“Nạn hồng thủy” phương Đông và phương Tây

Thứ Bảy, 09/11/2019, 07:37
Chịu sự quy định của văn hoá bản địa mà mỗi dân tộc có mô hình cốt truyện và cấu trúc ý nghĩa đậm nhạt khác nhau, giữa phương Đông và phương Tây hẳn cũng khác nhau về ý nghĩa...

Nếu hiểu văn học là tấm gương phản ánh lịch sử thì nạn hồng thuỷ có thật, có từ rất xa xưa, từ thuở hồng hoang, khi loài người mới có mặt trên trái đất. Vì hầu như truyền thuyết cổ sơ của dân tộc nào cũng có chi tiết này, đến mức trở thành môtip chung cho văn hoá nhân loại. Chịu sự quy định của văn hoá bản địa mà mỗi dân tộc có mô hình cốt truyện và cấu trúc ý nghĩa đậm nhạt khác nhau, giữa phương Đông và phương Tây hẳn cũng khác nhau về ý nghĩa.

Thần thoại Hy Lạp kể nhờ được cha là thần Thợ Rèn Hêphaitôx báo tin Thần Dơt sẽ trừng phạt loài người bằng trận đại hồng thuỷ mà thần Đơcaliông và vợ là Pira chui vào một cái hòm gỗ sồi lớn, trong đó chứa nhiều lương thực, nhờ đó mà thoát nạn. Còn tất cả loài người, vì độc ác, xấu xa, lừa đảo lại kiêu căng tự phụ ít khi chịu tế thần trên núi Ôlanhpơ nên bị Dơt trị tội.

Chính tay Dơt cầm gậy thần dồn mây từ khắp nơi rồi sai thần Mưa trút nước. Mưa như xối, mưa suốt ngày suốt đêm từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng nọ. Mưa làm đổ núi, cuốn sạch nhà cửa. Mưa làm chết hết người… Sau chín ngày chín đêm lênh đênh trên biển nước cái hòm gỗ sồi dạt vào chân núi Pacnax. Đơcaliông và Pira chui ra khỏi hòm kinh hoàng chứng kiến thảm cảnh chưa từng có bởi nạn hồng thuỷ. Chàng bèn xin Dơt tái sinh loài người.

Dơt ưng thuận và nói: Hãy lấy xương của Mẹ mà ném ra sau lưng… Mẹ ở

đây là Mẹ Đất còn đá là xương. Đơcaliông nghe lời liền cầm lấy những hòn đá ném, tức thì mỗi hòn đá hoá thành một người đàn ông, còn Pira ném thì mỗi hòn đá hoá thành một người đàn bà… Thế là loài người tái sinh!
Hình ảnh nạn đại hồng thuỷ và con thuyền Nôê.

Hai điểm sáng ý nghĩa của câu chuyện này là Trừng phạt và Tái sinh.

Truyền thuyết trong Kinh Thánh của đạo Kitô giáo kể:

Chúa sinh ra loài người nhưng loài người không nghe Chúa làm điều thiện mà ngày một ác, xấu xa, tàn bạo… Chúa hối hận vì đã sinh ra những kẻ mất dạy và quyết trừng phạt bằng cách làm ra trận đại hồng thuỷ để giết hết mọi sinh linh. Nhưng trong loài người vẫn có một kẻ mà Chúa mến phục và tin yêu là ông già Nôê.

Không thể giết người trong sạch, tốt bụng, thanh liêm như thế nên Chúa bảo với Nôê đóng thuyền lớn để chứa lương thực, vợ con cùng những loài thú, mỗi loài một cặp đực cái. Rồi Chúa làm mưa. Mưa bốn mươi ngày đêm. Cả loài người và thú rừng chết hết, chỉ còn gia đình Nôê và những con thú trên thuyền…Trước khi nước rút, Nôê thả con chim bồ câu.

Bay xa, xa lắm, khi trở về nó ngậm một cành ô liu. Từ đó hình ảnh này bay vào bầu trời văn hoá nhân loại trở thành biểu tượng cho sự phục sinh!

