NSND Vương Duy Biên: Trong khu vườn nghệ thuật

Thứ Năm, 15/04/2021, 08:49
Thoạt nghe địa danh Bốt Tép (Hiền Ninh - Sóc Sơn -Hà Nội) tôi hơi ngỡ ngàng vì lạ tai. Nhưng khi tìm đến “Không gian nghệ thuật Vương Duy Biên”, nghe nói có địa danh Bốt Tép thì lại không hề khó. Điều khá thú vị khi trong khu vườn điêu khắc của anh có sự hiện diện một lô cốt (ụ súng) trăm năm được giữ lại. Đó chính là một chứng tích cho hệ thống lô cốt (Bốt Tép) mà giặc Pháp xây dựng để án ngữ con đường từ Tây Bắc về Hà Nội một thời.

 

Tượng đài và những trái bom câm

Nhà điêu khắc, NSND Vương Duy Biên tiếp tôi ngay trong hầm của lô cốt. Gió núi đền Sóc hơi se lạnh hút sâu qua lỗ châu mai. Khoảng ánh sáng vuông huyền ảo gợi mở những ký ức tràn về trong tâm hồn người nghệ sĩ. Anh chợt nhớ về những bức tượng tuổi thơ khi lấy những viên phấn trắng khắc chân dung Bác Hồ và hình tượng người chiến sĩ. Rồi sau đó là những ngày tháng làm mẫu vẽ cho lớp hội họa ở nơi sơ tán vào đầu thập niên 70. Cuối cùng Vương Duy Biên thi đỗ vào trường Mỹ thuật Việt Nam (khoa Điêu khắc-1972)

Luôn mơ mộng với những hình khối và hứng thú tạc tượng nảy sinh từ rất sớm trong năng khiếu bẩm sinh của Vương Duy Biên. Anh tự nhận là mình có ảnh hưởng từ công việc của bố là nhà phê bình Mỹ thuật Vương Như Chiêm (nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). 

NSND Vương Duy Biên

Anh chợt nhớ đến bức tượng lớn đã thành công ở tuổi 30 (1988). Đó chính là hình tượng anh hùng dân tộc Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Mới ra trường và được về Nhà hát Múa rối Trung ương nhưng Vương Duy Biên mạnh dạn dựng tượng dự thi. Không ít nhà điêu khắc có tiếng tham gia thi mẫu tượng Trần Hưng Đạo. Thử thách ngỡ như quá sức với một nhà điêu khắc trẻ như anh. Nỗi lo lắng ấy đã được Vương Duy Biên giải tỏa khi hàng chục đêm nghiên cứu về nhân vật lịch sử lừng danh Trần Hưng Đạo. 

Hàng trăm mẫu tượng được anh phác thảo trong một thời gian dài. Cuối cùng một mẫu tượng ưng ý nhất được anh chọn trình làng. Đây là điều bất ngờ trong làng điêu khắc ngày đó với giải Nhất được trao cho Vương Duy Biên. Sau đó mẫu tượng của anh được dựng trên quảng trường 3-2 ở thành phố Nam Định (Cao 16,72 mét).

Câu chuyện chúng tôi tiếp tục về tượng khi bước vào khu vườn bao quanh lô cốt. Đó là những trái bom đánh dấu một thời khói lửa trên đất thủ đô. Bên cạnh lô cốt là tượng hai em bé cưa một trái khế khổng lồ với tiêu đề “Dễ hơn cưa bom”. Một ý tưởng hóm hỉnh bên hình ảnh chùm bom dựng đứng bên mố trụ ở giữa vườn. Một đôi chim bồ câu đậu trên đỉnh bom như một lời tuyên ngôn về sự khát khao cuộc sống hòa bình trên trái đất. 

Phía sâu trong góc sân lại một quả bom khác bị chìm trong hố sâu. Giữa thân bom có một chồi lá non mọc lên như khát vọng cuộc sống bất tử. Ý tưởng mãnh liệt trong tâm hồn nghệ sĩ như một lời khẳng định chiến tranh không thể hủy diệt cuộc sống. Những quả bom thật được dựng lên với thái độ lên án tội ác chiến tranh do giặc xâm lược gây ra. 

Cùng với đó bên góc vườn đối diện là bức “Tưởng niệm”. Hình ảnh của con người luôn nhớ đến những chiến công và sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Toàn quân và dân ta kiên trung anh dũng chiến đấu không sợ bom đạn kẻ thù. Những ký ức hào hùng một thuở của quân và dân thủ đô anh hùng được tôn vinh. 

Đâu đó quanh tôi những lời hát “Người Hà Nội” (Nguyễn Đình Thi) vang lên dồn dập: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao/ Ngàn phương lời thề nước Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà. Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời...”. 

Bên cạnh những trái bom câm là những ý tưởng độc đáo của Vương Duy Biên qua các bức tượng khác. Ta có thể kể đến những tác phẩm như “Chiếc ghế đang chìm”, “Chum kinh nghiệm”, “Không biết mình đi đâu nhỉ”, “Xong chưa con”… Đó là những tác phẩm điêu khắc đượm triết lý về đời sống diễn ra hàng ngày quanh ta. Mỗi bức tượng là một câu chuyện ứ tràn những ký ức cho bất cứ ai bước chân đến khu vườn này. 

