Non xanh nước biếc Vạn chài

Thứ Ba, 20/08/2019, 08:30
Long Hải là một trong hai thị trấn lâu đời của huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đường phố thị trấn Long Điền nối thông với thành phố Bà Rịa, còn thị trấn Long Hải chỉ cách Vũng Tàu chừng dăm cây số. Đứng bên bãi tắm Thùy Vân có thể nhìn thấy mũi vịnh Long Hải...

Nghe nói bên Long Hải có một "Biệt thự Ma", tôi tò mò đi tắt theo con đường ven biển sang tận nơi xem sao. Một buổi chiều gờn gợn chân tóc khi tôi vừa bước chân lên đồi cao.

Ngôi nhà cổ và cô gái xấu số

Trước mắt tôi là một biệt thự bỏ hoang đúng nghĩa, cho dù hiện nay nó vẫn đứng trên đồi cao. Gió rú gào luồn qua những căn phòng rỗng chơ vơ. Vừa hay có một ngư dân cũng nhanh chân đi lên trú mưa tại biệt thự. Những đám mây đen kéo tới "Biệt thự Ma" như bị màn đêm buông sập xuống. Tia chớp của cơn dông bất chợt lóe lên. Tiếng sấm rền vang từ phía biển dội về. Trời nhá nhem tối. Thấy tôi hỏi về ngôi nhà này, người ngư dân ngồi co vào chân cầu thang còn loang lổ vết sơn đỏ như máu, rồi kể cho tôi nghe câu chuyện đã xảy ra hơn 100 năm qua.

Đây là biệt thự nghỉ dưỡng của một gia đình giàu có người Hoa trên Sài Gòn. Ông ta là Hứa Bổn Hỏa (1845-1901), một trong bốn người lắm tiền nhiều của nhất ở Sài thành từ thời thực dân Pháp sang xâm lược nước ta. Ông có bốn người con, ba trai một gái. Cô con gái tên là Hứa Tiểu Lan. Cô tiểu thư nhà họ Hứa xinh như mộng nhưng lại bị bệnh phong ở tuổi dậy thì. Hứa Bổn Hỏa đưa con chạy chữa khắp nơi nhưng các thầy thuốc đều bó tay. Ngày ấy bệnh phong (hủi) là nan y không thuốc nào chữa trị được.

Bãi tắm Dinh Cô.

Người cha đành đưa con gái về nhà tự chăm sóc và làm lễ cầu giời cứu giúp mà thôi. Gia đình Hứa Bổn Hỏa ở một biệt thự lớn, số 97 Phó Đức Chính (Q1, TP Hồ Chí Minh). Ông đưa con gái lên ở riêng một căn phòng trên tầng ba và cho người hầu kẻ hạ suốt ngày đêm.

Bệnh tình của cô con gái mỗi ngày một trầm trọng và khó qua khỏi. Mỗi khi côn trùng gặm nhấm từng ngón chân, cô gái lại gào thét trong cơn tuyệt vọng. Ông chủ sợ tai tiếng ảnh hưởng tới chuyện làm ăn nên đã đưa con gái ra Long Hải để tiếp tục chữa bệnh và chăm sóc. Ngôi biệt thự ba tầng này chính là nơi cô sống trong năm tháng còn lại.

Ngôi nhà rộng trên biển vắng lại càng trở nên ghê rợn mỗi khi có tiếng cô gái gào khóc vì đau đớn. Người ngư dân kể lại rằng, xưa các gia đình trong bản người Mạ quanh vùng đều đóng cửa chặt, không dám nghe tiếng khóc của cô gái trong những đêm trăng. Họ thương cô lắm nhưng không biết làm cách nào. Mà kỳ lạ cứ mỗi lần như thế, biển lại yên lặng. Trăng càng sáng cô gái lại càng khóc than ai oán. Ai cũng xót xa cho phận đau đớn của người con gái.

Tháng ngày trôi qua. Những đêm trăng biển cũng trôi qua. Tiếng khóc của cô gái mỗi ngày một lịm dần vì đói khát. Nỗi giày vò thể xác cũng câm lặng. Cô gái qua đời tại ngôi nhà lộng gió trong cô đơn. Ông chủ cho chôn con gái ngay tại nơi đây. Từ đó ngôi nhà trở nên hoang vắng. Mọi người đều gọi là "Biệt thự Ma".

Nghe chuyện tôi bỗng nhớ đến những câu thơ róng riết cay đắng của thi sĩ Hàn Mặc Tử trong cơn đau của mình. Ông cũng bị căn bệnh quái ác này hành hạ. Đó là nỗi đau: "Ta vẫn còn đây hay ở đâu?/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu/ Sao bông phượng nở trong màu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu" (Những giọt lệ). Và lại nữa, có lúc ông than: "Ta sầu lắm, một thứ sầu vô cớ/ Cất cao lời gọi giật tiếng ma kêu/ Đường xáng mạnh vào trong sườn núi lở/ Làm giật mình mây nước cũng phiêu diêu" (Say máu ngà)

Cờ bay trên đỉnh Thùy Vân

Từ bờ biển Long Hải, ta có thể nhìn thấy cột cờ Tổ quốc mới được dựng trên dãy núi Thùy Vân. Cùng với hàng trăm hang đá và rừng rậm, Thùy Vân đã trở thành căn cứ địa cách mạng, giữa lòng địch từ năm 1945. Các chiến sĩ của hai huyện Long Điền và Đất Đỏ đã lên phát hoang và chiếm lĩnh những nơi trọng yếu nhất. Tất cả trở thành những điểm chốt và công sự chiến đấu. Dãy núi đá kéo dài tới 10 cây số và có nơi chiều ngang rộng tới hàng ngàn mét.

