Bên cội huyết mai già

Thứ Bảy, 21/01/2023, 17:06

Đúng giao thừa, một lần nữa cây huyết mai với muôn nghìn búp đỏ của mình lại rũ rơi hằng hà sa số những giọt lệ màu máu ra đầy tấm thảm trong phòng khách. Tên Thiếu tá vừa hò hét bọn tay chân khuân dọn vừa làu bàu: “Mùa mưa này tao bứng về luôn gốc, xem thử mày có còn rụng nữa không!”. Phần chị dọn lượm những búp hoa bằng đôi tay như bưng chính giọt lệ của mình. Bé Hoàng thì tỏ ra vô cùng thích thú vô vàn búp hoa mang màu máu ấy. Nó lựa những búp to nhất và lèn đầy vào túi áo túi quần.

Xóm núi quê tôi cũng như các nơi khác trong vùng, tháng cận Tết này, cánh đàn ông, thanh niên nao nức đi tìm chặt mai để chưng ba ngày Xuân. Khó có thể tưởng tượng được nhà nào đó dù nghèo, Tết trong nhà lại chẳng có cành mai vàng. 

Nhớ sắp Tết năm ấy, đâu vào giữa thập niên sáu mươi, tôi và thằng em con bà dì ruột, tuổi cỡ 16, 17 vào rừng tìm chặt mai. Sau gần buổi tìm kiếm, tôi phát hiện nơi hốc núi Tà Dôn một cây mai to, rất đẹp. Đồng thời thằng em cũng thấy ra! Thế là giành nhau quyền thấy trước để chặt, dẫn đến đánh nhau. Tôi vốn thư sinh nên bị nó đánh chảy máu mồm, đành phải gạt nước mắt bỏ về. Sáng hôm sau tôi thấy cây mai trên hốc núi giành nhau hôm qua, dựng trước cổng nhà mình tự lúc nào. Chỉ việc vác gốc mai bự cỡ ấy xuống núi cũng là cả một kỳ công, tuy vậy tôi vẫn còn giận nó!

Cũng gần Tết ấy, tôi nghe mẹ nói thằng em vừa thoát ly vô rừng theo Cách mạng. Và dì tôi cũng vừa bị bắt vì việc này. Tết ấy cây mai nụ to và nhiều như vãi trấu, nhưng không hiểu sao ngay sáng mồng một, tất cả bỗng rủ rụng xuống, không nở được hoa nào.

Và năm đó cũng đúng ngày chặt mai năm trước, em tôi đã bị trực thăng quần bắn chết trong tư thế ngồi ôm súng. Điều kỳ lạ là em đã chết ngay dưới gốc cây mai trên hốc núi năm nào. Máu em ra thành một vũng đen rộng dưới gốc cây mai già. “Cây mai này từ nay nếu có ra hoa thì chắc sẽ là hoa đỏ!”, tôi thầm nghĩ vậy. Truyện “Bên Cội Huyết Mai Già” ra đời từ cội nguồn như thế.

Nhà chị ở sát chân núi, mặt trông ra cánh đồng đất thoai thoải nghiêng về con sông Cạn nhỏ. Con sông này mùa mưa nước dềnh lên tận mép thửa đất nhà chị với những đám lục bình nở hoa tím ngát suốt dọc một triền sông. Con sông đã tắm mát cả tuổi thơ chị, rồi cũng là nơi vẫy vùng, bơi giỡn của hai đứa con mình. Cạnh con đường trước nhà chỗ rẽ xuống bờ sông, có trồng cây mai mà trước đây chồng chị đã bứng từ trên núi xuống. Đó là một cây huyết mai.

Anh Đẩu là người chơi mai vào loại sành nhất trong vùng. Lối đi xuống bờ sông mỗi năm vài gốc, anh bứng trồng thành hai hàng mai. Năm đầu tiên cây mai trổ ra bông đỏ, chồng chị mừng rú lên gọi cả nhà và cả xóm núi đến xem. Ai cũng trầm trồ và khen cây mai quý. Da ngoài cây mai trông cũng bình thường duy có nhiều vân khoang lốm đốm và rõ hơn những cây mai vàng khác. Còn hoa của nó nhỏ hơn mai vàng một chút nhưng lại có đến tám cánh, cánh nào cánh nấy mỏng và đỏ thắm cái mầu của huyết tươi.

