Nhớ nhà thơ Vũ Duy Thông: Một người anh hiền hậu, chí tình…

Chủ Nhật, 30/05/2021, 06:28
Tôi biết nhà thơ Vũ Duy Thông đã lâu, ấy là khoảng những năm 1976, 1978 của thế kỷ trước, khi ấy tôi bắt đầu làm thơ và hay lên trụ sở Hội Văn học - Nghệ thuật Vĩnh Phú đóng ở Việt Trì gặp gỡ các nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Đình Minh, Hoàng Hữu, Cao Khắc Thùy... là những cán bộ thường trực của Hội.

Trong một lần tổng kết năm, tôi được gặp nhiều nhà văn, nhà thơ cùng quê Vĩnh Phú, đang công tác tại các cơ quan Trung ương về dự như các nhà thơ Ngô Văn Phú, Thái Vượng, Hữu Thỉnh, Vũ Duy Thông và nhiều người nữa không nhớ hết. Sau này tôi mới biết những năm ấy, Hội Văn nghệ Vĩnh Phú không chỉ là ngôi nhà chung của anh em văn nghệ trong tỉnh,  mà còn là địa chỉ thân thiết, ấm áp của những người con Vĩnh Phú làm văn nghệ xa quê.

Anh Vũ Duy Thông quê ở Mê Linh, Vĩnh Phúc bấy giờ làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam; dáng người anh thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn. Mọi người mời anh đọc bài thơ “Bè xuôi sông La” mà anh đã được giải Báo Văn nghệ trước đó, anh lên đọc thơ mình mà như bẽn lẽn. Anh chơi thân với nhà thơ Vũ Đình Minh, bởi lẽ hai người cùng quê huyện Mê Linh. Cảm nhận ban đầu khi gặp nhà thơ Vũ Duy Thông chỉ có vậy.

Nhà thơ, PGS.TS Vũ Duy Thông.

Sau này tôi về Hà Nội có điều kiện gặp anh nhiều hơn, anh em hiểu nhau, mỗi lần gặp sau câu chào là cái bắt tay thật chặt, vỗ vai thân tình, không cần nói câu nào nữa. Tôi nhớ khoảng năm 1987, 1988,  thỉnh thoảng anh có lui tới Hội thơ Thanh Xuân (một nhóm do những người yêu thơ lập ra). Có lần nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vỹ tổ chức cho anh em điền dã về làng quan họ cổ ở Từ Sơn, Bắc Ninh, anh Vũ Duy Thông cũng tham gia, còn cho cả cu Hưng con trai anh đi cùng.

Đêm hôm ấy, cả đoàn được thưởng thức các làn điệu quan họ cổ do các nghệ nhân gạo cội trình diễn,  có lúc cao hứng mọi người hát theo, nhưng anh chỉ ngồi nghe, xúc động anh nói với tôi (cũng là người Vĩnh Phú) rằng, làn điệu quan họ làm say mê người nghe một phần, thì bản thân người diễn/hát say mê, đắm đuối hai ba phần. Anh bảo dân ca Xoan Ghẹo quê mình khó diễn được như  thế này.

Anh Vũ Duy Thông là người sống rất tình cảm, thủy chung bạn bè. Nhớ lần làm lễ 49 ngày nhà thơ Vũ Đình Minh, anh em văn nghệ quê Vĩnh Phú đều có mặt, anh Thông đến sớm ngồi lặng lẽ một chỗ. Nhà thơ Vũ Đình Minh là nhà giáo từng dạy học ở Cao Bằng, sau đó về Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, khoảng năm 1980 ông về Hà Nội làm ở Ban Văn nghệ Đài PT-TH  Hà Nội và bị mất vì bệnh ung thư.

Anh Vũ Duy Thông rất thương bạn, săn sóc bạn những ngày ốm đau, nhưng không thể làm gì hơn được. Chúng tôi cùng thắp nén nhang cho nhà thơ Vũ Đình Minh và anh Thông đã đọc thơ của bạn ngay dưới bàn thờ người đã khuất, những câu thơ như nghẹn lại, còn đọng trong tâm trí những người có mặt.

Sau khi nghỉ hưu ở Ban Tuyên giáo Trung ương với cương vị là Vụ trưởng Vụ Báo chí,  nhà thơ Vũ Duy Thông  đã được nhà văn Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo CAND mời về cộng tác với báo. Lúc đầu anh Thông ái ngại vì cho rằng mình không hiểu về nghiệp vụ Công an sẽ khó làm. Được sự động viên của những người ở báo, cuối cùng anh nhận lời, và anh được phân công biên tập, “soi xét” tờ Cảnh sát Toàn cầu mới ra. Anh ngồi trong căn phòng ở 66 Thợ Nhuộm, cách phòng làm việc của tôi 3-4 mét.

Hằng ngày anh đến và đi rất nhẹ, làm việc cần mẫn như một cán bộ đích thực của báo. Đối với anh, kể cả lúc nghỉ hưu thì tác phong làm việc vẫn không hề thay đổi, làm việc hiệu quả, tôn trọng nội quy, kỷ luật.

Làm cộng tác ở Báo CAND được vài năm, anh xin nghỉ để chuyển sang một tờ báo điện tử mới. Từ đó ít được gặp anh hơn.

Trong cuộc đời công tác của mình, nhà thơ Vũ Duy Thông đã trải qua nhiều cơ quan và ở nhiều cương vị khác nhau. Anh có trên 30 năm công tác ở Thông tấn xã Việt Nam, sau đó làm Tổng Biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Biên tập Báo điện tử Tầm nhìn… Ở bất kỳ đâu và cương vị nào, anh cũng sống chân thành và để lại ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp và bạn đọc.

Nhận được tin anh ra đi về cõi vĩnh hằng ngày 28/5/2021, chúng tôi những người làm báo CAND không khỏi bàng hoàng thương tiếc. Mong anh thanh thản an giấc ngàn thu.

Tác giả “Bè xuôi sông La” về cõi vĩnh hằng

Sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh, tác giả “Bè xuôi sông La”, nhà thơ, PGS.TS Vũ Duy Thông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 28/5, hưởng thọ 77 tuổi.

Nhà thơ, PGS.TS Vũ Duy Thông sinh ngày 26/2/1944, tại thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp khóa 8 khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Nhà thơ từng có nhiều năm gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam, sau đó làm Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ và đảm nhận cương vị Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) cho đến khi nghỉ hưu.

Với đông đảo bạn đọc nhiều thế hệ, nhà thơ Vũ Duy Thông là tên tuổi quen thuộc, đặc biệt qua 2 bài thơ in trong sách giáo khoa bậc tiểu học: Bè xuôi sông La, Bé làm phi công.

Theo TS Đỗ Anh Vũ, nhà thơ Vũ Duy Thông đã xuất bản 10 tập thơ, 10 tập truyện cho thiếu nhi và 1 tập kịch. Ông từng được giải Ba cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1969 với hai bài thơ “Bè xuôi sông La” và “Ngọn đèn lò”; hai Giải thưởng sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức với các tập truyện “Ai là bạn tốt” (1978) và“Về thăm bà nội” (1988).

Nhà thơ Vũ Duy Thông cũng là tác giả của tập thơ “Miền trung du” và nhiều tập thơ, văn xuôi khác như “Những đám lá đổi màu”, “Tình yêu người thợ”, “Gió đàn”, “Trái đất không chỉ có một người”, “Chối từ cô đơn”, “Và cuộc đời sẽ cứu rỗi”, “Con bồ câu tha đi một cọng cỏ”…

Hà Văn Thể
.
.