Đường lên Thùy Vân khúc khuỷu hiểm trở bởi lắm vách đá tai mèo nhọn hoắt. Hàng chục đỉnh núi thấp điệp trùng như những đám mây khổng lồ úp xuống nối đuôi nhau kéo dài ra biển. Đội ngũ chiến sĩ địa phương mỗi ngày một đông. Họ chia nhau rải rác trên núi tạo một chiến lũy canh gác ngày đêm.

Từ đây, những cuộc tập kích của các chiến sĩ trên núi xuống tiêu diệt những đồn bốt làm khiếp vía quân thù. Tuy nhiên, cậy sức mạnh vũ khí tối tân, từ giặc Pháp đến Mỹ sau này đều ra sức đàn áp hòng tiêu diệt căn cứ cách mạng trên quê hương Long Điền.

Có lần trong chuyến đi công tác bí mật xuống núi, vào cuối năm 1948, hai đồng chí lãnh đạo chiến khu đã bị giặc Pháp phục kích. Các anh đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh tại chùa Giếng Gạch. Đó là đồng chí Bí thư Huyện ủy Bùi Công Minh và Phó Bí thư Mạc Thanh Đạm.

Biệt thự Ma ở Bà Rịa Vũng Tàu.

Sự hy sinh của hai người đã làm dậy sóng căm thù, nâng cao tinh thần chiến đấu chống giặc xâm lược trong hàng ngũ chiến sĩ cách mạng. Chiến khu cách mạng được đặt tên là Minh Đạm để tưởng nhớ đến sự hy sinh anh dũng của họ. Từ đó các chiến sĩ tổ chức nhiều cuộc "hạ sơn" tiến công bất ngờ tiêu diệt hàng trăm tên giặc. Quân đội Mỹ cùng các đồng minh liên kết xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc vây quanh chân núi. Chúng còn dựng hàng rào cài mìn khắp nơi. Không ai có thể hình dung, hàng trăm chiến sĩ huyện Long Điền và Đất Đỏ trụ vững trên núi, dưới sự bủa vây ngày đêm của giặc Mỹ như vậy.

Nhất là vào năm 1968, chúng còn dùng cả pháo đài bay B52 ném hàng ngàn tấn bom hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Hơn thế nữa, chúng còn cho rải chất độc hóa học làm cháy rừng cây, đầu độc những nguồn nước trên núi. Giặc Mỹ âm mưu cắt đứt nguồn sống của lực lượng cách mạng.

Có lần binh đoàn thiết giáp cùng bộ binh của giặc tấn công lên núi nhưng đều bị các chiến sĩ Minh Đạm đánh bật. Chiến công liên tiếp chiến công, quân và dân hai huyện Long Điền và Đất Đỏ kiên cường trụ vững. Họ bảo vệ sự an toàn cho chiến khu cách mạng đầu tiên của Bà Rịa.

Đặc biệt, lực lượng cách mạng đánh tan hệ thống "Ụ ngầm" với hàng rào bom kéo dài 11 cây số của liên quân Hoàng gia Úc. Chiến công tiêu diệt những đồn bốt vây quanh chân núi đã làm nức lòng quân dân và đồng bào cả nước. Giặc Mỹ bất lực trước sự lớn mạnh của quân và dân địa phương. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ngày càng mạnh mẽ trên khắp các mặt trận miền Nam.

Từ năm 1972 đến năm 1975, quân và dân trên chiến khu Minh Đạm đã đánh tràn xuống đồng bằng và các làng biển, chiếm lại các vùng tự do. Cuối cùng, quân và dân địa phương đã tham gia cuộc tổng tiến công nổi dậy, giải phóng huyện Long Điền và Đất Đỏ vào ngày 28-4-1975. Hiện nay trên tấm bia tại đền liệt sĩ chiến khu Minh Đạm còn khắc ghi những câu thơ: "Cờ đỏ sao vang rợp trời gió lộng/ Tiếng reo hò vang dậy khắp non sông/ Trang sử vàng Tổ quốc ghi công/ Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ…".

Nỗi niềm biển sóng

Biển Long Hải vẫn còn hoang sơ như bị bỏ quên hàng chục năm qua. Người ta chỉ nhớ đến bãi Trước, bãi Sau hoặc bãi Dâu bên Vũng Tàu, nhưng thực ra dân địa phương quanh vùng lại hay ra Long Hải tắm biển. Đặc biệt, từ ngày 10 đến 12 ta tháng Hai hằng năm, dân khắp nơi đổ về Long Hải tham gia Hội lễ Dinh Cô (di tích lịch sử văn hóa quốc gia).

Câu chuyện cô gái nhà họ Hứa trong ngôi nhà ma chỉ đem lại sự tò mò và lo lắng cho người dân bản địa. Ngược lại, Dinh Cô lại là nơi cầu nguyện đất trời, sóng yên biển lặng cho hàng chục vạn dân chài khắp vùng biển, từ miền Trung trở vào.

Dinh Cô là ngôi đền thờ "Long Hải thần nữ" (có tên Lê Thị Hồng). Cô như một thiên sứ bị đọa đày trôi dạt về đây ban phúc và sự ấm no cho bà con làng chài cũng như diêm dân vùng biển Long Hải. Dinh Cô tựa lưng vào núi và hướng ra biển. Ngôi đền này được xây tại đúng mũi núi Thủy Vân sát biển sóng nước trong xanh. Phía dưới là bãi biển chạy dài ven rừng phi lao hút về phía xa. Nơi đây sóng êm đềm và cát trắng gợi nhớ những ký ức tâm linh bao đời nay. Một người con gái ở tuổi trăng tròn đã nguyện chết để ở lại xứ sở thần tiên này.

Vương Tâm
.
.