chén rượu lên môi, lại đặt xuống, Cu Tửu trầm ngâm, một lúc lâu bảo, mày kể chuyện mày đi, chạy như chó dái, đêm nào cũng về rõ khuya. Sáng vò đầu bứt tai, nghĩ nhanh trong bụng, bịa thế nào cho Cu Tửu tin. Sáng đặt chiếc chén không xuống, hạ giọng vẻ bí mật, anh có tin ở vùng mình đây có điếm không? Đĩ điếm ấy. Cu Tửu trố mắt, mày nói chuyện cổ tích à. Đúng anh thuộc loại mù kiến thức xã hội, Sáng lên giọng hiểu biết. Cách đây vài năm, em gặp một người phụ nữ mới ngoài ba mươi, tên là Én, bán trà chén ở quán Gốc Đa, trên con đường cái quan thông lên miền thượng du. Hơn em dăm tuổi, nhưng người đàn bà tên Én ấy còn ngon nước lắm. Em lườm chị ta một cái. Chị ta dùng tay hất mái tóc ra sau, nguýt dài, bảo nỡm ạ. Cắn câu rồi, em nghĩ, dấn tới luôn, ỡm ờ đáp lại, chớ coi thường, nỡm nhưng cứng cựa đấy. Chị ta cười, lấy giọng thân mật, xưng em ngọt xớt, anh Sáng làm ở xưởng rượu, em biết thừa. Anh có biết đi xe máy không? Tối thứ bẩy ra quán em có việc nhờ.

Cu Tửu bỗng hoạt bát hẳn lên, rót rượu vào hai chiếc chén không, ý chừng dùng rượu đưa chuyện. Sáng cầm chén của mình tợp gọn, kể tiếp, em nhìn thấy mắt Én long lanh bèn nói đồng ý. Tối hôm ấy, Sáng chở người đàn bà bán quán đến nhà trọ mà đám lái xe tải đường dài hay dừng lại nghỉ. Én xuống xe, vuốt lại mái tóc, bảo Sáng, chờ em ở đây khoảng một tiếng, em vào trong đó gặp người quen có việc, xong về ngay. Đúng một tiếng sau Én ra, nhẩy lên ngồi sau xe, vòng tay ôm eo Sáng rất chặt. Người đàn bà mở chuyện trước, anh Sáng chờ em có sốt ruột không. Sáng đáp, chờ em thì bao lâu anh cũng chờ được. Én xiết mạnh vòng tay tin cậy, anh có muốn vào thăm nhà em không, từ Gốc Đa vào chỉ nửa cây số thôi.

Vùng làng không có điện. Ngày ấy chỉ mấy cơ quan nhà nước ở thị trấn và xưởng rượu là có điện, còn toàn dùng đèn dầu. Ngôi nhà của Én ở ria làng, thấp chìm trong bóng tối. Én lúi húi tìm bao diêm thắp đèn. Quầng sáng tù mù, phải định thần một lúc lâu Sáng mới có thể nhận ra bài trí của căn nhà. Ba gian hẹp, gian trái kê một cái giường, gian giữa kê chiếc hòm khóa chuông, phía trước đặt chiếc bàn trà gỗ tạp trên bày một chiếc ấm tích và mấy cái chén, gian kia kê chiếc chõng tre, gầm để rổ bát đũa. Sáng hỏi, nhà còn ai nữa? Nhà này trước của chồng em, giờ thì là của em. Anh ngạc nhiên à? Chồng em lái xe đường Tây Bắc, bị tai nạn ở đèo Pha Đin mất hơn ba năm rồi. Mẹ chồng em mới mất. Én kể xong, đưa tay về phía Sáng, giống như một đứa trẻ cô đơn hoặc một người sắp chết chìm khua tay cầu cứu. Lòng thương cảm dâng lên, tội nghiệp Én quá, Sáng cầm tay Én lôi về phía mình.

