Xung quanh việc dựng tượng Trần Nhân Tông tại Yên Tử

Thứ Sáu, 20/07/2007, 14:00
Có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải dựng tượng đức vua Trần Nhân Tông đang trong tư thế đứng. Về mặt tâm linh, có gì đó không phù hợp với Thiền phái Trúc Lâm. Nếu để tượng ở nơi Ngài tu hành đắc đạo thì phải thể hiện được thần thái, cốt cách của Ngài là một nhà tu hành hơn là một nhà vua...

Theo dự kiến, đầu năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ khởi công việc đúc tượng đức vua Trần Nhân Tông tại khu di tích Yên Tử (thị xã Uông Bí, Quảng Ninh). Tượng sẽ được đúc bằng đồng, nặng gần 100 tấn và đặt trên đỉnh An Kỳ Sinh (cách Chùa Đồng khoảng 1.000m).

Việc dựng tượng tại núi thiêng Yên Tử, chính là nơi vua Trần Nhân Tông rời bỏ ngôi báu để đến đây tu hành, tạo dựng Thiền phái Trúc Lâm - một tông phái Phật giáo riêng của Việt nam, đã đáp ứng được sự quan tâm, mong mỏi của đông đảo nhân dân, phật tử trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc chọn mẫu tượng lại không hề đơn giản. Đến nay, một số ý kiến trong Hội đồng nghệ thuật thẩm định mẫu tượng Trần Nhân Tông đang "ngả" theo mẫu tượng Trần Nhân Tông đang đứng - tay phải chống gậy, tay trái chắp trước ngực...

Từ nhiều ý kiến khác nhau

Qua lấy ý kiến của giới tu sĩ Phật giáo, giới nghiên cứu mỹ thuật và những người quan tâm, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết: có nhiều nhóm ý kiến khác nhau về việc dựng tượng Trần Nhân Tông như: tượng Hoàng đế đang đứng; tượng nhà sư dáng đứng, dáng ngồi và dáng nằm.

Nhiều ý kiến đề xuất tạc tượng Hoàng đế Trần Nhân Tông dáng đứng, gương mặt như tượng trong Tháp tổ. Phía sau tượng là phù điêu tạc cảnh trí Yên Tử, nổi bật dòng chữ "Núi không có Phật. Phật chỉ ở trong tâm"- trích câu nói nổi tiếng của Quốc sư Trúc Lâm Đạo Viên trả lời Vua Trần Thái Tông (ông nội của Trần Nhân Tông) khi Thái Tông lên Yên Tử cầu "làm Phật", cũng là tôn chỉ của Thiền Phái Trúc Lâm.

Cuối năm 2006, Hòa thượng Thích Thanh Tứ  - lúc đó là Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh có văn bản đề xuất phương án dựng  tượng Trần Nhân Tông tại khu di tích Yên Tử là tượng ngồi theo đúng dáng tượng trong Tháp tổ hiện nay, vì đó là mẫu tượng hoàn thiện, hoàn mỹ nhất. Phần đông các chức sắc, nhà tu hành Phật giáo đề xuất ý kiến này.

Theo họ, trong đạo Thiên Chúa thì tượng Chúa Jesu bao giờ cũng là đứng giang rộng hai tay, Hồi giáo thì không dựng tượng Thánh Ala, còn các pho tượng Phật được tôn thờ tại các chùa, tháp ở nước ta đều có dáng tượng ngồi (trừ pho tượng Adiđà tiếp dẫn giơ tay cứu vớt chúng sinh). Chỉ có tượng người hầu mới tạc theo dáng đứng…Đó cũng là điểm khác biệt về văn hóa mà các Phật tử mong các nhà làm tượng quan tâm xem xét.

Ngược lại với ý kiến này, một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà quản lý… lại tán thành dáng tượng đứng.

Một số mẫu tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đưa ra để du khách lựa chọn.

Trước những ý kiến không thống nhất như trên, Ban Dân tộc và Tôn Giáo tỉnh thấy rằng "trường hợp lấy tượng đứng còn băn khoăn, có thể lấy mẫu tượng ngồi trong Tháp tổ, phóng to kích thước hài hòa với cảnh quan không gian nơi chọn đặt tượng".

Cần nói thêm rằng, bức tượng trong Tháp tổ thể hiện Trần Nhân Tông trong tư thế ngồi thiền, hai tay bắt quyết, mặc áo dòng tiểu thừa, eo thon, khuôn mặt hiền từ, thoát tục. Nhiều người còn cho rằng bức tượng này được tạc bởi những đệ tử thân tín nhất của Ngài vào khoảng 1 năm sau khi Ngài viên tịch, cho nên thể hiện được tính chân thực nhất về một vị vua tu hành.

Đến cách chọn tượng của Hội đồng Nghệ thuật

Đến cuối tháng 3/2007, tại sân nhà ga cáp treo Yên Tử, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho trưng bày 7 mẫu tượng (3 ngồi, 4 đứng) để lấy ý kiến nhân dân. Rất đáng tiếc, trong 7 mẫu này không có mẫu nào thể hiện đúng tư thế ngồi thiền, hình dáng Trần Nhân Tông như tượng trong Tháp tổ.