Sau khi biết mình tình cờ vớ được cây mai quý, anh Đẩu chặt tất cả các cây khác chỉ chừa lại một mình nó để tập trung uốn cành, chăm sóc. Năm nào, Tết nào chồng chị cũng canh lặt lá cho mai nở đúng vào Giao thừa, mồng một Tết. Và năm nào cũng chính tự tay anh lặt, con cái và ngay cả chị cấm có được rớ tới. Mấy ngày trước đó bao giờ anh Đẩu cũng chọn cưa một cành thật đẹp, chưng gọn trên bàn thờ ông bà.

Chiến tranh ập đến. Xóm núi, mà bây giờ người ta gọi là xóm Huyết mai trở thành vùng “xôi-đậu”, ngày địch đêm ta. Cây huyết mai nở trước nhà vừa được ba mùa hoa thì anh Đẩu thoát ly ra rừng. Anh thoát ly nhưng không đi xa, chỉ vào bộ đội địa phương quẩn quanh trong vùng, bỏ lại chị cùng hai đứa con mới lên trên dưới mười tuổi.

Bên góc núi, lặn lội với dòng sông, cặm cụi cùng rẻo đất cạnh cội huyết mai già, chị vừa nuôi con, vừa dành dụm để tiếp tế cho chồng. Để cứ mỗi năm tháng Chạp về, ba mẹ con lại xúm xít bên gốc mai già vặt lá nụ còn, nụ mất.

Rồi chị lại có mang bởi một đêm tháng Chạp anh Đẩu tạt qua nhà, lặt lá huyết mai. Cảnh đã khó thêm cái thai lại càng khó. Nhưng khó nhất là nó đã đưa chị đến phòng thẩm vấn của Cảnh sát để trực diện với những câu hỏi: Chị có thai với ai? Có gặp và tiếp tế cho chồng mình không? Chị lại là người không quen và cũng chẳng muốn nói dối trong việc này. Còn ra gì người phụ nữ chồng đi làm Cách mạng, vợ lại ở nhà ngoại tình. Chị không muốn xóm làng nhìn mình bằng con mắt như thế. Vậy là chị… ở tù! Ở tù mãi cho đến ngày sắp sinh thì chúng thả chị ra. Trong suốt mấy tháng trong tù và khi sinh nở, may mà có mẹ chị trông nom, nuôi nấng.

Họa vô đơn chí, khi đứa gái sinh sau - bé Mai- chưa kịp bỏ bú thì hai thằng anh Cách mạng nòi, sức vừa cầm nổi cây súng lại thoát ly theo cha. Hai đứa thoát ly cùng một lúc nhưng không hề báo trước cho chị lấy nửa lời.

Chị lại bị Cảnh sát mời.

Chúng đưa chị sang quận rồi xuống Cảnh sát tỉnh. Đầu ai chí nấy, dù vậy chị cũng không thoát khỏi tội tày đình là để con theo Cộng sản. Sau đó chúng giam chị. Đêm đầu tiên ngủ xa con, hai bầu vú chị căng tức và buốt đến phát sốt lên. Chị biết là giờ này con đang mút vú da bà ngoại và khóc đến rã họng. Hai ngày sau, buổi sáng chị được gọi lên gặp một bà Cảnh sát. Bà này mời nước chị rồi tự giới thiệu: “Tôi là Phó Trưởng ty Cảnh sát. Tôi muốn nhờ chị một việc, chẳng biết chị có sẵn lòng giúp không?”. Một nữ tù như chị lại có thể giúp cho một bà Phó Trưởng ty Cảnh sát ư? Như hiểu được thắc mắc của chị, bà Phó ty dịu dàng: “Việc… tôi nhờ chị là như thế này. Chẳng là tôi vừa sinh một cháu nhỏ cách đây mấy tháng và hiện đang bị mất sữa trầm trọng. Tôi muốn nhờ chị… về bú mớm cho cháu, thay vì ở… trong tù. Là mẹ lại đang tức sữa, chắc chị cũng dễ dàng thông cảm và sẵn lòng giúp tôi?”. Lời đề nghị hợp đúng lúc ấy như một giải pháp tình thế tức thời cho hai bầu vú căng ran mấy ngày nay của chị. Chị nhận lời.

