Nhà văn Nguyễn Bản

Ở ẩn trong lòng thành phố

Thứ Ba, 12/05/2015, 08:43
Ông kể, lâu lắm rồi, từ thuở 11,12 tuổi, ông có đọc một truyện ngắn mang tên "Đời cạo giấy". Ông không còn nhớ tên tác giả. Nhưng câu chuyện về cuộc đời của những người viết cô đơn, chua xót ám ảnh ông đến tận bây giờ, khi ông đã bước qua phía bên kia dốc cuộc đời. Hình như, nó cũng vận vào đời ông vậy...

Có lẽ phải hai năm rồi tôi mới đến thăm nhà văn Nguyễn Bản. Ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ làng Ngọc Hà, mà ông từng đùa rằng, được mua bằng đồng tiền sạch, nhuận bút dịch sách và viết truyện của ông. Ở tuổi 85, ông vẫn minh mẫn, rành rọt trong từng câu chuyện. Mùi hoa loa kèn quyện với mùi thơm của trà nóng trong buổi chiều Hà Nội mưa lạnh tôi ngồi nghe ông trò chuyện.

Căn nhà bé tẹo, chỉ kê một chiếc giường cũ, một bàn uống trà, một góc nhỏ bếp núc và cơ man là sách. Gọn gàng, tinh tươm đến không ngờ. Trên bàn làm việc của ông vẫn là những trang sách dịch dở, cuốn tiểu thuyết của Anchee Min, tác giả mà ông đã dịch nhiều cuốn sách bán chạy ở Việt Nam: "Đỗ Quyên đỏ", "Nữ hoàng phong lan", "Nữ hoàng cuối cùng"... Tôi thấy ông đang lẩn mẩn đọc lại cuốn Từ vựng học Pháp ngữ hiện đại. Ông bảo, càng đọc càng thấy thú vị.

Ông sống một mình, dễ chừng phải hơn 20 năm rồi, khước từ mọi ham hố danh vọng, tiền bạc, lặng lẽ viết truyện và dịch sách. Gia tài của ông là hàng chục tập truyện ngắn: "Bức tranh màu huyết thạch" (1992), "Mùi tóc Thảo" (1993), "Truyện ngắn Nguyễn Bản" (1994), "Nợ trần gian" (2004), "Những cánh hoa quỳ dại" (2006), "Mặt trời đồng xu" (2007), "Thời chuồn chuồn cắn rốn" (2011)... Và nhiều tác phẩm dịch thuật được độc giả nồng nhiệt đón nhận: "Ba người lính ngự lâm", Bộ truyện của nhà văn Mỹ gốc Hoa Anchee Min... Truyện ngắn "Ánh trăng" của ông in trên tuần báo Văn nghệ năm 1992 rồi được giải trong cuộc thi truyện ngắn của báo, một lần nữa khẳng định vị trí ngòi bút của ông. Những trang văn đẹp, cái đẹp hao khuyết của đời sống.

Tôi đọc những trang viết của nhà văn Nguyễn Bản từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đầu tiên là truyện ngắn "Ánh trăng", được in dày dặn trong tập truyện ngắn được giải của báo Văn nghệ. Câu chuyện đẹp ám ảnh. Tôi nhớ mãi ánh trăng trải dài trong truyện ngắn của ông, như vẻ đẹp vô tận của đời sống này, như niềm tin yêu chưa bao giờ cạn trong trái tim ông. Rồi sau này đi làm, công việc xuất bản cho tôi may mắn được gặp, làm việc về những cuốn sách dịch của ông và trò chuyện với ông. Tôi không thể lý giải được vì sao, một trí thức trong đầu chứa cả bồ sách Đông Tây kim cổ, thông tuệ đến nhường ấy, lại chọn cuộc sống lặng lẽ một mình và giản tiện đến nhường kia.

Ông từng là học sinh giỏi toán, nhưng mối duyên với văn chương đã kéo ông đi. Cuộc đời ông là những thăng trầm, lận đận. Ông theo nghiệp dạy học, rồi do một "trục trặc", ông bị điều xuống hợp tác xã nông nghiệp Phật Tích đi thực tế. Những năm tháng quăng quật đó đã là thực tế sống động cho những trang viết sau này của ông, là chất liệu sống bồi đắp cho những trang viết dày dặn của đời ông nên ông coi đó như là một trải nghiệm sống quý giá.