IV-

Cu Tửu chợt như tỉnh rượu, cao giọng quát vào mặt Sáng, thế mà bảo đĩ điếm à! Sáng bình tĩnh nói, Én làm đĩ anh ạ. Cô ấy bán trôn nuôi miệng. Nấc lên, Cu Tửu đập cái chén vỡ tan. Giọng Sáng trầm xuống, mãi sau này em mới phát hiện ra, cô ấy cho bọn lái xe đường dài ngủ, bọn chúng trả cô bằng hàng. Sao mày không giết nó? Không, em vẫn yêu Én.

Kì thật! Cu Tửu nhìn Sáng đăm đăm.

….

Tết năm ấy, đợi cúng giao thừa, mẹ rủ rỉ nói với Cu Tửu, con đi làm xa, mẹ lủi thủi ở nhà, tối lửa tắt đèn một mình, đi ra thì đồi núi trập trùng, quay vào thì bếp lửa lạnh ngắt, con lấy vợ thì mẹ mới an lòng. Cúng giao thừa xong, ở đâu đó vang lên tiếng pháo nổ, Cu Tửu vái thần linh, tổ tiên, ông bà, hương hồn bố… xin hạ cỗ.

Đón giao thừa chỉ có hai mẹ con kể cũng buồn thật, Cu Tửu cẩn thận gỡ thịt đùi gà bỏ vào bát mẹ, rơm rớm nước mắt nói, con nghe lời mẹ. Chưa bao giờ cười thành tiếng, giao thừa ấy mẹ cười thành tiếng. Mẹ bảo, mồng hai mẹ đưa con đi xem mặt một đứa, hoàn cảnh giống con, cũng mất bố sớm, chúng mày sẽ yêu thương nhau.

Cô gái Cu Tửu đi xem mặt, ở ngoài xóm chợ, gần bến sông. Mỗi chợ phiên, cô đều ngồi góc chợ bán trầu cau. Mẹ mua mãi trầu cau của cô rồi quen thân nhau. Nom cô mỏng mày hay hạt, nhanh mồm nhanh miệng, Cu Tửu bèn ưng thuận. Mẹ lập tức nhờ người lo liệu công việc, cưới ngay trong dịp Tết.

Đêm động phòng thì xảy ra sự cố. Cu Tửu vào phòng sau, để đèn không tắt, leo lên giường. Cô dâu trút bỏ quần áo, nhưng chỉ trút nửa chừng, bảo Cu Tửu, mẹ anh rình nghe ngoài cửa, ra đuổi bà đi. Cu Tửu nằm im không động đậy, nghĩ bụng đời nào mẹ làm chuyện ấy. Cô vợ vùng dậy, lao ra đẩy mạnh hai cánh cửa. Mẹ Cu Tửu ngã vật, đầu đập xuống đất, đau điếng. Bà kêu ầm lên, con dâu giết tôi, con dâu giết tôi. Hoảng hốt, Cu Tửu vội vàng chạy ra, đỡ mẹ dậy, luôn mồm hỏi mẹ có làm sao không? Sao mẹ lại làm thế? Rồi khi thấy mẹ khóc thì ôm lấy mẹ, lẩm bẩm may nhà mình nền đất, không thì oan gia.

Những chuyện ấy Cu Tửu không nói với Sáng. Cả hai im lặng rất lâu. Cu Tửu trầm ngâm, lắc lư người nâng chén rượu nốc cạn, nhìn Sáng như thôi miên, cất giọng đã khê khê, rút cục thì đêm ấy mày có làm không? Sáng giật mình, sao anh Cu Tửu lại hỏi câu dở hơi thế nhỉ. Én là người đàn bà đầu tiên mà Sáng chiếm hữu. Cô nàng bảo anh cởi quần áo cho em. Sáng lóng ngóng, mãi mới cởi được chiếc áo sơ mi và chiếc áo nịt. Thật không thể tin nổi, thân thể của Én lại đẹp nhường ấy, da trắng như trứng gà bóc, cặp vú chắc chắn có thể so với vú những cô trái trẻ măng tắm truồng ở Tú Lệ, nơi có lần đi nhờ xe tải về quê Sáng đã dừng lại. Thấy Sáng ngây người ngắm cặp vú, Én giục cởi quần cho em.

