Từ bài thơ mở đầu phong trào thơ mới

Thứ Hai, 25/03/2019, 08:01
Từ trước đến nay, vì quá mê Hoài Thanh với "Thi nhân Việt Nam" nên tôi vẫn cho rằng thi sỹ Tản Đà là người mở đầu cho phong trào Thơ Mới khi đọc những dòng Hoài Thanh viết về cụ Tản Đà trong "Thi nhân Việt Nam": “ ...Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa ...”.

Thực ra, cụ Phan Khôi mới là người mở đầu cho phong trào THƠ MỚI qua bài thơ "Tình già". Trước đây tôi có đọc qua bài thơ này trong một tuyển thơ và trích mấy câu đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông - Tây - Kim - Cổ” (Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2013). Nay tôi được cô cháu ngoại của cụ Phan Khôi là  Đỗ Thị Châu gửi cho nguyên bản bài thơ "Tình già":

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở

-“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau”

- “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?”

“Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy”.

“Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng mà tính việc thủy chung”.

Hai mươi bốn năm sau tình cờ đất khách gặp nhau. Đôi cái đầu bạc. Nếu chẳng quen lưng, đố có nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi".

Theo Phan Nam Sinh thì đây là bản in đầu tiên trên tờ “Phụ nữ tân văn” số 122, ra ngày 10-3-1932.

Thời nào cũng vậy, cái mới khi ra đời luôn bị cái cũ tấn công, ngăn cản. Thơ cũng vậy. Suốt cả ngàn năm, những bài thơ niêm luật chặt chẽ, chỉnh chu, nghiêm cẩn đã ăn sâu vào tâm thức của người làm thơ cũng như người đọc thơ. Nay bỗng nhiên trên văn đàn xuất hiện một bài thơ như "Tình già", ai mà chịu được!

Sau khi bài thơ "Tình già” xuất hiện trên báo, phái thơ cũ phản ứng rất mạnh.

Bài thơ “Nhàn ngâm” của Tùng Thành đả kích trực diện vào Phan Khôi là một ví dụ:

Trách bác Phan Khôi khéo rắc rối

Noi gương Hồ Thích* làm thơ mới

Câu dài, câu ngắn chẳng ra sao

Vần đụp, vần đơn nghe thật thối.

Trong bài viết này, tôi không có ý đi sâu vào đề tài tranh cãi này. Tôi cũng không phải là một nhà nghiên cứu văn học, dù tôi đã đọc nhiều bài nghiên cứu về cụ Phan Khôi, nhất là những bài viết của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đầy sức thuyết phục.

Khi tôi nhận được cuốn “NẮNG ĐƯỢC THÌ CỨ NẮNG" của Phan An Sa gửi tặng dày gần 700 trang, thú thực tôi phải dành thời gian mấy tháng để đọc, để hiểu được phần nào tư tưởng, nhân cách của cụ Phan Khôi mà một thời có nhiều tranh cãi.

Cụ Phan Khôi (1887-1959 ) là cháu ngoại của Tổng đốc Hoàng Diệu, đỗ Tú tài Hán học năm 18 tuổi, có thể gọi là một nhà Cựu học, ấy vậy mà chính Phan Khôi lại mở đầu cho phong trào THƠ MỚI chứ không phải những người trẻ, những nhà Tây học thời đó, không lạ sao?

Bây giờ, có nhiều người làm thơ gọi là cách tân, đổi mới, với những bài thơ văn xuôi, không cần vần, không điệu, nhiều khi người đọc không hiểu tác giả đang nói gì?! Mà có bài thơ tôi đồ rằng chính tác giả cũng không biết mình đang viết gì?!

Đọc lại bài thơ "Tình già" của cụ Phan Khôi, tôi thiển nghĩ cũng là một bài kiểu thơ văn xuôi, cũng “Câu ngắn, câu dài...vần đụp, vần đơn” như Tùng Thành thời đó đã viết, nhưng sao tôi vẫn thấy hay, thấy thích, thấy rung động, có lẽ bởi cái hồn thơ, hồn người trong đó chăng?

Những gì mà một số người làm thơ bây giờ cho là đang cách tân đổi mới thì các cụ đã làm từ xưa rồi. Những bài thơ văn xuôi, thơ không vần, thơ một hai câu, thơ một chữ, thơ hai chữ, thơ đảo ngược đảo xuôi, quay ngang, quay dọc phải chăng đã có từ lâu.

