Từ việc gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên rút toàn bộ tác phẩm khỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam:

Vì sao nhiều nỗi băn khoăn?

Thứ Bảy, 21/04/2018, 08:51
Vừa qua, thông tin gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên rút toàn bộ tác phẩm của cố nhạc sĩ khỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thực sự khiến dư luận quan tâm. Đáng chú ý, đây không phải là nhạc sĩ đầu tiên xin rút khỏi "sự bảo vệ" của VCPMC. 


Trước đó, những lùm xùm, tranh cãi giữa VCPMC và nhạc sĩ Phú Quang đã khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng việc thu và phân phối tiền tác quyền âm nhạc ở VCPMC trong nhiều năm qua đã luôn tồn tại những mối băn khoăn, nghi ngại mà nhiều người trong cuộc không muốn nói ra, hoặc không muốn động đến?

Theo đại diện gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên, lý do khiến gia đình rút toàn bộ tác phẩm của cố nhạc sĩ khỏi VCPMC là vì trung tâm này không đáp ứng được nhu cầu của gia đình trong việc khai thác, phổ biến và quảng bá tác phẩm của ông. Vì thế, gia đình muốn rút tác phẩm về (cách nói khác của việc chấm dứt việc ủy quyền với VCPMC) để tự bảo vệ, khai thác và phát triển các tác phẩm của cố nhạc sĩ.

Cũng theo gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên, ngay từ khi còn sống, trung bình mỗi quý nhạc sĩ được trả 12 triệu đồng tiền bản quyền, có quý cao nhất lên tới 32 triệu đồng. Đồng thời khẳng định, việc "xin rút" này không bắt nguồn từ vấn đề thu nhập hay mâu thuẫn cá nhân, nhưng có một chia sẻ của nghệ sĩ Huyền Lâm - quả phụ của nghệ sĩ An Thuyên thì: "Gia đình không rõ số tiền trên được thu từ nguồn nào, có những ai đang sử dụng tác phẩm của ông.

Nhạc sĩ Phú Quang (phải) đã nhiều lần bày tỏ nghi ngờ sự thiếu minh bạch của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Ngày trước, gia đình đến tận nơi lấy tiền còn được cho xem danh sách tác phẩm. Nhưng từ khi Trung tâm trả tiền qua tài khoản, họ nói gia đình xem trên web thì chúng tôi chịu!", thì có thể hiểu rằng, có thể có những nguyên nhân khác nữa khiến gia đình toàn nghệ sĩ này quyết định tự mình thực thi các quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm của chồng/cha mình.

Trước đó, việc nhạc sĩ Phú Quang ngừng ủy quyền cho VCPMC cũng từng khiến dư luận xôn xao. Theo đó, từ tháng 1-9-2014, nhạc sĩ Phú Quang sẽ tự chịu trách nhiệm về vấn đề liên quan đến quyền âm nhạc cũng như lời thơ của các nhà thơ mà ông đã sử dụng vào tác phẩm của mình trước pháp luật.

 Phú Quang là nhạc sĩ ở top các nhạc sĩ có mức tiền tác quyền cao nhất Việt Nam, nhưng chính những nghi ngờ có sự "thiếu minh bạch" về vấn đề thu - chi số tiền tác quyền của nhạc sĩ Phú Quang đối với VCPMC là nguyên nhân của sự bất hợp tác này.

Theo nhạc sĩ Phú Quang, sở dĩ ông bức xúc là bởi vì VCPMC có hiện tượng "thu tiền tác quyền một kiểu nhưng lại trả cho nhạc sĩ một kiểu". Cụ thể, trong liveshow của Bằng Kiều, đơn vị tổ chức cho biết là đã trả tiền tác quyền qua VCPMC là 4 triệu đồng/bài, nhưng VCPMC lại nói với nhạc sĩ là chỉ thu được 700 ngàn đồng/bài mà thôi.

