Họa sĩ Cao Ban Ban:

Ẩn vào bóng núi

Thứ Ba, 27/01/2015, 08:00
Nghe cái tên Cao Ban Ban nhiều người cứ lầm tưởng ông là người dân tộc nào đó. Hóa ra không phải. Ông tên thật là Cao Văn Ban, quê gốc Lý Nhân, Hà Nam. Năm 1952, để tránh trận càn của quân Pháp, gia đình ông sơ tán vào thôn Lão Cầu, xã Văn Phú, Nho Quan, Ninh Bình. Năm 1953 ông sinh ra ở đấy. Bốn năm sau theo bố mẹ ra Hà Nội sinh sống, rồi lớn lên đi học phổ thông, rồi đi bộ đội, sau đó đi học mỹ thuật để trở thành một người họa sỹ, gắn bó với nghiệp cầm cọ, dẫu trải qua không ít những thăng trầm, cùng cực.

Khoảng năm 1984, 1985, tôi và nhà thơ Trần Quang Quý thường hay lui tới nhà anh Triệu ở phố Đội Cấn. Bấy giờ Trần Quang Quý mới ra trường, đang xin vào làm báo của Hội Nông dân. Vợ anh mới đi làm việc ở nước ngoài, cháu nhỏ thì gửi về quê, chưa có việc làm nên lang thang suốt ngày. Cũng may vợ chồng anh Triệu quý người, nên căn hộ của anh thành nơi tá túc cho đám nhởn nhơ vô công rồi nghề. Rồi tôi gặp Cao Văn Ban ở đấy, hóa ra họ quen nhau từ trước.

Ngày đó Ban người gầy nhẳng, mặc bộ quần áo màu xanh sẫm, tóc búi tó đen nhánh, vai khoác túi mộc. Ấn tượng với tôi ngay từ lần đầu gặp mặt là nụ cười thân thiện. Đến bây giờ ở tuổi sáu mươi, Cao Văn Ban vẫn để tóc búi tó, chỉ khác là những sợi tóc không còn đen mượt óng mà đã cứng đơ và bạc phếch, nụ cười thì không còn hồn nhiên nữa, mà hằn lên nhăn nhúm những vết từng trải. Ra trường tìm công ăn việc làm, người họa sỹ trẻ Cao Văn Ban phải đi gõ cửa nhiều nơi mong tìm được công việc phù hợp, đã thử sức ở Xưởng phim truyện TP HCM, rồi Viện Thiết kế Bộ Nội thương, tiếp theo là Báo Nông thôn ngày nay…

Do công việc phập phù nên mỗi chỗ làm được vài ba năm là bỏ. Đến năm 2004 ông về dạy ở Trường Công nghiệp, và cũng chỉ được 4 năm, ông lại chuyển sang dạy học ở Trường Đại học mở, tạm bằng lòng và kẽo kẹt ở đấy cho đến giờ. Đối với ông, công việc là để duy trì miếng cơm manh áo để nuôi giấc mơ sáng tác mỹ thuật, niềm đam mê hội họa luôn cháy bỏng trong ông. Tôi hỏi cái tên Cao Ban Ban có kỷ niệm gì với ông? ông bảo khi chuẩn bị tham gia triển lãm lần đầu, thấy cái tên Cao Văn Ban bố mẹ đặt cho nó nhẹ quá, tham khảo một thầy số, thầy bảo cứ lấy tên Cao Ban Ban ấn tượng hơn. Với cái tên này, nhiều người lầm tưởng ông là người dân tộc.

Không ai theo đuổi nghề mà cực nhọc như ông. Ngày mới ra trường công việc phập phù, lương ít không đủ sống, ông phải đi làm thuê cho lò xưởng tượng chân dung của ông Lư ở Định Công, của nhóm bà Hoa chuyên làm tượng đài. Ông kể làm quần quật suốt ngày, quần áo lúc nào cũng bê bết bùn đất, hoặc leo giàn giáo bở hơi tai, mà đồng tiền được chả đáng là bao. Nhưng đổi lại ông học được nhiều kỹ năng kinh nghiệm của nghề điêu khắc, tạc tượng. Rồi những ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, ông ngồi lỳ cả ngày bên  bờ hồ vẽ ký họa chân dung, vừa để lấy tiền, vừa lấy tư liệu. Sau này khi về dạy ở Trường Công nghiệp, có thời gian được phân công vào giảng ở Trường Cao đẳng Trang trí Đồng Nai, ông đã dồn tâm sức làm một bức phù điêu gốm rộng 36m2 với chủ đề chiến tranh cách mạng và công nông binh. Bức phù điêu được tỉnh đặt hàng, khi hoàn thành được dựng ở nơi trang trọng. Với việc thực hiện thành công tác phẩm này, đã giúp ông tự tin hơn với nghề, tiếp tục thực hiện những dự án mới. Con đường nghệ thuật của Cao Ban Ban là kết hợp giữa vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu. Trong đó trải nghiệm thực tiễn luôn được ông đầu tư thời gian, ưu tiên hàng đầu.

