Mộng mơ Phan Thiết

Thứ Hai, 14/05/2018, 13:32
Có một thời nói đến Phan Thiết, tôi nhớ ngay đến câu thơ của Hàn Mặc Tử viết cho nữ sĩ Mộng Cầm, thật não lòng: “Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/ Ôi Trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết/ Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi...”. 


Phan Thiết chắc buồn, phảng phất như bức tranh lụa vẽ cảnh hoàng hôn. Nhưng không ngờ, khi chớm đến cầu dẫn vào thành phố, tôi ngỡ ngàng vì những đoàn thuyền ra vào như mắc cửi trên sông Cà Ty...

Cánh sóng giữa lòng thành phố

Người ta ví Phan Thiết như một cô gái đẹp và trẻ mãi không già cũng bởi con sông luôn sôi động, với dòng nước cuồn cuộn ra Biển Đông. Dòng sông như mái tóc của cô gái bồng bềnh theo con triều lên xuống. Bến cá tấp nập như ngày vào hội. Người mua kẻ bán thật náo nhiệt. Nếu nhìn từ trên cao, dòng sông Cà Ty giống cánh chim xòe ra như muốn bay lên, ngỡ như những ngôi nhà mái ngói cũng bồng bềnh trôi.

Cà Ty chảy ngang qua thành phố dài chừng 6km, phần nối dài của dòng sông Mường Mán, bắt nguồn từ rừng núi Tánh Linh. Khúc khuỷu và quanh co, qua nhiều kênh rạch, sau đó dòng sông mới đổ ra biển khơi. Trên đoạn sông chảy qua thành phố có ba con cầu nối các tuyến đường đi tới các huyện của Bình Thuận.

Đặc biệt cây cầu Lê Hồng Phong ở giữa, với kiến trúc cổ khá đẹp bên cạnh tháp nước cao 32 mét, tạo nên hình ảnh quen cả trăm năm nay. Nếu không nói đây là biểu tượng của thành phố Phan Thiết, bởi đã có thời chúng được in lên tem bưu điện, một minh chứng cho vẻ đẹp trên bờ sông Cà Ty.

Lớp học mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy từ năm 1910.

Tôi và nhà thơ La Văn Tuân, hội viên Hội Văn nghệ Bình Thuận dừng chân bên tháp nước cũ trên phố Bà Triệu, với cảm giác bồi hồi khác lạ. La Văn Tuân kể, tuy hiện nay tháp nước không còn được dùng, vì dân số đã tăng; thành phố cũng rộng lớn và hiện đại lên rất nhiều, nhưng nó vẫn được giữ lại như công trình kiến trúc danh tiếng đầu tiên bên bờ Biển Đông. Tháp nước có thể coi là hình ảnh đẹp của tình hữu nghị Việt - Lào, bởi đây là công trình của Hoàng thân Xuphanuvông, cố Chủ tịch CHDCND Lào thiết kế.

Tháp nước được xây dựng từ năm 1928, khi đó ông Xuphanuvông đang làm việc ở Việt Nam với chức danh là Kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang. Tôi ngắm kỹ tháp nước mới thấy, đây là một bố cục hài hòa cân đối, với một tỉ lệ hoàn chỉnh giữa hình trụ bát giác và chân tháp.

Cùng với đó là bồn nước tựa như một lâu đài hình bát giác trên không cao 5m, có ba tầng mái che được lợp ngói. Chung quanh tháp nước là vườn cây xanh kéo dài, bao quanh phố Bà Triệu. Tháp như một tác phẩm điêu khắc khổng lồ, trở thành điểm nhấn của thành phố Phan Thiết, đối diện với con chợ sầm uất ngày đêm.

Cách chợ không xa, chừng vài cây số là ngôi trường học Dục Thanh (Giáo dục Thanh Thiếu niên), nơi đã ghi dấu những bước chân đầu tiên khi Bác Hồ đi về hướng Nam, trong sự nghiệp tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc.

Trường Dục Thanh ra đời vào năm 1907, trên đường Trưng Nhị bên bờ sông Cà Ty, trong phong trào Đông Kinh-Nghĩa Thục. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã đến dạy học ở đây vào năm 1910, do cụ nghè Trường Gia Mô giới thiệu, để chờ cơ hội vào Sài Gòn đi nước ngoài. Bác dạy Quốc ngữ và Hán văn.

Hơn một năm sau, vào ngày 5-6-1911, từ bến Nhà Rồng, Bác đã lên tàu ra đi thực hiện hoài bão của mình. Biết bao ký ức vẫn còn được lưu dấu, những di vật, nay đã trở thành di sản còn ấm hơi Người trong ngôi trường Dục Thanh. Đó là lớp học còn nguyên tấm bảng với dấu phấn viết bài đồng dao yêu nước được truyền dạy cho lớp thanh thiếu niên ngày ấy.

Đó còn là giếng nước gạch đá ong còn in đôi mắt Người trên dòng nước trong vắt và ngọt ngào. Và kia là cây khế do Bác trồng, sau vườn trường vẫn xanh tốt và trổ hoa, kết quả xum xuê với thời gian. Hàng gạch và bờ rào râm bụt vẫn thắm đỏ những bông hoa vào mùa… 

“Ai mua trăng tôi bán trăng cho”

Quả đúng như nhà thơ La Văn Tuân nói, nếu đến Phan Thiết mà không lên Lầu Ông Hoàng trên đỉnh đồi Bà Nài ngắm trăng thì chưa thấy hết vẻ đẹp lung linh của thành phố vào ban đêm. Đồi Bà Nài của làng chài Phú Hài, cách thành phố Phan Thiết chừng ba cây số, nơi đây ghi dấu câu chuyện tình bi ai nhất của thi sĩ họ Hàn với nữ sĩ Mộng Cầm.

