Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn: Lời tiên tri buồn về thế sự

Thứ Bảy, 21/01/2023, 08:23

Có nhiều nhà văn lớn được người đương thời đánh giá rất thống nhất. Nhưng cũng có không ít những nhà văn lớn chỉ được đánh giá ngày càng chuẩn xác hơn sau khi đã qua đời một khoảng thời gian khá dài, nhất là khi đó là những nhà văn luôn dám bóc trần sự thật đương thời và không lảng tránh trách nhiệm xã hội của mình. Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn (1908 - 2008, giải Nobel văn chương năm 1970) là một trong những nhà văn như thế.

Ngay ở nước Nga, từ chỗ là một nhà văn từng bị phê phán kịch liệt, Solzhenitsyn trong những năm qua đã trở thành một trong những tác giả được trích dẫn nhiều nhất trên truyền thông vì tầm nhìn xa rộng và đúng đắn của nhà văn đối với tương lai.

Cấp độ toàn cầu

Tháng 6/1978, Solzhenitsyn đã có một bài phát biểu tại Đại học Harvard với tựa đề "Một thế giới chia rẽ". Những nhận định trong bài phát biểu này được coi như một gáo nước lạnh đổ lên đầu các trí giả phương Tây. Tất nhiên, vì thế nên nhà văn đã bị không ít các thế lực thịnh thời ở phương Tây có lúc ghẻ lạnh. Báo chí phương Tây đã buộc tội ông đánh "mất thăng bằng" và đại diện cho "tinh thần chia rẽ".

Tuy nhiên, mấy chục năm sau, cũng chính những trí giả hàng đầu ở phương Tây đã phải công nhận rằng, Solzhenitsyn đã nói rất đúng về các khiếm khuyết của thế giới với tư cách một người không sùng mộ mô hình phát triển nền văn hiện đại. Chỉ sau một thời gian không dài rời Liên Xô sang sống ở các nước Tây Âu và Mỹ, Solzhenitsyn đã sớm nhìn ra những "gót chân Achille" của "miền đất mới".

Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenitsyn: Lời tiên tri buồn về thế sự -0

Trong bài phát biểu "Một thế giới chia rẽ", Solzhenitsyn đã đưa những nhận định anh minh, mang tính tiên tri. Theo ông, tự do là một khái niệm cao cả và hay ho, nhưng không thể có điều tốt đẹp từ một tâm thế tự do vô nguyên tắc.

Ông viết: "Trong xã hội phương Tây ngày nay đã mở ra tình trạng thiếu cân bằng giữa tự do cho những việc tốt và tự do cho các việc xấu. Và mỗi nhà hoạt động quốc gia khi muốn thực hiện một công việc sáng tạo lớn cho đất nước của mình, thì đều buộc phải dịch chuyển bằng những bước đi thận trọng, thậm chí, nhút nhát, liên tục bị lóa mắt bởi hàng ngàn nhà phê bình nhanh nhẩu đoảng (và vô trách nhiệm), báo chí và quốc hội luôn giật tay áo ông ta. Ông ta cần phải chứng minh sự hoàn hảo và tính hợp lý cao của mỗi bước đi. Về bản chất,  không thể nào xuất hiện được một gương mặt kiệt xuất, vĩ đại, với những biện pháp bất ngờ và phi thường - anh ta sẽ bị hàng chục cú ngáng chân ngay từ đầu đoạn đường đi. Vì vậy, dưới vỏ bọc hạn chế dân chủ sẽ nổi trội lên sự tầm thường…".

Solzhenitsyn nhận định: "Xã hội hóa ra rất ít được bảo vệ trước vực thẳm trong những sự suy đồi của con người, ví dụ như sự lạm dụng tự do trong tệ nạn bạo lực đạo đức chống lại tuổi trẻ, như phim ảnh khiêu dâm, tình trạng phạm tội hay lên đồng quỷ sứ. Tất cả đều rơi vào cõi tự do và được cân bằng về mặt lý thuyết tương tự như sự tự do của tuổi trẻ không tiếp nhận chúng. Vì vậy, đời sống pháp lý không thể tự bảo vệ mình khỏi bị cái ác ăn mòn…".