Sau đó chị được đích thân bà Phó ty này đưa về nhà và đối xử khá tử tế. So với phòng giam chật hẹp, nóng bức và hôi thối thì tiện nghi nơi nhà bà Phó ty là việc chị có nằm mơ cũng không dễ gì thấy được. Bà đưa về một người, áng chừng là bác sĩ khám bệnh, thử máu các thứ cho chị. Và rồi chính thức chị được cho bú mớm, nuôi nấng con bà ta.

Bên cội huyết mai già -0
Minh họa: Lê Trí Dũng

Từ người tù chuyển sang vú nuôi thoạt đầu có vẻ dễ chịu nhưng không lâu sau chị bỗng giật mình. Cứ điệu này chị sẽ còn ở… tù rất lâu, chí ít cũng mãi đến khi nào đứa bé con của bà Phó ty chán bú mới thôi. Khi nhận ra điều này, chị than thầm và lại nhớ con mình da diết. Cứ mỗi lần nhìn miệng thằng con bà Phó ty bú dưới ngực, chị lại nhớ đến bé Mai. Chẳng biết bà ngoại ở nhà sẽ xoay xở ra sao khi bé Mai khát sữa. Nhớ thương con giờ chị chỉ còn biết dồn hết tình cảm mình cho đứa bé bú thép, con của một trong những người đã bắt chị. Và cũng thật là lạ kỳ, qua thời gian bú mớm quen hơi, có nhiều lúc chị cứ tưởng thằng bé này là con của chính mình. Đối lại, qua miệng bú tay vê và ánh mắt thơ ngây nhìn lên, chị biết rằng nó cũng xem chị như là mẹ của nó.

Thu tàn rồi đông chí. Thời gian này được bà Phó ty tín cẩn, ngoài việc bú mớm chăm sóc thằng bé, chị còn kiêm thêm những việc lặc vặt khác trong nhà, kể cả đi chợ.

Một hôm nhân đi mua thuốc viêm phế quản cho con bà Phó ty. Đường đến hiệu thuốc phải xuyên qua những người bán mai bên chợ Tết. Lượt về bỗng giữa bạt ngàn mai vàng, một nhành huyết mai đỏ loè chợt đập vào mắt chị. Chị chớp mi mấy lần như không tin vào mắt mình. Bà già đầu tóc bạc phơ vịn nhành mai đang đứng bán không ngờ là mẹ chị. Chị ào đến.

- Mẹ… ! Chị nghẹn ngào: Sao mẹ lại… đến nông nỗi này?!

Mẹ chị thật sự ngỡ ngàng, bíu tay chị làm cành huyết mai lảo đảo, rung rinh.

- Ôi… con! Con ra tù hồi nào…?

Chị ứa nước mắt, lắc đầu:

- Bé Mai ra sao? Nó có khoẻ không, hở mẹ?

Đến lượt nước mắt lại ứa ra trong đôi mắt đùng đục màu cùi nhãn của mẹ chị:

- Bé Mai… đã mất cách đây… một tháng rồi, con… ơi…!

- Trời… !

Chị kêu lên và đổ xuống làm nhành huyết mai đổ theo.

- Trời ơi… ! Làm sao… chết ? Sao mà mẹ chẳng cho con hay? Chị hỏi trong hai hàng nước mắt chảy dài.

- Nó khát sữa khóc ngằn ngặt đêm này sang tháng khác, còm cõi dần rồi “ra đi”. Thương cháu đến đứt ruột mà tao cũng hết cách. Còn nhắn cho con thì… mẹ đâu rành. Biết họ giam con ở quận nào, tỉnh nào khi một đồng một chữ trong lưng cũng chẳng có… !

Trời ơi! Thảo nào đêm qua, đêm kia, hai đêm liền chị mơ thấy nó.

Mẹ chị ngậm ngùi:

- Gần Tết, nghe người ta nói mai bán cũng có tiền, mẹ đánh liều chặt một cành huyết mai vác bộ xuống đây bán để kiếm tiền thăm nuôi con. Nhưng chờ mãi từ sớm đến giờ chưa thấy ai ngó ngàng chi cả.

Sau đó sợ mua thuốc trễ, chị vét túi được mấy chục dành dụm từ tiền ăn sáng cho có sữa đưa và chia tay mẹ, vác nhành huyết mai về nhà bà Phó ty. Có nó, chắc chắn sẽ ấm lòng chị hơn trong cái Tết làm thân vú nuôi, tù tội. Nhìn nó chị sẽ tưởng như đang ở nhà mình nơi góc núi với chồng, với con.

