Bếp lửa, người ở đâu

Thứ Bảy, 15/01/2022, 11:02

Khi đứng giữa những cơn gió lạnh thấu xương thịt trên đỉnh đồi 1001 tại biên giới Lâm Thủy, tôi liên tưởng đến những bếp lửa bập bùng mỗi sáng, mỗi tối của bà con người Bru - Vân Kiều. Ánh lửa tỏa sáng, sưởi ấm, mang hơi thở về sự tồn sinh của con người nơi đây. Trong mỗi bước chân lên núi, tôi thấy mình như một chiếc lá trôi giữa bạt ngàn rừng xa xanh thẳm. Khát khao được một lần chạm ngõ miền biên viễn sương khói lưng chừng đất trời mãi mãi hoài sinh.

1.Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng chiêm trũng Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi cánh đồng hai huyện thẳng cánh cò bay. Nhà tôi ở ven dòng Kiến Giang nên hàng đêm tôi nghe tiếng đất lở mỗi khi mùa mưa lũ đến. Sau lưng nhà là dãy núi Trường Sơn trập trùng hiển hiện như vệt khói mờ ảo xa xăm. Tuổi thơ tôi gắn liền với bếp lửa bà nhen cùng những nỗi lo giêng hai giáp hạt phải chạy ăn từng bữa. Với tôi, bếp lửa là nỗi khát khao, bàn tay vẫy gọi tháng năm cuộc đời. Tôi định danh cuộc hành trình mỗi người là tình yêu với ngọn lửa. Bước chân miên định vô tình lãng quên hơi ấm sẽ khiến con người đi xuống triền dốc của vạn nẻo lo âu.

image001.jpg -0
Bếp lửa gắn liền với cuộc sống của người dân tộc Bru - Vân Kiều từ ngàn đời nay.

Khi đến với biên giới Lâm Thủy công tác, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của bếp lửa với mỗi người. Mà lạ lắm, trong sự ồn ào, tấp nập của đời sống, khi nhìn bếp lửa, tôi như được an ủi, tiếp sức và yêu thương. Trong ánh bập bùng sau chạn bếp, tâm hồn con người như được an trú. Những nỗi niềm, ước vọng được tựa vào sự tĩnh suy mạnh mẽ. Có những khi cô đơn, bếp lửa như ở bên, nhất là khi một mình đứng giữa núi rừng thăm thẳm vào ngày mùa đông. Bếp lửa như bàn tay của mẹ vỗ về xa ngái, lòng thầm nhớ đến hương ký ức dần qua. Ngày nay, bếp lửa than, bếp lửa rơm trở nên xa lạ với lũ trẻ cho nên hình ảnh bếp lửa “chờn vờn”, bếp lửa “ấp iu” trong thơ Bằng Việt chỉ còn là kỷ niệm day dứt khôn nguôi với người lớn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn rưng rức nhớ thương vẻ đẹp gần gũi, ấm áp: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!” (Bếp lửa - Bằng Việt).

Có lẽ, cuộc sống hiện đại khiến con người ngày càng xa lãng với bếp lửa, tuy nhiên khi đến với các bản làng xa lạ với phố thị, tôi như thấy sự sinh tồn nẩy nở cùng cuộc sống nguyên sơ, tự nhiên trở về. Hàng ngàn năm qua, tổ tiên chúng ta hành trình cùng ngọn lửa, từng đau đáu vì lửa, ngọt bùi, đắng cay, thành công hay chiến thắng giặc giã, thiên tai cũng nhờ lửa. Lửa theo cha lên rừng, theo mẹ ra đồng, lửa có trong lễ hội, lửa xuất hiện trong những cuộc tiễn đưa đầy nước mắt.

Không phải ngẫu nhiên khi bếp lửa được người đồng bào Bru - Vân Kiều đặt giữa nhà. Đó là sự định danh về văn hóa nơi suối sâu, rừng xa, nơi bụi bặm phố thị chưa len lỏi, tác động dữ dội. Cũng là trang phục thôi nhưng đồng bào thường thích màu đỏ, màu của ánh lửa. Trong đề thi học sinh giỏi cấp huyện, tôi đã từng ra đề văn nghị luận xã hội: “Ngọn lửa”. Đề ngắn, một từ thôi nhưng học sinh làm bài rất sinh động. Nếu vẽ hình ngọn lửa, các em tha hồ bay bổng, sáng tạo và thích thú. Lửa là vô hình trong tâm giác mà trực quan, thân thuộc. Bên bếp lửa khi nhóm lên, bùng cháy, con người có thể thấy được sự réo rắt, say mê và những trùng điệp mênh mang ào ạt.

2.Bao đời nay, theo triết lý của người Phương Đông, lửa là một trong các yếu tố hình thành nên vũ trụ. Con người sinh ra đã không thể thiếu lửa, ngay khi từ vượn trưởng thành nên người tinh khôn, lửa là khởi nguyên vượt qua sự hoang dã để đến với sự hoàn thiện, thiêng liêng. Những gì thuộc về lửa làm cho chúng ta tránh được sự cô đơn, lạnh lẽo và lo sợ. Đôi khi sự bất lực, hoang hoải trước cái tôi rợn ngợp hoặc sự đe dọa của các thế lực siêu nhiên cũng được đẩy lùi. Trong sâu thẳm sự yếu đuối và nỗi sợ hãi, con người luôn cầu mong sự an lành, che chở. Lửa không phải là đấng tối cao ngự trị nhưng có khả năng đẩy lùi hoang mang, nghi ngại. Vì vậy, chúng ta thắp lửa như nhịp thông linh đến các đấng bề trên.

image003.jpg -0
Không gian bếp lửa của người Bru - Vân Kiều.

