Nơi ấy ngã ba cổ tích

Thứ Ba, 31/07/2018, 08:29
Ngã ba ấy thuộc về Hà Nội (cách trung tâm tới 80km). Ở giữa ngã ba ấy là ngọn núi Chẹ chạy thẳng ra sông Đà. Kể đến đây chắc có ai đó đoán trúng phóc là vùng mường Khánh Thượng, phía Tây chân núi Ba Vì. Thưa vâng, Núi Tản - Sông Đà là đây! Nơi xảy ra cuộc chiến giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh. Sơn Tinh đã ném hòn núi Chẹ xuống để ngăn chặn dòng thủy quái dâng trào sóng dữ.


Đàn chim sáo bay đi

Tôi gặp ông già què chân ở ngay chợ Chẹ, nơi mươi người bán chim túm tụm lại xem hàng. Tôi len vào, thấy ông già trừng mắt nhìn mấy đứa trẻ rồi nói to "Im lặng nghe chim ngâm thơ!". Cả nhóm trẻ ngậm miệng. Căng thẳng chờ đợi xem con chim sáo đá ngâm thơ ra sao. Tịt ngóm. Sáo ta lơ láo nhìn ông chủ rồi rũ đầu cúi xuống. Mấy đứa trẻ cười rộ lên chê ông già nói phét.

Ông già tập tễnh định vác lồng chim đi thì bỗng con Sáo đá cất tiếng. Mọi người nín thở. Tôi cũng hồi hộp lắng nghe. Ông già co cái chân què lên đứng im phắc trên cái chân phải, chỉ sợ động đậy là chim lại ngậm mỏ. Tiếng ngâm đầu tiên cất lên, rõ đúng tiếng người: "Chờ mãi mẹ không về. Con giật mình bom nổ. Bỗng đâu một cơn gió. Ném con xuống dòng sông". Thế rồi sao nữa?

Bọn trẻ trố mắt nhìn vào đôi mắt con sáo như muốn giục nó đọc tiếp. Lúc này, ông già mới hạ được chân trái xuống rồi lầu bầu nói "Hết rồi!". Bọn trẻ quây lại. Tôi cũng sán đến gần, muốn nghe nốt những câu thơ mà con Sáo đá không chịu đọc.

Cồng chiêng Khánh Chúc Bãi.

Lúc này ông già què mới kể chuyện, con sáo đá này ông nhặt được trong một tổ chim trôi lềnh bềnh dưới dòng sông Đà. Đó là một tai nạn, khi những người thợ nổ mìn phá đá trên núi Chẹ. Ông đã đem chú chim non này về nuôi và dạy nó học tiếng người. Bài thơ do cháu gái nội ông làm ra vì thương nó bị mất mẹ. Nó dậy con Sáo này từ nhỏ. Nó nói tiếng người và đọc thơ hay đáo để. Nhưng thoáng chốc, đôi mắt của ông bỗng ủ dột, bọn trẻ cũng im lặng ngồi với nỗi buồn không đâu. Một lúc sau ông mới kể về cái chân què của mình, cũng là do có bận lên núi phá đá để kiếm tiền sinh nhai.

Khi còn trẻ. Ham kiếm tiền tiêu xài, ông không chịu làm nương làm rẫy, trồng rừng mà lại theo đám trai làng ở chốn ngã ba này, leo núi phá đá cho công trường. Hàng ngày cõng thuốc nổ, gói thành mìn cho phát ngòi cháy, rồi chạy thục mạng nấp vào hốc đá nào đó.

Khi tiếng mìn nổ đinh tai nhức óc, những khối đá rơi xuống. Thế là xong việc. Được trả tiền công ngay tại chỗ. Cả bọn lại kéo nhau xuống chợ Kỳ Sơn đánh bữa no say rồi đánh bạc. Ngày mỗi ngày mìn nổ. Đá lại rơi từ trên cao xuống. Những đoàn xe rầm rập vào chở đá đi. Núi Chẹ từ đó hao hụt và mất đi vẻ đẹp huyền diệu của nó.

