(Nhân đọc tiểu thuyết “Thiên thu huyết lệ” của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, NXB Hội Nhà văn, 2022)

Kỳ án hồ Dâm Đàm hay nỗi oan thiên kỷ?

Thứ Năm, 23/03/2023, 14:26

Mấy năm gần đây Nhà văn Nguyên Trọng Tân bỗng say mê với việc viết tiểu thuyết lịch sử. Bắt đầu là "Thư về quá khứ", tiếp theo là "Thiên mệnh" và mùa thu 2022  là "Thiên thu huyết lệ". Trong khi "Thiên mệnh" còn đang gây sự chú ý đặc biệt của giới phê bình văn học và thu hút bạn đọc cả nước thì "Thiên thu huyết lệ" của ông đã xuất hiện trên văn đàn.

Nếu như "Thiên mệnh", nhà văn mới đưa bạn đọc trở lại quá khứ hơn 200 năm với những võ công chống xâm lăng oai hùng của dân tộc ta dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Quang Trung - Nguyễn Huệ thì "Thiên thu huyết lệ", tác giả lại đưa chúng ta ngược dòng lịch sử 1.000 năm trước trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhà Tống với bao kỳ tích lạ thường của quân dân Đại Việt thời Vua Lý Nhân Tông: Từ "Tiên phát chế nhân", "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư" đến "Mở đường cho giặc chạy"...

bai-tap-chi-10208.jpg -0
Bìa bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Trọng Tân.

Tuy nhiên, từ "cái đinh" sử liệu ấy, nhà văn còn muốn treo vào đó tấm gương phản chiếu khác bằng quyền năng của văn học và tấm lòng của hậu sinh về một nhân vật thuộc bậc kinh bang tế thế của dân tộc ta thế kỷ thứ 11: Trạng nguyên khai khoa - Thái sư Lê Văn Thịnh. Về nhân vật lịch sử này, Chính sử nước nhà đã viết: "Còn vụ án nghi giết vua, sách Đại Việt sử ký Toàn thư chỉ chép như sau, "Bính Tý, năm thứ 5 (1096). Mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua ngự ra hồ Dâm Đàm, đi chiếc thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ,  mọi người sợ tái mặt đi, nói rằng: Nguy lắm rồi! Người đánh cá là Mục Thận quăng cái lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Văn Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết chết, đày lên trại đầu ở Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tài vật, lại cho đất Tây Hồ làm thực ấp. Trước đây Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý có pháp thuật kỳ dị, cho nên làm ra như thế để định cướp ngôi vua" (ĐVSKTT, NXB Hồng Đức, 2020).

Đọc những dòng sử liệu trên, cùng quan điểm với nhiều học giả nghiên cứu về vụ kỳ án này, Nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã mượn lời Thái úy Lý Thường Kiệt tâu với Đức vua Lý Nhân Tông rằng: Lê Văn Thịnh  không còn họ hàng thân thích, không có bè đảng, không thể một mình ám hại vua. Lại nữa, triều đình truy xét kỹ nơi ở của Lê Văn Thịnh ở Thăng Long và quê Bảo Tháp không có vàng bạc của cải ...Trong khi đó, có một sự thực lịch sử là: Ông là đệ nhất khai khoa nền nho học Đại Việt, là thầy giáo hầu vua học và có nhiều đóng góp trong việc chinh phạt giặc Tống, ngoại giao đòi lại đất chúng chiếm đóng và được triều đình ban chức Thái sư khi còn rất trẻ...

Chính vì vụ kỳ án còn gây nhiều nỗi băn khoăn, còn nhiều bàn cãi ấy mà nhà văn đã cố công tìm các cứ liệu lịch sử, đã gắng sức vận dụng phương pháp luận đối chiếu và so sánh và đưa ra kết luận: Đây là một vụ án oan. Một vụ án oan khiến một nhân vật lịch sử đáng được tôn vinh phải ngậm oan suốt ngàn năm. Và vì thế nhà văn đã chọn "Thiên thu huyết lệ" để đặt tên cho tác phẩm của mình.

