Chuyện chợ Giầu - suối Cau

Thứ Hai, 12/07/2021, 07:40
Xưa chợ Giầu ở làng Phù Đê xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam có tên là chợ Giầu (hay Trầu). Dân quanh vùng vẫn gọi cả hai tên. Nghệ nhân làm đàn sáo Đào Văn Soạn ở thôn Đào Xá, Đông Lỗ (Ứng Hòa, Hà Nội) kể đàn bà con gái làng ông hay về đây buôn cau và trầu không. Ông cũng đã từng theo cha đi bán đàn cho anh em nghệ sĩ ở chợ Giầu hồi kháng chiến 1947. Đang vui ông nảy vài ngón âm thanh ngọt lịm.


Bát cảnh sơn ẩn chuyện Tân Lang

Khu quần thể núi non Bát cảnh sơn ở xã Tượng Lĩnh gây ấn tượng kỳ thú với bất cứ ai đến đây. Dãy núi mở ra tám cánh như bông hoa khoe sắc. Mỗi cánh một ngôi chùa ẩn trong hàng cây nhìn xuống mặt hồ sen bao la. Dãy núi nhìn về hướng Nam đối diện với sông Đáy quanh co êm đềm. Nhưng hiện nay chỉ còn đền Tiên Ông trên núi và chùa Tam Giao là nguyên vẹn. Hơn nữa dãy Bát cảnh sơn là khởi đầu hay là cửa đón đưa phật tử tới lễ chùa Hương nên trầm bay, chuông thỉnh ngày ngày. Núi, hồ, sông, suối nơi đây làm cho xã Tượng Lĩnh ngỡ như một bức tranh thủy mặc huyền ảo.

Tượng Lĩnh có vị trí đặc biệt ở ngã ba sông Đáy và Châu Giang. Riêng chợ Giầu thôn Phù Đê lại nằm trên trục cắt ngang hai quốc lộ 21B và 38. Mà theo chữ cổ chữ Phù Đê được đặt theo tên chợ chuyên bán trầu cau một thời. Phù chính là tên chữ nôm của cây Trầu không. Xưa câu ca dao cổ mang dấu ấn của văn hóa làng Việt vẫn còn vang vọng đâu đây. Nghệ nhân Đào Văn  Soạn kể mẹ ông hay ngâm câu ca dao: "Từ ngày ăn phải miếng trầu/ Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu". Cụ bà còn nói vùng đất Tượng Lĩnh xưa có nhiều vườn trầu không và hàng cau. 

Câu chuyện tình cảm giữa hai anh em Tân và Lang trong tích Trầu Cau (trong bộ Lĩnh Nam chích quái) chính là bắt đầu từ đây. Nay trong dẫy núi Bát Tiên còn có suối Cau là hình ảnh còn sót lại của tích cổ chuyện xưa. Thêm nữa dẫy núi Bát Tiên được cấu tạo bằng trầm tích đá vôi. Dòng sông Đáy và Châu Giang ôm quanh xã chính là nơi cả nhà anh em Tân Lang và vợ dừng chân khóc đến chết mà thành suối cau, tảng đá vôi và cây trầu không. Bát cảnh sơn được hình thành bởi những giọt nước mắt khổ đau và nhớ thương của tình cảm gia đình và anh em không bao giờ vơi cạn.

Một góc chợ Giầu (Trầu) ngày xuân.

Đến chợ Giầu giờ đây chỉ còn lác đác cửa hàng bán lá trầu, vỏ và cau. Chữ Giầu được gọi nhẹ bởi âm Giầu nên thành tên chính danh cho đến nay. Nhưng điều thú vị khi đến đây những bà bán cau và trầu không luôn dặn dò khách đến cách chọn hàng. Theo như nghệ nhân Đào Văn Soạn, mẹ ông còn nhớ vanh vách cách chọn cau. Cụ bà luôn dặn con dâu mỗi khi đi chợ rằng: "Cau ngon là cau có dáng trái đào, vỏ màu xanh thúy ngọc nhạt. Đó là cau có vỏ như lụa, thịt trắng nõn và dầy. Hạt cau phơn phớt lòng tôm, nhai đầu tiên thấy giòn nhưng sau đó lại dẻo mềm và ngọt". 

Hình ảnh trầu cau.

Còn nữa Phù Đê còn là nơi ra đời những câu ca dao một thuở gắn bó với tình cảm, duyên nợ cuộc đời. Bởi câu chuyện anh em Tân Lang còn đó. Bã trầu thắm tình nghĩa gia đình mãi mãi là hình ảnh bất tuyệt trong thi ca. Chất phong dao của câu chuyện được bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương bảy tỏ nỗi lòng bi ai: "Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi/ Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá, bạc như vôi".

Dãy Bát cảnh sơn được coi là "Tiểu cảnh Hương Sơn" và đậm dấu ấn di sản tâm linh trong tích truyện của Lĩnh Nam chích quái. Chợ Giầu luôn vang vọng những khúc ca tình yêu bên ngã ba sông. Khi nghe tiếng đàn của nghệ nhân có những nốt luyến láy ngỡ như tiếng lòng nghẹn ngào trong chuyện tình bi ai. Những cung đàn vang lên trong nỗi niềm vấn vương: "Trầu này trầu quế trầu hồi/ Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình/ Trầu này trầu tính, trầu tình/ Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình, trầu ta/ Trầu này têm tối hôm qua/ Giấu cha giấu mẹ, đem ra mời chàng". 