Khi Hội đồng nghệ thật (HĐNT) dựng tượng Trần Nhân Tông tiến hành bỏ phiếu để chọn mẫu tượng, lại vẫn đa số ý kiến của các thành viên trong HĐNT chọn mẫu tượng đứng số 7.

Ý tưởng về việc phóng to và chỉnh sửa đôi chút bức tượng cổ đã bị sự "lấn át" bởi quan điểm "tượng đứng" trong HĐNT. Tất nhiên, quan điểm "tượng đứng" không phải là quan điểm của các nhà tu hành nói chung và nhà sư trong Thiền phái Trúc Lâm nói riêng - những người hiểu Giáo chủ Phật giáo Đầu ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông hơn ai hết.

Về nguồn gốc 7 mẫu tượng được trưng bày, theo trả lời của ông Phạm Hồng Cẩm (Trưởng Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT Quảng Ninh) trên Vietnamnet thì "UBND tỉnh Quảng Ninh  đã đặt Vụ Mỹ thuật (Bộ VH-TT). Từ đó, Vụ Mỹ thuật tự chọn họa sĩ sáng tác mẫu tượng…”. Nếu như vậy, chủ trương "mở cuộc sáng tác mẫu tượng"  tại Hội thảo khoa học trước đó và ý kiến của Tỉnh ủy Quảng Ninh đã không được triển khai?

Tại Điều 11 Quy chế Quản lý xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng do Bộ VH-TT ban hành năm 2000 nêu rõ: "Căn cứ yêu cầu tính chất từng công trình, chủ đầu tư đặt hàng trực tiếp với một tác giả hay tổ chức cuộc thi nhiều tác giả…”.

Như vậy, cứ theo nội dung trả lời của ông Cẩm thì chủ đầu tư đã không đặt hàng "trực tiếp" theo đúng quy chế mà đã đặt hàng "gián tiếp" qua Vụ Mỹ thuật? Điều này cũng có nghĩa Vụ Mỹ thuật là đơn vị có liên quan đến việc sáng tác mẫu phác thảo.

Sau này, không hiểu sao, ông Vụ trưởng Vụ này lại  giữ chức Chủ tịch HĐNT, trong khi đó, Quy chế đã quy định rõ "tác giả và đơn vị có liên quan đến việc sáng tác phác thảo và thực hiện tác phẩm không được tham gia HĐNT".

Cũng liên quan đến HĐNT, đáng lẽ nó phải được thành lập trước khi có sáng tác phác thảo bước một. Nhưng trên thực tế, Hội đồng này lại được thành lập sau khi 7 bức tượng được trưng bày và lấy ý kiến nhân dân hơn 1 tháng. Và khi chưa có HĐNT thì chính Vụ Mỹ thuật đã lựa chọn giúp UBND tỉnh 7 mẫu tượng đó từ nhiều mẫu khác nhau. Không hiểu sao, lúc HĐNT được thành lập, không để Hội đồng này lựa chọn tất cả các mẫu mà chỉ có 7 mẫu để cân nhắc.

Sau này, có ý kiến cho biết việc có 7 mẫu tượng là do Vụ Mỹ Thuật tổ chức thi "diện hẹp" giữa 3 Công ty Mỹ Thuật. Nhưng cho dù có thi "diện hẹp", chỉ định một tác giả sáng tác hay nhờ Vụ Mỹ thuật đặt hàng thì HĐNT dựng tượng Trần Nhân Tông cũng đã không có nhiều mẫu đẹp để lựa chọn ra bức tượng ưng ý nhất.

Nêu vấn đề trên đây, chúng tôi chỉ ghi lại mong muốn của đông đảo nhân dân, Phật tử, các nhà chuyên môn, HĐNT là cần phải có nhiều mẫu tượng để lựa chọn một bức tượng hoàn chỉnh và phù hợp nhất đặt trên đỉnh An Kỳ Sinh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quân - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh từng cho biết: UBND tỉnh vẫn tiếp tục nhận mẫu tượng từ khắp nơi gửi đến. Nếu có họa sĩ, nhà điêu khắc nào muốn gửi tác phẩm của mình để xét duyệt thì UBND tỉnh sẵn lòng nhận và thẩm định công bằng.

Được biết, sau 7 bức tượng này thì đã có thêm 4 bức tượng nữa của Phật tử cúng tiến. Mới đây nhất, ngày 20/5/2007, có thêm 3 mẫu của 1 tác giả tại Hà Nội được tiếp tục đưa ra trưng bày ở nhà ga cáp treo Yên Tử.

Đây là một tín hiệu đáng mừng trước một hoạt động rất quan trọng, nhạy cảm và đầy tính tâm linh - dựng tượng Đức Trần Nhân Tông ở Yên Tử

Quỳnh Mai - Bảo Thư
.
.