Người thừa tự

Thứ Năm, 25/03/2021, 22:04
Hạnh tuyệt vọng như người rơi xuống mấy tầng địa ngục. Sự trở lại của Phùng chẳng khác gì cơn mưa rào tưới xuống một cánh đồng đang khô nẻ. Hạnh khóc thật nhiều. “Ngày đó, nếu em quay lại cứu anh…”. Hạnh không kịp nói hết câu đã bị Phùng ôm chặt lấy. Những rạo rực yêu đương không còn mới mẻ, lôi cuốn, nó vừa pha lẫn cảm giác ân hận của Hạnh vừa là sự lừa dối của Phùng.


Mấy hôm nay trở trời nên nóng bức khiếp. Phùng nằm trong phòng nãy giờ, chiếc quạt treo tường đang chạy vù vù vẫn thấy trong người hầm hập. Thật khó chợp mắt, chờ Nhạn bước vào, anh nhổm người dậy, nhẹ tay khóa trái cánh cửa và kéo vợ nằm xuống. Phùng thì thầm: “Đừng chấp má làm gì, cố ngủ đi”. Nhạn ngoan ngoãn gối đầu lên tay chồng và im lặng. Nhưng bên ngoài vẫn có tiếng chân người đi lại. Lẹt xẹt, lẹt xẹt. Giọng nói móc mói của má đã cất lên. Bà đang nhắm vào ai thế nhỉ. 

“Cái sân bằng có bàn tay quét cũng không sạch, có chậu quần áo giặt cũng không xong. Hừ, không có thằng Phùng thì xúc trấu mà ăn à”. Gì nữa thế này? Tiếng tivi đột nhiên rồ lên như kim nhọn thọc vào màng nhĩ. Má vặn to vô lum để trêu ngươi rồi. “Hừm. Trời thế này mà bây cũng chui vô đó ôm nhau ngủ cho được”. Phùng định ra khuyên má nên đi nghỉ trưa một lát nhưng anh biết chắc bà vẫn chưa nguôi giận. 

Từ ngày dẫn Nhạn về, chưa bao giờ Phùng dám nhìn thẳng vào mặt của má. Khuôn mặt ấy lúc nào cũng u ám như trời sắp đổ cơn giông. Bây giờ mà thò mặt ra, khác gì gặp phải sấm chớp đùng đùng. Biết thế nào cũng bị dằn xóc nên Phùng ráng nhịn. 

Anh nghiêng qua ôm hờ lưng vợ giả vờ ngủ mà không ngủ được. Thâm tâm Phùng nghĩ cũng phải thôi, dễ gì má nguôi giận. Cả đời ba má quanh quẩn đồng quê gốc rạ nuôi mấy đứa con ăn học nên người. So với hai đứa em gái trong nhà, Phùng là người thành đạt hơn. Tốt nghiệp đại học kiến trúc anh vào làm cho một công ti xây dựng lớn, nhận thầu công trình khắp nơi nên ra Bắc vào Nam suốt. 

Hai cô em gái lần lượt lấy chồng. Ba má chỉ còn trông đợi Phùng cưới vợ, rồi sinh con đẻ cái là mãn nguyện. Ấy thế mà, mong ước giản đơn ấy chưa thành, ba Phùng đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn thương tâm. Cái chết của ông đã khiến má anh suy sụp hẳn.