Cũng chính Solzhenisyn đã nêu thẳng ra những căn bệnh trầm kha ngự trị trong đời sống báo chí ở phương Tây. Ông phân tích: "Tất nhiên là báo chí (tôi sẽ tiếp tục sử dụng từ này để nói bao gồm tất cả các phương tiện truyền thông) được sử dụng quyền tự do rộng rãi nhất. Nhưng sử dụng như thế nào? Một lần nữa: chỉ cần không vượt qua khuôn khổ pháp lý, nhưng lại không có bất kỳ trách nhiệm đạo đức thực sự cho sự bóp méo, thay đổi tỷ lệ. Trách nhiệm nào ở nhà báo và tờ báo trước công chúng là các độc giả hoặc trước lịch sử? Nếu như họ bằng những thông tin không chính xác hoặc kết luận không chuẩn xác đã đưa dư luận xã hội đi theo con đường sai quấy, thậm chí góp phần làm nên những lầm lẫn tầm cỡ quốc gia - đã từng có bất kỳ một trường hợp hối cải nào của nhà báo này hay tờ báo chưa? Chưa, vì điều đó sẽ làm giảm lượng phát hành. Trong trường hợp như vậy, nhà nước có thể bị mất mát, nhưng nhà báo luôn được tai qua nạn khỏi. Có nhiều khả năng anh ta sẽ viết với sự tự tin mới những điều trái ngược với cái cũ.

Sự cần thiết phải cung cấp thông tin có thẩm quyền ngay lập tức đã làm đầy khoảng trống bằng những phỏng đoán, khi thu thập những tin đồn và giả định, mà sau đó sẽ không bao giờ bị bác bỏ và sẽ lắng đọng lại trong bộ nhớ của quần chúng. Biết bao nhiêu những nhận định vội vàng, thiếu thận trọng, chưa chín muồi, lầm lạc được tung ra hàng ngày, làm u tối bộ não của độc giả và đóng băng lại! Báo chí có khả năng và ngụy tạo dư luận xã hội và gò uốn nó một cách biến thái. Lúc thì tạo ra ánh hào quang siêu nhân cho những kẻ khủng bố, lúc thì tiết lộ ngay cả những bí mật quốc phòng của đất nước, lúc thì thô bạo can thiệp vào đời tư của những người nổi tiếng theo phương châm: "mọi người đều có quyền biết mọi thứ". (Một phương châm sai lầm của một thế kỷ sai lầm: cao hơn thế nhiều là cái quyền "không biết" đã bị mất của con người, không nhồi nhét vào tâm hồn thần thánh của họ những đồn đại, đàm tiếu, những trò dớ dẩn vô công rồi nghề. Con người của sự lao động sáng tạo chân chính và một đời sống đầy ý nghĩa không cần dòng chảy thông tin nặng nề thừa thãi này). Hời hợt và vội vàng - căn bệnh tâm thần của thế kỷ XX - đã hiện hình rõ nét nhất trên báo chí. Báo chí được chống chỉ định để đi vào chiều sâu của vấn đề, việc đó không có trong bản chất của báo chí mà nó chỉ tạo ra những cách quy chụp gây sốc…".