Nhạc sĩ Phú Quang cũng bày tỏ bức xúc về việc VCPMC đã tiến hành "đòi" đơn vị tổ chức liveshow Khánh Linh với mức giá 16 triệu đồng/bài (bằng cách tính % giá vé trung bình nhân với số ghế khán giả) gây nên một sự ngạc nhiên đến phẫn nộ của các đơn vị tổ chức biểu diễn.

Sự việc một lần nữa được đẩy lên cao trào khi vào tháng 8 năm ngoái, nhạc sĩ Phú Quang một lần nữa "tố" VCPMC đã trả cho các nhạc sĩ "số tiền không đáng là bao" và ông cảm thấy VCPMC có những "mánh khóe" trong việc thu tiền. Tất nhiên, VCPMC có những đòn đanh thép không kém cạnh để "phản pháo" lại nhạc sĩ Phú Quang để bảo vệ mình.

Sự "đối đầu" này vẫn chưa thể dừng lại khi cách đây vài tháng, nhạc sĩ Phú Quang trong một buổi thảo luận về bản quyền diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh đã không ngần ngại khi đưa ra báo chí thông tin rằng, VCPMC đã thu tổng số 36 triệu đồng cho 2 bài hát với 4 lần biểu diễn của Bằng Kiều, nhưng chỉ trả cho ông 270 ngàn đồng/bài/lần biểu diễn.

Từ những thông tin được hé lộ, đã có nhiều người băn khoăn, thắc mắc rằng với cách VCPMC thu tiền tác quyền âm nhạc theo kiều "thu khoán" từng vụ, hoặc thu trọn gói theo quý, theo năm nhưng lại không có một cách phân bổ minh bạch rõ ràng về số tiền mỗi nhạc sĩ nhận được là thu từ đâu, bao nhiêu tiền mà khá chung chung, đầy cảm tính... thì liệu quyền lợi của họ có được đảm bảo?

Không chỉ phát sinh mâu thuẫn, hoài nghi với cá nhân các nhạc sĩ như Phú Quang, Quốc Bảo, Lê Minh Sơn, Quốc Trung, Hồ Hoài Anh, NSND Trần Bình, gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên..., cách đây vài năm, giữa VCPMC và VTV đã nảy sinh mâu thuẫn, có thông tin rằng nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đến Đài Truyền hình Việt Nam để đưa ra một "gói" tiền bản quyền mà VTV phải trả cho các nhạc sĩ qua VCPMC lên đến hàng chục tỉ đồng và VCPMC sẽ "chủ động" trong việc phân phối số tiền này đến các nhạc sĩ.

Không đồng ý với đề nghị có phần vô lý đùng đùng này, nên giữaVCPMC và VTV đã nảy sinh bất đồng, khiến VTV chủ động thông báo trên bản tin Thời sự 19h của mình về việc sẽ thanh toán tiền bản quyền trực tiếp với các nhạc sĩ mà không thông qua VCPMC nữa.

Theo thông tin được VCPMC công bố với báo giới trong buổi tổng kết hoạt động diễn ra vào cuối tháng 1-2018, doanh thu của đơn vị này đã đạt 83 tỉ đồng trong năm 2017, vượt 10 tỉ đồng so với năm 2016. Có thể thấy, mặc dù trong những năm qua liên tục vướng phải một số những lùm xùm gây tranh cãi về tiền tác quyền, việc triển khai thu tiền tác quyền âm nhạc qua ti-vi của nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, quán cà phê..., nhưng doanh thu của VCPMC vẫn tăng vọt.

Bởi vì, những năm qua, phải thừa nhận rằng VCPMC đã có những nỗ lực đáng kể để "cải thiện nguồn thu" của mình bằng cách "giăng biển" thu phí khắp nơi, đến nay đã bao gồm cả... bãi đỗ xe và "sờ gáy" cả... Quốc ca! Theo cách nói vui của một số đơn vị chuyên tổ chức biểu diễn, VCPMC đã đi đến tận... giường ngủ để thu tiền với những chiến dịch "tận thu" không ngừng nghỉ.