Sáng thấy máu chạy rần rật hai thái dương, cái của quí dựng dậy, bèn đưa hai bàn tay bóp vú. Én chặn hai bàn tay Sáng lại, giọng hơi giận dỗi, đừng bóp, em đau. Sáng không dám nhìn xuống chỗ ngã ba của Én, loay hoay mãi, rồi đâm bừa. Một dòng nóng rực phụt ra như vỡ ống nước. Én vỗ về Sáng, bảo nằm xuống một lúc sẽ hồi phục, rồi em giúp anh.

Sáng lặp lại, em vẫn yêu Én anh ạ.

V-

Một lần bất ngờ mẹ Cu Tửu từ quê ra thăm con. Cu Tửu trải chiếu xuống nền nhà, nhường giường cho mẹ. Những lúc Cu Tửu đi làm bà lân la sang hàng xóm chơi hoặc hỏi đường đến chợ xanh gần đó, không đi đâu thì bắc ghế ngồi ở cửa phòng, sẵn sàng bắt chuyện với những người hàng xóm hoặc ai đó đi qua.

Một bà già lên bế cháu, ở gần đó mời bà sang chơi ăn trầu, thì thầm to nhỏ đủ thứ liên quan đến con cháu, đến đời tư chính mình. Bà già bế cháu hỏi, bủ xuống chơi với anh trai có được lâu không? Bà mẹ Cu Tửu nói, cũng còn tuỳ, trên quê cũng sắp đến vụ thu hoạch ngô rồi. Bà già bế cháu bảo, các nàng dâu bây giờ tệ bạc, coi bố mẹ như người ở, chăm sóc trẻ không theo ý chúng là bị mắng. Bà mẹ Cu Tửu vén quần để lộ bắp chân có mấy vệt tím, đây này con dâu nó đánh tôi, quỉ cái chứ không phải người.

Chuyện trò một lúc, bỗng hai bà già bật khóc thút thít. Cu Tửu từ xưởng về thấy mẹ mắt đỏ hoe, hỏi chuyện thì bà nói chại đi, rằng bị hạt bụi bay vào mắt.

VI-

Xưởng rượu được nâng cấp lên thành nhà máy, ông xưởng trưởng được đề bạt lên làm Phó Giám đốc phụ trách kĩ thuật.

Xưởng rượu này được xây dựng đâu từ những năm 1960, các công đoạn sản xuất đều thủ công. Mãi gần đây nghe đâu được đầu tư lớn, nên có kế hoạch mở rộng. Một hôm ông Phó Giám đốc gọi Cu Tửu lên phòng làm việc, pha một ấm trà ngon nói chuyện. Ông bảo rượu Cu Tửu nổi tiếng rồi, nhà máy này không ai không biết. Và ai cũng biết, cháu đã chưng cất lại rượu của nhà máy mà thành. Vậy cháu có thể nói cách thức làm cho bác biết không?

Cu Tửu thật thà đáp, chẳng có gì phải giấu bác, bố cháu ngày trước vẫn tự nấu rượu để uống, thành thử từ bé cháu đã biết muốn có được rượu ngon thì phải làm thế nào. Ông Phó giám đốc gật gù, gợi ý, kể xem bố cháu làm như thế nào. Vâng, Cu Tửu đáp, bố cháu mua con men về rồi tự chế lấy men, men kê đỏ. Bố cháu có một vạt đất tốt ở phía sau nhà chuyên để trồng kê đỏ, thu hoạch chọn loại tốt, cất trữ dành làm men. Men kê đỏ của bố cháu được chế ở nhiệt độ cao, cao hơn nhiệt độ làm men ở xưởng ta, cháu ước tính cỡ trên mười, mười lăm độ. Nguyên liệu để làm rượu là loại ngô Mèo, bố cháu lấy giống về trồng, ngô ấy không bán ra ngoài, không cho ai giống. Chưng cất rượu cũng ở nhiệt độ cao, tương đương với nhiệt độ làm men. Rượu cốt được chưng cất nhiều lần, được hạ thổ, để thật lâu, hàng năm trời, loại đặc biệt để lâu đến ba năm. Thứ rượu đặc biệt ấy chỉ để dùng vào ngày lễ trọng, trong gia tộc.