Tiểu thuyết 500 trang, được chia làm 41 chương với cách kết cấu truyền thống. Nhà văn Nguyên Trọng Tân đã dành 25 chương đầu với 300 trang sách để khắc hoạ chân dung Lê Văn Thịnh thuở đi học, khi trở thành chàng trai sớm bộc lộ tài năng trác việt nhưng cũng rất đa cảm và chung tình với cô thôn nữ cùng quê...

Nhà văn cũng dày công tái hiện lại chế độ khoa cử và cách chọn hiền tài của vương triều Nhà lý với những đóng góp rất quan trọng của Thái sư Lý Đạo Thành trong việc tìm một người có trí tuệ, có đạo đức để gánh vác việc non sông thay ông sau này. Đó chính là chàng nho sinh Lê Văn Thịnh . Ông trở thành "Đệ nhất khai khoa" trong lịch sử khoa cử của nước Đại Việt thế kỷ 11.

Đây là giai đoạn lịch sử được các sử gia ca ngợi là "bách niên thịnh thế" dưới sự trị vì nối tiếp nhau của ba bậc minh quân: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Đây cũng là thời  có những nhân tài kiệt hiệt phò vua giúp nước như Thái uý Lý Thường Kiệt, Thái sư Lý Đạo Thành... Đây cũng thời kỳ mà Triều đình chú trọng đến việc chọn người tài ra giúp vua  gánh vác việc nước qua con đường học hành, khoa cử.

Năm 1075, Vua trẻ Lý Nhân Tông xuống chiếu kỳ thi "Minh tinh bác sỹ và Nho học tam trường" lần đầu tiên để tuyển chọn nhân tài. Chính tại kỳ thi này, nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là chàng khoá sinh Lê Văn Thịnh người làng Bảo Tháp,  phủ Thiên Đức đã đỗ thủ khoa.

Từ những sử liệu khoa cử thời phong kiến đã được cân nhắc thận trọng, bằng ngòi bút của một tiểu thuyết gia, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã giúp bạn đọc hình dung được việc học hành, việc thi cử của thời Lý và những thử thách ngặt nghèo để một nho sinh nghèo vùng thôn dã trở thành Trạng nguyên rồi được chọn vào cung hầu dạy vua trẻ Lý Nhân Tông học. Và cũng qua tư duy logic phân tích và quy nạp những sự kiện có trong chính sử, nhà văn đã lý giải được vì sao chỉ mấy năm sau thi đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Thịnh đã được phong chức Binh bộ Thị lang với những đóng góp không nhỏ trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, đặc biệt là cuộc bang giao tài trí và khôn khéo để đòi lại châu Quảng Nguyên. Và cũng nhờ tài năng, đức độ và những đóng góp lớn lao với triều đình mà chỉ 10 năm sau chiếm bảng vàng, Lê Văn Thịnh đã trở thành Thái sư ...

Nhưng thật bất ngờ, giữa lúc thái bình thịnh trị, triều đình vua sáng tôi hiền lại nảy ra vụ án hồ Dâm Đàm, Thái sư Lê Văn Thịnh bỗng nhiên bị quy kết dùng phép thuật hóa hổ toan hại vua! Người đời sau chỉ biết về vụ kỳ án này qua vẻn vẹn vài dòng chép trong  sách "Đại Việt sử ký toàn thư" đã dẫn ở phần đầu bài viết. 

Chắc bạn đọc cũng cảm thấy hết sức bất ngờ khi biết đến kỳ án này. Các nhà sử học cũng đã quan tâm nghiên cứu để giải mã sự kiện lịch sử có quá nhiều uẩn khúc nhưng các cứ liệu, sử liệu hầu như không có, không còn. Là một tiểu thuyết gia đam mê lịch sử, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã đặt những câu hỏi xung quanh sự kiện này như sau:

- Lê Văn Thịnh bị khép tội "mưu giết vua", một trọng tội đứng đầu thập ác, phải tru di cửu tộc. Vậy mà vì sao cửu tộc của ông không hề hấn gì, chỉ riêng một mình ông bị đưa lên đày trên Thao Giang rồi chưa đầy một năm sau đã được tha?

