"Xuất khẩu" giọng hát giấc mơ dài của ca sĩ Việt

Thứ Năm, 24/01/2008, 14:30
Khát khao chinh phục và chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như thế giới là mơ ước chính đáng và cần được tôn trọng của bất kỳ ca sĩ nào. Đó cũng là một cách để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhưng các ca sĩ Việt mới chỉ dừng lại ở việc khai phá, tìm tòi...

Thời gian gần đây, đang có một làn sóng ca sĩ ôm giấc mơ chinh phục thị trường nước ngoài. Nhiều ca sĩ âm thầm gửi đĩa sang thị trường nước ngoài, hy vọng sẽ tìm được một chỗ đứng trong lòng công chúng. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc khai phá, tìm tòi.

Buồn hơn, không ít ca sĩ sử dụng những tuyên bố về "xuất khẩu giọng hát" như một chiêu thức lăngxê tên tuổi của mình.

Đã từ lâu, việc các ca sĩ trong nước ra nước ngoài biểu diễn là "chuyện thường ngày ở huyện". Mỗi năm, các ca sĩ như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Quang Dũng... "bay show" không biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên, đó chỉ là những lần biểu diễn phục vụ các kiều bào không ngoài mục đích "cơm áo gạo tiền".

Nhưng, khi các kênh MTV tràn ngập trên truyền hình, khi những tờ báo lá cải khiến cho không ít ca sĩ ảo tưởng về tài năng của mình cũng là lúc xuất hiện những giấc mơ vươn ra thế giới. Các ca sĩ hối hả với dòng chảy ấy cùng hy vọng một ngày nào đó rạng danh trên MTV châu Á và quốc tế.

Một trong những diva của làng nhạc nhẹ Việt Nam chịu khó và nghiêm túc trong việc đưa nhạc của mình ra thị trường nước ngoài là ca sĩ Mỹ Linh. Sau khi khẳng định được tên tuổi của mình trong làng nhạc Việt, Mỹ Linh cùng với sự hỗ trợ của ban nhạc gia đình đã bắt tay vào làm những sản phẩm âm nhạc có tính chất quốc tế.

Sau sự thất bại của kế hoạch "Come to America", ca sĩ Mỹ Linh đã cho ra đời album "Chát với Mozart". Cùng với những ồn ào quanh vụ kiện tụng về bản quyền thì cũng phải thừa nhận, album tạo được tiếng vang, khẳng định sự sáng tạo nhất định của ca sĩ Mỹ Linh.

Cùng với phần giai điệu là những bản nhạc bất hủ trên thế giới thì phần nào sự Việt hóa ở phần lời cũng để lại những ấn tượng trong lòng khán giả. Gần đây, mơ ước đặt một chân ra thị trường khu vực của Mỹ Linh xem ra có vẻ khả quan.

Sự kiện album của Mỹ Linh được phát hành tại Nhật đã được báo chí đưa tin rầm rộ. Tachikawa Naoki - một nhân vật được coi là có ảnh hưởng khá lớn trong làng giải trí Nhật Bản sẽ mời Nagakawa Toshi- một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng ở Nhật sang Việt Nam cùng với Mỹ Linh làm một album nhạc cổ điển và sau khi hoàn thành sẽ phát hành tại Nhật.

Để "tiền trạm" cho sự kiện này, Mỹ Linh đã sang biểu diễn cho chương trình "Friends of Love", trong khuôn khổ Hội chợ Công nghiệp quốc tế Expo 2006 diễn ra tại Nagoya.

Lam Trường trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Hàn Quốc tại buổi tập.

Tiếp sau Mỹ Linh, phải kể đến cô ca sĩ "họa mi tóc nâu" Mỹ Tâm. Từng nổi lên như một ca sĩ ăn khách nhất trong nước, gần đây, sự nghiệp của Mỹ Tâm có phần lắng xuống. Rồi bất thần cô lại xuất hiện với những tuyên bố về dự án âm nhạc ngoài nước. Đất nước mà cô nhắm đến là xứ sở kim chi.

