Cứ nằm bệnh viện là làm thơ hay

Thứ Hai, 04/07/2022, 14:24

Đó là một đặc điểm rất độc đáo của nhà thơ nữ Hương Nghiêm. Bà được nhiều bậc thơ cao niên, có tiếng tăm như Hoàng Cầm, Ngô Văn Phú, Phạm Tiến Duật.. trân trọng, ghi nhận qua những tập thơ đã xuất bản: "Ngọn cỏ hương trời" (1991), "Bất chợt" (1993), "Trong ngàn hạt mưa sa" (1995), "Vũng sao chìm" (1998), "Cuộc hành trình một bước" (2002), "Tuyển thơ Hương Nghiêm" (2007).

Bà có tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Thảo, sinh ngày 23 tháng 8 năm 1945 tại thị xã Quảng Ngãi là ngày tỉnh này nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), cô bé Thảo khi ấy lên 9 tuổi theo cha ra tập kết ở miền Bắc và học tại Hải Phòng.

Cô có năng khiếu đặc biệt về vẽ và nặn tượng. Chỉ cần một viên phấn, cô có thể tạo nên những bức tranh nhỏ thật độc đáo. Tại nhà Hương Nghiêm hiện nay, ngoài những tập thơ của bà đã xuất bản còn có một không gian trưng bày những bức tượng do bà tạo ra chẳng khác gì xưởng họa của một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Chuyện rằng, hồi học ở trường giành cho các học sinh miền Nam tập kết, khi hết phổ thông, người ta đi kiếm tìm những em có năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật (văn, thơ, nhạc, múa, họa, sân khấu, điện ảnh…). Nguyễn Thị Xuân Thảo là một trong 3 em được chọn để lên Hà Nội học nghệ thuật (mỹ thuật).

Cứ nằm bệnh viện là làm thơ hay -0
Nhà thơ Hương Nghiêm.

Nhưng Xuân Thảo đã không trở thành họa sĩ, nhà điêu khắc mà lại trở thành nhà thơ độc đáo - điều mà cô không hề nghĩ tới. Số là… cô có người cha ruột là một cán bộ cách mạng, đã không đồng ý cho con gái của mình đi vào con đường nghệ thuật vì cho rằng lãng mạn, hão huyền mà hướng theo ý của ông. Người cha nói với Thảo: "Nước ta là nước nông nghiệp đang rất cần nhiều kỹ sư về nông thôn phục vụ, giúp đỡ bà con phát triển nông nghiệp. Con cần đắm mình vào thực tế đời sống ở nông thôn. Tại đó, con sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống".

Trước quyết định khăng khăng của người cha mà mình rất đỗi kính yêu, Xuân Thảo đã vâng lời. Thế là cô thi và đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp. Ra trường, cô đã thực hiện đúng lời dặn của cha: Về nông thôn, đem kiến thức học được giúp bà con nông dân phát triển nghề trồng lúa. 7 năm lăn lộn ở Hưng Yên cộng với 7 năm nữa vào Tây Nguyên đã giúp Hương Nghiêm hiểu biết nhiều về đời sống nông thôn, tâm hồn, tính cách người nông dân.

Thế rồi bà bỗng có nhu cầu… làm thơ. Chỉ là việc yêu thích chứ không hề có ý nghĩ sẽ giới thiệu thơ ở đâu, in ấn cho ai đọc. Và Hương Nghiêm cứ thầm lặng ghi những vần thơ đầu tiên của mình ra cuốn sổ nhỏ, không ai biết. Về sau, khi bà lấy chồng - chính là người thầy dạy tiếng Nga của mình ở trường Đại học Nông nghiệp - ông là người phát hiện ra tài thơ của vợ. Ông là nhà báo, nhà văn Lê Thấu sau này về làm việc ở Báo Nhân dân với cương vị Phó Ban Nhân dân chủ nhật đã "bí mật" cho đăng ở tờ báo mình phụ trách. Thấy thơ hay, vị Trưởng ban hỏi Lê Thấu: "Hương Nghiêm là ai, chưa xuất hiện ở đâu mà thơ rất khá". Lê Thấu trả lời: "Một bạn đọc gửi thơ đến".

Sau những bài thơ được đăng trên Báo Nhân dân, Hương Nghiêm càng được khích lệ để sáng tác tiếp. Và tập thơ đầu tiên ra đời mang tên "Ngọn cỏ hương trời" có lời giới thiệu rất trân trọng của nhà thơ tài danh Hoàng Cầm với số lượng in hàng nghìn bản đã nhanh chóng phát hành hết. Từ đó, bà đều đặn sáng tác và lại cho xuất bản các tập thơ liên tiếp như đã nói ở trên.

Là kỹ sư nông nghiệp và sau đó là công chức làm ở Ban Khoa giáo Báo Nhân dân, công việc rất dễ khô cứng. Vậy mà Hương Nghiêm thể hiện một hồn thơ lai láng, kết hợp được nhuần nhuyễn hai yếu tố trí tuệ và trữ tình, lãng mạn trong thơ của mình.