Cả đời viết, ông luôn tâm niệm một câu nói của văn hào Nga Maxim Gorky: "Tôi chỉ viết những gì mà nếu không viết ra tôi không chịu nổi". Ông đến với văn chương với một tâm thế như vậy. Trang viết của nhà văn đều đi ra từ đời sống thực nhiều thăng trầm, những con người ông đã gặp, đã sống cùng họ. "Tôi thích viết từ nguyên mẫu. Đôi khi có những khía cạnh của đời sống rất thú vị mà mọi người không chú ý". Và ta sẽ gặp đâu đó, trong truyện ngắn của ông là những người thân của ông, những bà, những mẹ, những chị, những người tình. Có thể, họ là những người bạn. Hay một người nào đó, đi qua cuộc đời ông, để lại những vết xước.

Trong tâm hồn mỗi người đều có ký ức về những vùng quê, ký ức giúp ta níu giữ, giúp ta lớn lên. Với nhà văn Nguyễn Bản, ký ức về quê hương là những trang viết ám ảnh, đau đớn về những phận đời, phận người. Ông kể cho tôi nghe về ngôi làng Đình Bảng của mình, nơi có hình ảnh bà và mẹ, hai người phụ nữ khiến ông nhớ thương, day dứt. Ông mồ côi mẹ từ lúc còn nhỏ. Mẹ ông đảm đang, tháo vát. Bà từng đi buôn tơ lụa, biết chút ít tiếng Pháp. Bà mất sau một cơn bạo bệnh. Khi đó nhà văn Nguyễn Bản mới chỉ khoảng 6-7 tuổi. Những lần chạy giặc, ông luôn mang theo cái triện và bức ảnh của mẹ. Thế rồi, có lần, ông phải gửi lại kỷ vật cho bà cụ hàng xóm. Bà sợ đám lính Tây, đem đốt hết. Bức ảnh cuối cùng của mẹ không còn. Ông buông tiếng thở dài. Mẹ chỉ còn lại trong ký ức của ông mà thôi.

Ông kể về bà ngoại, với vẻn vẹn 6 hào ruộng thuê cày cấy, mấy năm tằn tiện chi tiêu, bà ngược chợ Chu lên thăm thằng cháu đi bộ đội đóng quân ở đó. Trở về bà bị quy địa chủ. Phẫn uất, bà nhảy xuống ao tự vẫn, nhưng có người cứu kịp thời. Câu chuyện thương xót đó trở thành hồn cốt cho truyện ngắn "Hành hương giữa hai bờ lau cháy", in trên tạp chí Văn nghệ quân đội.

Điều đó lý giải vì sao những người phụ nữ xuất hiện nhiều trong các trang viết của nhà văn Nguyễn Bản. Ông yêu thương họ, luôn muốn bảo vệ họ. Cuộc sống có những bi kịch, những sai lầm. Ngòi bút của ông không ngần ngại chỉ ra những sai lầm đó, để mong con người sống với nhau được tử tế hơn.

Cuộc đời có những đổ vỡ, bi kịch nhưng văn chương của ông luôn tin yêu con người. Tôi chưa bao giờ thấy ông oán thán, trách móc. Ông sống trọn vẹn với văn chương như một người tình thủy chung. Không chức tước, danh vọng. Cuộc sống có đẩy ông xuống tận cùng thì những trang viết của ông vẫn lấp lánh vẻ đẹp, niềm tin yêu con người, yêu cuộc sống. Và tôi thấy ở ông, cả một thế hệ nhà văn dấn thân đấu tranh cho cái đẹp, dù chịu nhiều thiệt thòi vẫn luôn yêu thương cuộc đời.

