Cao nguyên Blao cất cánh bay hương

Chủ Nhật, 28/11/2021, 09:03

Chúng tôi đi theo đường 20 vượt qua đèo vào thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Nơi đây từ xưa được gọi là “Thủ đô trà” miền Nam. Những trang trại trà đã được người Pháp triển khai mở mang từ năm 1930. Họ đã dùng nhân công là những người dân tộc Mạ ở xứ Blao cổ xưa.

Trong bài hát của dân tộc Mạ đã từng nhắc đến trà: “Trong đồng nội, ngàn cỏ tranh phủi bụi/ Chốn rừng thưa, êm phủ thảm nhung/ Chốn Rling cất cánh bay hương…”.

Điệp trùng đồi trà cao nguyên   

Với độ cao chừng 800 mét, vùng đất đỏ Bảo Lộc (Blao xưa) cùng độ ẩm thích hợp đã tạo nên một hương vị trà khác biệt. Nhưng phải nói trà Bảo Lộc phát triển mạnh chỉ kể từ khi có những người dân Bắc di cư vào làm kinh tế rừng nơi đây. Đó là thập niên 50 thị xã Blao rầm rộ trong không khí khai hoang mở đất. Những đồi trà của người Pháp trên đường 20 khi đó mới được phát triển thực sự.

Cao nguyên Blao cất cánh bay hương -0
Biểu tượng vương quốc trà Bảo Lộc (tại ngã ba thành phố).

Bảo Lộc trở thành trung tâm trà từ đó. Sau này những người di cư xâm nhập khai phá rừng sâu tạo nên những đồi trà và cà phê bạt ngàn chạy suốt hàng chục cây số quanh vùng Bảo Lộc. Trà được sao chế theo kỹ thuật cổ truyền ở ngoài bắc nên giữ được hương vị thơm ngon. Đặc biệt với trà hoa sói được thử nghiệm tạo nên nét độc đáo và được coi là đặc sản của trà Bảo Lộc. 

Chúng tôi đi dần vào trung tâm đường Trần Phú dọc trục đường 20 mới thấy không khí nơi đây sầm uất và tràn ngập những cửa hàng trà lớn. Ngã ba đường đi Đà Lạt có một biểu tượng đầy kiêu hãnh của người dân Bảo Lộc đó là một bình trà đất khổng lồ. Nơi đây người Mạ vẫn còn lưu truyền câu chuyện tình gắn với cây trà thiên nhiên từ cổ xưa.

Dòng nước sông Da RNga bao quanh thành phố chính là nguồn dinh dưỡng để nuôi cây trà. Con thác Đăm Bri được hình thành từ đây ở độ cao hơn 60 mét trắng xóa một vùng trời. Người Mạ kể đó là nước mắt của cô gái người Mạ khóc thương cho người mình yêu. Cuộc tình đã không tới và cả hai cùng chết hóa đá và hóa thác để lại mối giao cảm với đất trời.

Người Mạ đã chăm sóc cây trà bằng nguồn yêu thương ấy. Những đồi trà và cà phê quanh năm xanh tốt. Chính vì thế hương vị trà mới đậm sâu tình nghĩa và ngọt ngào yêu thương. Những ai qua đây đều nhận ra điều đó mỗi khi ngồi bên ấm trà hay tách cà phê trong buổi sớm se lạnh. Bởi người Bảo Lộc luôn truyền lại câu ngạn ngữ: “Uống trà trong nắng sớm/ Vườn tâm đầy hương hoa”.

Biểu tượng bình trà khổng lồ ở ngã ba thành phố luôn trao gửi cho khách thập phương qua đây với bao nỗi niềm lưu luyến. Điệp trùng những đồi trà được mở rộng khắp các huyện gần khu vực thành phố tựa như bức tranh kỳ vĩ bao la một màu xanh rạng rỡ dưới ánh mặt trời.

Từ trước tới nay hầu hết những địa phương phía Nam đều dùng trà Bảo Lộc với những cái tên gần gũi đã làm nên thương hiệu nửa thế kỷ qua như “Chim bồ câu trắng” (của ông chủ Đỗ Hữu), hay “Con voi vàng” của danh trà Quốc Thái, hoặc “Tâm Châu”, “Rồng vàng”…

Dọc trục đường 20 luôn nườm nượp những đoàn xe đợi lấy hàng chở đi các tỉnh miền Nam mỗi sáng. Bảo Lộc được mệnh danh là vương quốc trà từ hàng chục năm qua. Thành phố luôn cất tiếng hát trên làn sóng đài phát thanh những câu hát gửi về người nơi xa rằng: “Mênh mông một màu xanh/ Bạt ngàn đồi nương bát ngát hương trà/ Trong sương sớm bồng bềnh/ Thơm mãi môi người vị chát đầy yêu thương…”.

Hương vị mới lạ của đất đỏ Bazan

Nhưng thực sự trà Bảo Lộc đổi mới bất ngờ từ khi có giống trà mới làm nên thành phẩm Ô Long. Hình ảnh văn hóa trà nơi đây đã thay đổi vào giữa thập niên 90. Không gian thiền trà đã được mở rộng với không khí cởi mở hơn với hương vị trà Ô Long về gần với thiên nhiên hơn. Đây là giống trà mới được mang về từ Đài Loan cùng với kỹ thuật trồng và chế biến khác trà cũ.

Nếu theo phương pháp sao chế giống trà Bắc được coi là diệt men hoàn toàn với kỹ thuật rang sấy và lên hương thì giống trà Ô Long chỉ được diệt men một nửa. Nghĩa là trà Ô Long vẫn giữ lại một phần hương vị trà tươi dịu nhẹ và ngọt thơm. Tất nhiên với kỹ thuật khắt khe khi khống chế trà chỉ ô xy hóa một phần trà Ô Long được coi là sản phẩm mới và trở thành đặc sản của trà Bảo Lộc.

