Họa sỹ Ngô Quang Nam

Đua tốc độ với thời gian

Thứ Ba, 15/03/2016, 08:01
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú có một đội ngũ văn nghệ sỹ đông đảo. Không ai bảo ai, mỗi người một cách riêng, đã làm cuộc "đổ bộ" về Hà Nội. 


Khởi đầu là hai nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Đình Minh, tiếp theo là Nguyễn Chí Vượng, Giám đốc Sở Văn hóa (tác giả bài thơ được phổ nhạc: "Gửi Việt Trì - Thành phố ngã ba sông", rồi đến Văn Chinh, Trần Quang Quý, Đỗ Quý Bông về Hà Nội học cũng ở lại. Tiếp đến là nhạc sỹ Cao Khắc Thùy, họa sỹ Ngô Quang Nam, nhạc sỹ Đào Đăng Hoàn…

Họa sỹ Ngô Quang Nam rời Phú Thọ năm 1996 với cương vị là Giám đốc Sở Văn hóa, về làm lãnh đạo một vụ ở Bộ Văn hóa. Quen thân nhau đã lâu, dù biết Ngô Quang Nam là hậu duệ đại Văn Thân Cần Vương Nguyễn Quang Bích, nhưng tôi vẫn thầm thắc mắc là tại sao ông không mang họ Nguyễn như cụ.

Nhân chuyến về thăm đền thờ cụ Nguyễn Quang Bích ở xã Tuy Lộc (Cẩm Khê) gần đây, tôi mới hỏi chuyện này và được biết: Cụ Nguyễn Quang Bích quê gốc ở Tiền Hải, Thái Bình, từng làm đến chức Hiệp Điện Đại Học Sỹ,  năm 1886 được triều đình bổ nhiệm làm Tuần phủ Hưng Hóa (quản lý gồm cả vùng Tây Bắc, đóng ở vùng Phú Thọ ngày nay).

Cụ Bích vốn họ Ngô, nhưng từ mấy đời trước đó, gia đình làm con nuôi họ Nguyễn, theo quan niệm "Ngũ đại mai thần chủ", nghĩa là ơn phải trả trong năm đời, họ phải theo đến năm đời. Đến đời thứ 6 trở đi con cháu mới được mang lại họ cũ. Qua 5 đời, đến đời ông nội của Ngô Quang Nam là cụ Ngô Quang Đoan đã được mang lại họ Ngô.

Ngô Quang Nam sinh năm 1942 tại Vĩnh Phúc. Năm 1958, ông vào học Trường Mỹ thuật Hà Nội, đến năm 1960 về công tác tại Ty Văn hóa Vĩnh Phúc. Năm 1966, ông được cử sang học tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Praha (Tiệp Khắc) chuyên về sơn dầu, đến năm 1974 về làm việc tại Ty Văn hóa Vĩnh Phú (thời gian này đã sáp nhập hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc), ông được giao làm Giám đốc bảo tàng tỉnh, rồi làm Phó ty Văn hóa, năm 1978 làm Trưởng ty Văn hóa tỉnh khi mới 36 tuổi.

Họa sỹ Ngô Quang Nam bên xưởng vẽ.

Suốt thời gian từ năm 1978 đến 1990, ông vừa làm Giám đốc Sở Văn hóa, vừa kiêm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Tháng 4-1990, ông được điều về Hà Nội dự định làm lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế thì đúng lúc sáp nhập 4 Bộ, thừa cán bộ lãnh đạo nên ông xin làm chuyên môn, Phó Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật, rồi tiếp đến 6 năm làm Chánh Văn phòng Bộ, sau đó lại về Vụ Mỹ thuật cho đến khi nghỉ hưu năm 2003.

Có lúc hàn huyên tôi tò mò hỏi, ông tuy là gốc Thái Bình, nhưng cả đời ông đã gắn bó với vùng đất trung du, lại làm rể Phú Thọ nữa, dấu ấn sâu đậm nhất của ông đối với vùng đất này là gì? Ngẫm nghĩ một lúc, ông bảo: “Đời mình lắm truân chuyên, nhưng hóa ra sự truân chuyên ấy cho mình nhiều kỷ niệm.

