Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020)

Người chiến sĩ mang hai màu áo

Thứ Năm, 27/02/2020, 17:56
Nhìn bàn tay cẩn trọng tiêm thuốc cho bệnh nhân, nghe những lời thuyết phục bệnh nhân uống thuốc của cán bộ y tế mới thấy hết sự kiên nhẫn và nghị lực của các bác sĩ mang hai màu áo...


Trong cuộc sống, ai cũng có mong muốn, có khát vọng một cuộc sống đủ đầy. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà quá trình mưu sinh đã có không ít người sống buông thả, lươn lẹo để rồi rơi vào vòng lao lý. Nhiều phạm nhân bước vào trại cải tạo không chỉ mang theo tội lỗi mình đã gây ra mà còn "cõng" theo nhiều căn bệnh hiểm nghèo và bệnh xã hội như: Lao phổi, giang mai và cả căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS...

Dù là đối tượng nào và bất luận họ đang sống chung với loại bệnh gì đi nữa thì với trách nhiệm và lòng nhân ái của mình, đội ngũ y, bác sỹ Công an nhân dân làm việc trong các trại giam vẫn tận tâm với công việc, cố gắng giúp phạm nhân sống có ích cho cuộc đời, dù rằng lòng nhân ái của các anh, các chị đã phải đổi bằng những mất mát quá lớn cho bản thân và gia đình.

Do đặc thù của môi trường công tác chữa bệnh trong trại giam nên bác sỹ ở đây được ví như những "thần y" bởi cùng lúc họ kiêm nhiệm rất nhiều việc: Khám, chữa đủ các loại bệnh, từ ốm đau vặt, nhức đầu, sổ mũi đến thương hàn, sốt rét, tiểu đường, HIV, lao kháng thuốc… Hàng nghìn phạm nhân là hàng trăm thứ bệnh khác nhau. Trong đó, có những phạm nhân thời gian ở bệnh xá nhiều hơn cả thời gian ở các phân trại cải tạo.

Xác định liệu pháp tinh thần là điều quan trọng hàng đầu trong việc điều trị và chăm sóc phạm nhân trọng bệnh, đội ngũ y tế đã luôn tận tâm, tận tụy hết lòng chăm sóc người bệnh. Đặc biệt là không được phân biệt đối xử hay kì thị để khơi dậy lương tri trong con người mỗi phạm nhân, nhằm giúp họ kéo dài sự sống trong những ngày cuối đời.

Bác sĩ Bệnh viện Y học Cổ truyền (Bộ Công an) khám bệnh cho bà con trong dịp đi công tác ở Thanh Hóa.

Sống chung với căn bệnh của phạm nhân đã khó, nghĩ cách để "trị" các căn bệnh phạm nhân tự gây ra để trốn tránh việc chấp hành án, hay chống lại công tác giáo dục cải tạo lại càng khó hơn. Có những phạm nhân vì lười lao động đã nghĩ ra "trăm mưu, ngàn kế" để gây khó dễ cho bác sĩ. Chuyện phạm nhân nhiễm các căn bệnh xã hội viện cớ ốm đau, dọa nạt cán bộ, thậm chí có lúc còn cắt ven lấy máu, dọa lây truyền máu nhiễm HIVđể tạo áp lực đối với các y, bác sỹ là những chuyện không hiếm gặp ở các trại giam.

Những lúc như vậy người bác sĩ luôn phải bình tĩnh thăm khám và khuyên giải nhẹ nhàng và tất cả điều đó cũng không làm nản lòng những người thầy thuốc trong trại giam, họ vẫn ngày đêm lặng lẽ đảm nhận và hoàn thành các công việc mà Ban giám thị giao cho. Và dù có ma mãnh đến đâu thì những trường hợp chống đối ấy đều bị phát hiện và sau khi điều trị dứt điểm ốm đau, bệnh tật, các bác sĩ cũng "nắn" luôn thói quen giở trò bịp bợm.