Sợ không ai thủ thỉ với má trong cảnh đơn chiếc, Phùng liền dẫn Nhạn về. Anh cứ tưởng nhà có thêm người sẽ vui hơn. Nhưng chưa được dăm bảy ngày, bà đã trở tính trở nết, dòm ngó khắt khe cả những chuyện vụn vặt không đâu. Hết bóng gió chửi con chó, đàn gà, bà lại quay qua quát tháo vô cớ. Phùng thấy chán quá. Để trong lòng thì thật khó chịu, mở miệng ra thì mang tiếng bênh vợ. Nếu Phùng nói hết mọi lẽ ra, má nổi tăng xông lên thì có mà… 

Bà vốn là người có tiền sử với bệnh tăng huyết áp. Những cú sốc liên tục càng khiến bệnh tình ngày rõ rệt thêm. Bệnh càng rõ thì tình cảm má con càng giãn ra. Cứ thấy Phùng là má càm ràm ngay. “Mày cứ đi biệt nó lại quen đường cũ rồi vác cái trống to vượt mặt về. Không ăn ốc mà mày phải đổ vỏ, xấu xa cả họ đấy con ạ”. Phùng cố giấu bức xúc bằng nụ cười trừ trước những lời lẽ cay nghiệt ấy.

Anh thừa hiểu, má mình chua chát vậy nhưng trong lòng bà luôn sốt sắng có cháu nội để ẵm bồng, vừa vui cửa vui nhà, vừa làm tròn tâm nguyện của ba anh. Nhạn mà sinh cho Phùng một đứa con, dù là trai hay gái thì không khí gia đình đã dịu lắng phần nào. Nhưng con là của trời cho. Trời đã không chịu ban cho vợ chồng anh diễm phúc để đón nhận phước đức ấy. Ba năm liền, bụng Nhạn vẫn phẳng lì giống như người hai lưng.

*

Phùng lên công trường sớm hơn dự định. Ở nhà có mấy hôm, chuyện vui đâu chẳng thấy, ai cũng mặt nặng mày nhẹ với nhau còn gì là gia đình nữa. Gấp mấy bộ quần áo vào ba lô, Phùng gọi Nhạn lại nhắc nhẹ. “Ở nhà với má nếu có bị la mắng cũng cố nín nhịn, hé miệng ra chỉ có nước đội nón đi khỏi nhà. Má đuổi thật đấy. Lúc ấy, vợ chồng có thương yêu nhau đến mấy cũng chẳng dễ gì sống chung được”.

Minh họa: Tô Chiêm

Sáng nay Nhạn cũng muốn xuống chợ mua ít gì ngon ngon về nấu cho mấy bà cháu, mẹ con cùng ăn. Nhưng mẹ chồng đã cản từ sớm. “Tối qua vẫn còn xoong cá kho, sẵn gì ăn nấy. Tiền của đâu ngày nào cũng ra chợ xách cả giỏ đầy về…”. Mới ngồi xuống hái được mấy ngọn mồng tơi, nước mắt Nhạn đã ròng ròng chảy. Nhạn tủi thân quá, mẹ con cô khác gì người ăn nhờ ở ké trong cái nhà này đâu. Không kìm được, tiếng khóc bỗng bật ra. “Khóc lóc à. Nhà này có người chết hay sao mà khóc. Hay mày muốn tao chết đi?”- Má chồng lại cay nghiệt.

Cũng tại Nhạn, má con ở cùng nhau, cơm chưa kịp lành, canh chưa kịp ngọt, Nhạn lại dẫn ở đâu về một thằng con riêng. Người không ra người, ngợm không ra ngợm, gầy tong teo như con dế choắt mà lì nghịch, hỗn láo không ai chịu nổi. Ngủ thì trưa trầy trưa trật chưa thèm dậy. Mở mắt ra lại biến khỏi nhà nhưng chẳng bữa cơm nào vắng mặt. 

Như trưa nay cũng vậy, Nhạn nấu xong mấy món đạm bạc rồi nhẹ nhàng bưng mâm lên. Đúng lúc thằng con vừa về tới, để luôn mười móng tay dính đầy đất đen thui sà ngay vào, bốc lấy bốc để mấy miếng cá kho trong dĩa. Rãi rớt xuống cằm, xuống cổ mà miệng nó vẫn há lắc lia kiểu kẻ chết đói mấy ngày gặp bữa. Thằng bé nhanh quá, Nhạn chưa kịp phản ứng đã bị mẹ chồng chằm chặp nhìn xoáy vào mặt.

