Ứng xử với di sản Trịnh Công Sơn

Thứ Bảy, 02/04/2016, 14:04
Thoắt cái, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lìa xa thế gian 15 năm. 12h ngày 1-4-2001, cuộc đời 62 năm của ông khép lại "như cánh vạc bay" trong "yêu dấu tan theo". Đành rằng, với Trịnh Công Sơn tất cả chỉ "để gió cuốn đi", nhưng di sản ông để lại vẫn tiếp tục "góp lá mùa xuân" giữa cuộc sống mà công chúng phải biết cách tôn vinh những "vết lăn trầm".


15 năm chỉ một chớp mắt của lịch sử, nhưng là khoảng thời gian không ngắn với một đời người. Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du cũng cho người đẹp "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" sau 15 năm lưu lạc đã tái hợp với Kim Trọng "vườn xuân một cửa để bia muôn đời". Vậy, 15 năm qua, những người thụ hưởng sáng tạo của Trịnh Công Sơn đã làm gì cho ông, ngoài những ngôn từ mạnh mẽ và những hành vi tích cực nhằm… tranh giành bản quyền?

Chân dung Hồng Nhung và chân dung tự họa của Trịnh Công Sơn.

Nhạc Trịnh vẫn được hát khắp nơi. Mỗi tháng, số tiền tác quyền của Trịnh Công Sơn được thu về luôn trên con số 300 triệu đồng. Thế mà, một Quỹ Trịnh Công Sơn để khuyến khích những bạn trẻ theo đuổi âm nhạc cũng chưa có, một Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn cho đàng hoàng cũng chưa có. Người ta hào hứng công bố những lá thư tình sướt mướt của Trịnh Công Sơn thời trai trẻ lãng mạn tán gái, mà không ai để ý rằng hơn 600 ca khúc ông để lại chỉ quẩn quanh hát tới hát lui khoảng 100 ca khúc thôi. Vì sao? Vì các ca sĩ lười nhác không muốn dụng công khai thác những ca khúc ít quen thuộc. Vì những người yêu mến ông không chịu tu bổ hồ sơ để xin cấp phép phổ biến lại những ca khúc Trịnh Công Sơn vì những ngã rẽ quanh co đã bị chìm khuất dưới lớp bụi thời gian.

Và nói rộng hơn, đến bây giờ vẫn chưa có công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về giá trị văn hóa của Trịnh Công Sơn.

Công chúng nghêu ngao "Đóa hoa vô thường" thì Trịnh Công Sơn cũng được nghe "lời thiên thu gọi". Công chúng thì thầm "phúc âm buồn" thì Trịnh Công Sơn cũng mãn nguyện "rơi lệ ru người". Tuy nhiên, đừng ngỡ cứ đến giỗ Trịnh Công Sơn thì tụ tập xướng ca kiểu "hoa vàng mấy độ" thì ông có thể mãi mãi "gọi tên bốn mùa". Trịnh Công Sơn đã được đặt tên đường ở nhiều đô thị lớn, nhưng vẫn còn không ít việc phải làm để chân dung ông "cúi xuống thật gần" giới mộ điệu.

Trịnh Công Sơn từng bộc bạch: "Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Đó là những năm 1956-1957, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại". Vậy mà từ bài hát trình làng "Ướt mi" được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959 đến bài hát cuối cùng viết trên giường bệnh "đêm xanh hay đêm đỏ, đêm hồng đêm mong manh, đêm đen rừng nuôi gió, đêm thơm từng chiếc lá" vào năm 2000, Trịnh Công Sơn đã vụt lên thành một tượng đài âm nhạc Việt Nam. Nguyên cớ nào để có điều kỳ diệu ấy? Câu hỏi này không phải là đề tài gợi ý cho một luận án Tiến sĩ ư?

Hãy nhớ rằng, khi Trịnh Công Sơn tập tễnh sáng tác thì Văn Cao đã sừng sững và Phạm Duy cũng đã định danh. Vậy mà chỉ sau 20 năm, Trịnh Công Sơn đã có thể đứng chung với hai tiền bối trong tư cách ba nhân vật có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng âm nhạc Việt Nam. Văn Cao bay bổng thoát tục, Phạm Duy đa dạng trong những biến tấu dân ca bậc thầy, còn Trịnh Công Sơn gần gũi ân tình.