Nhớ khi mới làm Giám đốc Sở Văn hóa, có lần hai đồng chí Lê Duẩn và Trường Chinh lên làm việc với tỉnh, khi thăm Đền Hùng yêu cầu tỉnh phải xây dựng khu di tích Đền Hùng khang trang, xứng tầm là nơi phát tích cội nguồn của dân tộc. Bí thư tỉnh bấy giờ là ông Hoàng Quy, Chủ tịch tỉnh là ông Lê Huy Ngọ đã thống nhất giao cho Sở Văn hóa chủ trì làm quy hoạch khu Đền Hùng. Đây là lần quy hoạch đầu tiên khu di tích Đền Hùng.

Ngoài các nhà kiến trúc, các nhà khoa học, như Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Giáo sư Phạm Huy Thông, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu… cùng các nhà nghiên cứu của Bộ Văn hóa, Bộ Xây dựng, Kiến trúc đã tham gia góp ý kiến cho đề án, Bí thư Hoàng Quy còn mời được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (tác giả thiết kế công trình Dinh Thống Nhất) ra giúp. Đề án hoàn thành giai đoạn 1, tỉnh được đi báo cáo điển hình. Đây là cơ sở để các bước quy hoạch tiếp theo làm cho khu di tích Đền Hùng được khang trang như ngày nay”.

Ngô Quang Nam còn là tác giả cuốn "Giai thoại Bút Tre" đã tái bản đến lần thứ 10 (không kể các nhà xuất bản địa phương tự ý lấy sách của ông xuất bản). Trước đây, tôi vẫn nghĩ ông phải thân với ông Bút Tre lắm nên mới biết nhiều chuyện như thế. Hóa ra không phải, khi Bút Tre làm Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ thì Ngô Quang Nam còn ở Vĩnh Phúc, khi ông về sở Văn hóa Vĩnh Phú thì Bút Tre đã nghỉ hưu. Thực tế Ngô Quang Nam biết và nghe nhiều về Bút Tre và có gặp vài lần.

Ông bảo, đến giờ ông vẫn có hai điều ân hận khi nghĩ đến ông Bút Tre, là khi lần đầu gặp ông Bút Tre và lúc ông Bút Tre mất. Ngô Quang Nam kể: Khoảng năm 1965, bấy giờ giặc Mỹ đang đánh phá miền Bắc, khi ấy ông đang là cán bộ ở Ty văn hóa Vĩnh Phúc, phải thường xuyên trực chiến ở cơ quan. Một buổi chiều gần tối, ông thấy một người đàn ông kẽo kẹt đạp xe vào cơ quan, tự giới thiệu: "Tớ là Bút Tre từ Quảng Bình ra, vừa về đến đây". Thì ra ông Bút Tre vừa dẫn đầu đoàn cán bộ Ty Văn hóa Phú Thọ vào thực tế ở tuyến lửa Quảng Bình bằng xe đạp.

Câu nói "Tiếng hát át tiếng bom" là do ông Bút Tre phát hiện ra từ chuyến đi này. Ông Bút Tre nói: "Cả đoàn đi và về cùng nhau, đến đây mình bảo các cậu ấy về trước, còn mình rẽ vào đây thăm các ông". Ông Bút Tre ngồi chơi nói chuyện đến lúc trời gần tối, rồi lại đạp xe về Phú Thọ. Khi lên xe, ông còn bảo "về tối cho an toàn". Ngô Quang Nam ân hận là tuy ngày ấy khó khăn, sao lại không mời ông được một bữa cơm, dù là đạm bạc.

Lần thứ hai là lúc ông Bút Tre mất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về tận nơi viếng, còn Ngô Quang Nam ốm phải nằm viện không về được. Ngày ấy Bút Tre làm thơ và cho xuất bản, bị kiểm điểm, mặc dù nhiều người biết Bút Tre bị oan, nhưng không ai dám nói, kể cả các bài viết bênh vực ông của Nguyễn Hữu Nhàn và Nguyễn Thiện Kế cũng bị vạ lây.