- Thứ đàn bà con gái hư đốn không biết dạy con.

Thằng bé cố nuốt cho xong miếng cá còn nhai dở vặc lại.

- Hứ, bà chửi mẹ tui đi, có ngày tui đốt nhà bà.

Bà rời mâm ăn đứng phắt dậy. Đũa bát kêu rổn rảng.

- Trời đất ơi. Cái thằng mất dạy nó đòi đốt nhà tui. Hừ, tao thách mẹ con bây.

Bà ngồi bệt xuống, thở hồng hộc, hai tay giơ lên trời và tiếp tục kêu than. Mặc cho Nhạn rượt con chạy khắp vườn. Chân thằng bé nhanh hơn sóc. Dù mồ hôi ướt áo, nước mắt chảy dài trên mặt, Nhạn vẫn không thể tóm được áo con. Thấy mẹ lăn xả vào đòi đánh mình, nó liền hét toáng lên và chạy vù ra khỏi ngõ.

Nửa đêm vẫn không thấy con về, Nhạn như ngồi trên đống lửa. Mắt cứ dòm chừng ra ngõ, cô định đi tìm con nhưng những lời đay nghiến kia chẳng khác gì tảng đá lớn đè chân lại. “Mày đẻ nó được thì cũng theo nó được. Có giỏi thì bây ra khỏi nhà tao hết đi. Toàn là thứ phá hoại...”. Nhạn nghe mà đau thắt ruột. Cô không thể nào nhích chân ra cổng. Răng cắn chặt môi tứa máu. 

Nhạn lững thững vào buồng, nằm khóc. Mặt úp chặt vào gối vì không dám phát thành tiếng. Chỉ còn một nơi để cô bám tựa và cầu cứu. Mắt mờ nhòa, giọng khản đục, Nhạn gọi điện cho Phùng kể lể.

- Nó bỏ nhà, bỏ học, bỏ cả em rồi. Nó làm sao em không thể sống…

*

Trời vừa kịp sáng, Phùng vội ra đường bắt xe về nhà. Càng nóng ruột càng thấy thời gian trôi qua chậm quá. Năm tiếng đồng hồ mà dài như thế kỉ. Cuối cùng, chiếc xe khách liên tỉnh cũng dừng lại ở ngã ba đầu làng. Nhạn kìa! Cô đứng đấy chờ sẵn từ khi nào. Đưa ba lô cho vợ ngồi ôm đằng sau, Phùng vội cầm lái, xe máy rồ ga phóng nhanh. Hai vợ chồng lòng vòng khắp nơi vẫn chưa thấy thằng bé đâu. Từ cánh đồng tới sân bóng, từ chợ ngược lên tỉnh lộ. 

Nhạn nhấp nha nhấp nhổm sau lưng chồng, hay nó đi hoang thật rồi. Phùng thấy vợ hoảng hốt cũng nôn nao không kém. Nhưng anh vội trấn an, nóng thế này chắc nó ra bờ đê với bọn trẻ làng. Và đúng như dự đoán của Phùng, hai người chờm lên đê đã thấy thằng bé cùng mấy đứa nữa đang bơi như nhái dưới sông. 

Nhạn mừng quýnh, nhưng cô liền bị chồng ra hiệu, cứ ngồi đấy. Dứt lời, Phùng thả giày, lẹ làng lội xuống nước. Chỉ một loáng đã chụp được cánh tay bé tẹo của thằng bé. Anh lôi ngay nó vào bờ và nhấc bổng lên xe. Nhạn ôm con thật chặt như sợ mất nó thêm một lần nữa.

Đoạn đường về nhà ngắn quá, má Phùng tất tả chạy ra khi nghe tiếng xe cua vào trong sân, thấy thằng mất dạy đã chịu về nên càng tức tối. Bà bước thẳng tới chỗ Phùng mà nhiếc.