Cao nguyên Blao cất cánh bay hương -0
Vườn hàng trà ở Đăm Bri.

Sự thưởng thức trà Ô Long phần nào khác trà truyền thống ngoài Bắc. Nếu với trà Tân Cương có độ đậm thơm với hình ảnh qua câu thơ của cố thi sĩ Phùng Cung: “Quất mãi nước sôi. Trà đau nát bã. Không đổi giọng Tân Cương”. Hay như trà sen ở Hà Nội lại được tôn vinh với sự thưởng thức hồn Việt: “Ai hay trong một chén trà. Có hồ sen ngát đậm đà dâng hương” thì với trà Ô Long cách pha chế và thưởng thức làm thay đổi cảm xúc và tâm trà trong mỗi người.

Riêng cách pha trà Ô Long đã có sự khác biệt. Đó là nước pha luôn ở độ sôi 100 độ. Chờ thời gian ngấm trà chỉ chừng 30 giây là thay một tuần nước. Do vậy ấm trà Ô Long pha có khi tới 5 tuần trà mà vẫn giữ được hương vị. Đó là độ ngát hương thơm tự nhiên.

Vị ngọt dịu với độ chát nhẹ chứ không đậm đặc của trà Bắc. Với kỹ thuật chế biến mới cùng với sự điều chỉnh cho trà lên men với tỉ lệ khác nhau giống trà Ô Long cho ra những sản phẩm độc đáo như Ô Long Tứ Quý, Ô Long Kim Tuyên hay Thiết Quan Âm hoặc Đại Hồng Bào… Tất cả tạo được những cảm xúc mới và nhịp điệu mới khi thưởng trà trong nghệ thuật ẩm thực ở Bảo Lộc.

Do việc xuất khẩu trà Ô Long đạt hiệu quả kinh tế cao đặc biệt với thị trường Trung Quốc nên không ít công ty trà ở Bảo Lộc đã tìm tới trồng và kỹ thuật chế biến trà Ô Long. Ngay cả ngoài Bắc cũng nhiều nơi thử nghiệm chế biến sản phẩm này.

Tuy vậy do thổ nhưỡng và giống trà chưa thích hợp nên trà Ô Long ở ngoài Bắc không được ưa chuộng. Đến nay trà Ô Long được coi là đặc sản của Bảo Lộc. Đua tranh với các ông chủ Đài Loan, nhiều công ty lớn đã có sản phẩm mang hương vị của riêng mình như “Tâm Châu”, “Trâm Anh”, “Quốc Thái” hay “Vũ Phúc”, “Thiên Thanh”…

Khi gặp ông chủ hãng trà Quốc Thái, chúng tôi mới được biết vị trà Ô Long ở đây có hương gần với giống trà tươi đậm và thơm phức. Ai nấy lại nhớ đến quê hương qua vị trà quen thuộc. Đó là hương lúa nếp hòa trong vị giác và trong tâm tưởng khi thưởng trà. Chúng tôi nghe ông chủ ngâm nga những vần thơ tự sự bên bàn trà với hình ảnh thiền bao la: “Trên ngàn đỉnh núi một căn nhà/ Một nửa cho mây, một nửa ta/ Đêm rồi gió thổi mây đi mất/ Tính lại sao nhàn bằng lão gia”. Ngâm thơ rồi ông khà một tiếng với chén trà thơm phức trên tay.

Vương quốc “Ngọc xanh”

Vùng trà Bảo Lộc rộng lớn hàng trăm cây số vuông tạo nên thị trường khắp miền Nam và xuất khẩu. Giống như vùng trà Thái Nguyên tạo dựng thương hiệu phía Bắc thì trà Bảo Lộc, đặc biệt trà Ô Long đã làm nên một tên tuổi có giá trị trên thị trường. Trà Thái với hình ảnh cánh hạc qua quảng bá: “Búp trà như cánh hạc/ Vỗ nhịp nhàng gió thơm/ Chén trà bay hương cốm/ Đậm vị trà Tân Cương”.

Còn với trà Ô Long của xứ sở cao nguyên Bảo Lộc lại rộn ràng với nhịp điệu mới với hình ảnh “Hạt ngọc xanh” của vương quốc thơm Blao mơ mộng. “Hạt ngọc xanh” ví von với hình ảnh trà viên (gần với hình tròn) được cuộn lại từ những búp trà non.

Sớm sớm những cô gái người Mạ vẫn lên đồi trà hái những búp tơ trời. Họ cất tiếng ca về mối tình của chàng Đăm và nàng Bri đã làm nên hương vị trà có một không hai ở nơi đây. Dường như cao nguyên đất đỏ nằm trong dẫy núi Di Linh huyền bí là nơi tích tụ hương vị của trời đất. Những hạt ngọc xanh của người Mạ được coi là món quà của thiên nhiên trao tặng cho du khách bốn phương.

Thật thú vị khi chúng tôi cùng các văn nhân Bảo Lộc thưởng trà bên thềm nhà của chủ nhân hãng Trâm Anh. Ông chậm rãi đón từng hạt ngọc trà cho vào ấm rồi mỉm cười nhìn mọi người. Trên tay ông là chiếc ấm mang tên người đẹp Tây Thi óng mượt và sẫm đỏ. Điều kỳ diệu đã đến khi chúng tôi đưa chén trà lên thơm ngát làn môi. Đúng như các thiền sư đã nói: “Bao nỗi buồn, vui, sinh, tử, mộng/ Tan biến trong hương một chén trà”.

Vương Tâm
.
.