Người về từ “Chảo lửa”

Thứ Sáu, 07/01/2022, 13:26

Đã nhận Quyết định từ nhiều tháng trước nhưng hôm nay, TS.BS Trương Anh Thư - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bạch Mai vẫn tràn ngập cảm xúc khi được trao Bằng khen của Thủ tướng trực tiếp vào dịp kỷ niệm 110 năm thành lập Bệnh viện. "Nhận bằng khen mà hình ảnh các anh chị, các bạn và các em đồng nghiệp, mồ hôi mướt mát trong bộ đồ bảo hộ, thở dốc sau mỗi ca trực dài vẫn cứ hiển hiện trong tôi. Tôi cảm thấy rất may mắn và thật tự hào khi được đại diện cho các anh chị em nhận vinh dự này" - TS.BS Anh Thư xúc động cho biết.

80 ngày "nếm mật nằm gai"

Là chuyên gia về nhiễm khuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm sang người khác, có thể nói, bác sĩ Anh Thư đã đặt chân đến tất cả các điểm nóng của dịch COVID trên đất nước ta trong thời gian vừa qua. Tháng 8 vừa qua, bác sĩ Anh Thư đã có mặt trong đoàn công tác gồm 500 y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã vào thành phố Hồ Chí Minh, thành lập và vận hành Bệnh viện dã chiến số 16.

Đối mặt với sự gian nan, hiểm nguy, với cái chết trong gang tấc, bác sĩ Anh Thư luôn động viên những đồng nghiệp của mình, phải quyết tâm và luôn tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. Không có ngòi bút nào tả hết được những khó khăn, vất vả, sự hy sinh của những chiến sĩ áo trắng, trong đó có bác sĩ Anh Thư.

img_2618.jpg -0
TS.BS Trương Anh Thư (giữa).

Sau 80 ngày chiến đấu, giành giật sự sống cho bệnh nhân, bác sĩ Anh Thư và các đồng nghiệp vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, các anh chị lại tiếp tục tăng cường đào tạo để giúp các bệnh viện vệ tinh có kiến thức, kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn tốt hơn, sắp xếp, bố trí được nhân lực chuyên trách để duy trì triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhờ có những sự trợ giúp tích cực này mà y tế TP Hồ Chí Minh đã có những khởi sắc, đầu tư về nhân lực và nguồn lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Trở về Hà Nội, chị lại cùng đồng nghiệp ở khu cách ly trong Bệnh viện Bạch Mai chứ chưa thể về nhà, Thèm một bát phở hay một ly trà nóng ngoài quán khi đó cũng là một điều xa xỉ đối với bác sĩ Thư cũng như đồng nghiệp của mình. Tổng kết một năm nhìn lại, chị Thư kể rằng, chưa năm nào chị đi nhiều như năm nay, ngay từ đầu năm, sau khi ăn tết xong, Anh Thư nhận lệnh lên đường chống dịch ở Hải Dương. Từ Hải Dương về, chị lại đi Bắc Giang. Từ Bắc Giang về chưa được ngày nghỉ ngơi lại lập tức lên đường đi TP Hồ Chí Minh.

"Thời điểm đó, thành phố Hồ Chí Minh vô cùng căng thẳng, mỗi ngày số ca nhập viện tính tới con số hàng nghìn, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Nhiều y, bác sĩ hoang mang, có người không chịu được áp lực bị stress, có những ngày chúng tôi chỉ lặng lẽ làm việc mà không ai nói với ai câu nào, nhưng chúng tôi luôn động viên nhau phải cố gắng vượt qua" - bác sĩ Anh Thư xúc động nói.

Với người thường, việc phải đeo khẩu trang cả ngày, mặc đồ bảo hộ liên tục cũng khó có thể quen được, nhưng với các y, bác sĩ, điều đó là... đơn giản nhất. Nhiều người bị rộp bỏng lưng, nổi mụn, tấy đỏ. "Lực lượng chi viện đến từ Bệnh viện Bạch Mai phải triển khai một Trung tâm Hồi sức tích cực hơn 400 giường, trong tình trạng chỉ có một nhà kho trống và một hệ thống oxy. Đó là một quá trình vô cùng gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực, đoàn kết, cố gắng gấp 10 lần bình thường của các y, bác sĩ"- bác sĩ Anh Thư nhớ lại.

