Triển lãm “Mây pha lê – La Pán Tẩn 2018” :

Vì sao cộng đồng mạng phản ứng gay gắt?

Thứ Ba, 29/05/2018, 08:45
Triển lãm sắp đặt “Mây pha lê - La Pán Tẩn 2018” được khai mạc ngày 19-5 vừa qua và dự kiến kéo dài đến đầu tháng 10-2018.


Nằm trong khuôn khổ “Tuần lễ du lịch Mù Căng Chải mùa nước đổ” nên sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của khá đông du khách: khoảng gần 1.000 người đến tham quan dịp cuối tuần qua. Song, đúng như dự liệu từ những ngày dự án được khởi tạo, triển lãm đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đa số đều lo ngại rằng, sự có mặt của đám “Mây pha lê” này sẽ làm mất đi nét đẹp vốn có của khu vực đồi Mâm Xôi (thuộc xã La Pán Tẩn) - một trong những điểm đến đẹp nhất của danh thắng quốc gia - di sản ruộng bậc thang Mù Căng Chải (Yên Bái).

Ủng hộ sáng tạo nhưng phải hợp lý!

Triển lãm sắp đặt “Mây pha lê - La Pán Tẩn 2018" do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Yên Bái chỉ đạo, huyện Mù Căng Chải phối hợp với Hội Kiến trúc sư tỉnh Yên Bái và một số đơn vị thực hiện. Hạt nhân chính của dự án án này là cặp nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao - Xavier Perrot với sự tham gia một số nghệ sĩ Việt Nam.

Theo thông tin được chia sẻ với báo chí, sau khi hoàn thành “Mây pha lê” cho Swarovski Crystal World ở Áo, cặp nghệ sỹ cảnh quan Andy Cao và Xavier Perrot mơ ước tái hiện tác phẩm này đầu tiên ở Việt Nam. Giấc mơ của họ đã trở thành hiện thực nhờ có cơ duyên gặp gỡ với kiến trúc sư Phạm Thành Dương của Hội Kiến trúc sư tỉnh Yên Bái cùng nhà báo Lê Việt Hà - người sáng lập Ashui.com.

Cuộc gặp gỡ này đã đưa Andy Cao đặt chân đến đồi Mâm Xôi nằm trong thung lũng ruộng bậc thang ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải - một trong những danh thắng nổi tiếng bậc nhất ở vùng Tây Bắc. Cao và Perrot đi đến quyết định nơi đây sẽ là địa điểm lý tưởng cho dự án lắp đặt đám mây pha lê kỳ ảo tiếp theo của mình.

Triển lãm sắp đặt “Mây pha lê - La Pán Tẩn 2018” đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Thời gian từ khi lên ý tưởng cho đến ngày khai mạc triển lãm này mất gần 2 năm. “Mây pha lê” được làm thủ công từ lưới dây mạ kẽm và gắn trang trí hơn 58.000 hạt pha lê Swarovski. Những đám mây này cùng các cột thép mọc lên ở vị trí ngẫu nhiên trên khoảng 1.000m2 đồi Mâm Xôi đã thu hút sự quan tâm lớn của cánh “phượt thủ” và người dân bản địa.

Theo kỳ vọng của nhóm tác giả, tác phẩm sắp đặt cảnh quan đặc biệt này còn mang ý nghĩa cổ vũ cho tinh thần hoạt động nghệ thuật và mở ra một cuộc đối thoại mới để sáng tạo nghệ thuật trong không gian công cộng.

Đầu tiên, phải nói ngay rằng, ý tưởng có một triển lãm, sáng tạo nào đó trong không gian công cộng là điều luôn cần được khích lệ. Bởi lẽ, nó ít nhiều sẽ đem đến những giá trị thẩm mĩ nào đó hướng đến việc đông đảo cộng đồng được hưởng thụ những giá trị này.

Thế nhưng, với triển lãm “Mây pha lê” lần này, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cổ vũ, đa số những người còn lại tỏ ra lo ngại vì hình như “đám mây” với những cột sắt, lưới dây mạ kẽm và những viên pha lê quá lấp lánh đặt trong không gian hùng vĩ và diễm lệ vốn có của khu vực đồi Mâm Xôi hình như có gì đó không phù hợp, không ăn nhập lắm với cảnh quan nơi đây.  Thậm chí còn có những ý kiến gay gắt hơn cho rằng, “đám mây” đó như đang phá vỡ cảnh quan tự nhiên và nghi ngờ liệu việc làm này liệu có vi phạm Luật Di sản? (Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia năm 2007).

Nhiều ý kiến cho rằng, cảnh quan tự nhiên khu vực này đã đẹp như một bức tranh, những biến tấu từ bàn tay con người rất khó làm cho nó đẹp hơn được nữa mà có khi lại còn làm cho nó xấu đi.

Mặc dù trong mấy ngày qua, nhà báo Lê Việt Hà và các cộng sự liên tục có những trả lời báo chí và cả trên trang facebook cá nhân về vấn đề này với những cam kết không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên cũng như việc canh tác lúa của bà con nơi đây, song những luồng dư luận chỉ trích “Mây pha lê” vẫn chưa dừng lại.

Có lẽ, nếu triển lãm chỉ kéo dài vài tuần như thông lệ thì dư luận cũng không mấy quan tâm, song việc triển lãm kéo dài suốt gần 5 tháng (từ mùa đổ nước đến mùa lúa chín), khiến dư luận cảm thấy cần phải có những điều chỉnh nào đó cho phù hợp. Xét cho cùng, nghệ thuật chính là tôn vinh vẻ đẹp, mà vẻ đẹp phải bắt đầu từ sự hài hòa, phù hợp chứ không thể đến từ sự khiên cưỡng.