Hương Nghiêm luôn tìm được những tứ thơ độc đáo. Rất nhiều người làm thơ không dễ gì có được. Xin đơn cử bài "Quà tặng". Đây là một bài thơ tình có tứ lạ: "Anh đòi chữa trái tim cho em/ Thay cho nó một cái van hoàn thiện/ Để làm gì khi trái tim hồng tan nát/ Thành vạn ngôi sao?/ Em vừa khóc vừa đếm/ Em vừa khóc vừa xâu/ Một chuỗi dài óng ánh/ Để làm quà tặng anh". Giá trị của bài thơ dồn ở mấy chữ: "Anh đòi", "để làm gì?", "khóc", "đếm", "xâu", "làm quà". Trong bài thơ này, ta không thấy xuất hiện những từ, ngữ bóng bảy, chải chuốt có vẻ lãng mạn thường thấy ở nhiều bài thơ tình.

Mà sự hấp dẫn ở bài thơ này chính bởi cái tứ thật lạ: Cái van tim của em có vấn đề. Anh đòi chữa, thay cho em chiếc khác. Nhưng chẳng để làm gì khi tim em đã vỡ vụn, vỡ thành vạn ngôi sao. Đó là sự tưởng tượng kỳ diệu của một tài năng. Và em đã xâu chuỗi những mảnh vụn ấy lại thành một chiếc vòng để tặng anh, đeo lên cổ anh, đậu trên vai anh. Ta có cảm giác đây như một bài thơ dịch của một nhà thơ tài ba ở nước ngoài. Có thể bắt gặp trong tuyển tập thơ Hương Nghiêm rất nhiều bài có tứ lạ như thế: "Em cho anh đôi mắt của em", "Giã bạn", "Thung lũng hoa hồng", "Giấc mơ", "Tu thân", "Điệu tăng gô", "Đi chơi với Ngộ Không"…

Cứ nằm bệnh viện là làm thơ hay -0
Bìa “Tuyển tập thơ Hương Nghiêm”.

Thơ bà kén người thưởng thức, khó đọc bởi thơ bà luôn tiềm ẩn nhiều tầng ý nghĩa sâu xa. Bóc tách những lớp vỏ ngôn từ, ta thấy những vỉa ý tứ cất giấu ở bên trong không dễ ai cũng có thể phát hiện.

Cuộc đời mỗi con người có những ngã rẽ không thể ngờ trước. Đó là số phận và đó cũng là duyên nghiệp. Do người cha ngăn cản mà Nguyễn Thị Xuân Thảo đã không thành một hoạ sĩ, nhà điêu khắc. Nhưng bà lại thành nhà thơ Hương Nghiêm giàu bản sắc độc đáo. Lại nói thơ như thế nhưng nếu bà không gặp Lê Thấu để nên duyên vợ chồng thì mãi mãi những bài thơ chỉ ẩn náu trong những cuốn sổ tay để rồi như "áo gấm đi đêm", chẳng ai biết.

Có một sự thật thú vị khác: Cái số bà đã thoát được lưỡi hái tử thần khi còn rất trẻ, mới ra công tác được ít năm. Số là khi bà vào Đắk Lắk công tác cùng chồng, làm công việc giảng dạy, được bà con và nhất là học viên rất quý mến. Họ coi bà như ruột thịt nên đã đùm bọc, che chở. Hồi đó có nhiều Fulro rô hoạt động. Đây là một tổ chức phản động của người Thượng, chống phá chính quyền ta dữ dội. Chúng cứ gặp cán bộ, "người Nhà nước", gặp người Kinh là giết. Hương Nghiêm đến dạy học cho học sinh người Thượng. Một nhóm Fulro rô thấy, đã ập đến định giết bà nhưng được học trò bảo vệ. Họ nói với những kẻ khát máu kia: 'Đây là cô giáo của chúng tôi. Cô rất tốt, rất thương yêu và tận tình giúp đỡ chúng tôi. Không được đụng đến cô ấy". Thế là bà được chúng tha, thoát chết.

Thơ bà hay, lại xuất bản được nhiều tập đều có chất lượng. Nhưng bà tỏ ra không thích mọi danh hiệu ồn ào. Thậm chí còn không muốn nhận mình là nhà thơ mà chỉ là người yêu thơ. Nói về việc này, bà có bài thơ "Đi chơi với Ngộ Không" được nhiều người thích: "Bao nhiêu hội/ Bấy nhiêu thuyền/ Ngại bàn tay gõ cửa/ Bao nhiêu nhóm/ Bấy nhiêu phường/ Ngại gạch đá ném sau lưng/ Mình em dửng dưng làm vợ…".

Một điều thật độc đáo của Hương Nghiêm là những bài thơ hay nhất của bà đều được ra đời khi bà nằm bệnh viện. Cứ khi nào có bệnh gì phải vào nằm bệnh viện là bà lại làm được nhiều thơ hay. Phần lớn những bài hay nhất của bà đều được ra đời trên giường bệnh. Còn khi khoẻ mạnh, bà lại ít làm hoặc cho ra những bài thơ bình thường, không hay bằng những bài làm khi ốm, bệnh.

Tôi cho rằng hai bài thơ "Quà tặng" và "Em cho anh đôi mắt của em" của Hương Nghiêm có thể nằm trong top những bài thơ tình hay của Việt Nam và bà cũng nằm trong số những gương mặt thơ nữ xuất xắc trong nền thơ hiện đại Việt Nam.

Thôn Ca
.
.