Trở lại Đồi Văn hóa kháng chiến

Thứ Sáu, 03/02/2023, 13:43

Thực ra thì đây là lần đầu tiên tôi mới được đến nơi này nhưng tôi vẫn thích dùng hai chữ "trở lại" chứ không muốn nói hai từ "lên thăm", cái chính là bởi "lên thăm" nghe nó xa lạ và khách khí, còn "trở lại" nghe vừa thân gần lại vừa có ý tự trách mình bao lâu rồi xa cách.

Một ngày thu, nắng vàng hanh nhẹ, Hội Điện ảnh Hà Nội tổ chức chuyến đi thăm lại "Đồi Văn hóa kháng chiến". Dường như những người tổ chức chuyến đi này muốn các nghệ sĩ làm công tác Điện ảnh của Thủ đô thêm một lần hiểu và biết về những tháng ngày gian nan mà các văn nghệ sĩ tiền bối của chúng ta đã sống và viết như thế nào trong những năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1946 - 1954).

Xe xuất phát lúc 6 giờ 30 vậy mà chỉ hơn hai tiếng đồng hồ chúng tôi đã tới nơi cần đến. Còn nhớ, hồi kháng chiến, để lên được tới đây các văn nghệ sĩ kháng chiến đã phải đi bộ tắt đồng, vượt rừng băng núi có khi phải mất cả tuần lễ.

20161216091113-6a-co-mot-doi-van-hoa-khang-chien-o-bac-giang.jpg -0
Ngôi nhà của nhà văn Nguyên Hồng và vườn cây.

Ngay lối rẽ cạnh tỉnh lộ 287, cách thị trấn Nhã Nam chừng 2 cây số, chúng tôi đã thấy một tấm bảng màu xanh chỉ dẫn lối vào "Đồi Văn hóa kháng chiến". Cũng chẳng xa xôi gì, chừng nửa cây số là tới sau khi xe đi qua Trường Tiểu học và THCS mang tên Nguyên Hồng. Một lối đường đất đủ cho hai xe máy qua lại lên xuống chúng tôi đã tới cổng của nhà của nhà văn Nguyên Hồng. Theo như chúng tôi được biết thì ngôi nhà của ông nhà văn "Bỉ vỏ" này là "chứng tích" duy nhất còn lại của "Đồi Văn hóa kháng chiến" năm xưa.

Bà Trần Thị Loan, người con dâu thứ hai của nhà văn Nguyên Hồng (vợ ông Nguyễn Vũ Giang) là người sống ở ngôi nhà này từ năm 1975 cho tới nay và hiện là người trông coi "ngôi nhà di sản", vồn vã ra đón chúng tôi. Nhìn người phụ nữ tuổi bảy mươi, dáng nhỏ, hơi gầy nhưng đi lại xăng xái đủ làm chúng tôi cảm động. Bà Loan "tự nhiên" trở thành người hướng dẫn viên và người kể chuyện về "Đồi Văn hóa kháng chiến" cho đoàn chúng tôi.

Như thông lệ và cũng là việc phải thế, chúng tôi vào thăm nhà của nhà văn Nguyên Hồng để "chào" ông và để thắp nén hương lên bàn thờ tỏ lòng tri ân một nhà văn tiền bối. Một ngôi nhà ba gian nhỏ, tường xây, lợp ngói nhưng tất cả đều đã cũ. Điều hay nhất mà chúng tôi cảm nhận được là mọi đồ vật trong nhà, hay nói cách khác là "gia tài, gia sản" của ông nhà văn nổi tiếng nhưng tác phong và lối sống vẫn "đượm chất nông dân Bắc bộ".

Bà Trần Thị Loan chỉ tay vào một chiếc giá sách nhỏ làm bằng tre, màu thời gian cũ mờ, bà giới thiệu: "Giá sách này thày tôi quý lắm. Cụ thường đặt lên đó những cuốn sách mà mình yêu thích". Giờ thì giá sách này không được dùng nữa vì tất cả các tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng và những cuốn sách mà nhà văn "tích cóp" được đều được bảo quản trong những chiếc hộp giấy cứng và xếp gọn gàng trong hai chiếc tủ sách bằng sắt có cửa kính. Bà Loan sau hồi để chúng tôi ngắm nghía thì nói thêm "Ông cụ hồi còn sống ngoài những lúc ngồi bàn viết ra là đọc sách. Cụ thường gọi "Loan ơi. Con lấy ở xích đông (giá sách bằng tre) cuốn Les Misérables (''Những người khốn khổ bản tiếng Pháp) mang cho thầy".