Giao thừa Tết năm đó, nhành huyết mai của chị được chồng bà Phó ty, một Thiếu tá gì đó bên thám báo, chưng giữa phòng khách. Ông này xem ra sành và yêu mai cũng không thua anh Đẩu chồng chị là mấy. Chị tự hào kể với ông ta về cây huyết mai trước nhà và sự yêu quý của chồng mình trong chăm sóc cũng như tự tay lặt lá cho nó vào mỗi lúc sắp xuân sang…

Nhưng thật là xui cho tự hào kể lể của chị, sáng mồng một Tết chẳng hiểu sao tất cả những nụ mai đồng loạt rũ xuống, trông như muôn ngàn giọt lệ ứa máu đang rơi giữa phòng khách đầu năm. Chồng bà Phó ty lập tức thay vào nhành mai vàng dự bị khác và nhìn chị với vẻ mặt chầm hằm.

Mãi rồi, cũng đến ngày thằng bé con bà Phó ty không cần đến hai bầu vú nữa. Chị được ra tù và mùa đông lại đến với cái lạnh cắt da nơi góc núi. Mỗi khi sắp đêm đến ngày về, sương từ dưới lòng sông dâng lên và từ hốc núi tràn xuống vây căn nhà nhỏ bé, co ro của chị ngập tràn trong mịt mù, trắng xoá.

Một đêm trung tuần tháng Chạp, nửa khuya chị thức giấc đi tiểu thì thấy thấp thoáng bóng người như bơi trong sương mù dưới cội huyết mai. Tưởng có kẻ cưa chặt trộm, chị vội đến gần, lại hóa ra là anh Đẩu, chồng mình. Dưới trăng mờ sương giá, anh đang mò mẫm lặt từng chiếc lá mai. Chị giậm chân, khẽ khàng trách:

- Trời đất! Về sao không vô nhà, mà lại… ?!

- Anh vội quá nên chỉ kịp tranh thủ tạt ngang, lặt lá mai cho nở kịp Tết, rồi đi ngay. Em ở nhà có khoẻ không? Anh nói mà mắt vẫn không rời những lá huyết mai.

Và sau khi vặt lá xong, anh chỉ kịp ôm hôn từ giã chị ngay bên cội huyết mai, không cả vào thăm nhà.

Xong Tết ấy chị lại bị bắt vì thằng bé con bà Phó Trưởng ty ốm đang cần người trông nom, tất nhiên với mỗi lý do là chị liên lạc cùng chồng. Chị lại tích cực nuôi nấng, chăm sóc thằng bé để sớm được về nơi góc núi của mình, khi nó đã khỏe mạnh, ăn chơi.

Rồi lại mùa đông. Vào một đêm trung tuần tháng Chạp đầy sương mù giá núi, nửa khuya bỗng vang vào những tràng súng nổ liên hồi ngoài cội huyết mai già. Sực nhớ đến thói quen vặt lá mai của chồng, chị ôm mền khóc thầm, van vái trời Phật sao cho không có anh ngoài ấy.

Mờ sáng ra, bên gốc mai lả tả lá xanh lặt dở, trên mặt đất còn lẩn khuất sương mù là vũng máu của anh vương vấy, thấm đỏ. Chúng đã bắn chồng chị và lôi xác về phơi ở chợ làng cách đó hơn cây số. Hai ngày sau mới cho chị nhận về chôn cất.

Tết năm đó, một cái Tết buồn thảm nhất đời chị, huyết mai ra bông chỉ có nửa cây. Tuy nửa cây nhưng bông nào bông nấy to và thắm đỏ một cách lạ lùng, cứ như thể máu chồng chị tuôn ra dưới gốc rồi giờ nở lên hoa vậy. Nửa còn lại hơn ba tháng sau, đúng giỗ một trăm ngày của anh nó lại lác đác ra hoa.