Khi ngồi bên bếp lửa, tôi thấy ánh sáng đang dẫn dắt, chỉ đường. Những sự thật khổ đau hiện hữu được buông xả nhờ năng lượng vũ trụ mang lại. Khi rét mướt là hình ảnh ngọn lửa sưởi ấm bước chân tha nhân. Khi ra đồng, con cúi bằng rơm theo chân người nông dân ấm áp. Khi những giọt nước mắt đâu đó chưa tạnh ráo, lửa sẽ hong khô. Khi thành nhà rêu phong, ẩm ướt, lửa thực sự cần thiết để mọi người xích lại gần nhau. Và trong nụ hôn với nửa thế giới của mình cũng cần có lửa. Lửa thử thách tình yêu, đức tin, xua tan những cám dỗ phàm trần.

Với người vùng cao, lửa là một sức mạnh vĩ đại. Những luật tục, các câu hát dân ca, câu chuyện kể của già làng bao giờ cũng có lửa. Khi đắm mình vào rừng thiêng hay quỳ lạy bên chân các ngọn núi, con người sẽ nghe được thông điệp của các già làng. Hồn rừng quyện hòa cùng lửa, chảy vào huyết quản của mai sau. Lửa bao giờ cũng vậy, mạnh thiêng và một phần không thể thiếu với con người.

3.Thời gian qua, trong quá trình đi thăm các bản trên địa bàn biên giới Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tôi may mắn được mời tham dự một số cuộc họp của các già làng. Bên bếp lửa, bóng người tựa vào vách nứa, dích dắc, lặng lẽ. Bóng người hằn đó mà gió núi đi đâu? Tôi hình dung ra bếp lửa quần tụ hồn sông, hồn người hàng trăm năm đã qua. Tôi thấy, trên vách nhà sàn hình con chim đang vỗ cánh bay lên cổng trời thênh thang. Hình con trăn, con hươu, con nai, con mang mất hút trong ánh lửa chập chờn. Chúng chạy trốn, mất dạng trước sự tồn sinh của con người đang diễn ra trên miền thượng du. Những cuộc xâm lăng bạt núi, hạ rừng đã làm cánh chim phải phiêu dạt tận bên kia biên giới. Bản làng về khuya càng vắng hơi lửa, không lẽ rồi một ngày bếp ga, máy điều hòa nhiệt độ sẽ thay thế hay sao?!.

Sự xê dịch của các giá trị văn hóa, cuộc sống hiện đại đang chiếm dần những giá trị cốt lõi khiến con người dần xa hạnh phúc đích thực. Bởi khi gần bên bếp lửa, chúng ta mới có dịp tìm về bản ngã với những đức tin cháy sáng. Rồi đây, bếp lửa tự nhiên sau chạn bếp, giữa nhà sàn sẽ không còn. Rừng núi, đồng quê không có khói bếp, lúc đó mùa đông sẽ lạnh hơn, con người sẽ hoang hoải, kiếm tìm nhau trong đơn côi.

Bếp lửa ngày mai sẽ tồn dư như hình ảnh quá vãng, xa xăm mà ai cũng chẳng dám tin đó là sự thật. Lửa đã khởi nguyên đời sống con người từ xã hội nguyên thủy đến văn minh 4.0. Tôi nhớ đến hình ảnh trái tim Danko trong truyện ngắn “Bà lão Idecghin” của nhà văn Marxim Gorki với hình tượng chàng Danko xé toang lồng ngực lấy trái tim soi lối cho cả đoàn người: “Danko nhìn đoàn người bao lấy chàng, họ muốn xé nát chàng ra, mắt họ trở nên như mắt sói. Danko bỗng nổi cơn phẫn nộ, nhưng lòng thương người đã dập tắt ngọn lửa uất hận. Chàng yêu họ, họ là máu thịt của chàng và họ đang tuyệt vọng, chàng muốn giúp họ thoát khỏi khốn cảnh này. Tình yêu trong chàng ngày càng mãnh liệt, nó rực sáng lên qua ánh mắt của chàng. Bỗng chàng đưa tay lên xé toang lồng ngực mình, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu. Trái tim cháy rực rỡ như mặt trời, ánh lửa của nó phá tan mọi đe dọa của thiên nhiên, phá tan mọi trắc ẩn của lòng người”.

Có thể, chúng ta đang quên đi những chân lý phổ biến trong sự sinh tồn để rồi dần xa bếp lửa. Hơi ấm của tình yêu thương, sự gắn kết sẽ mãi trường tồn như mặt trời luôn tỏa sáng.Tôi tin, cũng như con người, lửa có linh hồn và sự sống của nó. Khi bếp lửa còn, chúng ta được sưởi ấm tình yêu giữa người với người, với thiên nhiên và đôi khi lửa cứu sống ta giữa lúc cô đơn, bơ vơ…

Ngô Mậu Tình
.
.