Ranh giới văn hóa

Thứ Năm, 13/06/2019, 07:35
Việc mua lại công thức và Việt hóa những phiên bản nổi danh của nước ngoài thực chất không có gì là xấu, nhưng điều cơ bản nhất, cái đáng ngại chính là chuyện mượn cái quy ước của bản gốc để vượt qua những ranh giới văn hoá.


"Giao thoa văn hóa" (cross-culture), "công dân toàn cầu" (global citizenss)… là những khái niệm không mới trong khoảng hơn hai thập niên trở lại đây. Internet với khả năng kết nối con người với con người, khả năng tìm tòi được rộng mở hơn cùng tốc độ của nó đã khiến rất nhiều người có khả năng tiếp cận với những điều mà với các thế hệ trước có thể là bí ẩn. Nhưng nó cũng bắt đầu phá hủy những giá trị cốt lõi, những giá trị định vị một vùng miền, một quốc gia trên bản đồ văn hóa toàn cầu.

Đơn cử là câu chuyện gần đây nhất, liên quan đến một gameshow truyền hình có tên "Nữ hoàng quyến rũ". Hình ảnh các thí sinh tạo hình gợi cảm trước ống kính trong bộ đồ bikini đã gây ra những phản ứng khá mạnh mẽ đối với khán giả. Những phản ứng đó đã dẫn tới một câu hỏi rất lớn về vai trò của biên tập kênh truyền hình. Và câu chuyện đó cũng đưa ra một thực trạng hiện nay của ngành công nghiệp giải trí truyền hình. Đó là chuyện các kênh truyền hình thực sự không làm chủ toàn bộ những gì được phát sóng.

Với sự tham gia của các nhà đầu tư, sản xuất nguồn xã hội hoá, các kênh truyền hình chỉ còn giữ vai trò kiểm soát nội dung và chỉ cần một phút lơ là trong khâu biên tập, một chương trình hấp dẫn có thể trở thành chương trình thảm hoạ.

Thực tế, chuyện các nhà đầu tư, sản xuất mua một định dạng chương trình (format) của nước ngoài rồi sau đó Việt hóa nó để chào hợp tác với các kênh truyền hình là chuyện rất cũ. Vietnam Idol, The Voice, X Factor… đều là những show truyền hình mua định dạng công thức của nước ngoài và được Việt hóa.

Sự thống trị của các nội dung được xây dựng trên cái căn cốt ngoại lai trên truyền hình là điều ai cũng có thể thấy rõ. Xem một chương trình hay, chúng ta có thể tìm ngay được phiên bản gốc của nó. Thậm chí, ngay cả phim truyền hình thu hút sự quan tâm (như "Người phán xử" chẳng hạn) cũng là một phiên bản địa phương của một bản gốc quốc tế mà thôi.

Việc mua lại công thức và Việt hóa những phiên bản nổi danh của nước ngoài thực chất không có gì là xấu, nhưng điều cơ bản nhất, cái đáng ngại chính là chuyện mượn cái quy ước của bản gốc để vượt qua những ranh giới văn hoá.

Người Việt, dù có hiện đại đến mấy đi nữa cũng là một dân tộc khác với những người Âu, Mỹ hay thậm chí là cùng ở châu Á. Cái định tính văn hóa của dân tộc chính là thứ cần được bảo tồn nhất, dù cho định dạng của chương trình có "toàn cầu" đến thế nào nữa. Nhưng những nhà đầu tư, nhà sản xuất và cả những người chịu trách nhiệm phát sóng đều đã tự gỡ bỏ cái ranh giới văn hóa ấy. Và nhiều khi họ nhân danh cái gọi là "toàn cầu", "giao thoa văn hoá" hay thậm chí là "nhu cầu giới trẻ" để đạp đổ ranh giới kia và đưa lên sóng những nội dung chương trình còn vượt quá cả ranh giới văn hoá để chạm vào lãnh địa của sự khác biệt đáng lo ngại vì sự dung tục.

Nếu đặt một câu hỏi cho những nhà sản xuất, người biên tập rằng họ có muốn vợ/chồng hay con dâu/con rể của mình giống như những nhân vật họ đưa lên kênh sóng hay không, có lẽ chúng ta sẽ được nhận nhiều câu trả lời mà chính họ cho là "thủ cựu". Vâng, thủ cựu hay hiện đại, tất cả đều phải xuất phát từ chính mong muốn và lợi ích của chính mình. Mà khi chính mình vì cái lợi riêng của mình để đạp bỏ ranh giới văn hoá bất chấp tác hại của nó đối với cộng đồng như thế nào, liệu chúng ta có còn đủ tư cách để làm văn hoá.

Hãy hòa nhập với thế giới. Hãy học tập cái hay của thế giới. Nhưng hãy biết giữ định tính dân tộc của mình, và thiết lập ra một ranh giới mà không ai có quyền vượt qua và vi phạm.
Văn Đoàn
.
.