Ông Phó Giám đốc vỗ vai Cu Tửu ban lời khen ngợi, tốt lắm. Những lời cháu kể hôm nay bác mới được nghe. Bí quyết gia truyền là cách để lưu giữ tinh tuý nghề nghiệp, tốt nhưng không phải là thật tốt, nó hẹp như khe suối, không thể như sông, càng không thể so sánh với biển. Nó có thể mất tăm mất tích, sẽ thật đáng tiếc.

Cu Tửu há hốc mồm, những điều ông Phó Giám đốc nói quá mới mẻ. Bác nẩy ra ý nghĩ này, ông Phó Giám đốc hào hứng tiếp, bác sẽ cho cháu thời gian, dịp Tết này cháu có thể nghỉ thêm bao nhiêu cũng được, ở lại quê gặp gỡ các vị cao niên trong họ, tìm hiểu thật kĩ rồi viết lại qui trình nấu rượu của bố cháu, trình bác xem. Hừm, viết lại qui trình nấu rượu của bố, nói thì dễ chứ làm như thế nào Cu Tửu nhất thời không thể hình dung ra. Thấy Cu Tửu ngần ngừ, ông Phó Giám đốc động viên, bác biết đối với cháu thì việc này khó, bác sẽ cử một chuyên gia giúp cháu, chúng ta sẽ xây dựng một dây chuyền công nghệ đặc biệt, sẽ biến quê cháu thành vùng nguyên liệu chuyên cung cấp để sản xuất loại rượu đặc biệt đó, sẽ đưa ra thị trường tương lai một sản phẩm mang tên vùng quê mà nó ra đời. Gọi là rượu Đan.

VII-

Đợt nghỉ Tết năm ấy, Cu Tửu trở lại nhà máy sớm hơn dự định. Đến gặp Phó Giám đốc, Cu Tửu viện lí do khó khăn ở quê chưa thể vận động để các cụ cao tuổi trong dòng họ cho phép đem bí quyết gia truyền hiến cho nhà máy, có cụ còn bảo nhà máy có mua giá cao bí quyết ấy thì cũng không bán. Ông Phó Giám đốc tỏ ý thất vọng, nhưng không phải thất vọng hoàn toàn, vì có bậc cao tuổi trong dòng họ ở Đan đã nhắc đến việc mua bán. Mà đã mua bán thì có thương lượng, thương thuyết, mặc cả, nhấc lên đặt xuống.

Nhưng bất ngờ có chuyện. Hai hôm sau, xuất hiện hai anh Công an mặc thường phục ở trên Đan xuống nhà máy, tìm đến gặp Phó Giám đốc trình giấy giới thiệu và báo một tin dữ, có lệnh bắt giam Cu Tửu. Ông Phó Giám đốc giật mình, xin các đồng chí cho biết, đồng chí Cu Tửu của chúng tôi phạm tội gì? Hai anh Công an nhìn nhau, cuối cùng thì anh lớn tuổi hơn cất tiếng, đồng chí Cu Tửu phạm tội ăn thịt người. Ông Phó Giám đốc bật cười to, nghĩ bụng hai đồng chí Công an này vui tính thật, nhưng rồi ông lập tức thu hồi tiếng cười, nom mặt họ thấy rõ sự căng thẳng, không phải chuyện đùa rồi. Lập tức ông Phó Giám đốc nghĩ đến việc bảo vệ người của mình. Ông nói, đồng chí Cu Tửu là người tốt, là thợ lành nghề bậc nhất, làm việc chăm chỉ tận tuỵ, hiền lành có tiếng xưa nay, chút nữa thì ông để lộ bí mật của nhà máy, khi định bổ sung thêm rằng, Cu Tửu đang được giao thực hiện một công trình khoa học. Ông Phó Giám đốc ề à, dây cà ra dây muống khiến hai anh Công an sốt ruột. Một anh chen vào, báo cáo đồng chí Phó Giám đốc, để tôi nói rõ sự tình. Ông Phó Giám đốc nhũn nhặn, vâng vâng xin nghe các đồng chí.

