Hòn Đá Bạc và bác Ba Phi

Thứ Ba, 10/04/2018, 08:35
Khi vừa đến thành phố Cà Mau, có người rủ tôi ra Hòn Đá Bạc, thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), rồi về quê bác Ba Phi nghe chuyện cười. Nghe nói ở đó có bãi đá kéo dài, dựng đứng tạo nên sự kỳ thú, với nhiều hình ảnh bất ngờ ngoài biển khơi. Tha hồ mà "seo phì". Anh ta còn đọc luôn mấy câu thơ: "Chuyện xưa có những nàng tiên. Đêm trăng ca múa bên miền cỏ thơm...".  Tôi mê liền và thế là lên đường.


Chuyên án CM12 trên Hòn Đá Bạc

Khi leo lên Hòn Đá Bạc cốt định tìm dấu tích bàn chân của những nàng tiên xưa, chúng tôi được hướng dẫn viên đưa đến bên tượng đài các chiến sĩ Công an trên đỉnh núi. Đây là dấu tích anh hùng, chiến công phá án rất mưu trí, quyết liệt trong chiến dịch phản gián của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, kéo dài từ năm 1981 đến 1984.

Chuyên án CM12, chính là nói đến ngày xuất phát của toán biệt kích 12-5-1981, tại Cà Mau xâm nhập vào nước ta. Điểm đầu tiên mà chúng đột kích chính là núi Hòn Đá Bạc. Đây là ngọn núi cao nhất trong ba ngọn núi trong cụm di tích Hòn Đá Bạc, cách bờ biển chừng 500m.

Vị trí ở ngoài khơi, sóng mạnh, kẻ địch muốn tạo bàn đạp xâm nhập vào nước ta nhanh nhất với âm mưu lật đổ chính quyền. Đây là tổ chức phản cách mạng do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu. Chúng là một tổ chức phản động lưu vong được thành lập ở Pháp ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Liền trong 4 năm, từ 1981 đến 1984, chúng đã thực hiện hàng chục chuyến lén lút vào vùng ven biển phía Tây Cà Mau. 

Chúng không thể ngờ rằng, Hòn Đá Bạc đã trở thành trung tâm chỉ huy của các chiến sĩ Công an nhân dân, thực hiện Chuyên án CM12. Đây là kế hoạch đón lõng đưa chúng vào bẫy. Lực lượng Công an nhân dân đã đánh bắt 18 chuyến xâm nhập của tổ chức phản động này; thu được 300 tấn vũ khí, 14 tấn tiền giả; tiêu diệt 189 tên biệt kích, cùng hai tàu vận tải.

Tác giả bên hòn Đá Bạc.

Chuyên án còn mở rộng phá được 10 tổ chức phản động và các đầu mối nội gián ở trong nước. Chuyên án CM12 kết thúc vào ngày 9-9-1984, bắt sống tên cầm đầu Mai Văn Hạnh và những tên phản động có liên quan. Đây là chiến công gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Nhà nước ta đã phong tặng hai đơn vị và ba cá nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hòn Đá Bạc trở thành Di tích lịch sử quốc gia (22-6-2009).

Đúng như hướng dẫn viên nói, ngoài những cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, như bàn chân tiên, bàn tay tiên và nhà Lăng Cá Ông, Hòn Đá Bạc còn là con "Mắt Ngọc" của miền vùng biển Tây, một con mắt tinh tường canh giữ biển trời quê hương. Chúng tôi càng lấy làm thích thú khi ngắm một bàn tay đá to lớn, do mẹ thiên nhiên ban tặng.

Người dân ở đây coi bàn tay đá khổng lồ chính là biểu tượng của sức mạnh sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù ngoại xâm. Chiếc cầu mới xây với dáng hình rồng vươn ra biển khơi dẫn du khách đến với Hòn Đá Bạc như một lời chào thân thương. Bỗng phía xa, một con thuyền len lỏi bên bìa rừng đi về phía đầm xanh um rừng tràm.

Đúng mùa hoa, hương tràm bay ngan ngát. Tiếng hò của ai đó văng vẳng bên tai: "Theo chồng về chốn bưng biền. Thấy bông điên điển nghiêng mình nhớ quê. Lấy chồng xa rất khó về. Hết mùa điên điển, đường quê còn dài… hò ơ hờ còn dài ơ hò…". Đó chính là câu ca dẫn lối chúng tôi về quê bác Ba Phi.

Hài hước Ba Phi

Vùng sông nước Cà Mau không ai không biết đến người kể chuyện cười Ba Phi, của miệt Kênh Ngang, ấp Lung Tràm, cách Hòn Đá Bạc vài cây số. Ông tên chính là Nguyễn Long Phi (1884-1964). Khi hỏi vì sao lại có biệt danh là Ba Phi, thì chính ông có lần tự kể, phải đưa tên vợ trước lên cho phải nhẽ. Chả là cái số ông phải nhờ ơn nhà vợ, trong cơn hoạn nạn trốn lính, chui lủi ở rừng tràm thì được gia đình nhà vợ cưu mang. Mười tám tuổi trở thành tá điền cho nhà Hương quản Tế, một địa chủ giầu có, chàng trai Long Phi rất chăm chỉ cần cù làm ăn, nên được tin yêu.

Chân dung bác Ba Phi.

Ông chủ có ý định gả con gái là Ba Lữ cho Long Phi nhưng với điều kiện phải làm không công trong ba năm. Đó chính là một thử thách lòng kiên trì thể hiện tình yêu thật sự với người vợ trong tương lai. Đúng ba năm nhẫn nại làm ăn, mở mang đất hoang cho ông chủ, Long Phi được chính thức nhận con rể.