Khi ông Bút Tre mất, Ngô Quang Nam với tư cách Giám đốc Sở Văn hóa đã viết một bài trên Báo Vĩnh Phú nói về những đóng góp của ông Bút Tre với việc phát triển văn hóa của tỉnh. Sau khi báo ra, lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là ông Lê Huy Ngọ bảo các cậu hãy minh oan cho ông ấy. Cùng với việc năm 1979, hai nhà văn Nguyễn Đình Thi và Kim Lân lên Vĩnh Phú công tác, nghe chuyện về Bút Tre, có nói cần phải đính chính cho thơ Bút Tre.

Thế là Ngô Quang Nam bắt tay vào sưu tầm các giai thoại về Bút Tre và xuất bản thành sách, như một cách giải tỏa nỗi ân hận của lòng mình. Khi ở Vĩnh Phú, với cương vị là Giám đốc Sở Văn hóa, Ngô Quang Nam còn chịu trách nhiệm xây dựng công trình Bảo tàng Hùng Vương và triển khai công trình "Địa chí Vĩnh Phú", trong đó ông vừa là chủ biên, vừa đóng góp viết chương "Mỹ thuật thời Hùng Vương" (phần lớn nội dung cuốn Địa chí này sau có người copy xuất bản làm của họ, đã bị báo chí phê bình gay gắt).

Mặc dù làm công tác quản lý bận rộn, ông vẫn tranh thủ vào những ngày nghỉ để sáng tác. Thời gian học ở Tiệp Khắc, ông có 3 lần triển lãm tranh cá nhân, từ khi về nước ông đã tổ chức 4 lần triển lãm và chưa năm nào bỏ tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Bằng chất liệu màu nước, sơn dầu và sơn mài, chủ đề thể hiện phong phú, rất gần gũi với đời sống, một góc rừng cọ, một hồ sen, một cây cầu, hay một đỉnh rừng Tây Bắc, một nếp nhà sàn vùng cao…

Cuộc sống và thiên nhiên vào tranh ông một cách tự nhiên mà không gượng ép, bởi tranh ông đều thể hiện bằng đường nét phóng khoáng, mềm mại, duyên dáng, kết hợp giữa nhiều mảng màu đậm nhạt điêu luyện, huyền ảo. Qua mỗi bức tranh đều đậm triết lý về tính nhân - quả giữa con người và thiên nhiên, giữa hiện thực và ước lệ trừu tượng khiến người thưởng thức vừa xem, vừa ngẫm nghĩ thú vị. Ông bảo sâu đậm nhất trong ông vẫn là đề tài về chiến tranh cách mạng.

Các tác phẩm thành công nhất của ông là các tranh: "Thánh Gióng", "Hai Bà Trưng", "Ngã ba Đồng Lộc", "Đường Trường Sơn", "Đường mòn Hồ Chí Minh", "Mười hai ngày đêm đánh Mỹ"… Từ 2003, ông về hưu lại có thêm nhiều thời gian, ngoài vẽ tranh ông còn viết tiểu thuyết và làm thơ. Ông đã có 3 cuốn tiểu thuyết được xuất bản, đó là "Dòng máu" viết về anh hùng Trần Cư (NXB Thanh Niên); "Ngư phong Tướng công" viết về một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương là Nguyễn Quang Bích (NXB Văn hóa 2007; NXB Quân đội nhân dân 2009); "Độc Tướng quân" viết về phong trào Đông Du của Đông Kinh Nghĩa Thục, trong đó có ông nội Ngô Quang Nam là cụ Ngô Quang Đoan đã rời Việt Nam một ngày với cụ Phan Châu Trinh sang Hương Cảng gặp cụ Phan Bội Châu để cùng sang Nhật. Ngoài tiểu thuyết, ông còn xuất bản 8 tập thơ.

Tháng Giêng năm nay đến thăm ông, mà vẫn thấy ông miệt mài với giá vẽ. Phòng vẽ của ông ngổn ngang những phác thảo, những bức tranh mới tạm hoàn thành. Ông bảo về hưu ông càng vẽ được nhiều, và đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm cá nhân mới. Ông bật mí cho tôi xem trên 100 bức tranh màu nước đã hoàn thành sẽ trưng bày trong triển lãm này. Thưởng thức các tác phẩm đã hoàn thành, bên cạnh những bức vẽ đang hoàn thiện, và những phác thảo mới, tôi có cảm giác rằng họa sỹ Ngô Quang Nam đang thực hiện cuộc đua tốc độ với thời gian.

Hà Văn Thể
.
.