Ý nghĩa truyền thuyết này cũng tương tự câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp là Trừng phạt và Tái sinh.

Để trừng phạt được người khác phải có căn cứ kết tội, phải có lý trí, lý tính, phải dựa vào luật pháp. Những truyền thuyết này đều chứng minh người phương Tây đã sớm biết đến và vận dụng luật pháp. Nhưng các truyền thuyết phương Đông thì màu sắc Trừng phạt nhạt hơn hẳn mà có phần đậm hơn về nghĩa Tái sinh.

Hầu hết các các truyện cổ dân tộc Đông Nam Á kể về nạn hồng thuỷ đều có hình tượng "quả bầu mẹ" để rồi nó trở thành một "mẫu gốc". Tại sao không phải quả khác mà là "quả bầu"? Đây là thứ cây rất gần gũi quen thuộc vùng cư dân nông nghiệp, miền núi cũng sẵn, miền đồng bằng cũng nhiều, dễ trồng, dễ chăm và rất tiện dụng, có thể ăn lá, ăn quả. Quả chín già lấy vỏ làm đồ đựng gia dụng rất tốt, đựng hạt giống, đựng của cải, tiền nong, vàng bạc…

Lại có thể đựng cả nước uống, cả rượu. Thế nên nhà giàu cũng có, nhà nghèo cũng dùng, ai cũng dùng, trẻ em, người già… Đi chơi hội xa càng phải có "Tay cầm bầu rượu nắm nem…". Thi nhân đi làm thơ cũng không thể thiếu "bầu rượu túi thơ…".

Hình dạng quả bầu cũng tiện cho việc mang theo trên người. Vỏ quả bầu lại rất nhẹ luôn nổi trên mặt nước… Bầu leo trên giàn, ngọn nọ ngọn kia quấn quýt, nâng đỡ nhau nên gợi liên tưởng về sự giao hoà, đoàn kết, tương thân tương ái… Quả thật không biểu tượng nào đắc dụng hơn "mẫu gốc" này. Là "quả bầu mẹ" thì dễ hiểu vì truyền thuyết sản sinh ra trong thời mẫu hệ…

Điểm đặc biệt là hình tượng quả bầu trong nhiều truyện ở Đông Nam Á có mục đích giải thích nguồn gốc các dân tộc, tuy có nhiều cộng đồng, bộ tộc, tiếng nói, sinh hoạt, tập quán khác nhau nhưng đều chung một cội nguồn là "quả bầu mẹ". Không chỉ Đông Nam Á, nước Ấn Độ rộng lớn cũng có truyền thuyết tương tự với hình tượng quả bầu chứa sáu vạn đứa con trong sử thi "Ramayana".

Hình thức phái sinh của quả bầu là cái bọc trăm trứng nở ra trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ… Bóng dáng của nạn hồng thuỷ là cảnh mưa to gió lớn do Thuỷ Tinh làm phép để cướp Mỵ Nương trong truyền thuyết "Sơn Tinh Thuỷ Tinh"…

Truyện cổ Việt Nam nói về đại hồng thuỷ gắn liền với ý nghĩa Trừng phạt thường ra đời muộn. Ví như ở "Sự tích hồ Ba Bể" thì đã có chi tiết "cầu Phật" chứng tỏ truyện này mới có hơn 1.000 năm (đạo Phật truyền sang nước ta vào thế kỷ II).

Truyện rằng thần Giao long hóa thân thành một bà già ăn mày đi dự hội "Vu Già" cầu Phật, thấy người đời vô đạo nên dâng nước nhấn chìm tất cả. Có hai mẹ con bà góa tốt bụng nọ cho bà ăn mày ăn ngủ nhờ nên thần cho được sống. Thần đưa cho hai mẹ con hai mảnh vỏ trấu để biến thành thuyền và một nắm tro rải xung quanh ngôi nhà. Tất cả bị chìm trong nước thành hồ Ba Bể, ngôi nhà thành đảo Po-già-nải trơ trọi giữa biển nước mênh mang.

Mưa làm nảy mầm sự sống.