VIII-

Mồng hai Tết, mẹ Cu Tửu đi lễ chùa rồi ở lại xem hầu đồng. Ở nhà Cu Tửu vật vợ ra giường trói lại, rồi đem đến một con dao mài lưỡi mỏng như lá lúa, sắc lẻm, xuống bếp bê lên chiếc bếp dầu, trên đặt chiếc chảo nhỏ đổ sẵn mỡ đun sôi, bầy tất cả trước mặt vợ. Bị bất ngờ, yếu sức hơn không thể chống cự, hơn nữa lại bị Cu Tửu dùng dây thừng buộc vào chân giường, vợ Cu Tửu đành chỉ tức tối kêu gào chửi rủa, đến nỗi hai mắt lồi ra. Nhưng nhà hàng xóm ở xa, chửi thì tự nghe.

Cu Tửu ngồi bệt xuống đất, lôi ra từ gầm giường một chai rượu, rót uống bẩy chén liền. Đoạn cầm con dao bài trên tay chỉ vào mặt vợ, tôi hỏi cô từng việc, nếu chấp nhận thì gật đầu, ngược lại tôi sẽ xẻo thịt cô, rán uống rượu. Cô vợ lăng loàn, vốn chưa bao giờ sợ ai, nghĩ Cu Tửu chỉ doạ vậy thôi, đố dám làm bèn hét lên, tao thách đấy, thách cả hai mẹ con mày. Cu Tửu nắm chắc con dao hỏi, cô có đồng ý từ nay ngoan ngoãn, không réo mẹ tôi, tổ tiên họ hàng hang hốc nhà tôi ra chửi không? Cô vợ bướng bỉnh đáp, tao có mồm tao chửi, đứa nào nghe đứa ấy thối. Cu Tửu hua dao. Cô vợ hét lên thất thanh, mày muốn giết tao thật à? Rồi ả bật khóc, khóc hu hu. Cu Tửu mặt xám lại, nghiến răng nói, từ nay mày còn dám đánh mẹ tao nữa không? Không dám, không dám. Cô vợ nhìn lưỡi dao bài dính máu thều thào.

IX-

Đúng bữa trưa, văn phòng chuẩn bị một mâm thịnh soạn để Phó Giám đốc đãi khách. Đạp xe một chặng dài, làm việc căng thẳng, bụng đói nên hai đồng chí Công an không hề khách khí. Phó Giám đốc đem chai rượu mà Cu Tửu biếu Tết ra mời. Hai đồng chí Công an cùng khen rượu ngon, rượu ngon. Phó Giám đốc bèn nói chuyện về rượu, về duyên nợ của rượu với loài người. Hai đồng chí Công an tỏ ra thích thú, thì bất ngờ Phó Giám đốc bẻ ngoặt sang chuyện Cu Tửu, nói vụ đó cho là to thì cũng rất to, nhưng xem nhỏ cũng là rất nhỏ. Đây chỉ là chuyện chồng giáo dục vợ, chọn phương thức cực đoan, mục đích là tốt, muốn vợ tốt lên để bảo vệ giữ gìn thuần phong mĩ tục, nề nếp gia đình. Nên ủng hộ mục đích đó. Đồng chí Cu Tửu của chúng tôi mắc khuyết điểm nghiêm trọng, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, việc dọa vợ hơi nặng nhưng hậu quả không nghiêm trọng. Tôi xin các đồng chí giơ cao đánh nhẹ, chúng tôi bảo đảm với các đồng chí, sẽ giáo dục đồng chí Cu Tửu đến nơi đến chốn. Vả lại với thương tích sượt da ấy, chắc chưa đến nỗi truy cứu hình sự.