Chân dung  Hà Kiều Anh, Thùy Hương.

Nhiều người cho rằng Trịnh Công Sơn phổ nhạc cho những bài thơ của mình. Nghe qua chừng có lý, nhưng ngẫm lại thì chưa hẳn đúng. Khi cần làm thơ, Trịnh Công Sơn có những vần điệu riêng, như "Em ơi, nắng bỏ trời không tiện. Vì thế xuân đành khép nép lên". Ca từ của Trịnh Công Sơn giống như thơ, nhưng đứng biệt lập thì không thể tồn tại như một bài thơ. Ngược lại, khúc thức và giai điệu của Trịnh Công Sơn cũng không phải quá độc đáo, nếu xét riêng góc độ âm nhạc. Vậy mà, bài hát của Trịnh Công Sơn lại đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, thanh thoát và quyến rũ. Phải chăng, tiếng lòng Trịnh Công Sơn đã đồng cảm với số đông thân phận người Việt khao khát yêu thương, mong muốn hòa bình và mơ ước ấm êm "chờ nhìn quê hương sáng chói"?

Không khó để nhận ra, Trịnh Công Sơn mang đầy hoang mang thế sự và bơ vơ mệnh kiếp. Khi Trịnh Công Sơn tạm cất hết những run rẩy đa đoan, thì những bài hát thiếu nhi của ông cực kỳ hồn nhiên sinh động và những bài hát cộng đồng của ông luôn dạt dào tin yêu cổ vũ. Đó là đặc trưng "mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" của một nghệ sĩ lớn, một trái tim lớn, một tầm vóc lớn!

Không ai có quyền bắt mọi người phải tôn thờ Trịnh Công Sơn. Thế hệ sau có quyền đánh giá Trịnh Công Sơn bằng những thái độ khác nhau. Thế nhưng, chúng ta chỉ cần biết rằng, với mỗi bài hát dẫu để "ru em từng ngón xuân nồng" hay để "ru ta ngậm ngùi" thì Trịnh Công Sơn cũng chỉ nhằm mục đích "vì tôi cần thấy em yêu đời".

Như chính Trịnh Công Sơn thổ lộ: "Thông điệp của mỗi người đều có một cách riêng và một lý do riêng khi đến với nghệ thuật. Cánh cửa mở ra, chúng ta bước vào. Có những cánh cửa rộng hẹp không đều nhau. Có những cách nhìn và những lòng đam mê không giống nhau. Và làm sao có thể giống nhau được khi bản chất của nghệ thuật là một đòi hỏi miên man cái muôn hình vạn trạng. Từ đó hình thành tính cách của mỗi con người muốn lân la kết tình bằng hữu với nghệ thuật".

15 năm Trịnh Công Sơn đã đi xa, có cả "môi hồng đào", có cả "nắng thủy tinh" và có cả "tuổi đá buồn". Để "níu tay nghìn trùng" với Trịnh Công Sơn sau 15 năm "nghe những tàn phai", công chúng muốn gì nhất? Nếu trong tình khúc, Trịnh Công Sơn chia sẻ "một phần năm được viết cho những đối tượng cụ thể", thì ngoài đời ông cũng vẽ chân dung cho rất nhiều người đẹp như Giáng My, Thủy Hương, Hà Kiều Anh, Hồng Nhung, Hiền Thục, Lương Hoàng Anh…

Tất nhiên, vẽ xong thì Trịnh Công Sơn bao giờ cũng galăng tặng luôn cho kiều nữ yểu điệu ngồi làm mẫu. Giá như các người đẹp tự nguyện đem những bức tranh ấy cùng hội tụ lại trong một không gian sum vầy, thì những người yêu mến Trịnh Công Sơn sẽ có được một cuộc triển lãm "người về bỗng nhớ" đầy thi vị!

Chỉ là mơ ước thôi, bởi hầu như ai cũng chỉ muốn giữ kỷ niệm về người nhạc sĩ tài hoa lại cho riêng mình, không mấy người muốn tôn vinh ông bằng sự chia sẻ. Một nét văn hóa, một góc di sản, vì thế đang mai một…

Lê Thiếu Nhơn
.
.