Uy linh trời tạc một tòa nên thơ

Thứ Ba, 19/03/2019, 08:49
Nằm tại Tây Ninh, được mệnh danh là tỉnh“Mặt trời”, nhưng núi Bà Đen lại quanh năm mây mù bao phủ, từ chiều tối cho đến sáng hôm sau. Ở độ cao 986 mét, hiện diện một không gian tựa bồng lai tiên cảnh, hấp dẫn những người ưa mạo hiểm băng rừng, leo núi..


Vây quanh núi Bà Đen là bốn con đường, khoanh vùng diện tích, rộng hơn 24 cây số vuông. Nhìn từ xa, núi Bà Đen như hình chiếc nón khổng lồ, úp xuống mặt đất. Nằm tại Tây Ninh, được mệnh danh là tỉnh“Mặt trời”, nhưng núi Bà Đen lại quanh năm mây mù bao phủ, từ chiều tối cho đến sáng hôm sau. Ở độ cao 986 mét, hiện diện một không gian tựa bồng lai tiên cảnh, hấp dẫn những người ưa mạo hiểm băng rừng, leo núi...

Lên lễ vía bà cầu duyên

Đầu năm khách thập phương đổ về, nhất là các bạn trẻ lên Điện Bà cầu may, mong được kết tóc xe tơ với người vợ, người chồng như ý. Hàng trăm năm qua, núi Bà Đen được truyền tụng linh lắm, nhất là cầu duyên. Nam thanh nữ tú nườm nượp kéo lên núi. Họ luôn luôn nhỏ to, thì thầm nhắn nhủ nhau rằng, phải kiên trì sẽ được đền đáp, mà khi lên núi cấm có kêu mệt.

Chốn linh thiêng ai kêu một tiếng, “Bà” nghe thấy là không còn linh nghiệm nữa. Lên đền là phải vui cười tươi sắc. Mệt mấy cũng phải nở nụ cười. Nhất là trong năm, không được làm điều ác, kỵ nói điều gở, “Bà” mới ban phúc.

“Bà” đã dạy lấy cái đức làm căn cốt thì cái phúc sẽ đến. Đó là một tâm thế thanh tao, mọi người phải nhận biết về mình, mỗi khi lên núi Bà Đen. Chính vì thế, xưa các cụ nhà ta nhắn lại rằng: “Tây Ninh danh thắng núi Bà/ Uy linh trời tạc một tòa nên thơ”.

Núi Bà kể, cuộc đời lắm nỗi truân chuyên, phước phận đến với con người không dễ dàng. Như cuộc đời “Bà” vậy…Chuyện rằng, nàng Lý Thị Thiên Hương, sắc nước hương trời đem lòng yêu chàng Lê Sĩ Triệt, tài đức vẹn toàn. Hai người đính hôn. Sau đó chàng phải tòng quân lên đường đánh giặc.

Ở nhà, Lý Thị Thiên Hương một dạ, đợi chồng. Nàng chăm chỉ lên chùa dâng hương cầu mong cho chồng chiến thắng trở về. Một lần nàng bị kẻ xấu bắt toan giở trò hãm hiếp, nên đã nhảy xuống núi tự vẫn, một lòng giữ gìn trinh tiết. Thời gian trôi qua. Nàng hiện về báo mộng cho trụ trì chùa biết mọi chuyện. Thân hình nàng đen đúa, trong tâm trạng oan ức, đắng cay.

Đi lễ chùa núi Bà Đen, Tây Ninh.

Nhà sư thương xót đưa thi thể nàng về chùa an táng. Người đời tỏ lòng tôn kính tấm lòng thủ tiết thờ chồng của người con gái xinh đẹp, bèn xây một ngôi đền dưới chân núi thờ nàng. Núi được đặt tên Bà Đen từ đó. Sau này Điện Bà được xây trên lưng núi, ở độ cao chừng gần 400 mét, bên cạnh chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự (còn gọi là chùa Thượng).

