Nữ nhà văn người Belarus giành giải Nobel văn học 2015:

Dựng tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm

Thứ Năm, 22/10/2015, 08:00
Svetlana Alexievich sinh ngày 31/5/1948 tại thành phố Ivano-Frankivsk, Ukraina. Bố là một cựu binh người Belarus và mẹ là người Ukraina. Sau khi bố của bà hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cả gia đình định cư ở Belarus, tại đây cả bố và mẹ của Alexievich đều trở thành giáo viên. Sau khi kết thúc việc học, bà trở thành một giáo viên kiêm nhà báo và quyết định theo học ngành Báo chí tại Đại học Minsk khóa 1967-1972.

Ngay khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp, bà được giới thiệu đến một toà soạn nhỏ ở Brest gần biên giới Hà Lan nhờ vào những quan điểm sáng tạo của mình. Một thời gian sau, nữ văn sĩ trở lại thủ đô Minsk và bắt đầu sự nghiệp của mình với tờ báo Sel'skaja Gazeta.a.

Svetlana Alexievich là chủ nhân của giải Nobel Văn học 2015 vào ngày mùng 8 tháng 10 vừa qua. Viện hàn lâm Thụy Điển công bố: "Giải Nobel Văn học 2015 được trao cho Svetlana Alexievich, vì những tác phẩm đa âm sắc của cô, một tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại của chúng ta". Bà Sara Danius, thư kí thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển nhận xét những tác phẩm của nữ nhà báo người Belarus là "Một cuốn sách viết về lịch sử của những xúc cảm, của những linh hồn - nếu bạn muốn hiểu nó như thế".

Trong nhiều năm, Alexievich đã thu thập một lượng lớn tư liệu cho tác phẩm đầu tay của mình "War's Unwomanly Face" (tạm dịch: Chiến tranh không có mặt nữ tính). Cuốn sách được viết vào năm 1985 dựa trên những cuộc phỏng vấn của bà với hàng trăm phụ nữ đã từng tham gia cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tác phẩm được xuất bản vào năm 1988 và hơn 2 triệu ấn phẩm đã được tái bản sau đó. Tiểu thuyết là những câu chuyện, những dòng tự sự của các nhân vật nữ đã từng đi qua và sống sót sau chiến tranh.

Nữ văn sĩ Svetlana Alexievich.

"War's Unwomanly Face" là tiền đề đặt nền móng vững chắc cho bộ tác phẩm đồ sộ của nữ nhà báo người Ukraina mang tên "Voices of Utopia" (tạm dịch: Những giọng nói của Utopia) - nơi cuộc sống của con người Liên Xô thời kì trong và sau chiến tranh được phô bày rõ nét dưới nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm cá nhân khác nhau.

Cuốn "Voices Of Chernobyl: The Oral History of A Nuclear Disaster" được bắt đầu với một người phụ nữ khi cô kể lại những kí ức đau thương khi phải nhìn chồng mình, một người lính cứu hỏa với cơ thể từ từ phân hủy trên giường bệnh trong nhiều ngày sau khi vụ nổ nhà máy hạt nhân xảy ra vào tháng 4 năm 1986. Trang sách được bắt đầu từ nỗi tuyệt vọng, đau khổ của người phụ nữ ấy. "Nó tuyệt vời như Shakespeare vậy", đó là lời nhận xét của Alexievich về những lời tâm sự quý báu của người phụ nữ kể lại cho bà nỗi đau thương. Chỉ hai trang sách đầu tiên nhưng lại lấy đi hàng giờ đồng hồ của nữ nhà báo.

Bà giải thích: "Giờ đầu tiên và kể cả những giờ đồng hồ sau đó tôi luôn bị lấp đầy bằng việc phân tích và chọn lựa những kí ức mà tôi đã nhận được. Các bài báo, các câu chuyện của những người khác và bất kì những thứ gì tương tự như vậy đều khắc sâu trong trí nhớ của tôi. Nhưng cái tôi cần tìm ra, đó là kí ức của con người được đan xen và ẩn giấu giữa dòng tự thuật đó".

Công việc của nữ văn sĩ có lẽ còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều công việc của những nhà văn đầy kinh nghiệm khác. Bà đã ghi chép không ngừng nghỉ về những câu chuyện bị lãng quên một cách cố ý từ cuộc chiến giữa Liên Xô và Afghanistan đến thảm họa Chernobyl và những câu chuyện của thời kì hậu chiến tranh. Alexievich thổ lộ, bà đã từng đến các "khu vực loại trừ" và "vùng ghẻ lạnh" - vùng đất bị ô nhiễm ngay xung quanh nhà máy - trong vòng một thập kỉ. Điều này có nghĩa là bà bắt đầu "tham quan" những vùng đất chết này gần như ngay sau khi vụ nổ xảy ra. Nữ nhà văn còn thú nhận rằng quá trình nghiên cứu cho cuốn sách đã làm bà bị ốm nặng.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Julia Chayka cho trang web Nobelprize.org, Alexievich đã nói về những điều ảnh hưởng đến mình khi chọn cách tiếp cận theo kiểu nhà báo để viết nên những tác phẩm nổi tiếng: "Bạn biết đấy, tất cả mọi thứ xảy ra quá nhanh và mạnh mẽ trong thế giới hiện đại mà không một con người hay một nền văn hóa nào có thể tiêu hóa điều đó. Nó chỉ là quá nhanh, thật không may. Chúng ta chẳng có thời gian để ngồi xuống và nghĩ về nó như Tolstoy đã làm, và những ý tưởng của ông trưởng thành qua từng thời đại.