- Sao việc gì mày cũng phải xía vô. Con của nó, để nó dạy. Thương gì ngữ ấy.

Phùng không nhịn được, liền nhận bừa.

- Nó chính là con của con đấy!

Mạnh miệng thốt ra nhưng anh vẫn không dám nhìn vào mặt má. Ánh mắt ấy như phóng ra những tia lửa và đang hừng hực muốn đốt cháy anh. Phùng cố lảng đi. Anh cầm cái roi tre đã chuốt sẵn vẽ một vòng tròn bắt thằng bé đứng vào. Nhá chiếc roi rồi quất mạnh xuống đất, ông ba dượng cất giọng khô đanh: “Kể rõ ra, có bao nhiêu tội khi ba vắng nhà?”. Thằng bé đã chịu bước vào vòng tròn nhưng vẫn già mồm gào lên: “Ông không phải ba tui, ông không được đánh tui”. 

Phùng tức quá, yết hầu nhảy lên nhảy xuống tưng bừng. Mặt đỏ gay. “Tao đánh chết mày, rồi tao cũng treo cổ tao lên, treo luôn cổ má mày. Con với cái, mày học ở đâu cái thói hư thân mất nết đó hả?”. Mặt thằng bé tái mét như tàu lá, hai đầu gối run lẩy bẩy, nước trong quần bắt đầu chảy ra. Phùng cố nhịn cười quất vào mông nó một phát ra uy. 

Sau một roi cảnh cáo, cu cậu đã khiếp vía vội vàng nhận tội. Nó vòng tay lại, mặt cúi gằm lí nhí trong miệng: “Con ngủ dậy muộn, con hỗn với bà, với mẹ, con bỏ nhà đi...”. Phùng đếm theo lời nó, mỗi tội quất thêm một roi, nhẹ dần. Thằng bé không dám la to nữa, cứ “á” lên rồi rên ư ử. Nhạn đứng đấy, nhìn con xót xa lắm nhưng không dám ho he gì. Cô cũng bị chồng chỉ thẳng roi vào mặt cấm không được lại gần.

Sau trận đòn, thằng con biết sợ hẳn. Ăn cơm xong, nó ra phụ mẹ rửa chén bát rồi ngồi ngay ngắn vào bàn học bài. Thấy Phùng còn dòm chừng, nó cứ cúi đầu chăm chú đọc đọc, tính tính. Tới khi mẹ giục vào ngủ, thằng bé mới rón rén đứng dậy, mắt vẫn lấm la lấm lét nhìn về phía ba dượng. Thấy nó tỏ rõ thái độ ăn năn, Phùng mừng như nở từng khúc ruột. Nhưng anh vẫn chưa tin tưởng lắm, cái roi vẫn gác trên đầu tủ kia. Mày còn trở chứng thì chết với ba!

Riêng Nhạn, cô thấy rất vui khi Phùng quan tâm đến mẹ con cô đúng lúc. Nhưng mấy đêm nay, giấc ngủ tới với cô thật khó. Đầu đau như có búa bổ. Mắt thì nhắm tịt mà những suy nghĩ tiêu cực như luồng gió đen cứ ùa tới. Lời đay nghiến tàn độc của mẹ chồng vẫn văng vẳng đâu đây. Cô cũng đã làm mọi thứ để mong bà vui lên, muốn gần gũi, yêu thương bà như chính mẹ ruột của mình. Nhưng thật hết cách, bà luôn tính toán chi li với mẹ con Nhạn từng đồng, từ bữa chợ đến việc đóng tiền điện, tiền học phí. Trái gió trở trời một tí đã kêu ca, hờn lẫy. 