Đồng chí Công an lớn tuổi suy nghĩ một lúc rồi nói, đồng chí Phó Giám đốc nói có lí có tình, phương châm của chúng ta là trị bệnh cứu người, đồng chí viết cho tôi một tờ bảo lãnh, tôi sẽ về báo cáo cấp trên.

X-

Khi ấy vào lúc thời tiết chuyển mùa, người cảm thấy khó chịu, khó hoà hợp với hoàn cảnh. Cu Tửu đi chợ mua được ít lòng lợn, dặn Sáng tan tầm về uống rượu, nói anh với chú ở với nhau bao nhiêu năm mà chưa có lúc nào ngồi riêng, không nói chuyện đời, chỉ uống với nhau chén rượu. Những lúc khác cũng có, nhưng toàn là nhân tiện.

Buổi tối Cu Tửu trải manh chiếu ra nền nhà, trải tờ báo cũ ở giữa, bầy đĩa lòng lợn, đĩa lạc luộc, hai thứ này đều mua ở chợ. Thêm đĩa khế chua hái ở góc sân nhà máy, đĩa muối ớt thay mắm tôm. Một can rượu năm lít đầy. Sáng xoa xoa tay, nói cũng thịnh soạn ra phết, nhưng nhân dịp gì vậy anh. Cu Tửu xuề xoà, dịp gì thì dịp, nói sau. Ngồi xuống đã.

Hai người cạn chén đầu tiên, nhai miếng lòng lợn dai ngoách nhưng cảm thấy thật ngon. Cu Tửu nói, có rượu mới có tôi. Tôi sinh thiếu tháng nhỉnh hơn nắm tay, bị ngạt thở, cha tôi hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng mẹ tôi giữ hy vọng, bà mớm rượu cho tôi, cứu tôi sống.

Sáng nâng li nói, đội ơn rượu.

Tửu lượng của Sáng thấp, say xỉn bèn bò lên giường ngủ trước.

Nghe kẻng hiệu báo sáng của nhà máy, Sáng tỉnh dậy nhìn sang giường Cu Tửu thấy chăn màn vẫn nguyên nếp, nhìn xuống đất Cu Tửu nằm thẳng cẳng, can rượu trơ đáy. Sáng tụt xuống giường, đến lay đánh thức Cu Tửu, vừa đưa tay ra liền bật ngã người kêu thất thanh, ối giời ơi, ối giời ơi.

XI-

Thoạt đầu, Sáng nghĩ Cu Tửu say nằm dưới đất lạnh, nhớ lại hồi chiều Cu Tửu nói rượu cứu sống mình, bèn vét được cốc rượu tưới vào mặt nạn nhân cho tỉnh, nhưng Cu Tửu đã chết từ lúc nào, rượu cũng vô hiệu.

Cái chết của Cu Tửu khiến nhà máy bị xáo trộn một đận. Vợ Cu Tửu kiện ông Phó Giám đốc bao che tội hành hung, tố cáo Sáng ra Công an do nghi ngờ Sáng gây ra cái chết của chồng. Cô ta còn đòi thế chân Cu Tửu ở nhà máy, đòi nửa căn phòng mà Cu Tửu đã ở.

Rồi đận ấy qua. Căn phòng Cu Tửu và Sáng ngày trước được sửa chữa quét vôi, chia cho một cặp vợ chồng mới cưới. Một lần đi qua căn phòng cũ, gặp ông Phó Giám đốc cũng đi qua đó, đứng lại nói chuyện. Sáng nhớ đến Cu Tửu, bèn nói, buổi chiều hôm ấy Cu Tửu bảo, có rượu mới có tôi. Ông Phó Giám đốc ngẫm ngợi nói, rượu mang cuộc sống đến cho cậu ấy, nhưng cũng chính rượu mang cậu ấy đi. Ở đời, mọi chuyện đều có thể thế.

Truyện ngắn của Hà Phạm Phú
.
.