Họa sĩ Cao Ban Ban bên một tác phẩm của mình.

Là người sống và làm việc ở Hà Nội, cũng như nhiều họa sỹ khác, Cao Ban Ban rất say mê cảnh phố phường. Có thời gian rảnh rỗi ông lại ra Hồ Gươm, hoặc Hồ Tây lặng lẽ tìm một chỗ ngồi quan sát và vẽ. Hoặc xe máy lòng vòng ra ngoại thành tìm cảnh sắc. Sự say mê và kiên trì không ngơi nghỉ, đã khiến ông có được hàng trăm bức tranh và hàng ngàn ký họa về cảnh sắc và con người Hà Nội. Tự thấy những bức vẽ đơn lẻ về phố phường chưa nói hết được tầm vóc và chiều sâu của thành phố nghìn năm tuổi, nên ông có ý tưởng xây dựng một tác phẩm hoành tráng hơn. Ở đó vừa thể hiện những nét văn hóa lịch sử, vừa phản ánh những nét sinh hoạt đặc trưng, thư thái của người Hà Nội. Cao Ban Ban đã dồn tâm huyết trong 8 năm ròng để hoàn thành bức sơn mài "Hà Nội ơi…" cao 1,8m, rộng 3,2m. Bên cạnh những biểu tượng của Hà Nội như cầu Long Biên, Tháp Rùa cổ kính, Ô Quan Chưởng, cầu Thê Húc… là những cảnh sinh hoạt rất đặc trưng, gần gũi của người Hà Nội, như cảnh thả chim mùa xuân, một cuộc chơi cờ, cảnh người họa sỹ vẽ ký họa, cảnh thầy đồ cho chữ, cảnh uống bia hơi, cảnh nữ sinh đạp xe tới trường, cảnh tình yêu bên hồ, hay một dáng xích lô chở khách, thấp thoáng bên những hàng cây cổ thụ rất đặc trưng của phố phường Hà Nội. Nhìn những tác phẩm của ông, người xem mường tượng ra sự dụng công trăn trở, lăn lộn thực tế của tác giả. Dường như cái tên Cao Ban Ban luôn thôi thúc ông một niềm đam mê  mới mẻ, trỗi dậy trong chính cái bản thể của ông là sự hồn nhiên, trong sáng. Điều này được thể hiện trong những bức tranh ông vẽ về Sa Pa có phong vị hoang sơ, nên thơ mà trữ tình, bình yên mà hoang vắng với màu sắc hài hòa nhuần nhuyễn, êm ái và dễ chịu.

Họa sỹ Cao Ban Ban tâm sự, đi vẽ phong cảnh, ông thích nhất hai nơi là Sa Pa và phố phường Hà Nội. Sa Pa có cảnh sắc tuyệt vời từ dáng người, dáng núi, dáng mây với màu sắc thiên nhiên rất gần với hội họa, chỉ cần đắm mình vào mà vẽ là vẻ đẹp sẽ hiện lên lung linh, chuyển động đầy sức sống. Còn với Hà Nội, ông thích nhất những hàng cây trên phố với muôn kiểu dáng. Ông bảo ở thủ đô các nước, nhất là châu Âu cây cối người ta cứ thẳng tuột, chứ không có được nhiều thế, nhiều dáng như cây ở Hà Nội, cho nên cảnh sắc phố phường vào tranh ông ấn tượng nhất là những hồn cây làm nên hồn phố.

Sau thành công của các đợt tham dự triển lãm, đặc biệt qua 3 lần triển lãm cá nhân, trong đó có triển lãm ở Cộng hòa Pháp và Liên bang Đức đã giúp ông bộc lộ khả năng để cháy hết mình. Có lẽ do không còn trẻ, ông đang chạy đua với thời gian. Mấy năm gần đây, năm nào ông cũng dứt bỏ công việc ở Hà Nội, để lên Sa Pa vài tháng tập trung cho việc sáng tác. Ít tiền nên mỗi chuyến đi lại đầy khó khăn thách thức ở phía trước. Ông bảo ở Sa Pa bây giờ chụp ảnh phải mất tiền người ta mới cho chụp, còn bảo người ta làm mẫu mình vẽ phải mất nhiều hơn. Có chuyến đi, đói toàn ăn bánh mỳ uống nước lọc mà vẽ. Bước chân ông đã mò mẫm khắp vùng núi đồi Sa Pa, có khi gặp cảnh đẹp, lại không có chỗ ngồi, phải lấy đá đè lên đống phân trâu mà ngồi vẽ. Mấy chuyến đầu ông cứ thui thủi đi một mình, sau này ông rủ thêm được họa sỹ Tô Ngọc Thành, thế là vui vẻ có anh em nương vào nhau mà làm việc. Thực tế cuộc sống và thiên nhiên luôn đem lại cho người họa sỹ những xúc động mới. Có thể nói hội họa Cao Ban Ban trưởng thành từ những chuyến đi trải nghiệm thực tế như thế.