“Mẹ con bây cứ ở đây, mấy đứa em thằng Phùng nó bỏ quên tao rồi. Tao có chết dần chết mòn, tụi nó cũng chẳng thèm bén mảng về thăm chi”. Mà quả thật, mẹ chồng Nhạn đã xuống sức hẳn rồi, chân đi chậm, nói nhỏ hơn, không còn chan chát như những ngày đầu cô mới về. Nhạn lo lắng hết sức, định chờ chồng vào nói chuyện sức khỏe má. Nhưng nằm chờ mãi mệt quá, cô thiếp đi lúc nào không biết. Phùng vẫn đang ngồi tiếp chuyện với má ở nhà trên.

*

Khuya lắm, giọng má vẫn gay gắt, việc Phùng về nhà đột xuất để lo cho thằng bé khiến bà khó chịu, vặn vẹo mãi. “Thằng nhỏ con của ai mày còn không biết. Sao mày cứ nhận bừa để rước nợ vào thân. Tới bây giờ mà mày còn giấu má. Má đã nói rồi, mày phải kiếm cho má một đứa cháu đích tôn. Nó phải là máu mủ, ruột rà của dòng họ. Mai này má theo ổng rồi, lấy ai nối dõi tông đường, ai trông nom nhà cửa, thờ cúng tổ tiên. Chẳng lẽ họ Trần tới đời mày là chấm hết?”. 

Phùng len lén nhìn má qua thứ ánh sáng trắng nhợt của cái bóng điện dài mắc giữa kèo nhà. Sự cầu toàn đến mức thái quá đã khiến bà già yếu đi trông thấy. Cái bóng gầy gò ngồi khom lưng trên ghế trông thật thương. “Má à!”. Phùng định ngắt lời bà nhưng vừa mở miệng ra đã phải ngồi im như tượng. 

Ngoài xã hội, anh có thể đao to búa lớn với bất cứ người nào. Phùng mà nổi cơn bốc đồng, cây lá quanh đấy cũng phải ngả rạp hết. Xong việc lại nhẹ nhàng phân bua đúng sai. Đám thợ trên ấy nể sợ anh hơn nể cha sợ chú. Nhưng riêng với má, Phùng hoàn toàn không dám lời qua tiếng lại. Thương má thì không ai thương bằng Phùng. 

Đích tôn ư, Phùng cũng đã cay đắng đi tìm cho má, nơi Hạnh, hơn năm nay rồi. Nếu nó khiến má vui vẻ Phùng có sá gì. Ở nghĩa vợ chồng, nói trắng ra Phùng đang phản bội Nhạn. Anh cũng đã mua sẵn một lô đất, khi kiếm được cho má đứa cháu đích tôn đúng nghĩa, anh sẽ đưa mẹ con Nhạn lên đấy ở.

Mọi mưu toan đã đâu vào đó cả rồi. Phùng không hé miệng nói ra thì chỉ có trời mới biết. Khi xưa, muốn tán tỉnh, yêu đương với Hạnh, anh phải tốn công tốn sức thật nhiều, kể cả tiền bạc lẫn tính mạng. Giờ thì việc gặp nhau dễ dàng như lội xuống một con suối giữa hè. Thằng Long chó má kia, kẻ từng cho đàn em đánh Phùng một trận thừa sống thiếu chết vì tội cướp người yêu của hắn nay đã no xôi chán chè. Hắn trở mặt và bỏ rơi Hạnh để quay về với vợ cũ cùng đàn con lít nhít ở quê. 

Hạnh tuyệt vọng như người rơi xuống mấy tầng địa ngục. Sự trở lại của Phùng chẳng khác gì cơn mưa rào tưới xuống một cánh đồng đang khô nẻ. Hạnh khóc thật nhiều. “Ngày đó, nếu em quay lại cứu anh…”. Hạnh không kịp nói hết câu đã bị Phùng ôm chặt lấy. Những rạo rực yêu đương không còn mới mẻ, lôi cuốn, nó vừa pha lẫn cảm giác ân hận của Hạnh vừa là sự lừa dối của Phùng. 