Lầu Ông Hoàng (do một ông công tước người Pháp xây dựng năm 1911) hiện không còn dấu tích nào. Nó bị tàn phá trong cuộc chiến tranh (1945). Ở lưng đồi còn hiện hữu cụm tháp Chăm thờ thần Silva kỳ bí và mơ màng. Nữ sĩ Mộng Cầm đã từng đưa nhà thơ Hàn Mặc Tử lên đồi ngắm nhìn thành phố Phan Thiết thơ mộng vào những năm 1935-1936. Họ vượt qua tháp chăm Pô Sha Inư để lên Lầu Ông Hoàng, trong những đêm trăng thơ mộng.

Nhưng do số mệnh run rủi, nhà  thơ Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong, hai người không nên vợ nên chồng. Thiên hạ còn đồn thổi, Hàn Mặc Tử bị bệnh là do có lần chạy qua bãi tha ma trên đồi tránh mưa cùng với Mộng Cầm. Bởi ngày xưa đó là những ngôi mộ đất, cây cối um tùm, nhưng cứ đêm đến là có những ánh sáng lân tinh chập chờn phát sáng. Người ta cho là Hàn Mặc Tử đã bị nhiễm bệnh từ những chất độc ngấm vào máu.

Ngày ấy bệnh phong bị coi là nan giải vô phương cứu chữa. Tin đồn đã làm nữ sĩ Mộng Cầm đau lòng và khắc khoải bao năm ròng. Nhưng thực ra, bi kịch tự trong tâm đã làm nhà thơ Hàn Mặc Tử rơi vào trọng bệnh. Nhà thơ trốn tránh thế gian và tự chữa lấy bệnh chứ không vào Bệnh viện Quy Hòa ngay từ đầu. Hàn Mặc Tử mặc cảm, từ chối mọi quan hệ với các cô gái, bạn bè. Ôm hận và chờ cái chết đến kề bên.

Lô cốt còn lại trên nền Lầu Ông Hoàng.

Trong thời gian này, nhiều cảm xúc dồn nén trong tâm trí, chính là lúc nhà thơ sáng tác với tâm trạng dồn nén bi phẫn nhất. Những vần thơ thấm đẫm bị kịch về thân phận con người cận kề cái chết. Hầu hết đó là những bài thơ đau lòng của thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Đặc biệt, nghe tin nữ sĩ Mộng Cầm đi lấy chồng, nhà thơ đã xót xa và cay đắng viết bài “Phan Thiết - Phan Thiết”, với những lời oán thán: “Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!/ Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu/ Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư”. Hay trong bài “Muôn năm sầu thảm”, Hàn Mặc Tử cũng ai oán da diết: “Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm/ Nhớ thương còn một nắm xương thôi” (Nghệ là tên khai sinh của nữ sĩ Mộng Cầm - Huỳnh Thị Nghệ); hoặc trong bài “Những giọt lệ”, viết cho ngày người yêu đi lấy chồng: “Người đi, một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.

Và còn đó những vần thơ cháy lòng với nỗi sầu hận: “Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói/ Gió trăng có sẵn làm sao ăn/ Làm sao giết được người trong mộng/ Để trả thù duyên kiếp phũ phàng”. Tôi rùng mình khi cơn gió lạnh thổi từ biển. Cái lạnh hoang vu hắt lên từ những ngôi tháp Chăm phía dưới. Tôi và nhà thơ La Văn Tuân rời đỉnh đồi vì có đám mây đen từ biển kéo về.

Nỗi niềm Apsara

Ngọn tháp bồng bừng lên sắc hồng trong nỗi u ám của đám mây đen. Cả hai chúng tôi sững người vì quầng sáng đẹp như tấm lụa mỏng phủ lên. Đó là màu của gạch Chăm mỗi ngày một tươi hồng trước mưa nắng bão gió. Dừng chân, nhà thơ La Văn Tuân chậm rãi nói, đó là một kho báu của dân tộc Chăm.

Nhà khảo cổ Henri-Parmentier, người Pháp đã có công nghiên cứu và tu bổ cho những ngôi tháp này, có lần đã kết luận tháp thờ Silva ở đồi Phú Hài này giữ được nguyên bản nhất trong hàng trăm tháp Chăm hiện nay. Bên cạnh còn có đền thờ công chúa Pô Sah Inư, con gái vua Para Chanh, đã bị chìm trong những lớp đất sau sự tàn phá của chiến tranh. Nền đá xây dựng đền vẫn còn lô nhô nhú trên mặt sườn đồi nhưng không thể phục dựng lại, bởi kỹ thuật xây dựng tháp Chăm hiện vẫn còn là những bí ẩn chưa khai thác được.

Chúng tôi ngắm hình tượng điêu khắc vũ nữ Apsara còn rõ nét bên tường tháp, với những đường cong tự nhiên đầy quyến rũ. Thời gian đã trôi qua hơn 700 năm, sự tàn phai của một đế chế vẫn để lại kho tàng văn hóa và âm nhạc kỳ ảo nhất của dân tộc Chăm.

Tôi bỗng nhớ những câu thơ của thi nhân khắc ghi lại bên thềm đá hoang phế: “Bước giang hồ nhỏ lên bên thềm/ Ta lang thang nơi núi non góc bể/ Tựa tháp buồn khao khát nỗi Chăm xưa/ Cặp vú nhỏ khoe dáng người vũ nữ/ Hồn mơ màng theo nhịp trống thẫn thờ…”. Cả hai chúng tôi đi trong nỗi Chăm ấy. Đó là vẻ đẹp hút hồn của miệt biển Phan Thiết mộng mơ và kỳ ảo bao đời nay.

Vương Tâm
.
.