Nhiều truyện của các dân tộc ở Việt Nam hầu như chỉ mượn mô tip nạn hồng thuỷ để giải thích nguồn gốc loài người qua đó giáo dục tinh thần đoàn kết người với người và biết ơn loài vật. Truyện của dân tộc Khơ Mú thì anh em nhà nọ được con Dúi báo cho biết "trời sắp sập" nên sống sót. Chim Tgoóc khuyên hai anh em lấy nhau. Người em/vợ có mang "bảy năm, bảy tháng, bảy ngày" sinh ra một quả bầu. Từ quả bầu người Xá chui ra trước nhất, tiếp theo là người Thái, người Lào, người Lự… Vì người Xá ra đầu tiên dính nhọ nên đen, người Kinh người Hán ra sau cùng nên da trắng…

Trong ký ức cổ xưa của nhân loại thì Nước là một biểu tượng văn hoá vĩnh cửu với ba ý nghĩa cơ bản: nguồn sống, sự sống (có nước mới có sự sống); phương tiện thanh tẩy/tẩy uế/tẩy trần (nghi thức tắm tượng Phật hay lau rửa cho người chết để họ siêu thoát…); sự tái sinh (mưa giúp cây cối nảy mầm…).

Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, môtip nạn hồng thuỷ ít nhiều cũng đều mang những ý nghĩa này nhưng ở phương Đông thì rõ và đậm hơn bởi nghề nông là chủ yếu (có vị thần là Thần Nông), thiên về canh tác lúa nên rất cần nước. Cần nên quý. Quý nên sợ mất, sợ thiếu. Do vậy biểu tượng Nước trong văn hoá phương Đông thường là biểu tượng hai mặt đối nghịch: rất quý và rất ghét (là kẻ thù đầu tiên trong Thuỷ, Hoả, Đạo, Tặc). Miêu tả nạn hồng thuỷ tàn bạo chính là người ta đã gửi cái sự "rất ghét" vào đó.

Những khi gặp hạn, người ta phải làm lễ cầu xin thần thánh nên hầu như các bộ tộc phương Đông đều có nghi thức Cầu Mưa (Đảo vũ). Vì là nghi lễ thiêng, nước lại gắn liền với sự khởi nguyên, trong sạch, tái sinh… nên bao giờ chủ lễ cũng phải tẩy trần trai giới (tắm rửa sạch sẽ, kiêng chuyện ô uế…) và phải thật thành tâm. Có như vậy mới cảm động được trời đất.

Cầu mưa chính là mong muốn có một "nạn hồng thuỷ" theo ý nghĩa tái sinh: "Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày", tức để sự sống nảy mầm.

Thành tâm và trong sạch, về bản chất chính là sự tái sinh để trở về cái khởi nguyên. Ý nghĩa tái sinh này như mảnh vỡ của cái bình ngọc quý văng ra về với tận hôm nay. Hầu như nghi lễ cầu mưa của dân tộc nào cũng ít nhiều mang nghĩa tái sinh. Hiện nay vào Rằm tháng Hai âm lịch hàng năm, người Thái Tây Bắc lại tổ chức lễ hội cầu mưa. Người ta dựng một cây vạn vật (cây vũ trụ) có con chim, con ve được đan bằng nan với ý nghĩa chúng sẽ mang lời khấn tới ông Then (ông Trời).

Cùng với sự kiện đó, dân bản dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, đường làng (tái sinh) vừa là để thần linh vừa mang ý nghĩa giáo dục con cháu sạch sẽ… Hay tập quán của đồng bào Cor (Quảng Nam), sau nghi lễ cầu mưa là hành động thả cá (tái sinh)…

Như vậy, với quan niệm loài người do thần Dớt, hoặc Chúa sinh ra nên biểu tượng "nạn hồng thuỷ" trong văn hoá phương Tây thiên về ý nghĩa trừng phạt (lý trí) nhưng ở phương Đông thì ý nghĩa giải thích nguồn gốc (tình cảm) đậm hơn, do vậy ý nghĩa tái sinh cũng sâu sắc hơn.

Nguyễn Thanh Tú
.
.