Hai người dính vào nhau như sam. Hôn tới tấp lên cổ, lên ngực, Phùng thì thào: “Làm vợ anh đi”. Nhưng muốn đạt mục đích với người đàn bà từng trải qua quá nhiều tổn thương thật không đơn giản. Trong hơi thở hổn hển, Hạnh vẫn xoáy vào Phùng những ánh mắt hồ nghi, ngờ vực. “Cưới hỏi đàng hoàng xong, mình muốn gì cũng được…”. Rối rắm vô cùng, cả năm vẫn không thuyết phục được Hạnh, Phùng đâm bất mãn.

Giờ ngồi trước má cả đêm, vẫn bị đốc thúc trách móc đủ thứ, Phùng càng bức bối hơn. Hay là anh gọi vợ dậy mà nói toạc ra. Mẹ con Nhạn hãy ra ở riêng. Xong xuôi, anh sẽ rước Hạnh về. Hoặc cố yêu và cưới một cô gái trẻ nào khác. Vậy là ổn cả đôi đường… Má anh sẽ nói thêm vào cho hợp tình hợp lí. Nhưng liệu làm thế, họ có được như ý muốn? Nhạn đâu thể vui vẻ chấp nhận ra đi để nhường hạnh phúc cho kẻ khác. Không lẽ sự nhẫn nhục bấy lâu của cô trở thành vô nghĩa? 

So sánh Nhạn với những người phụ nữ khác, thật kì cục. Bởi Nhạn đã ban cho Phùng một ân nghĩa lớn lao vô cùng, có lẽ cả đời anh cũng không thể đáp trả hết. Cái đêm bị bọn Long đánh, nếu không được Nhạn đưa đi cấp cứu và chăm sóc, Phùng đã thân tàn ma dại, có khi thành kẻ ăn mày đầu đường xó chợ từ lâu rồi. Còn với Hạnh, tình yêu vờ vĩnh luôn dừng lại ở một mưu toan…

Cho đến khi gà trong làng rủ nhau cất tiếng gáy, chuyện của hai má con vẫn chưa ngã ngũ. Xoay đi xoay lại vẫn đích tôn, hương hỏa, thờ phụng… Phùng đưa tay che vội những cái ngáp ngắn, ngáp dài, miệng khô ran khô rốc. Cho tới tờ mờ sáng má mới bất đắc dĩ rời khỏi ghế, bảo anh phải suy nghĩ thêm, vì ba má, vì họ Trần này.

Từ nhà trên anh uể oải đi xuống, khẽ đẩy cửa bước vào phòng nhà dưới. Vội vàng, Phùng châm một điếu thuốc rít lấy rít để, nhủ, thư giãn một chút. Xong, anh lại giường, cố nhìn vợ thật lâu dưới ánh đèn ngủ lờ mờ. Khuôn mặt cô không còn tròn trịa như trước mà xanh xao, hốc hác quá. Nhạn lại đang trong tư thế khắc khổ, người co quắp như con tôm bạc nằm trên bờ. Lòng Phùng quặn thắt, làm sao anh có thể trở mặt để đuổi khéo mẹ con cô ra khỏi nhà. Họ có tội tình gì đâu. Đời Nhạn khổ nhục, ê chề lắm rồi. Phùng rất sợ vợ mình tổn thương thêm. Nhưng cũng đã có lúc bên Hạnh, Phùng chợt hỏi Nhạn có thực sự cao thượng như những gì anh đang thấy? Trong khi anh biết với trực giác đàn bà cô hẳn đoán ra việc anh làm, cạnh đó là các biểu hiện bất bình thường như liên tục viện lí do để ít về thăm nhà, tiền bạc không đưa hết…

*

Đám thợ xây cùng lấy tấm bạt vuông trải ra giữa sân xúm xít ngồi vào uống rượu. Những cuộc nhậu có khi kéo dài tới khuya. Nhưng nay, Phùng phá lệ, anh chẳng còn tâm trí nào mà ngồi đó với các chiến hữu. Nhạn vừa gọi cho anh, giọng gấp gáp: “Má bị tai biến, đang trong phòng cấp cứu”. Phùng lấy áo khoác vắt lên vai bước ra đường, tòa nhà đang xây dở sừng sững như một khối xám khổng lồ lùi dần sau lưng. Bụi đỏ đã ngủ im trên những ngọn cỏ úa. 

