Bí ẩn cát hồng Mũi Né

Thứ Ba, 07/08/2018, 08:10
Du khách thường ca ngợi Mũi Né (Phan Thiết - Bình Thuận) là thiên đường của những lâu đài bí ẩn trên bờ biển. Những con thuyền rải khắp cửa vịnh dưới ánh hoàng hôn tựa như bức tranh thủy mặc. Cùng những bãi tắm trong veo nước biển, Mũi Né còn có Đồi Hồng thơ mộng, cát trên đồi luôn chuyển động với gió nắng, tạo nên cảnh quan lạ mắt, nhiều sắc màu, làm cho mọi người đến đây hết sức bất ngờ và thích thú.


Nghệ sĩ của cát

Mới đây, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng những bức tượng bằng cát (lấy từ Đồi Hồng) của những nghệ nhân từ nhiều nước tới đây sáng tác. Lần đầu tiên nước ta có một “Công viên tượng cát” được trưng bày tại phố Nguyễn Thông, thành phố Phan Thiết. Với chủ đề “Thế giới cổ tích”, mỗi bức tượng đều được sáng tác dựa trên những biểu tượng văn hóa, hay câu chuyện cổ tích của Việt Nam và thế giới. Người xem ngỡ ngàng, không hiểu các nghệ sĩ đã đục đẽo trên cát như thế nào.

Trước mắt họ là những câu chuyện “Sự tích Trung thu”, “Dế và Kiến”, “Chùa Thiên Mụ”, hay như “Con rồng cháu tiên”, “Cóc kiện trời”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh”… Tất cả đều một màu hồng đỏ, với những vết khắc đầy góc cạnh, gây sự thu hút đến bất ngờ. Riêng bức “Kinh Kong” cao lớn, dữ dội càng hấp dẫn người xem, bên cạnh đó câu chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” lại dịu dàng, ấm áp.

Nhà thơ La Văn Tuân (Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận), người dẫn đoàn chúng tôi chỉ cho biết những khối cát được nén bằng áp suất thủy lực giữa cát và nước, nên có độ cứng nhất định để các nhà điêu khắc đục chạm, gọt tỉa tạo nên những tác phẩm để lại cho vùng biển.

Nhà thơ La Văn Tuân (bên phải) cùng tác giả.

Người ta nói, đây là công viên nghệ thuật cát thứ hai trên thế giới, sau Bảo tàng Mỹ thuật cát Tottori (Nhật Bản). Các nhà tổ chức cho biết, sẽ có những cuộc thi tài năng điêu khắc thế giới thường xuyên được diễn ra ở đây. Đồi cát Hồng quả là một kho nguyên liệu vô tận, dành cho những nghệ sĩ thả sức phô diễn tài năng.

Nhà thơ La Văn Tuân còn làm cho chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa, khi nói đến những họa sĩ  khuyết tật vẽ tranh cát. Anh nói, để tạo nên những bức tượng lớn phải dùng cát nén tạo thành khối kết dính, còn vẽ tranh lại chỉ dùng những cát rời rạc, nhỏ bé. Đó là những bức tranh với hàng trăm sắc mầu được vẽ từ cát. Nói rồi, nhà thơ dẫn chúng tôi đến xưởng tranh cát của gia đình nghệ nhân trẻ Phi Long, trên đường Thủ Khoa Huân (Bình Hưng - Phan Thiết).

Đúng là khi ngắm những bức tranh cát nơi đây, với cảnh sắc ở Phan Thiết, ai cũng không thể tin nổi ở mắt mình, bởi những sắc mầu tươi sáng được pha trộn từ cát tự nhiên đẹp đến lạ kỳ. Người mà chúng tôi gặp đầu tiên, họa sĩ khiếm thính Phi Long, ở độ tuổi 30. Anh vừa là người khởi nghiệp, vừa đào tạo những họa sĩ mới. Khi anh nói chuyện bằng những ngón tay, chúng tôi phải nghe qua một cô gái, trợ thủ phiên dịch.

Người phiên dịch cũng là một họa sĩ tật nguyền từ nhỏ, cô đến đây học nghề, rồi ở lại xưởng làm việc. Phi Long hiện diện trước mắt chúng tôi chỉ là nụ cười và những động tác thể hiện niềm vui được vẽ bằng những hạt cát. Ở xưởng vẽ của anh, hiện có tới 40 người cùng đồng hành trên con đường sáng tạo và mưu sinh. Đặc biệt, chúng tôi bị hút vào gian trưng bày chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng chục tác phẩm về hình tượng Bác Hồ được Phi Long vẽ bằng cát. Chân thực và đẹp không khác những bức ảnh mẫu.

Để tạo nên những sắc màu tự nhiên của cát, cách đây chừng hơn 10 năm anh đã cùng mẹ đi khảo sát sa mạc cát, kéo dài từ Mũi Né đến tận tỉnh Ninh Thuận. Hai mẹ con anh không bỏ sót những hốc cát, các đồi cát được hình thành trên nguồn mỏ sắt cũ, được khai thác trước đây. Chỉ vì ảnh hưởng của nguyên khoáng sắt mà cát ở đây có màu hồng đỏ.

Anh sôi nổi kể, hai mẹ con đã phải vác những túi cát màu khác nhau từ khắp nơi về lọc lại, sau đó phân màu riêng rẽ, hình thành nguyên liệu dùng mỗi khi vẽ. Sau này có nhiều người đến học việc, ai khỏe mạnh đều cùng Phi Long đi khắp nơi để khai thác cát màu. Anh kể, cát ở Đồi Hồng có màu đỏ, thì cát ở đồi Trinh Nữ lại trắng, còn cát ở Hòn Lan lại đen tuyền. Nay tính đến các vùng trên sa mạc, xưởng anh đã khai thác được hàng chục màu cơ bản.