Đáng chú ý, sách xưa đã ghi từ thời Hai Bà Trưng rằng, quê hương tích chuyện Trầu cau là vùng chợ Giầu, suối Cau ở ven sông Đáy, sát chùa Hương. Đây là ngã ba địa giới của ba huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa (Hà Nội) và Kim Bảng (Hà Nam).

Tiên ông hiện về

Rời chợ Giầu chúng tôi lên đền Tiên Ông trên lưng núi Tượng Lĩnh ngắm toàn bộ Bát cảnh sơn. Người coi đền nói, xưa chúa Trịnh Doanh từ thế kỷ XVI đã cho dựng hành cung thường về đây thưởng ngoạn núi non, sông hồ. Đền Tiên Ông được xây dựng trước đó, từ thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293). Đây là ngôi đền thờ Thánh tổ thiên vương Bồ Tát (Tiên Ông).

Cha của Tiên Ông là mệnh quan lớn nhà Trần. Quan ông có tới 23 vợ nhưng chưa có mụn con trai nào. Khi Quan ông đi kinh lý tại trấn Sơn Nam, lấy thêm vợ thứ 24 ở huyện Kim Bảng mới sinh hạ được ngài. Những điều lớn lao đã theo ngài như hình với bóng. Ngài có tướng mạo khác thường với sự đôn hậu và đôi mắt ngời sáng. Đặc biệt Ngài sớm một lòng đèn hương thờ Phật và sớm quy y cửa chùa.

Ngài chu du đó đây tầm sư học đạo và làm nghề thầy thuốc. Khi về tới núi Tượng Lĩnh thấy Bát cảnh sơn tựa non tiên hùng vĩ ngài dừng chân dựng chùa tu luyện và thờ cúng tổ tiên cha mẹ. Chùa ở bên động Tam Giáo. Nhân dân quanh vùng đều nhớ đến công đức ngài chữa bệnh và cứu đói chúng sinh. Từ khi ngài đến cỏ cây xanh tươi. Hồ trong vắt và không bao giờ vơi cạn. Sông tới ngã ba đều dòng chảy hiền hòa. Tàu thuyền ra vào tấp nập. Khi ngài đắc đạo nhập vào cây Đại nại hóa thánh. Theo lời truyền dân làng lấy cây gỗ làm tượng ngài rồi cho đúc đồng. Hiện trên đền còn hai bức tượng ngài được thờ tự hàng trăm năm. Đó là những vật báu linh thiêng trên núi.

Nghe truyền kể rằng, thời Tây Sơn, Đại tư đồ Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-1787) đã cho lấy bức tượng đồng ngài để đúc tiền nhưng không thành. Bùa rìu không thể chạm được vào thân tượng. Ngược lại bùa rìu còn quật xuống chân quân sĩ. Bức tượng chỉ toát mồ hồi trước lửa lò nung. Mọi người hoang mang lo sợ ngài quật chết. Nguyễn Hữu Chỉnh lập điện cúng nói với thần làm sao cho dòng sông Châu, một bên bờ có mưa, còn một bên lại nắng thì mới tin là linh thiêng. 

Quả nhiên chỉ sau thời khắc nén hương cháy được một phần ba, mây mưa từ xa ập tới và trút nước bên phía hữu ngạn. Ngược lại bên tả ngạn sông Châu nắng chang chang. Nguyễn Hữu Chỉnh tái mặt hốt hoảng sai đưa tượng thần về lại đền như cũ. Cứ đến ngày rằm tháng Sáu hàng năm dân hai làng Thịnh Đạt và Quang Thừa (Phù Đê) tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn đức độ Ngài. Khách thập phương cũng kéo về dự lễ đông kín đường.

Phù Lưu Chanh

Đứng trên đỉnh núi Tượng Lĩnh chúng tôi nhìn được khắp tứ phương. Ông coi đền chỉ cho chúng tôi về phía chợ Giầu và nói đó là đất thôn Phù Đê. Còn khu làng chếch về phía Bắc chừng vài cây số chính là làng Phù Lưu. Xưa nơi đây được gọi là Phù Lưu Chanh nơi thi sĩ Quang Dũng sáng tác bài thơ Tây Tiến trong hội nghị tổng kết kháng chến Liên khu III. Những ký ức ATK của "Thủ đô kháng chiến" dội về với bao ký ức dạt dào bên ngã ba sông.

Phù Lưu Chanh cùng với Phù Đê (chợ Giầu) trước cùng trong tổng Phù Lưu thuộc Kim Bảng, Hà Nam. Phù Lưu Chanh giờ thuộc xã Nguyễn Úy. Nói đến đây nghệ nhân Đào Văn Soạn vẫn nhớ thời đó cha ông là du kích đánh giặc Pháp ở xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội cũng rất say mê bài thơ Tây Tiến của thi sĩ Quang Dũng. Thôn Phù Lưu Chanh giờ đổi thành Phù Lưu. Chỉ còn chợ Chanh tồn tại là lưu dấu những ký ức xưa. Phù Lưu thôn nay thành phố thị dọc ngang bên trục đường 38 từ thị xã Đồng Văn ngang qua. 

Riêng ngôi đình thôn Phù Lưu Chanh vẫn còn hình ảnh của thi sĩ Quang Dũng  với dáng vóc dong dỏng cao. Sau tổng kết thi sĩ Quang Dũng đã đọc bài thơ Tây Tiến tại đây. Ai nấy đều bị cuốn hút hồn thơ sang sảng đầy bi tráng: "Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa/ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm...". 

Vương Tâm
.
.