Nghe bà Loan kể lại thấy vui vui, bởi lẽ ông nhà văn nhìn "quê quê" thế mà tiếng Pháp cứ rành rành. Hơn nữa nhà văn Nguyên Hồng mới chỉ học xong tiểu học đã phải thôi học để cùng mẹ đi kiếm tiền. Ông vẫn xưng "thầy" một cách thân thuộc chứ không xưng "Ba" như những người "thức thời" dạo đó. Bà Loan còn cho biết thêm "Thầy tôi với u tôi đều thạo tiếng Pháp. Lúc rảnh rỗi hai cụ lại nói chuyện, đọc thơ bằng tiếng Pháp với nhau".

Gia đình nhà văn Nguyên Hồng cùng gia đình nhà văn Kim Lân là hai "gia đình văn nghệ" đầu tiên lên "Đồi văn hóa kháng chiến". Đầu năm 1947, khi ấy thực dân Pháp đã chiếm được Hà Nội và nhiều địa phương khác. Thực hiện phương châm "Trường kỳ kháng chiến" của Chính phủ ta nên Hội Văn hóa cứu quốc được sơ tán lên "An toàn khu" ở vùng Nhã Nam - Yên Thế. Các gia đình của các văn nghệ sĩ cũng sơ tán theo cùng. Lên tới "An toàn khu", Hội Văn hóa cứu quốc và gia đình các nhà văn được địa phương bố trí ở một khu đồi thấp (còn gọi là Đồi Cháy) thuộc thôn Sậu, xã Quang Tiến, huyện Yên Thế (nay thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Bà Loan cho hay: "Thầy tôi kể lại rằng: Hồi đó lên đây mỗi gia đình được địa phương cấp cho mẫu đất vừa để dựng nhà và vừa để cấy lúa trồng ngô khoai sắn tự túc lương thực. Ban đầu là dựng nhà tranh vách đất, dần dần thì lợp mái rạ, mãi sau này mới xây gạch lợp ngói như hiện nay".

 Theo lời kể của bà Loan thì cái tên "Đồi Cháy" này do chính nhà văn Nguyên Hồng đặt tên. Lý do là bởi dạo đó đồi này chỉ toàn đất sỏi đỏ, trọc trơ, lưa thưa mấy bụi mua bụi sim, nhà cửa lèo tèo lụp xụp. Nhìn quang cảnh ấy với lại đồi chưa có tên nên ông nhà văn đã "hóm hỉnh" đặt tên như vậy. Sau này người dân gọi là xóm Cầu Đen cũng có lẽ bởi dưới chân đồi có một dòng suối nhỏ chảy qua. Về mùa mưa nước từ trên đồi đổ xuống có màu đen nên suối gọi là suối Cầu Đen và tên xóm trên đồi cũng gọi thế cho quen thuộc.

Sau gia đình nhà văn Nguyên Hồng và Kim Lân thì Đồi Văn hóa kháng chiến vui dần lên. Các văn nghệ sĩ khác như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Tố Hữu, Tạ Thúc Bình, Tú Mỡ, Vân Đài, Anh Thơ, Trần Bảng… lần lượt đến sinh sống. Nơi đây thực sự là "Thủ đô" của văn nghệ kháng chiến và "làng" của gia đình các văn nghệ sĩ. Bà Trần Thị Loan có kể cho chúng tôi nghe một đoạn trong tác phẩm "Ấp Đồi Cháy" của nhà văn Nguyên Hồng, ông đã viết rằng: "Nhà cất xong, bếp núc cũng ngày ngày ba lần đỏ lửa như chung quanh. Những võng con thơ đã có chỗ mắc màn. Tiếng gà lợn đã nhộn nhịp ngoài sân. Canh khuya lại có cả những tiếng thở chèm chẹp của những con vện, con mực nằm dưới chân giường người ngủ mệt".