Hiện nhìn những khay cát màu tự nhiên, chúng tôi đếm áng chừng cũng phải tới 50 màu khác nhau. Phi Long nói màu của cát hồn nhiên lắm. Đó là màu của gió, của nắng, của nước và của hồn người mỗi khi phả lên bức tranh. Mỗi bức tranh là một bài thơ thầm kín mà những người khuyết tật gửi trao tấm lòng. Nụ cười của Phi Long và các bạn đã hiện lên trên từng bức tranh, qua những hạt cát nhỏ nhoi.

Một bạn gái bị tật chân, đẩy xe ra phía trước, hát tặng chúng tôi bài ca của Trịnh Công Sơn. Trên tay cô là bức chân dung Trịnh Công Sơn bằng cát. Giọng hát của cô trong trẻo, ngọt ngào làm sao: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi. Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông…”. Chúng tôi ai nấy đều không ghìm được nước mắt. Bởi phía trước là những họa sĩ khiếm thị và tật nguyền ở khắp nơi tìm về. Đây là tổ ấm mà họ được lớn lên từ những hạt cát, và được chở che.

Những bức ảnh trên Đồi Hồng

Sau khi xem những tác phẩm tranh cát, nhà thơ La Văn Tuân đưa chúng tôi lên đường ra Đồi Hồng, cùng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Vĩnh Nghĩa. Nhà thơ nói, nếu khai thác cát màu như một nguyên liệu đặc sản trong sáng tạo mỹ thuật, thì vẻ đẹp hình dạng của những đồi cát trên sa mạc lại là nguồn cơn cảm xúc của những tay săn ảnh.

Tác phẩm “Vệt nắng chiều” của tác giả Trần Vĩnh Nghĩa.

Dưới những cơn gió biển, cùng ánh sáng chiếu rọi làm màu sắc cát thêm lung linh, huyền ảo. Không ít lần nghệ sĩ Trần Vĩnh Nghĩa đã vượt những đồi cát, đón lấy một cơn gió hoặc chờ ánh sáng bình minh ló lên, chụp được thời khắc kỳ lạ nhất của cát. Có những buổi phải đi từ sớm để đón lấy những dòng người đi chợ vượt qua đồi cát về làng. Hoặc đó còn là những em bé chơi đùa dưới ánh hoàng hôn.

Những cánh diều tuổi thơ của Trần Vĩnh Nghĩa một thuở hiện về. Hàng trăm tác phẩm ra đời trên cát như thế. Đồi cát đẹp như phủ những tấm voan khi bình minh lên. Lại có khi đồi cát trở nên huyền bí mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Gió thổi liên miên suốt ngày đêm. Có những hốc cát như mắt người trầm tư chiêm nghiệm, lại có những lúc âm u với nét hoang sơ, cội cằn. Hành trình trên cát của Trần Vĩnh Nghĩa không ít cam go.

Có những lúc phải nhịn đói, nhịn khát. Nhà thơ La Văn Tuân cho biết, Trần Vĩnh Nghĩa đã có nhiều tác phẩm chụp trên cát được giải thưởng và được nhiều người yêu thích như: “Vệt nắng chiều”, “Trên đường về”, “Nốt nhạc tuổi thơ”, “Biển kết hoa”… Anh đã được 70 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.

Bất chợt một cơn gió mạnh ào tới. Cả Đồi Hồng phủ mờ đi trong cát bay. Chúng tôi đều phải che mặt, bịt mũi. Những em bé cho thuê xe trượt cát cũng bị bão cát nuốt chửng trong một màn bóng tối phủ dầy. Nhưng chỉ vài phút thôi, gió ngừng cơn, trước mắt chúng tôi là một công viên cát khác hẳn lúc đầu đến. Lại mịn màng, mướt mát tươi non.

Có những mô cát mới hình thành như bầu vú thiếu nữ. Ở nơi đó có một bông hoa xương rồng đỏ thắm làm sửng sốt mọi người. Kèm theo đó là đường sóng cát, vẽ lên những nét cong mới lạ, chảy xuống một thung lũng như họa tiết tinh khôi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Vĩnh Nghĩa nói, cả một đời chụp ảnh cát cũng không biết chán, vì mỗi lúc sa mạc cát lại khoác tấm lụa mới, cùng những thay hình đổi dạng bất ngờ. Đúng là trời cho, mỗi khoảnh khắc là một nhịp thở của đất trời, đồi cát như một cô gái thích tạo dáng vậy.

Sự nhọc nhằn của cát  

Lại nhớ đến một kỷ niệm, nhà thơ La Văn Tuân kể, Trần Vĩnh Nghĩa đã từng đóng phim, một nhân vật chính trong tác phẩm điện ảnh “Sự nhọc nhằn của cát”. Anh là nghệ sĩ đóng vai một người chụp ảnh trên quê hương, và kể lại những câu chuyện người lao động đã vất vả, bươn chải trên cát và biển khơi. Bộ phim đã được giải bạc trong Liên hoan phim tài liệu năm 2005.

Trần Vĩnh Nghĩa bồi hồi nhìn lên Đồi Hồng. Đôi mắt anh bỗng trở nên trầm tư trước sa mạc. Có lẽ anh thầm cảm ơn cát đã đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo cho cuộc đời cầm máy bốn mươi năm qua. Một sự nhọc nhằn đáng yêu trên từng trảng cát hồng.

Vương Tâm
.
.