Thời gian đầu vào chi viện, nhân lực thiếu, trang thiết bị chống nhiễm khuẩn đảm bảo yêu cầu chưa đủ và thường xuyên trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Bệnh viện thiếu từ những vật tư nhỏ nhặt nhất như băng gạc, phương tiện phòng hộ, đến nỗi đích thân Bác sĩ Giám đốc bệnh viện đã phải bỏ cả tiền túi ra để mua trang phục cho nhân viên. Nhưng điều khiến bác sĩ Anh Thư cũng như nhiều đồng nghiệp cảm thấy khó vượt qua nhất đó là sự bất lực khi các bác sĩ muốn cứu người mà tình trạng bệnh nhân tiến triển quá nhanh, quá nặng. Mỗi ngày, các anh các chị làm việc đến 12 tiếng là bình thường. Kết thúc một ngày là trời đã tối mịt và chỉ ăn vội vàng suất cơm qua loa rồi chợp mắt để dành sức cho ngày hôm sau.

Xác định nhiệm vụ của mình là vô cùng quan trọng, vì công việc của bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn rất nhiều, trong đó quan trọng nhất là không để lây lan sang các y bác sĩ, vì lực lượng này mà bị lây nhiễm thì vô phương cứu chữa, lấy đâu người ra cấp cứu các bệnh nhân khác, vì vậy bác sĩ Anh Thư vừa động viên anh em vừa "lên dây cót", phải giữ môi trường bệnh viỆn luôn sạch sẽ, kiểm soát để người bệnh COVID-19 không bị nhiễm thêm vi khuẩn khác trong quá trình điều trị, bị "nhiễm khuẩn bệnh viện" và tử vong do căn bệnh khác không phải COVID-19...

"Những lúc chứng kiến người bệnh nặng được cai máy thở, giành lại được sự sống, chúng tôi vô cùng mừng rỡ, đó là nguồn năng lượng tích cực mà không một loại thần dược nào có thể thay thế " - một thoáng lấp lánh trong ánh mắt bác sĩ Anh Thư.

Hạnh phúc bình dị

Một buổi chiều cuối tháng 9, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện dã chiến số 16, đã diễn ra một sự kiện đặc biệt. Một đám cưới online được tổ chức khi cô dâu là nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai đang tham gia chống dịch tại TP. HCM, còn chú rể ở tại Hà Nội. Hai điểm cầu Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có thật nhiều tiếng cười và cả những giọt nước mắt trong veo lăn tròn hạnh phúc.

img_2617.jpg -0
Đám cưới online của Đỗ Thị Ngọc Diệp.

Cô dâu là chị Đỗ Thị Ngọc Diệp (24 tuổi) là điều dưỡng của Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chị Diệp đã có mặt cùng đoàn công tác 500 nhân viên y tế tăng cường cho TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Trước đó, kế hoạch đám cưới đã được gia đình hai bên thông qua, ngày giờ cũng đã ấn định. Nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể về kịp ngày cưới, Diệp đã vui vẻ động viên chồng, và kết cục một đám cưới online đã diễn ra hết sức đầm ấm vui vẻ.

Điều khiến Diệp bất ngờ hơn cả, đó là mặc dù trong tình trạng thiếu thốn nhưng "nhà gái" đã chuẩn bị tươm tất mâm cỗ ngay giữa nơi tâm dịch - như một minh chứng về khát vọng chiến thắng COVID của các y, bác sĩ đang ngày đêm nỗ lực chiến đấu nơi đây.

Nhớ lại sự kiện đặc biệt đó, bác sĩ Anh Thư cho biết: "Tôi cùng đồng nghiệp vô tình phát hiện Diệp vào nhà kho, một mình tham gia lễ ăn hỏi online thì thấy rất thương và xúc động, muốn làm một điều gì đó cho Diệp, để em không cảm thấy cô đơn trong chính ngày đáng lẽ phải là hạnh phúc nhất của người con gái. Thế là chúng tôi hỏi mượn áo dài mong tổ chức một đám cưới ý nghĩa cho em và nhận được sự đồng ý của lãnh đạo Bệnh viện cũng như sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các tình nguyện viên".

Trước sự chứng kiến của hai bên gia đình, của đồng nghiệp hai đầu cầu, chú rể đã trao nhẫn cho cô dâu qua màn hình, trước những tiếng vỗ tay, tiếng cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc. Khỏi phải nói sự xúc động của cô dâu khi nhận được trọn vẹn tình cảm của tất cả mọi người. Có lẽ đối với Diệp cũng như tất cả những người chứng kiến, đây là một đám cưới ấn tượng nhất, nhiều kỉ niệm nhất và cũng dạt dào xúc động nhất.

Cảm ơn các anh, các chị, những chiến binh áo trắng, đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, hy sinh những niềm vui bình dị nhất, đã chìa hai vai gánh vác sứ mệnh lịch sử, để mang lại sức khoẻ và sự bình an cho cộng đồng, cho bao cuộc đời được tái sinh.

Trí Anh
.
.