Không biết đã bao lần các bác sĩ, y tá trực tiếp chăm sóc điều trị cho các phạm nhân nhiễm HIV/AIDS phải đối mặt với các nguy hiểm cận kề, đặc biệt là nguy cơ bị phơi nhiễm HIV và lao phổi. Có nhiều trường hợp phạm nhân mắc AIDS giai đoạn cuối lở loét khắp người, người nàokhông đủ bản lĩnh có lẽ sẽ bỏ nghề.

Theo quy định của pháp luật, nếu có đơn tự nguyện của gia đình thì phạm nhân đó sẽ được tạm hoãn thi hành án để về cho những người thân chăm sóc. Tuy nhiên thực tế phần lớn các trường hợp bị AIDS giai đoạn cuối gia cảnh đều rất khó khăn, mặt khác chính người nhà cũng không muốn chăm sóc những ca bệnh đó. Rốt cuộc, cán bộ y tế của trại lại phải chăm sóc, điều trị cho đến lúc phạm nhân trút hơi thở cuối cùng.

Không chỉ phải đối đầu trực diện với nguy hiểm, nhiệm vụ của các bác sỹ, y tá Công an còn phải dùng tình thương yêu của mình để cảm hóa, giáo dục, giúp phạm nhân biết trân trọng cuộc sống, ổn định tư tưởng, tu tâm cải tạo tốt. Bởi các anh, các chị hiểu hơn ai hết: những phạm nhân bị các bệnh xã hội giai đoạn cuối, có nguy cơ lây nhiễm cao thường bị gia đình hắt hủi, bỏ rơi không thăm nuôi hay vợ, chồng đưa đơn đòi ly dị để nhẹ gánh -điều này đã khiến cho phạm nhân bi quan, chán nản, sinh ra chống đối, bất cần đời và luôn có tư tưởng trả thù đời.

Không biết bao nhiêu lầncác y, bác sĩ Công an tại các trại giam phải chứng kiến sự đau đớn, tuyệt vọng của con bệnh - phạm nhân trước thời khắc hấp hối và cũng không ít lần bàn tay các anh, chị đã vuốt mắt cho những cái chết trong sự cô đơn, tủi phận;khâm liệm cho những người ra đi để linh hồn họ được thanh thản, để làm an lòng các phạm nhân khác đang mang bệnh. Dù là đối tượng nào và bất luận họ đang sống chung với loại bệnh gì đi nữa thì với bổn phận của mình, các y, bác sĩ vẫn tận tâm với công việc, giúp cho phạm nhân sống thêm dù chỉ là một ngày có ích trong cuộc đời.

Trong trại, nhiều phạm nhân mắc những căn bệnh nan y, trước khi ra đi đã sám hối những lời chân thành về lòng biết ơn của họ với đội ngũ y, bác sỹ, quản giáo đã không bỏ rơi họ - những lời nói dù là muộn màng đó cũng làm các anh, chị ấm lòng sau những khó khăn vất vả mà họ trải qua.

Ở nơi này, khi mắc phải những căn bệnh nan y, khi sự sống chỉ còn tính bằng giờ, bằng phút thì bỗng chốc, họ mới thấy cuộc sống đáng quý đến nhường nào. Lúc tung hoành ngang dọc, bất cần đời bao nhiêu thì giây phút cuối đời họ càng thấy quý giá cuộc sống bấy nhiêu. Nhận thấy sự cô đơn, lạc lõng và khát khao sống của họ, không ít lần các y, bác sĩ cảm thấy chạnh lòng cho quá khứ mà họ đã đi qua. Nếu không có một trái tim biết yêu thương, nhân hậu, sự hy sinh thầm lặng thì khó có thể thực hiện được những nghĩa cử cao đẹp đó ròng rã trong nhiều năm trời.

Đã từng chăm sóc hàng ngàn bệnh nhân, đa số nghiện ma tuý với vô số bệnh xã hội có nguy cơ lây nhiễm cao song chưa lúc nào những người thầy thuốc ở đây có suy nghĩ tiêu cực, xao nhãng với nhiệm vụ. Các cán bộ y tế trong các trại giam luôn tâm niệm, đã theo nghề y thì phải thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lương y phải như từ mẫu".