Đường lên đền, xưa không mấy dễ dàng, phải vượt qua con đường dốc cao, lổn nhổn đất đá và cây cối um tùm. Vậy mà các đôi trai gái hàng năm vẫn vượt dốc đá, hiểm nguy lên cầu “Bà” xe duyên. Nhiều đôi nên vợ nên chồng khi lên lễ. Rồi những đôi uyên ương gặp trắc trở, đều được “Bà” phù hộ mà duyên hồng, phúc thắm. Không ít những đôi vợ chồng, đã đầu bạc răng long, vẫn lên cầu phúc cho con cháu. Bởi chính họ nhận phúc lớn cả đời, được “Bà” ban cho, căn số trăm năm. Từ Chùa Bà, đường lên đỉnh núi, cao chót vót chạm trời. Nhiều đôi trai gái sau khi lễ còn theo hồn “Bà” dẫn lên đỉnh núi, để chiêm nghiệm cuộc sống, hòa mình với mây gió. Họ mới hay đây là duyên trời đã xe. Thánh mẫu Bà Đen đang ngồi trong không trung, kết nối tình yêu hai trái tim bạn trẻ, sống chết bên nhau trọn đời. Chính vì thế lễ hội đầu năm ở Núi Bà được ví là lễ hội tình yêu, kéo dài suốt tháng Giêng hàng năm.

Vượt núi Dũng Sĩ

Núi Bà Đen còn là chứng tích, mà những người con anh hùng của đất Tây Ninh đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ. Bên cạnh chùa Hang có bia tưởng niệm Liên đội 7 và Tiểu đoàn trinh sát 47, đã khắc ghi: “Nơi đây 181 cán bộ, chiến sĩ trinh sát thuộc phòng Quân báo, Bộ Tham mưu Miền (B2), đơn vị Anh hùng Lực lượng Võ trang Nhân dân đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Chùa Bà cũng là nơi khởi phát những cuộc trường kỳ mai phục của Liên đội 7 trinh sát, thuộc phòng Quân báo Miền. Bởi Núi Bà an ngữ trên trục đường đi lên căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền, nằm sát biên giới Campuchia. Mỗi khi quân đội Mỹ tiến đánh vào căn cứ đều phải đi qua đường này.

Giặc đã chiếm cứ đỉnh núi để khống chế và chỉ huy tác chiến. Đơn vị trinh sát của ta chiếm phần giữa núi, chừng ở độ cao 600 mét để thu nạp thông tin, qua vô tuyến điện và kính viễn vọng theo dõi âm mưu, hành động của giặc, mỗi khi cất quân đánh vào trụ sở Trung ương Cục miền Nam.

Đây là cuộc chiến đấu rất kỳ lạ. Đẫm chất bi hùng. Bởi lẽ quân ta ở lưng chừng núi. Kẻ địch thì chiếm lĩnh đỉnh cao nhất và chân núi. Chúng đã phá chùa đền miếu dồn các sư, ni xuống chân núi, dồn vào khu dân cư. Giữa núi là những hang động, được tạo nên bởi các tảng đá chênh vênh, hết sức bất ngờ.

Nhiều âm mưu của chúng đã bị ta phát hiện và báo tin vào trụ sở chỉ huy. Hầu hết các cuộc hành quân lớn, đánh tập kích vào Trung ương Cục miền Nam đều bị thất bại. Lực lượng giặc bao vây ở dưới, hàng chục lần lên núi, định tiêu diệt hay bắt sống đội trinh sát. Nào dội bom, thả khí ngạt. Hoặc hai bên còn đánh giáp lá cà. Nhưng cuối cùng quân đội ngụy cũng phải tháo lui, bỏ xác dọc đường. Liên đội 7 cùng với chiến sĩ tiểu đoàn Trinh sát 47 đã trụ vững trên núi Bà Đen suốt 13 năm gian khó.