Bốn mươi năm sau, trong bài viết trên báo điện tử American Thinker, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược London, Herbert London, đã nhận xét, nhìn vào thực tế, những căn bệnh mà Solzhenitsyn đã chỉ ra trong xã hội phương Tây giờ đây trở nên trầm kha hơn. Herbert London viết: "Xu thế đó đang diễn ra kèm theo sự phá giá của nền văn hóa đã từ bỏ các hạn chế về đạo đức. Tôi đã rất kinh ngạc khi thấy Robert De Niro tại Lễ trao giải Tony đã nói đến Tổng thống Hoa Kỳ bằng một cách thô lỗ nhất. Mà đấy cũng chính là De Niro, người từng nhận Giải thưởng Tự do của Tổng thống, một giải thưởng được coi là có uy tín nhất trong nước. Tôi đã bối rối khi giải thưởng Pulitzer được trao cho ca sĩ hát nhạc Rap Kendrick Lamar, người luôn luôn đặt tay vào khóa quần của mình trong các tiết mục biểu diễn. Và tôi phải thừa nhận rằng việc trao giải Nobel văn chương cho Bob Dylan là một sự sụp đổ hoàn toàn các tiêu chuẩn đạo đức, bởi vì nhiều tinh tú văn học của thế kỷ XX cũng đã không được vinh dự này. Chúng ta đã suy đồi đến mức đấy!". Và Herbert London kết luận, theo những cách hành xử như thế, "buổi hoàng hôn của nền văn minh phương Tây không còn là điều diệu vợi mà đang ngày một hiện rõ dần hơn…".

Trên quê hương Slavơ

Tháng 12/2018, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Solzhenitsyn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh: "Trái tim, tâm hồn và những suy tư của ông luôn tràn đầy đồng thời cả nỗi đau lẫn tình yêu vô hạn đối với Tổ quốc. Những cảm xúc này đã thúc đẩy toàn bộ sáng tạo của ông…".  Cũng theo lời ông Putin, Solzhenitsyn đã biết phân biệt một cách rõ ràng một nước Nga đích thực, chân chính, quần chúng, muôn thuở với những gì  có thể gây nên những đau thương mất mát to lớn trong những cố gắng tạo ra thành tựu nhất thời. Năm 2022, ngày 27/10, phát biểu trên diễn đàn câu lạc bộ tranh luận quốc tế Valdai tại Moscow, để lý giải rõ hơn tình trạng thù địch của phương Tây đối với Moscow hiện nay, Tổng thống Putin cũng đã trích dẫn lại một ý của Solzhenitsyn về việc phương Tây đã bị "lóa mắt" bởi sự tự cho mình là ưu việt hơn phần thế giới còn lại…

Solzhenitsyn đã từng rất đau buồn vì cách hình dung méo mó về triển vọng lịch sử của nước Nga, về sự không hiểu đúng nước Nga từ phía phương Tây và đã từng tiên tri về sự chia rẽ tinh thần Slavơ trong tương lai giữa người Nga với người Ukraina. Ngay từ năm 1994, Solzhenitsyn đã đưa ra nhận định rằng, việc ghép vào Ukraina những vùng đất mà trước đó chưa từng bao giờ thuộc về Kiev hồi đầu thế kỷ XX tất yếu sẽ dẫn dến bùng nổ xung đột giữ hai dân tộc Slavơ anh em. Tới gần đây, ý tưởng tương tự cũng đã được nhắc đi nhắc lại trong các phát biểu của Điện Kremli…

Từ hơn nửa thế kỷ trước, sống trong thời Xô viết, Solzhenitsyn đã dự báo sự phát tán mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc ở Ukraina và chỉ rõ những hệ lụy tất yếu sẽ xuất hiện nếu để mọi sự tự nhiên phát triển. Trong các bài báo và các lời phát biểu công khai của mình, ông đã không chỉ một lần kêu gọi chấm dứt tình trạng đối đầu Ukraina với Nga và giải quyết các khúc mắc giữa hai bên bằng con đường hòa bình. Điều này giờ đây rất khó có thể trở thành hiện thực…

Nếu còn sống, có lẽ Solzhenitsyn càng không thể nào vui khi thấy những lời dự báo u ám của mình lại được nhắc đến nhiều trong không khí nóng bỏng và tang thương của thời hiện đại.

Hồng Thanh Quang
.
.