Tôi thiển nghĩ, nghệ thuật không có đường mòn, luôn phải cách tân, đổi mới, tôi rất quý trọng những người tìm tòi, cách tân, đổi mới trong mọi lĩnh vực, nhất là thơ. Dù thành công hay thất bại cũng đều đáng khích lệ. Nhưng, nếu nhất nhất cho rằng viết theo kiểu cách tân này, cách tân khác mới là thơ, mới là nhất, rồi phủ nhận thơ truyền thống là điều không thể chấp nhận.

Trở lại chuyện cụ Phan Khôi, mà nay nhiều người đã biết là một người yêu nước, một nhà báo, một nhà thơ, người mở đầu cho phong trào Thơ Mới.

Trong bài viết này tôi chỉ nói về thơ của cụ.

Những bài thơ cụ Phan Khôi để lạị không nhiều. Ngoài bài thơ "Tình già", có một số bài thơ nữa mà tôi biết. Tôi thích bài thơ "Nắng chiều" của cụ:

Nắng chiều đẹp, có đẹp.

Tiếc tài gần chạng vạng,

Mặc dù gần chạng vạng,

Nắng được thì cứ nắng.

Phan An Sa bình bài thơ "Nắng chiều" như sau:

Bài thơ về nắng thu vàng có bốn câu, nhưng chỉ có một câu nhắc đến cái đẹp của nắng. Nói chi ly, bài thơ có hai mươi từ, thì chỉ có năm từ đầu tiên để ông ghi nhận cái đẹp của nắng, còn lại mười lăm từ để ông nói lên lần nữa cái chí của ông...”. ( trang 533 - Sách đã dẫn).

Người xưa, những bậc tiền nhân làm thơ là để nói lên cái chí của mình. Tôi vừa đọc lại Nguyễn Công Trứ với cái nợ “tang bồng” vay trả, trả vay, với cái chí làm trai đứng trong trời đất “Phải có danh gì với núi sông” mà hiểu ra đôi chút vì sao thơ của các bậc tiền nhân còn mãi với thời gian. “Người thơ phong vận như thơ ấy” là câu mà ta thường nói với nhau. Ngày nay khác sao?

Gần đây, tôi đọc nhiều bài thơ đăng trên báo mà không hình dung được người thơ. Không thấy được cái chí của người làm thơ, chỉ thấy chữ và chữ, không cảm được cái hồn chữ đọng lại. Như vậy không biết nên vui hay nên buồn?!

Thỉnh thoảng tôi đọc mấy câu này như là một sự tự cân bằng mình mà không biết ai sáng tác:

Làm sao cũng chẳng làm sao

Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.

Làm chi cũng chẳng làm chi.

Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.

Mới hay là của cụ Phan Khôi. Chính Phan An Sa, con trai cụ kể lại rất sinh động, cụ thể, trong cuốn "Nắng được thì cứ nắng".

Thời ấy mà cụ Phan Khôi đã viết ra những câu như vậy thật lạ, cứ như những chàng thi sỹ trẻ tuổi, “Phong trần” thời nay vậy. Mà ngẫm kỹ, qua những câu này ta có thể hiểu được phần nào cốt cách, tư tưởng mới mẻ của cụ Phan Khôi. Cũng dễ hiểu vì sao cụ Phan Khôi là người mở đầu phong trào Thơ Mới.

Trước nhiều ngả đường của thơ hiện nay, không hiểu sao tôi thường nghĩ tới những bậc tiền nhân, những người đã để lại cho hậu thế nhiều thơ hay, nhiều điều làm chúng ta phải suy ngẫm như cụ Phan Khôi, người đã mở đầu phong trào Thơ Mới qua bài thơ "Tình già".

Tôi chỉ là một nhà thơ, vì yêu thơ mà chăm đọc thơ, khi gặp một bài thơ hay, tự mình thấy sướng, thấy phải viết sao cho thơ thật sự là thơ bởi tôi luôn tâm đắc rằng: “ Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ” (Trương Trào viết trong “U mộng ảnh” - bản dịch của Nguyễn Hiến Lê ).

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn, 3-2019

------------------------------------------------------------------------------------

*Hồ Thích ( 1891-1962): Nhà trí thức nổi tiếng Trung Hoa đã từng du học ở Mỹ.

Dương Kỳ Anh
.
.