Xưa núi Chẹ được ví như núi của những đàn chim Sáo đá. Đất tổ của chúng sinh sôi thành đàn. Cứ mỗi chiều về chúng hót inh ỏi, rộn rã gọi nhau về tổ. Cánh thanh niên hay đi bẫy chim về nuôi, dạy chúng hót và cách giữ nhà. Xóm nào xóm ấy thi nhau vào hội chim hót và nói tiếng người vui hết nỗi. Lão cũng bị một khối thuốc nổ gần hất bay xuống sông Đà.

Chân trái của lão bị gãy. May bó lại được. Nhưng thành tật từ đó. Vậy mà lão vẫn ham kiếm tiền. Khỏi chân lão lại tập tễnh leo núi. Nhưng rồi khi có hai người trong làng gài mìn phá hỏng mũi hàm rồng của núi Chẹ, bỗng gặp nạn rơi từ trên núi xuống chết tan xác, lão thấy ghê sợ không dám đi làm đá nữa.

Lúc ấy đã muộn. Cho dù hiện nay thành phố Hà Nội đã cấm khai thác đá, nhưng núi Chẹ đã bị xả thịt hết hai phần ba, trơ trọi, cây cối xơ xác. Kể đến đây ông rơm rớm nước mắt đưa con chim Sáo đá lên trước mặt nói, đây là niềm an ủi và ân hận cuối đời. Bọn trẻ rụt rè, hỏi thế câu thơ cuối cùng của con Sáo đá là gì? Ông nhìn bọn trẻ, rồi đá mắt sang tôi với ánh sáng đục như nước cháo, hẹn hôm nào con Sáo hết buồn, nó sẽ đọc tiếp cho nghe. Giờ lão về! Con Sáo đá ngoái lại nhìn bọn trẻ như một lời hẹn. Tôi không thể ngạc nhiên hơn được nữa.

Ông già đi rất nhanh. Chân thấp chân cao. Thoáng chốc đã lần vào xóm chợ mất hút. Tôi có cảm giác câu chuyện cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh ngày xưa đã rớm máu. Ngọn núi Chẹ vỡ toang bởi lòng tham của con người. Cảm giác đau rát trong ngực tôi vì những tiếng nổ ngày nào vẫn chát chúa vang lên tại ngã ba sông. Nơi tôi đang đứng. Mặt đất rung lên bần bật.

Dàn cồng chiêng Khánh Chúc Bãi

Không hiểu sao, tôi lại rảo chân theo cái bóng của ông già què đi vượt qua nẻo chợ, và bị lạc vào một bản Mường cô đơn bên sông Đà. Ở đây tôi gặp được ông trưởng thôn Nguyễn Xuân Sứng, mới hay đây là bản Khánh Chúc Bãi, thuộc xã Khánh Thượng. Bản có tới 90% người Mường sinh sống từ thời cổ xưa. Bản lọt thỏm ba bề giáp với sông Đà. Suốt ngày đêm hứng chịu tiếng mìn chát chúa, vậy mà bà con dân bản thành quen, chỉ say sưa với tiếng cồng chiêng.

Đây là bản duy nhất trong huyện Ba Vì có tới hai đội cồng chiêng. Nghệ sĩ của hai đội đều là nữ. Một đội già (Cao tuổi). Một đội trẻ. Họ muốn lấy âm nhạc cồng chiêng đối chống trả với tiếng mìn khốc liệt. Tôi hào hứng muốn được theo họ trong một buổi tập bên sông Đà.

Sóng nước vào mùa nước cuồn cuộn những con xoáy. Nơi đây là cái rốn nước của sông Đà. Người đi bè, mỗi khi qua đây còn phải cho người lên hang Rồng núi Chẹ thắp hương, cầu yên lành để vượt sóng. Bà con dân Khánh Chúc Bãi đã bao năm kiên cường sống chung với những cơn lũ vào mùa. Dữ dội. Chóng mặt vì những cơn xoáy nước. 