Thậm chí, họ còn tấn công chiếm được đỉnh núi, đánh bật giặc ra khỏi đồn trú. Sau đó các chiến sĩ phối hợp các đơn vị đánh xuống đồng bằng, giải phóng hoàn toàn núi Bà Đen, vào ngày 7-1-1975. Đó là cuộc chiến đấu cuối cùng, đầy quyết liệt, biết bao sóng gió, liên tục 30 ngày đêm, góp phần cho chiến dịch tổng tiến công giải phóng miền Nam (30-4-1975). Chính vì thế mọi người còn gọi núi Bà Đen là núi Dũng Sĩ. Đây là chứng cứ sống động về những chiến công của những dũng sĩ trên núi Bà Đen.

Giờ đây, đường lên núi càng thêm hấp dẫn, bởi những hang động kỳ thú. Các phượt thủ thường leo núi bằng hai con đường gian nan nhất, “Đường đá trắng” và cung lộ “Ma Thiên Lãnh”. Ai cũng muốn khám phá con đường gian khó nhất, còn vương những dấu vết đạn bom. Đồng thời, họ sẽ hình dung ra những trận đánh của lực lượng quân đội ta, qua các hang động chênh vênh trên cao.

Đường lên mỗi lúc một dựng đứng. Đặc biệt có đường dốc đá kéo dài 700 mét là sự thách thức cho các bạn trẻ. Bên dốc là vực sâu, những tảng đá vượt ra khỏi ngọn núi như một kỳ quan không tưởng. Có những phiến đá chồng xếp tạo nên hàng động hay mái nhà như trong chuyện cổ tích. Đây cũng là nơi các dũng sĩ quân đội ta sống và chiến đấu ròng rã hơn mười năm. Họ đã phải săn thằn lằn núi để làm thực phẩm. Cuộc chiến đầy cam go qua những phiến đá. Mỗi bước chân các bạn trẻ đều thấm đẫm những ký ức huyền diệu nhất của chiến trường núi Bà Đen.

 Hiện có tới 6 con đường lên đỉnh núi. Rẻo cao nào cũng đều ẩn chứa nhiều thử thách không nhỏ, với các bạn trẻ, cùng những người ưa mạo hiểm. Đá chồng đá, dốc nối dốc. Có leo núi mới hiểu vì sao có câu “thở ra đằng tai”. Mệt bã người, nhưng không được dừng bước, không gục ngã, khi ấy mới chinh phục được đỉnh Bà Đen.

Cuồn cuộn sóng mây

Còn một điều lý thú đối với các bạn trẻ khi lên núi đón bình minh và cánh đồng mây bồng bềnh trên cao. Nhất là đối với các nhà nhiếp ảnh có thú săn mây tạo hình cho tác phẩm của mình. Ngoài cái đẹp hùng vĩ và cảnh hang động kỳ quái, Núi Bà còn quyến rũ mọi người ở những áng mây bay.

Xưa nhiều thi nhân đã từng lên đây tức cảnh làm thơ vịnh núi Bà Đen. Ai nấy đều ngạc nhiên, ngắm vẻ đẹp nên thơ mây trời sương khói, khi hoàng hôn, hay bình minh bừng sáng. Sương Nguyệt Anh, con gái của cụ Đồ Chiểu đến đây đã từng viết: “Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng/ Sương pha bóng nguyệt ánh mầu ngân/ Mây lành, gió tạnh nương hơi chánh/ Vóc ngọc, mình băng bật khói trần…”.

Cảnh sắc Núi Bà quyến rũ nhất, khi mây vờn cuộn sóng, trên đỉnh núi. Có những nhiếp ảnh gia đã không ít lần lên núi ngủ đêm, chờ đến sáng để chụp ảnh mây, với cảm xúc dâng trào. Trầm mình trong mơ, với câu chuyện cổ tích, những cô tiên giáng trần say mê ca múa. Mây mỗi lúc một khác, tầng tầng lớp lớp, trập trùng hút tầm mắt. Ngỡ như thoát trần, cùng gió rú gào trên đỉnh núi, mộng mị trên những áng mây, bồng bềnh trôi. Một không gian lãng mạn đầy bí ẩn: “Bao la mây núi như trời biển/ Cất cánh bay trong cõi mộng thần tiên”.

Vương Tâm
.
.