Tại triển lãm năm 2013, ông trưng bày 18 tác phẩm chủ yếu là sơn mài và sơn dầu về miền núi, kết quả của những lần đi thực tế. Một chân dung em bé gái miền núi, một bà già người Dao đỏ đang chăm chú thêu thùa, một bác nông dân già có cái nhìn hoang dã, một phong cảnh ruộng bậc thang như thật, một chiều về bản, hoặc thiếu nữ  Hà Nhì xuống chợ, một tốp thanh niên người Mông đang tập trung cao độ thổi điệu khèn gọi bạn, phục vụ người nghe… Tất cả cuộc sống sinh động đã ào ạt vào tranh ông.

Nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức nhận xét: "Với 60 năm tuổi đời, ngót 30 năm tuổi nghề. Những trải nghiệm tìm tòi đã đem lại cho Cao Ban Ban những kết quả đáng khích lệ. Tâm đắc với sơn mài, sơn dầu, acrilic… cảnh vật trong tranh Cao Ban Ban cũng say sưa với đề tài miền núi, luôn hiện lên qua đường nét, hình khối, bố cục khá năng động, hồn nhiên nguyên sơ, chân thành như biểu tượng của cái đẹp đang ở tuổi xuân thì, đầy khát vọng".

Còn trong con mắt của họa sỹ Tô Ngọc Thành, người luôn đồng hành với từng chặng đường sáng tạo của Cao Ban Ban thì cho rằng: "Tranh của Cao Ban Ban chân thực và hồn nhiên, có phần ngây thơ và nguyên thủy. Tất cả sự học hành cơ bản từ trường lớp trong tranh ông hầu như bị tình cảm che lấp. Những tiềm thức trí tuệ trong tranh tạo nên sự mẫn cảm và vẻ đẹp tự nó chứa đựng, mà chưa cần đến sự dụng công của tài năng, kỹ xảo và những thủ thuật của tay nghề. Cái đẹp tự nó có, không phải uốn éo, không phải mài giũa, không điêu luyện, cầu kỳ. Chất hồn nhiên ngây thơ, chân thực mầu sắc gần với thiên nhiên. Hình khối có cách điệu theo lối dân gian, vừa ngây thơ không đúng thực, không đúng giải phẫu (dù cách điệu cũng không quá mức) như một lối rẽ từ bản thể hồn nhiên trong sáng của ông, đã tạo nên một khuynh hướng, một phong cách trong tranh Cao Ban Ban".

Đầu năm 2015 này ông lại mở triển lãm cá nhân, gồm 69 bức tranh, một số tác phẩm điêu khắc và gốm. Đây là những tác phẩm ông mới hoàn thiện sau các chuyến thực tế sáng tác gần đây. Phần lớn tranh trong triển lãm này vẫn là đề tài miền núi, vẽ cảnh người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở Sa Pa. Không chỉ có không gian được mở rộng ra, mà cảnh vật bốn mùa đã vào tranh ông. Một đám mây, một ngọn gió, một cảnh sương sớm trong ngày rét buốt và một sắc đỏ trong trang phục người Dao như bừng cháy lên, làm ấm lòng người. Ông tâm sự:  Ở cái tuổi này, với lưng vốn kinh nghiệm có được, ông mới nghiệm ra rằng với cái tạng (bản thể) của mình một khi được kết hợp với lý trí và khoa học thì làm việc rất hiệu quả, và ông không ngừng trăn trở tư duy cho nghệ thuật. Ông băn khoăn thời gian không còn nhiều, ông phải chạy đua với nó, mới mong khai thông con đường nghệ thuật mà ông dò dẫm suốt đời mới được định hình. Ông bảo từ 60 tuổi trở đi sẽ dành hoàn toàn thời gian cho sáng tác và ông vẫn sẽ còn chung thủy với đề tài miền núi. Đối với ông, cảnh sắc núi rừng luôn mang đến cho ông những cảm xúc tươi mới. Ông sẽ chìm vào đó, thở hơi thở của nó, sống đời sống của nó… để tìm ra được những vẻ đẹp thiêng liêng bất diệt.

Hà Văn Thể
.
.