Còn sống cũng chẳng ở bên chị, nhưng anh chết đi xóm Huyết mai và căn nhà bỗng dưng hiu hắt hẳn. Nếu không còn hai đứa trong kia và cây huyết mai anh để lại, chắc chị chẳng thiết sống làm gì. Chị sống giờ là để tiếp tế và chờ đến ngày nào đó hòa bình, gặp lại các con. Tiếp tế, với tội danh này chúng có thể bắt chị bất cứ lúc nào, bởi ai làm mẹ mà chẳng thương con. Chị không thèm chối cái tội xuất phát từ lòng mẹ đó. Ngoại trừ những lần ở tù hờ khi con bà Phó ty vong mình, sứt mẩy, mỗi năm để “cấm vận” kinh tế chị, để chị không còn chi tiếp tế cho con, cứ đến lúc cần làm ăn, mùa màng là chúng lại bắt chị. Bắt để hỏi cung vớ vẩn và nhốt cho đến khi mùa vụ thu hoạch xong đâu đó, chúng lại thả chị ra. Lúc ấy thường là vào mùa đông hay gần Tết.

Riêng cây huyết mai năm nào chị cũng lặt lá từ rất sớm, khi mùa đông bắt đầu có sương mù tràn từ hốc núi xuống, triền sông lên vào mỗi buổi chiều. Chị làm vậy để hai thằng con yên tâm, không mò về lặt lá như ba nó trước đây. Tuy lặt sớm như thế, nhưng năm nào cây huyết mai cũng nở đúng vào đêm giao thừa hoặc sáng mồng một Tết, cứ như có máu mủ, linh hồn chồng chị nhập vào kềm giữ giờ giấc nở hoa cho nó vậy! Và nó, cây huyết mai năm nào cũng giúp chị có được ít tiền để mua tí đỉnh cúng chồng và lo cho được ba bữa Tết đơn sơ. Một mình chị chẳng cần gì nhưng nhỡ vào đêm Tết nào đó, hai thằng con có đứa chợt ghé qua nhà thì sao? Lấy gì cho nó? Do vậy, những hôm thị xã có chợ Tết, chị thường chọn cưa một vài cành huyết mai vác bộ xuống bán. Như thương và hiểu chị, mùa mưa nào cây huyết mai cũng đều vặn mình ra lộc, cành nhánh xum xuê. Để tới cuối Chạp, dư sức cho chị cưa chặt vài cành, đem bán khi Tết đến, xuân về. Vài cành hoặc có khi chỉ một thôi cũng đủ, bởi huyết mai là loại quý hiếm và thường đắt gấp hai ba lần mai vàng.

Tết năm nay thì lại khác. Chị bị ở tù vì người giúp việc cho bà Phó ty về ăn Tết hay thôi làm gì đấy. Tưởng đây là Tết đầu tiên mình không thấy huyết mai với những cánh màu đỏ quen thuộc thì đùng cái, chiều hăm sáu Tết có chiếc xe díp chở về một gốc mai to đùng. Lúc mấy thằng Cảnh sát lôi xuống, chị mới rụng rời. Đó là cây huyết mai trước nhà mình, do chồng chị trồng. Cây mai được cưa hầu như là tận gốc. Dù không dám đến gần nhưng chị cũng biết được qua những vết sẹo cưa cành từ các Tết trước và mấy chỗ gãy trong đợt vặt lá tháng Chạp vừa rồi. Cây mai đó là hóa thân của anh. Là chồng chị! Mấy ngày gần Tết chị như thảng như thốt khi thấy gốc huyết mai chôn chân trong cái choé lớn đứng trầm tư, im lìm nơi phòng khách. Mấy lần bé Hoàng - con bà Phó ty - níu tay đòi vào xem huyết mai nhưng chị đều giữ nó lại. Có nỗi buồn nào đó giống như cái chết lần nữa của anh héo hon trong chị. Sự héo hon đến xa xót, cồn cào. Cách chơi, thưởng mai thô bạo, cạn tàu ráo máng của tên Thiếu tá khiến lòng dạ chị như đông cứng lại. Đông cứng đến nghẹn thở.

Đúng giao thừa, một lần nữa cây huyết mai với muôn nghìn búp đỏ của mình lại rũ rơi hằng hà sa số những giọt lệ màu máu ra đầy tấm thảm trong phòng khách. Tên Thiếu tá vừa hò hét bọn tay chân khuân dọn vừa làu bàu: “Mùa mưa này tao bứng về luôn gốc, xem thử mày có còn rụng nữa không!”. Phần chị dọn lượm những búp hoa bằng đôi tay như bưng chính giọt lệ của mình. Bé Hoàng thì tỏ ra vô cùng thích thú vô vàn búp hoa mang màu máu ấy. Nó lựa những búp to nhất và lèn đầy vào túi áo túi quần.