Khi gặp được bà Đinh Thị Hoa, đội trưởng nhạc cồng chiêng, tôi có cảm giác chẳng còn gì phải phân vân. Họ lạc quan đến mức khó tin. Bà đọc cho tôi nghe mấy câu ca dao của làng: "Về Khánh Chúc Bãi cùng tôi. Vòng qua chợ Chẹ nghe hồi chiêng rung. Rằng đi cho đến tận cùng. Nghe chàng Hai Mối hát cùng Nàng Nga…".

Góc chợ Chẹ.

Hóa ra đó là phần mở đầu cho câu chuyện tình cổ của người Mường. Giống như chuyện Út Lót-Hồ Liêu trong dòng văn học Mường, người Khánh Chúc Bãi vừa đánh chiêng, vừa kể chuyện bằng những giai điệu nhạc. Bà Hoa hát mấy câu trong bản trường ca tình yêu cho tôi nghe. Thương làm sao: "Hỡi hồn anh ở dưới đất thì lên. Hỡi hồn anh ở trên trời thì xuống.

Hỡi hồn anh ở sông Chu, bến Động thì vào. Sống ta không nên cửa nên nhà. Đợi em chết xuống làm nhà bên ma…". Cuối cùng bà kể Nàng Nga đã đâm đầu xuống sông Chu, bến Động để về cùng chàng Hai Mối. Bản cồng chiêng lúc này bỗng rạo rực bên sông Đà. Cùng với đó là những câu hát tiễn đưa mối tình son sắt của đôi tình nhân. Họ đã về với nhau sau những ngày tháng khao khát tình yêu. Đó là cái chết bất tử của Nàng Nga và Hai Mối. Giọng bà Hoa ấm áp, kể lại câu chuyện một cách dịu dàng, trôi trong tiếng chiêng âm u bên rừng núi Ba Vì.

Thoát nghèo

Trước đây vài năm, Khánh Chúc Bãi luôn bị xếp vào loại nghèo nhất Hà Nội, với diện tích đất canh tác ít ỏi. Thanh niên trong thôn không làm cho mỏ đá núi Chẹ thì cũng đi làm thuê các nơi kiếm ăn. Nhưng cái đói không rời xa. Quanh năm sống với sóng nước sông Đà và chìm lấp trong tiếng mìn nổ cát bụi mù mịt. Canh tác manh mún và không có nghề phụ. Nhưng chỉ mấy năm sau khi nhập tỉnh về Hà Nội, đời sống dân Khánh Chúc Bãi đã thay đổi nhanh chóng.

Trưởng thôn Nguyễn Xuân Sứng cho biết, hiện chỉ còn vài ba hộ diện nghèo. Hợp tác xã đã dồn điền đổi thửa tạo nên những mẫu ruộng lớn, áp dụng cày bừa với 5 chiếc máy lớn. Bà Hoa còn nói thêm, giờ bà con không lo đói nữa mà chỉ chăm chút vào luyện cồng chiêng, sao cho nhịp nhàng du dương.

Người Mường có tới 20 lễ hội trong năm. Từ lễ Tết, Sắc Bùa, Xuống đồng, Khai hạ, Mừng nhà mới…tất cả đều dùng đến bộ cồng chiêng. Người dân nơi đây coi tiếng cồng chiêng là tiếng của trời đất đem lại sự no đủ, hạnh phúc. Tôi bỗng nhớ đến bài hát "Ba Vì mờ cao" của thi sĩ Quang Dũng.

Tôi đồ rằng trên đường lên miền Tây năm xưa, thi sĩ Quang Dũng đã nhìn về chính nơi đây, để viết lên lời ca: "Ba Vì mờ cao. Làn sương chiều xa buông. Lối về hương núi thơm dần hồn về đâu. Đường thông lên màu tím. Đồi lau ướt trong hơi mù sương. Nước róc rách đâu đây. Bước chân đi bâng khuâng lối về miền mây…".  Đó chính là vẻ đẹp của ngã ba này.

Vương Tâm
.
.