Văn chương mang đến cho ông nhiều hệ lụy nhưng cũng nhiều hạnh phúc. "Câu chuyện người đàn bà phương xa" ông viết từ nguyên mẫu câu chuyện của ông. Khi tập truyện ngắn "Bức tranh màu huyết thạch" của ông phát hành, có một độc giả tận Sài Gòn mê văn ông đã tìm về tận Bắc Ninh gặp ông. Hôm đó, ông đang nấu cơm ở trong bếp, thấy có người gõ cửa, bảo từ Sài Gòn ra. Ông hỏi: Có phải H. không? Đó là cô gái trẻ, xinh đẹp mê văn của ông. Truyện ngắn mới nào của ông, cô cũng tìm đọc. Cô còn tập hợp thành một tập và đóng bìa cứng. Những cuộc hội ngộ tri âm giữa người viết và người đọc, giản dị vậy thôi nhưng ông thấy ấm áp vô cùng.

Những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyễn Bản.

Nhà văn Nguyễn Bản có những trắc trở riêng trong cuộc hôn nhân đầu tiên. Ông nhường lại toàn bộ gia tài cho vợ con để ra đi, với mong muốn được tự do. Thời đoạn đó, ông gặp một người phụ nữ bị chồng đánh đập tàn nhẫn đuổi ra khỏi nhà. Thương cảm người phụ nữ đó, ông đã đưa cô về ở cùng (khi đó ông còn đang ở nhờ nhà của một người bạn).

Nhà văn Nguyễn Bản vượt qua mọi định kiến, mọi dị nghị để yêu thương, cứu rỗi một con người. Ông kể cho tôi nghe những năm tháng đó, giản dị, đời thường. Cô cũng chính là người đọc mo rát cho những cuốn sách dịch của ông trong thời điểm đó. Sau này, ông khuyên cô trở về với chồng. Nhưng cô gái nặng lòng yêu thương và mang ơn người đàn ông đã cứu rỗi đời mình, cô tự nguyện về Hà Nội tìm việc để mong gặp lại ông.

Tình yêu là những vết xước ngọt ngào trong trái tim nhà văn Nguyễn Bản. Trái tim ông luôn có hình bóng những người đàn bà. Họ, có khi chỉ là ảo ảnh, có khi là những gương mặt hiện hữu. Nhưng họ, trong tâm hồn ông, bao giờ cũng yêu thương tràn đầy, như ánh trăng đang trải dài trong tác phẩm của ông. Ông kể cho tôi nghe mối tình với một nữ nhà văn mà ông muốn giấu tên. Ông đã có những tháng ngày hạnh phúc khi tìm được sự đồng cảm về tâm hồn và trí tuệ với bà. Nhưng rất tiếc, trong cuộc ngược xuôi của số phận, họ đã không thể đến được bên nhau.

Chén trà nguội dần trong buổi chiều mưa rả rích ấy. Ông dường như chưa muốn dừng lại. Lâu lắm rồi, ông mới ngồi tĩnh lặng để nói về những câu chuyện xưa cũ của mình. Ông bảo, ông đã thuộc về quá khứ. Nhưng văn chương của ông, những trang viết về thân phận con người thì vẫn còn lại với thời gian. Ông lựa chọn cuộc sống một mình, xa rời đám đông, để được trọn vẹn với những trang viết, với văn chương. Ông như một tu sĩ giữa chốn Hà thành đông đúc, chật hẹp. Nhiều người muốn xa lánh đời sống, phải tìm về nơi vắng vẻ, còn Nguyễn Bản, ông ở ẩn ngay trong lòng cuộc sống này, để cuộc sống vẫn không ngừng va đập vào trang viết của ông. Tôi hỏi ông sống một mình có buồn không? Ông nói, có sách, ông không biết đến nỗi buồn. Nhưng tôi nghĩ, ông đã quen với nỗi buồn. Phải chăng, khi tận cùng của nỗi buồn, sự cô đơn, nhà văn mới viết nên những câu chuyện day dứt, ám ảnh đến thế.

Ông đọc cho tôi nghe câu thơ mà ông rất thích của nhà thơ Thế Lữ, đó cũng là tâm thế của ông khi đến với đời sống này: "Tôi là khách bộ hành phiêu lãng/ Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi/Tìm cảm giác hay trong tiếng khóc câu cười…".

Khánh Linh
.
.