Cũng may cho chị là chưa kịp đến mùa mưa. Vào một ngày tháng Tư, lẫn trong tiếng súng ầm oàng vọng vào và phi cơ gầm rú như xé trời thị xã, vợ chồng tên Thiếu tá về sớm hơn thường ngày. Cả hai hấp tấp thu vén vàng bạc tư trang trong sự ngơ ngác của chị và bé Hoàng. Trước lúc lên xe, bà Phó ty nói với chị:

- Bây giờ thì chị được tự do rồi, muốn đi đâu tùy chị.

Chị ngỡ ngàng và không hiểu ra sao cả. Bé Hoàng hoảng hốt:

- Bé Hoàng cùng đi với vú!

Tên Thiếu tá quát với con mình:

- Không được! Lên xe ngay, không còn thì giờ.

- Vậy bố phải cho vú cùng đi với bé Hoàng nữa cơ - Nó ôm chặt lấy tay chị.

Tên Thiếu tá nhảy phắt xuống xe, rút ngay súng lục đeo hông và lôi lấy tay nó:

- Tao không bắn nó một phát trước mặt mày là may, lại còn muốn cho theo hả? Lên xe ngay !

Bé Hoàng nước mắt lưng tròng, chới với về phía chị theo cái lôi xềnh xệch lui dần vào xe của ba nó.

Chị chia tay với đứa bé không sinh mà có dưỡng trong hoàn cảnh như vậy.

Bây giờ thì chị đã tóc bạc hoa râm và không còn gì ngoài cội huyết mai già. Cây huyết mai tên Thiếu tá chặt đành đoạn năm nào nay nảy ra năm gốc giờ đã thành cổ thụ, cành lá xum xuê.

Nhớ lại ngày tháng Tư năm ấy trong bát loạn tiếng súng và ngơ ngác trước sự đổi đời, chị về thì cũng vừa nhận được tin hai người con trai đã mất. Một đứa mất đâu trước đó chừng hai tháng trên Buôn Mê Thuột và đứa sau đúng vào cái ngày bà Phó ty nói “chị được tự do”. Nơi di vật của thằng anh hy sinh sau, có một lá thư viết cho chị nhưng chẳng hiểu sao vẫn chưa gửi được. Trong ấy có đoạn nói về cây huyết mai già: “… Con xuống núi lần này hy vọng sẽ có dịp cùng mẹ lặt lá huyết mai vào tháng Chạp như xưa, để tưởng nhớ ba đã không bao giờ về với mẹ con mình nữa…”.

Bây giờ người có thể gọi là thân thích nhất với chị còn lại trên cõi đời này là… bé Hoàng, hiện định cư ở Mỹ. Dù năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng trong thư nó vẫn còn xưng “bé Hoàng” với chị như xưa. Hoàng cho biết khi di tản qua Mỹ, chỉ ít lâu sau ba nó phải lòng và theo một phụ nữ da đen. Mẹ nó đau buồn đến điên loạn và chết trong một tai nạn giao thông trên đường cao tốc. Nó hiện thời bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Nhắc về cây huyết mai già, thư nó viết:  “…Mãi đến bây giờ, hơn ba mươi năm lang thang bơ vơ trên đất Mỹ, bé Hoàng mới hiểu như thế nào là cành mai ngày Tết, nhất là cội huyết mai già như vú kể năm xưa. Bé Hoàng nhớ vú vô cùng! Nếu thư này đến tay vú và vú còn, Tết nay bé sẽ về để được ngồi cùng vú bên cội huyết mai già như lời kể năm nào. Và bé Hoàng xin được cùng ở mãi mãi bên vú…”.

Sương buổi chiều tháng Chạp từ hốc núi, dưới triền sông dâng ra, bay lập lờ quanh gốc huyết mai và lờn vờn trên mái tóc cùng màu mây của chị. Chị vừa vặt lá huyết mai vừa bần thần nghĩ đến hai lá thư cách nhau tới một phần ba thế kỷ. Từng chiếc, từng chiếc lá theo ngón tay lặt chậm chạp của chị khẽ khàng rơi xuống chân để rồi xào xạc bay đi the o gió bấc. Lá rụng về cội. Đời chị và cả đời bé Hoàng chắc rồi cũng như chiếc lá. Nhưng phải là chiếc lá huyết mai!

Truyện ngắn của Lê Nguyên Ngữ 
.
.