Từ những “bài học cay đắng”

Cách đây chưa lâu, những bức tượng trong bộ “12 con giáp” trưng bày ở Khu du lịch Hòn Dáu (Hải Phòng) đã vấp phải sự công kích dữ dội của dư luận. Sau khi những hình ảnh được cho là thô tục, chướng mắt được cộng đồng mạng đưa lên rầm rộ, những bức tượng này đã được ban quản lý che những vị trí “nhạy cảm” bằng hoa lá, các chùm nho, sau đó là cho mặc... quần bơi.

Nhưng sau mỗi lần thay đổi y phục, hình ảnh những bức tượng này vẫn bị cộng đồng chụp lại và tiếp tục bị mang ra đàm tiếu khắp nơi. Không chịu nổi áp lực dư luận, Ban quản lý Khu du lịch Hòn Dáu đã phải cho dỡ bỏ quần thể tượng này mang vào đắp chiếu trong kho.

Tất nhiên, trong câu chuyện về những bức tượng 12 con giáp cũng vẫn có 2 luồng ý kiến. Bên cạnh sự gay gắt với mong muốn “tẩy chay”, một luồng cho rằng đó là chuyện bình thường, bởi ở Hàn Quốc còn có cả một “công viên tình dục” cơ mà. Nhưng câu chuyện này đã một lần nữa cho thấy, khi đưa ra trưng bày ở không gian công cộng những tác phẩm mang tính nghệ thuật, cần phải có những cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nếu không muốn nhận về những cái “kết đắng”.

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện về “những bông hoa lạ” xuất hiện sừng sững xung quanh đài phun nước trên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục những ngày đầu năm 2016. Những bông hoa màu tím, cuống xanh có hình dáng to lớn ấy gần như che hết cả đài phun nước. Bởi vì nó được trưng bày ở vị trí quá đắc địa, nên ai đi qua cũng phải ngoái nhìn và đã xảy ra cuộc tranh luận xem những bông hoa đó là hoa gì?

Người bảo hoa râm bụt, người bảo hoa loa kèn, người lại bảo hoa rau muống... Cuối cùng, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã đưa ra đáp án: đó là những bông hoa tóc tiên. Nhưng nguồn gốc sâu xa của sự tranh cãi ấy là vì những bông hoa tóc tiên khổng lồ đã tạo ra một khung cảnh bất hợp lý, chẳng ăn nhập gì với khung cảnh xung quanh, thậm chí còn gây phản cảm.

Chính vì thế, ngay cả khi được cung cấp đáp án, dư luận và báo chí vẫn gây áp lực mạnh mẽ cho đến khi Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội phải ra lệnh tháo dỡ, trả đài phun nước và cảnh quan của quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trở lại nguyên trạng mới thôi.

Mấy năm gần đây, khi nhiều khu du lịch mọc lên, cảnh quan được đầu tư, bài trí đẹp, người ta bắt đầu quan tâm đến việc tạo ra những “quần thể nghệ thuật” liên hoàn, hướng đến cộng đồng. Bên cạnh những khu du lịch chưa được đầu tư bài bản, công phu, đẳng cấp như câu chuyện vườn tượng ở Hòn Dáu, vẫn có những mô hình doanh nghiệp làm nghệ thuật rất đáng để học hỏi, nhân rộng.

Gần đây, dự án nghệ thuật “Art in the forest” (Nghệ thuật trong rừng) với bà đỡ là Tập đoàn Flamingo đã thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật và nhận được nhiều lời tán dương, khen ngợi từ giới chuyên môn và du khách vì đã tạo ra một không gian nghệ thuật thực sự chuyên nghiệp, có tính thẩm mĩ cao với một sự hài hòa đáng nể trong tổng thể cảnh quan kiến trúc.

Theo thông tin công bố với báo chí, dự án này dự kiến sẽ kéo dài tới 10 năm và hiện đã tổ chức được 3 trại sáng tác, với sự góp mặt của một số gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu của Việt Nam và thế giới. Với sự đầu tư khá công phu, bài bản, các họa sĩ được vẽ một mình trong xưởng riêng tại Đại Lải trong điều kiện tốt nhất.

Vì thế, ước tính tiền chi cho mỗi tác giả rất lớn: lên đến hàng chục ngàn USD. Sắp tới, những tác phẩm nghệ thuật đang được trưng bày ở Đại Lải Flamingo sẽ mở cửa thành “Museum in the Forest” - Bảo tàng trong rừng - để khán giả, khách du lịch có thể chiêm ngưỡng.

Thực tế, khi đề cập đến câu chuyện này, người viết bài một lần nữa muốn khẳng định rằng, những hoạt động nghệ thuật ngoài trời hướng đến phục vụ cộng đồng luôn là việc làm cần thiết và đáng được khích lệ. Song, dù đó là hoạt động của một cá nhân, một tổ chức nào đó đều nên được cân nhắc, tính toán kỹ càng trong sự hài hòa, phù hợp với cảnh quan, bởi vì chúng ta đã có những tiền lệ đáng buồn như thế.

Trường hợp của “Mây pha lê - La Pán Tẩn 2018” cũng là một ví dụ điển hình. Và với nghệ thuật, vẻ đẹp đích thực bao giờ cũng mang đến sự thoải mái, thư giãn cho người ngắm nhìn chứ không phải làm người ta dấy lên sự băn khoăn, nghi ngại...

Nguyệt Hà
.
.