Tôi đoán rằng, mỗi người chúng ta, kể cả tôi đều chỉ có thể cố gắng để nắm bắt một mảnh nhỏ của thực tế. Đôi khi tôi chỉ có thể rút ra mười dòng từ 100 trang sách của mình, đôi khi một trang. Và tất cả những miếng ghép này đã cùng nhau tạo thành một cuốn tiểu thuyết của tiếng nói, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thời đại của chúng ta và nói lên những điều đang xảy ra trong cuộc sống".

Khi được hỏi về cái nhìn của mình đối với con người sau khi đã chứng kiến những nỗi đau tột cùng và những bằng chứng tồi tệ trong quá trình làm việc, nữ nhà văn trả lời: "Có thể mất một thời gian để trả lời câu hỏi này, nhưng tôi phải nói rằng tôi thuộc về nền văn hóa luôn đầy rẫy những đau thương này. Thứ mà những nền văn hóa khác không thể hiểu được và cũng không thể chịu được lại là một thứ rất đỗi bình thường đối với chúng tôi. Chúng ta sống trong nó, đây là môi trường của chúng tôi.

Bìa cuốn "Voices from Chernobyl: The Oral History of ANuclear Disaster".

Thời gian qua chúng ta sống giữa những nạn nhân và cả những kẻ hành hình. Trong mỗi gia đình, trong gia đình tôi, trong năm 1937, Chernobyl, cuộc chiến… chúng nói lên rất nhiều thứ. Mọi người đều có những câu chuyện của riêng mình, mọi gia đình đều có thể kể cho bạn nghe những câu chuyện không khác gì một cuốn tiểu thuyết về nỗi đau. Và không phải là tôi có quan điểm này hay tôi thích cách nghĩ của mọi người về những tình huống như vậy. Không, nó chính là cuộc sống của chúng tôi.

Hãy tưởng tượng một người nổi lên từ một nhà thương điên và đang viết về nó. Bản thân tôi đã tự hỏi chúng ta là ai, tại sao đau khổ của chúng ta không thể trở thành tự do. Đó là một câu hỏi quan trọng đối với tôi. Tại sao sự mù quáng trong ý thức luôn luôn thắng thế? Tại sao chúng ta thay đổi tự do của chính mình vào lợi ích vật chất? Hoặc sợ hãi, như chúng ta đã làm trước đó?".

Bằng phương thức viết văn phi thường của mình - một cái nhìn được tổng hợp và chọn lọc kĩ lưỡng từ tiếng nói của hàng nghìn con người - Alexievich đào sâu vào những hiểu biết của chúng ta về cả một thời đại đã qua. Những hậu quả nghiêm trọng đến khó tin của thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 được nhà văn sử dụng làm chủ đề cho bộ sách "Voices From Chernobyl: Chronicle Of The Future" (tạm dịch: Những giọng nói từ Chernobyl: Niên sử của tương lai) và "Voices From Chernobyl: The Oral History of A Nuclear Disaster" (tạm dịch: Những giọng nói từ Chernobyl: Lịch sử bằng lời của một thảm họa hạt nhân) được xuất bản năm 1999. Năm 1992, bà cho xuất bản cuốn "Zinky Boys - Soviet voices from a forgotten war" (tạm dịch: Những chiếc quan tài kẽm - Tiếng nói Xô Viết từ cuộc chiến bị lãng quên). Tiểu thuyết là một bức chân dung về chiến sự Liên Xô - Afghanistan (1979-1989).

Ngoài các tác phẩm được xây dựng qua con mắt nhìn của hàng nghìn nhân chứng là phụ nữ,  Alexievich còn rất sáng tạo khi khai thác những khía cạnh mới về chiến tranh từ góc nhìn của những đứa trẻ trong quyển "Last witnesses" (tạm dịch: Những nhân chứng cuối cùng). Cũng thuộc series "Voices Of Utopia", "Second - hand Time: The Demise of The Red (Wo)man" được hoàn thành năm 2013 là cuốn sách mới nhất của bà.

Được biết ảnh hưởng quan trọng nhất đến những tác phẩm của Svetlana Alexievich là từ những ghi chép của một nữ y tá kiêm nhà văn Sofia Ferdochenko (1888-1959) về trải nghiệm của những người lính trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất và từ những tài liệu báo cáo của tác giả người Belarus Ales Adamovich (1927-1994) cũng viết về Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tác phẩm của bà đã được xuất bản ở hơn 19 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ, Bulgary. Ngoài niềm đam mê với văn học, bà còn viết kịch và dựng phim.

Và với sức làm việc phi thường, bà đã dựng nên một tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm, và sự phi thường đó đã mang lại cho bà một sự thừa nhận xứng đáng khi tên và tác phẩm của bà được vinh danh bằng một giải thưởng văn học lớn nhất mọi thời đại: Giải Nobel văn học 2015.

Nguyễn Hương Giang
.
.