- Là người tài cao học rộng, đã nhận được rất nhiều ân sủng của vua Lý Nhân Tông, lại am hiểu và sống theo khuôn thước lễ nghĩa Nho giáo, giữa lúc triều đình thịnh trị, cơn cớ gì khiến Lê Văn Thịnh phải làm phản?

- Một viên quan văn như Lê Văn Thịnh làm phản mà không có bè đảng, không gươm giáo... Việc ông bị khép tội, chỉ có một mình ông ngồi trên chiếc thuyền con với một tấm da hổ giữa lúc mưa to gió lớn (như sử chép). Trong khi đó Nhà vua có giáo trong tay, và chắc chắn lúc nào cũng có ngự lâm quân hộ giá ...

Từ những câu hỏi xoay quanh những nội dung trên, bằng quyền năng văn học nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã tự giải mã bằng 200 trang viết chia làm 15 chương tiểu thuyết tiếp theo. May sao, có một số sử liệu và cứ liệu mà nhà văn có thể dựa vào để xây dựng thành các nhân vật xung quanh Lê Văn Thịnh từ khi ông bị lưu đày nơi rừng sâu núi thẳm.

Đó là chuyện Lê Văn Thịnh có gã gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ dị, thường bày trò mua vui cho ông hoặc một số triều thần. Được biết gã gia nô này là quà tặng của nhà Tống ban cho mà ông không thể không nhận. 

Đó là pho tượng rất lạ: Cụ Rồng "miệng cắn thân, chân xé mình" tìm thấy ở khu vực đền thờ Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh vào năm 1991 và được Nhà nước công nhận pho tượng là Bảo vật quốc gia vào năm 2013.

Ngoài ra, tại quê hương Lê Văn Thịnh và nhiều nơi khác trên đất nước vẫn có đền thờ ông, ngưỡng vọng một người hiền tài vì những người dân trong vùng không tin ông là kẻ phản nghịch...

Có thể nói nhà văn đã rất thành công giải mã phần nào vụ án oan khi khép lại "thiên thu huyết lệ" bằng chương cuối nhan đề "Đi tìm câu trả lời". Đó là cuộc gặp gỡ giữa nhà văn với Vua Lý Nhân Tông trong mơ vào một đêm mưa to gió lớn. Trong cuộc gặp gỡ ấy, nhà văn đã mạnh dạn bầy tỏ suy nghĩ của mình. Rằng, phải chăng tượng cụ rồng miệng cắn thân, chân xé mình là hiện thân của Đức vua Lý Nhân Tông. Là thông điệp về sự ân hận, dằn vặt của Đức vua đã xử oan Thái sư Lê Văn Thịnh. Phải chăng người khách đến gặp người thợ đá tài hoa làng Ninh Vân tạc tượng rồng thể hiện tâm trạng "làm hại Thái sư khác gì tự cắn xé thân thể mình? Phải chăng Đức vua đã lén cho người chôn bức tượng cụ rồng vào mảnh đất quê hương của Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh là muốn nhờ thời gian và hậu thế nói hộ lòng mình?

Trang tiểu thuyết 507 đã khép lại nhưng người đọc sẽ còn phải ngẫm nghĩ nhiều điều. Sẽ có nhiều độc giả, trong đó có tôi đã đồng cảm với những trang viết tâm huyết của nhà văn và rơi lệ về thân phận của một nhân vật lịch sử rất đáng tôn kính như Trạng nguyên khai khoa - Thái sư Lê Văn Thịnh. Sẽ có nhiều độc giả, trong đó cũng có tôi, một người học sử và đam mê lịch sử tiếp tục tìm cứ liệu để cùng nhà văn giải mã cho sự kiện này một cách thấu đáo hơn. Đó cũng chính là thành công của tác phẩm.

Nguyễn Xuân Hải
.
.