Chân sải bước nhưng trong lòng trĩu nặng. Bắt xe về ngay trong đêm nhưng nhanh nhất cũng phải chiều mai mới tới, liệu có giải quyết được gì không? Anh còn phải hoàn tất một số việc ở công trình. Tính Nhạn hay lo xa chứ Phùng đinh ninh sức khỏe của má không tới nỗi nào. Anh lấy điện thoại ra, định gọi cho vợ để biết tình hình cụ thể. Nhưng nghĩ sao Phùng lại cất ngay vào túi. Giờ này hẳn Nhạn còn bận lo cơm nước, thay quần áo, chiếu chăn cho bà. Thời gian như thừa ra, anh bật lửa châm thuốc hút.

Một điếu, hai điếu…

Cứ tưởng tượng ra cảnh Nhạn đang loay hoay chăm sóc má trong bệnh viện, Phùng thấy thương và nể Nhạn nhiều, kèm đó là nỗi ân hận, day dứt. Giờ má đổ bệnh nằm đó cũng một tay Nhạn chăm lo. Trên đời này còn ai sống tốt với má con anh hơn thế.

*

- Anh lên phụ em một tay.

Phùng đang ngồi uống nước cùng hai người em rể, nghe vợ gọi, lật đật bước lên nhà trên đỡ hẳn lưng má dậy, giúp vợ cắt mớ tóc sau gáy cho bà. Những nhát kéo rất nhịp nhàng, chuẩn xác. Chỉ một lát, đầu bà đã gọn gàng, sạch sẽ. Má cứ nằm như một đứa trẻ chưa biết gì. Bà đã yếu thật rồi. Một tiếng nói cất lên cũng khó nhọc. 

Việc trước mắt lúc này là phải tập trung đông đủ con cháu để giàn xếp việc gia đình. Má còn sống được ngày nào thì mấy anh chị em thay nhau chăm sóc, Phùng sẽ tạo điều kiện để mẹ con Nhạn ra riêng. Miếng đất anh mua nằm trong vùng quy hoạch của thị trấn giờ cũng vui nhộn hơn nhiều. Đó là cách tốt nhất để giải thoát gánh nặng cho mẹ con cô.

Nhưng mọi việc đều không suôn sẻ như Phùng dự tính.

Cô em kề bắt đầu thẽ thọt, tỉ tê, giọng dài lê thê nhưng cứ ngọt như rót mật vào tai. Lúc má chưa ngã bệnh, bà luôn làm khó khăn cho con cháu. Vợ chồng cô rước bà về được dăm bảy ngày lại tới cô út. Bà khó tính quá nên mẹ con, bà cháu hay mặt nặng mày nhẹ với nhau. Rốt cuộc, bà nổi giận và nằng nặc đòi về. Các cô đều lực bất tòng tâm. 

“Chị Nhạn giỏi thiệt, chỉ có chị mới sống với má được cả đời” - Cô cất cao giọng ở câu chốt, nửa như vỗ về, nửa như người chủ cố bỏ gọn cái ách vào cổ con trâu cày. “Nếu không có mẹ con chị ấy đưa má vào bệnh viện kịp thời, mọi người làm gì có cơ hội được về thăm má”.

Cô út sẵn đà ấy cũng chen vào, giọng không ngọt như cô chị mà lanh lảnh như tiếng chuông đồng gõ trưa. “Hai mẹ con chị cứ ở đây với má, phụng dưỡng má. Thằng cu dẫu không phải máu mủ ruột rà nhưng xưa nay cũng cùng một nhà thân thích. Anh chị chẳng thể sinh con, mắc chi hắt hủi nó. Tội cho nó quá”.