Nói cho công bằng thì VCPMC vẫn được đông đảo nhạc sĩ tin tưởng, bởi lẽ, nhờ có trung tâm mà các nhạc sĩ mới có được tiền tác quyền, dù ít dù nhiều, quý nào cũng được gọi đến lĩnh. Nhưng điều ấy không có nghĩa là cứ đòi được tiền là tốt cả, mà trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, VCPMC phải có những thay đổi thực sự thì mới đáp ứng được nhu cầu của "khách hàng".

Khách hàng ở đây là các nhạc sĩ đã ủy quyền cho Trung tâm và cả những đơn vị, cá nhân sử dụng, biểu diễn, kinh doanh... những tác phẩm âm nhạc. Đấy là chưa kể, đối với một đơn vị được các nhạc sĩ ủy quyền, ngoài việc "khai thác" (nôm na là thu tiền), còn phải có phổ biến, quảng bá và phát triển tác phẩm của các nhạc sĩ theo như mong đợi, nguyện vọng của gia đình nhạc sĩ An Thuyên là hoàn toàn chính đáng, chứ không chỉ nói đến mỗi chuyện thu tiền tác quyền.

15 tác giả có tác phẩm được sử dụng nhiều nhất trên VTV theo Báo cáo ghi nhận tháng 1-2017 của Công ty cổ phần Giải pháp Công nghệ và Truyền thông AiBiz.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin làm việc tại Công ty cổ phần Giải pháp Công nghệ và Truyền thông AiBiz: "Ngày nay cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, nhiều công ty trong đó Công ty cổ phần Giải pháp Công nghệ và Truyền thông AiBiz - đã phát triển thành công công nghệ cho phép tự động ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, người biểu diễn, kênh - chương trình - thời điểm phát sóng. Công nghệ này giúp việc ghi nhận, tính toán sự xuất hiện của các tác phẩm âm nhạc, các ca sĩ sử dụng tác phẩm và các kênh truyền hình sử dụng các tác phẩm âm nhạc, góp phần giúp các chủ sở hữu bản quyền tác giả, quyền liên quan và các bên sử dụng tác phẩm như đài truyền hình, đài phát thanh có cơ sở để tính đúng, tính đủ tiền bản quyền cho tác giả và ca sĩ; đồng thời theo dõi các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm âm nhạc và kinh doanh hình ảnh người nổi tiếng có cơ sở để đàm phán mức giá bản quyền".

Cũng theo báo cáo ghi nhận chi tiết của Công ty AiBiz đưa ra: Tổng số tác phẩm âm nhạc một số kênh chính của VTV gồm: VTV1; VTV2; VTV3; VTV6; VTV8; VTV9 sử dụng trong tháng 10-2017 là 825 bài hát, tổng số lần phát 2081 lần. Tham chiếu với biểu giá được VCPMC công khai trên website của đơn vị này thì số tiền VTV sẽ phải thanh toán cho các tác giả dao động từ khoảng 370 triệu đến hơn 400 triệu đồng. Kỷ lục tác giả nhận được nhiều nhất thuộc về Đoàn Chuẩn và Từ Linh với 48 lần phát tương đương khoảng 10 triệu đồng, tác giả ít nhất (1 lần) tương đương 300 nghìn đồng.

Như thế có nghĩa là, ở Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi công nghệ số hóa này để tính toán tiền tác quyền cho các tác giả một cách khoa học, tin cậy, công khai, minh bạch và rõ ràng chứ không đến mức "khó như lên giời" theo như lời kêu ca phàn nàn của nhiều cán bộ làm việc tại VCPMC trong việc lần lữa mua sắm máy móc, thiết bị hoặc thuê các đơn vị đo lường trong việc "cân - đo - đong - đếm" cẩn thận trước được khi quy đổi ra... tiền.

Nguyệt Hà
.
.