Nhưng đặc biệt ông bố vợ còn thích chàng rể ở cái tài hài hước, ví von bất ngờ, phịa chuyện cứ như thật. Nhiều chuyện "bốc phét" nhưng Long Phi đều vin vào vợ chứng kiến để làm tin cho mọi người. Cuối chuyện thấy mọi người trợn tròn mắt ngờ ngợ, thì bao giờ ông cũng chỉ vợ nói, cứ hỏi bả thì biết có đúng thế không. Vậy là ai cũng gọi ông là Ba Phi từ đó.

Ba Phi nghe nói còn không biết chữ, mặc dù đã đi lính cho Pháp, hay đã từng bỏ trốn về Thái Lan sống, mà vẫn không học được chữ nào. Nhưng ông lại có biệt tài ứng tác chuyện cười cho mọi người theo yêu cầu mà chẳng hề chuẩn bị trước. Ai đòi nghe chuyện mới là ông kể liền.

Vừa kể, ông vừa nghĩ, vậy mà cuối cùng làm ai cũng phì cười với kết thúc bất ngờ. Ngôn ngữ dân gian, ngỡ như nôm na của ông nhưng lại ẩn chứa nét tài hoa của một tính cách sông nước miền Tây. Những câu chuyện vui thể hiện ý chí sống mãnh liệt ở miệt sông nước, rừng tràm, rừng đước với những điều kiện sống gian khó: "Chèo ghe sợ sấu cắn chưng (chân). Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma".

Trong sâu thẳm tâm hồn, người nghệ sĩ này muốn khích lệ bà con phải thích ứng và đối diện với khó khăn để vượt lên. Đó là những câu chuyện đầy bất ngờ, làm mọi người cười thích thú và có thể ghi nhớ để kể lại cho con cháu. Những câu chuyện không đâu xa mà chỉ quanh những đề tài về tôm cua, cò vạc, hùm beo, rắn rết…

Đó là điều kiện sống tự nhiên, hoang dã của vùng sông nước sình lầy Cà Mau thuở nào. Có điều lạ, cũng chỉ một đề tài về con cá sấu chẳng hạn, ông cũng nghĩ ra khối chuyện, nay kể thế này mai lại kể chuyện khác. Nào là "Xuồng cá sấu", "Câu cá sấu", "Nước mắt cá sấu"… hay như "Cọp ăn chè", "Cọp xay lúa", "Đỡ đẻ cho cọp", "Bắt cọp rừng"… còn nữa, nào chuyện rùa, lợn chó, vịt ếch rắn rết, toàn những con vật sống quanh vùng sông nước, rừng biển đầy hiểm nguy: "Cà Mau khỉ khọt trên bưng. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um".

Đến nay ai cũng nhớ đến chuyện Ba Phi kể như thật về chuyện cá sấu chơi với mình như thế nào. Có hôm bỗng cá sấu nổi lên hàng đàn, mấy lần Ba Phi nhảy lên lưng chúng để vượt kênh, qua đầm. Lại có lần bầy cá sấu chở bác ra đến tận chợ Cà Mau. Nhơn tiện bác bán luôn cả bày, chỉ dành lại một con để cưỡi về.

Chưa hết, vẫn còn chuyện Ba Phi bốc lên rằng, mình nuôi một con cá sấu thật lớn để chở đi làm ruộng. Lúc nghỉ ngơi cùng uống trà rồi còn ca vọng cổ cho nó nghe. Đến chiều nó hớn hở, vẫy đuôi đi kiếm mồi cho ông uống rượu. Ấy vậy mà ai cũng tin rồi truyền miệng lại cho mọi người trong vùng. Hàng trăm chuyện kể của ông Ba Phi đã được người ta ghi lại.

Nửa thế kỷ sau khi ông mất, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng ông danh hiệu "Nghệ nhân dân gian" (2003), với kho chuyện hoạt kê hết sức độc đáo, thể hiện đặc trưng văn hóa "Folklor" sông nước Nam Bộ.

Tiếng đàn cò bên kênh

Người dân làng còn kể bác Ba Phi thuộc nhiều làn điệu lý và ca cải lương hay hết nổi. Đặc biệt ông có biệt tài đánh đàn cò. Mỗi khi chiều về, mọi người thường nghe ông kéo vĩ đàn cò bằng lông đuôi bò kết lại. Tiếng đàn nghe xót lắm nhất là khi ông nhớ đến người vợ thứ hai đẻ cho ông đứa con trai duy nhất rồi bỏ đi biệt xứ. Cô vợ này là do vợ cả ông tìm cưới cho vì bà không sinh nở được. Mãi sau này, khi bà Ba Lữ mất, ông lấy một cô gái người Khơme, nhưng sau khi sinh nở cũng mất sớm vì yểu mệnh ở tuổi 24.

Từ đó tiếng đàn cò của ông mỗi ngày một da diết nhớ nhung. Giọng hát ông cũng sầu hơn, dầm dề như cơn mưa biển, hoảng hoải mênh mông. Chúng tôi bần thần đứng trước ngôi mộ ông ở giữa hai bà, từ năm 1964 đến nay, trong ngôi nhà vườn lạnh lẽo bên bờ kênh. Nơi đây theo như mấy người kể lại, ông thường ngồi bên mộ hai bà, vừa kéo đàn cò vừa hát nỉ non. Ai ai cũng thương, chỉ dám đứng từ xa, vì sợ ông òa khóc.

Vương Tâm
.
.