Miệng liến láu vậy nhưng Phùng để ý cô út nào thèm nhìn vào mặt Nhạn. Ở với nhau bao năm Phùng thừa biết tính và suy nghĩ của hai em thế nào. Trong mắt họ, Nhạn có tốt đến cỡ nào cũng chỉ là thứ đàn bà hư hỏng, cố nhẫn nhịn tá túc ở đây vì hòng có một danh phận. Nếu không, dễ gì Nhạn chịu đựng giỏi đến thế. 

Chưa hết, họ luôn thắc mắc thằng bé là con ai. Chắc do mẹ nó lẳng lơ, vui vẻ với cả trăm thằng đàn ông rồi sinh ra nó. Bỗng nhiên lại thành con, thành cháu trong gia đình đầy sĩ diện này ư, phi lí hết sức. Chỉ Phùng biết chính Nhạn cũng không biết ba thằng bé là ai. Nhạn kể trong nước mắt với Phùng lúc anh đặt lời lấy cô. 

Vào một buổi chiều muộn khi đi làm về, qua đoạn đường vắng Nhạn bỗng thấy đau nhói nơi gáy rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy Nhạn thấy mình đang nằm trong khu vườn bỏ hoang, thân thể lõa lồ. Vội vã mặc quần áo vứt bên cạnh, Nhạn đi về. Xấu hổ, ê chề, Nhạn giấu chẳng dám nói với ai. Cái thai trong bụng cứ to dần, to dần. Nhiều lần muốn phá nhưng chẳng nỡ, dù gì cũng giọt máu của mình, cũng là một sinh mạng. 

Bỏ mặc lời đàm tiếu, ghẻ lạnh của bố mẹ, họ hàng, bà con lối xóm, cô âm thầm, nhẫn nhục sống, sinh hạ, nuôi nấng con. Cho đến ngày gặp Phùng… Nhưng rốt lại chỗ hai cô em, Phùng biết tiền của má chia đều hết rồi, chẳng cô nào thiệt thòi. Ở đây còn cái xác nhà và thân già của má thôi. Giữ chân mẹ con Nhạn lại để có người đêm hôm chăm sóc má, hai cô cũng được rảnh tay, rảnh chân. Như thế không sướng sao. Nhọc nhằn gì bằng khi cứ phải chạy tới chạy lui về lo cho má.

Đọc hết tâm địa của mọi người, Phùng buồn, nhưng anh cũng thấy mình vừa gỡ được thế cờ bí. Mẹ con Nhạn cứ ở trong nhà này. Anh cũng từng tuyên bố thằng bé chính là con của anh mà. Yêu thương còn không hết, ai nỡ lòng xua đuổi. Thời buổi bây giờ, kiếm được mụn con đâu dễ. Vợ chồng Phùng đã tốn cả mấy trăm triệu nhưng nào có kết quả gì. Có được thằng bé bên cạnh khác gì bảo bối. Phùng bỗng loáng thoáng nghĩ tới Hạnh.

Cô Út vẫy thằng con Nhạn tới. Nó vẫn mặc chiếc áo thun màu mỡ gà, cổ áo xệ cả xuống ngực, vừa lộ rõ vẻ lôi thôi quê mùa vừa làm nổi bật nước da bánh mật săn chắc. Chẳng mấy khi nhà đông người thế này, nó tần ngần đứng xa đưa mắt dáo dác tìm về phía mẹ. Nhạn vẫn đang loay hoay sửa lại gối đầu cho người bệnh. Mọi người dàn xếp việc gia đình thế nào, cứ tùy vào ý họ, Nhạn chẳng nghĩ ngợi gì nhiều…


Truyện ngắn của Hương Văn
.
.