Hồn quê và những chiếc nón

NSND Vương Duy Biên dành trọn cuộc đời mình trong sáng tạo nghệ thuật múa rối. Anh là họa sĩ tạo hình những nhân vật rối trong các vở diễn đã 30 năm. Cùng với đó Vương Duy Biên còn là tác giả của những kịch mục sinh động trên sân khấu mặt nước. Đặc biệt anh còn là một đạo diễn tài hoa của hàng chục vở rối và đã được nhận nhiều HCV, HCB, qua các kỳ hội diễn. 

Cách đây không lâu anh còn là tổng đạo diễn Lễ hội Múa rối TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 (2019). Lễ hội có những đoàn nghệ thuật rối tham gia như Nhà hát múa rối Việt Nam; Nhà hát múa rối Thăng Long; Nhà hát múa rối Hải Phòng; Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam… Nhưng có lẽ vở rối nước “Hồn quê” do Vương Duy Biên đạo diễn đã gây ấn tượng sâu sắc. Đây là tác phẩm nghệ thuật mà anh dồn hết tâm sức sáng tạo vào giữa thập kỷ 2000. 

Bình yên - tác phẩm của Vương Duy Biên.

“Hồn quê” có sự đổi mới về trình thức biểu diễn và thêm một phần giải mã ngôn ngữ sân khấu múa rối. Đặc biệt “Hồn quê” đã được trình bày trong một không gian âm nhạc quốc tế (World Music). Dù không còn những âm hưởng chèo cổ quen thuộc nhưng rối trong “Hồn quê” lại chìm đắm trong nét nhạc Folklore bay bổng. Những chuyển động rối sinh động với những nhịp điệu hiện đại. Đời sống dân gian của đồng quê, con sông, ao cá rộn ràng. Đó là sự phối hợp giữa con rối với nghệ sĩ trực tiếp biểu diễn trên sân khấu nước gây cảm xúc mới lạ cho khán giả. 

Ở đây người xem như được tham gia cùng trò rối. Họ vui cười và chuyển động với những tiết mục như: “Úp nơm cá”, “Múa quạt”, “Bắt vịt” “Chèo đò”; hay như “Giã gạo”, “Cày bừa”, “Cấy lúa”… Ngoài kịch mục “Hồn quê”, Vương Duy Biên còn đạo diễn và thiết kế mỹ thuật không ít những vở kịch rối khác rất thành công. Có thể kể đến “Tò he”; “Chuyện mướp và nhít”; “Tráng sĩ”; “Không gian trắng”, “Cô gái tóc vàng”, “A La Đanh và cây đèn thần” và “Sơn Hậu”. 

Họa sĩ đạo diễn Vương Duy Biên được Nhà nước phong danh hiệu NSND năm 2015. Anh nguyên là Thứ trưởng Bộ VHTTDL. Hiện anh là Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội VHNT VN-khóa X (2020/2025). 

Khu vườn nghệ thuật Vương Duy Biên được bổ sung những gian phòng trưng bày tranh và tượng. Anh còn là một họa sĩ chuyên vẽ tranh lụa, sơn mài. Nếu tượng của Vương Duy Biên đậm tính triết lý nhân sinh thì với hội họa anh lại thiên về màu sắc đồng quê. 

Nghệ thuật rối dân gian đã thấm sâu trong tâm hồn nghệ sĩ. Đó là những hình ảnh người phụ nữ nông dân ngày đêm tần tảo nắng mưa. Những chiếc nón hiện lên như điểm nhấn trong từng tác phẩm. Hàng chục bức sơn mài rất thâm sâu về hình ảnh chiếc nón trên đồng ruộng và làng quê. Những chiếc nón làm người xem như trầm mình trong cảm xúc lắng đọng hồn thơ. 

Ở đây những chiếc nón vợ, nón chồng hiện diện trong ca dao: “Nón này che nắng che mưa/ Nón này để đội cho vừa đôi ta”; hay còn đó là “Trời mưa thì mặc trời mưa/ Chồng tôi đi bừa đã có nón che”. Màu trắng của nón dát vỏ trứng dịu êm trong lời ca: “Nước dưới sông có khi đầy khi cạn/ Trăng trên trởi khi tỏ khi mờ/ Tình đôi ta từ bấy đến giờ/ Vẫn tròn như chiếc nón bài thơ anh tặng em” (Gửi cho em chiếc nón bài thơ-Lê Việt Hòa)

“Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”

Tranh và tượng của Vương Duy Biên đã được đưa đi triển lãm ở một số nước đã để lại những ấn tượng khó quên. Tác phẩm của anh có sự hòa đồng với cảm xúc nghệ thuật phương Tây mà anh đã học tập và sáng tạo cho riêng mình. Điêu khắc của anh luôn kêu gọi sự đối thoại với người xem và có ý tưởng trong khối hình. Còn tranh của Vương Duy Biên luôn cất tiếng hát êm đềm với những giai điệu đồng quê. Chính vì thế những tác phẩm của anh đã được nhiều nhà sưu tầm tìm đến.

Trong xưởng của anh chúng tôi thấy một mẫu tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thiện. Đây là tác phẩm điêu khắc sẽ được đúc đồng cao hơn 10 mét, dựng trên quảng trường đảo Phú Quốc. Với bàn tay Bác Hồ đặt lên ngực phía trái như một lời nhắn lại muôn đời: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Đồng thời tượng Bác giữa muôn trùng đại dương như một dấu mốc chủ quyền của dân tộc ta trên Biển Đông bao la đời đời bất tử.

Vương Tâm
.
.