Họ đã cố gắng làm hết sức mình chữa trị cho các phạm nhân, để họ có đủ sức khỏe tiếp tục cải tạo, thi hành án và có cơ hội trở lại với gia đình và xã hội. Ngoài ra, những người thầy thuốc ở đây còn có trách nhiệm giáo dục, cảm hoá những đối tượng từng phạm tội, động viên tinh thần phạm nhân, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo để họ kiên trì điều trị và lao động cải tạo. Điều động viên và khuyến khích lớn nhất đối với những người thầy thuốc Công an là rất nhiều phạm nhân được chăm sóc khỏi bệnh đã hiểu được tấm lòng của họ và yên tâm cải tạo.

Một bệnh viện bình thường có giờ làm, giờ nghỉ, người có bệnh tự tìm đến với bác sĩ. Nhưng ở trại giam, bác sĩ, y tá phải túc trực 24/24 giờ để có mặt kịp thời đúng lúc khi có phạm nhân hay cán bộ bị đau yếu cần chữa trị. Không chỉ vậy, mỗi ngày, các y tá phải kiểm tra qua các phòng để xem xét tình hình sức khỏe, để tránh cho các phạm nhân bị mắc các bệnh nguy hiểm có khả năng lây nhiễm. Làm việc giữa biết bao phạm nhân, có những kẻ buôn người, giết người hoặc là những "tay anh chị" giang hồ có tiếng nhưng họ vẫn không có một chút lo ngại hay chán nản.

Do thiếu thốn về nhân lực và cơ sở vật chất nên đôi khi để hoàn thành tốt nhiệm vụ các y, bác sỹ trong đội y tế phải hy sinh rất nhiều thứ: Có người phải bỏ cả công việc nhà, không hoàn thành nghĩa vụ làm một người vợ, người chồng hay người con trong gia đình để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn nữa khi công tác trong trại giam, thời gian vô cùng gò bó do công việc khá nguy hiểm và căng thẳng, muốn có được một vài ngày thảnh thơi để nghỉ ngơi cũng rất khó.

Không chỉ vậy, việc sức khoẻ, thân thể bị ảnh hưởng bởi các bệnh truyền nhiễm, rồi việc chống phá của phạm nhân mà gây tổn thương cơ thể cũng là điều thường xuyên gặp phải. Đã có những tai nạn nghề nghiệp khiến y, bác sĩ Công an nhân dân bị phơi nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV từ các phạm nhân. Họ đang phải chịu nỗi đau hơn cả mọi nỗi đau trong cuộc sống này.

Nhìn bàn tay cẩn trọng tiêm thuốc cho bệnh nhân, nghe những lời thuyết phục bệnh nhân uống thuốc của cán bộ y tế mới thấy hết sự kiên nhẫn và nghị lực của các bác sĩ mang hai màu áo. Để giúp cho một con người vượt qua tội lỗi không đơn giản là mở cánh cửa trại giam mà chính là để họ không quay lại đó mới là điều quan trọng.

Những phạm nhân đang cải tạo rồi cũng đến ngày mãn hạn tù trở về. Họ vui khi được hít thở bầu không khí của tự do, được gặp lại người thân. Còn các anh, các chị - những cán bộ làm công tác giáo dục cải tạo sẽ tiếp tục ở lại đây 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa bởi xã hội cần lắm những con người tình nguyện gánh vác việc khó, việc khổ để đem lại niềm tin vào cuộc sống cho những con người từng lầm đường lạc lối, để cuộc sống này ngày một tốt đẹp lên.

Chúng ta mong sao, giá như không có nhà tù, giá như không có những căn bệnh thế kỷ kia thì những người chiến sĩ mang hai màu áo sẽ không phải hy sinh nhiều đến như thế.

Cù Tuệ Minh
.
.