Chúng tôi được giới thiệu thêm: Tại đây, hàng loạt tác phẩm bất hủ của văn nghệ sĩ đã ra đời. Nhà văn Kim Lân viết truyện ngắn "Làng", "Vợ nhặt", "Con chó xấu xí"… Nhà văn Ngô Tất Tố sáng tác nhiều thể loại như: "Bùi Thị Phác", "Vĩnh Thụy ca" (chèo), "Buổi chợ trung du", "Quà Tết bộ đội", "Anh Lạc" (truyện) và hàng loạt tác phẩm dịch. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết khởi động mấy chương đầu tiểu thuyết "Sống mãi với Thủ đô" và một số bài báo. Nhà văn Nguyên Hồng sáng tác rất nhiều: "Ấp Đồi Cháy", "Địa ngục và lò lửa", "Đất nước yêu dấu", "Đêm giải phóng"… Tất cả đều là ký. Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn có những tranh cổ động. Khá nhiều tác phẩm của Tố Hữu, Tú Mỡ, Trần Đăng, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ… cũng ra đời từ Đồi Cháy này. Cũng ở nơi đây đã khởi thảo cho số Báo Văn nghệ ra đời năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc.

Đồi Cháy cùng với Gia Điền (tỉnh Phú Thọ) là hai nơi ăn ở, đi lại, hoạt động nhiều nhất, lâu nhất của giới văn nghệ nước nhà trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong hồi ký của Anh Thơ, Tô Hoài, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Kim Lân… đều ghi lại những kỷ niệm không bao giờ phai mờ của mình về đồng nghiệp và bà con Đồi Cháy. Nhà văn Ngô Tất Tố đã mất tại đây trước mấy tháng hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954).

Nghe chuyện xưa chúng tôi thấy tự hào về thế hệ các nhà văn cách mạng. Họ đã sống và tham gia cuộc Kháng chiến trường kỳ gian lao và anh dũng của dân tộc bằng chính những tác phẩm chân thật của mình. Họ đã cống hiến cho cách mạng một cách không hề đắn đo hay toan tính. Nhưng chúng tôi lại thấy hụt hẫng bởi ngoài tấm bảng chỉ dẫn ngoài đầu lối rẽ thì "Di tích cách mạng" này hầu như bị thời gian làm mai một.

Bà Trần Thị Loan cho biết "Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lần lượt các gia đình cùng các văn nghệ sĩ trở lại Thủ đô nhưng chỉ mới về Hà Nội được gần ba năm thì thầy tôi thấy nhớ Đồi Cháy, nhớ rừng nhớ núi, nhớ người dân nơi đây nên thày tôi quyết định đưa vợ con trở lại "Đồi Văn hóa kháng chiến" để sinh sống cho tới nay".

Giờ đây, nhà ở của nhà văn Nguyên Hồng vẫn nguyên chỗ cũ, căn nhà của tác giả "Ấp Đồi Cháy" năm xưa nay đã khá hơn dù vẫn lợp ngói, tường gạch. Vườn trước nhà xum xuê cây cối. Hàng bạch đàn, cây khế, giếng nước, chiếc chõng tre, tủ sách… dường như vẫn có bóng dáng thấp thoáng của nhà văn lao khổ ở Đồi Cháy này.

Và Đồi Cháy - "Đồi Văn hóa kháng chiến" cùng với" Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân" ở thị trấn Nhã Nam (cánh chừng 3km) đã trở thành những "Địa chỉ đỏ" không chỉ riêng với người dân Bắc Giang, không chỉ riêng với giới văn nghệ sĩ và lực lượng công an mà đã là "tài sản" của cách mạng.

Tuy nhiên với lần trở lại "Đồi Văn hóa kháng chiến" này chúng tôi vẫn mong muốn nhiều hơn bởi nơi đây chỉ còn lại duy nhất ngôi nhà của nhà văn Nguyên Hồng.

Nguyễn Trọng Văn
.
.