Sau khi thực hiện album "Vút bay" tại Hàn Quốc - album nhận được rất nhiều sự đánh giá khác nhau của khán giả thì ca sĩ này đã tiếp tục nuôi mơ ước chinh phục giới trẻ nước này. Dự kiến album sắp tới của Mỹ Tâm sẽ bao gồm 3 bài hát tiếng Anh cùng một chiến lược biểu diễn tại đất nước này.

Hỗ trợ ca sĩ là một ê kíp khá chuyên nghiệp của công ty Nurimaru Pictures - một công ty chuyên về điện ảnh và âm nhạc của xứ Hàn.

Cùng nhắm tới thị trường Nhật Bản như Mỹ Linh là cô ca sĩ - người mẫu Hồ Ngọc Hà. Dù mới chỉ nổi tiếng trong nước với tư cách "người đẹp hát" nhưng cô gái nhiều tham vọng này cũng không quên ấp ủ khát vọng vươn ra khu vực.

Được biết, hỗ trợ cho Hồ Ngọc Hà cũng vẫn là nhà sản xuất nổi tiếng Tachikawa Naoki. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kế hoạch chinh phục của cô ca sĩ này mới dừng ở việc sẽ quảng bá hình ảnh cho một tạp chí, sau đó mới thêm kế hoạch thu âm, biểu diễn chính thức.

Trong khi các ca sĩ thường có một ê kíp đứng đằng sau hỗ trợ thì Kasim Hoàng Vũ lại "đơn thương độc mã" trên con đường chinh phục khán giả ngoại quốc. Bằng chứng là anh tự bỏ tiền ra làm clip "Mặt trời bên kia", sáng tác của nhạc sĩ Lê Quang để phát trên MTV Thái Lan nhằm từng bước tiến vào MTV châu Á.

Ngoài ra, còn rất nhiều ca sĩ khác góp phần khiến cho dòng chảy này thêm sôi động, như Lam Trường tham gia Liên hoan âm nhạc châu Á, chương trình "Duyên dáng Việt Nam" biểu diễn tại Singapore. Album song ca của Đan Trường "Thập đại mỹ nhân" cũng được phát hành ở Thái Lan, Singapore…

Trong làn sóng xuất ngoại lần này, Mỹ Tâm ra sức học tiếng Hàn Quốc để có thể hát cho những người dân xứ sở này nghe bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Hồ Ngọc Hà, Mỹ Linh cũng đang âm thầm chuẩn bị vốn liếng tiếng Anh, tiếng Nhật thật kỹ lưỡng. Còn như Kasim Hoàng Vũ vẫn yên tâm hát tiếng mẹ đẻ vì đã có phụ đề khi xem video clip.

Thực tế hơn, các ca sĩ của chúng ta cũng đã bắt đầu chú ý đến những thể loại nhạc đang "hot" trong giới trẻ: như Mỹ Tâm gắn bó với rock và hip hop, Kasim Hoàng Vũ trung thành với rock, Hồ Ngọc Hà chú tâm tới thế mạnh là dòng nhạc R&B, Mỹ Linh với nhạc cổ điển...

Không chỉ có chiến lược phát hành album, biểu diễn trực tiếp, các ca sĩ còn thể hiện khát khao chiếm lĩnh thị trường nước ngoài bằng những chuyến đi du học ngắn hạn hoặc dài hạn. Dòng chảy đi học cũng ồ ạt không kém dòng chảy "bay show" nước ngoài.

Hồng Nhung từng đi học tại Anh, Lam Trường, Đoan Trang, Thu Minh cắp sách đi học ở Mỹ, Đức Tuấn dự tính đi học ở Canada, Công ty Thế giới giải trí đang lên kế hoạch đưa ca sĩ Lương Bích Hữu tới Hồng Công học diễn xuất tại đài truyền hình nổi tiếng ATV…

Điều đáng nói là không ít ca sĩ ảo tưởng rằng chỉ cần một vài lần ra nước ngoài đã có thể biến mình thành một đẳng cấp khác. Chưa nói tới việc không ít các ca sĩ thường xuyên lên mặt báo trước, trong và sau những chuyến đi nước ngoài để nói đủ thứ chuyện, ngoại trừ chuyện… chuyên môn.

Nào là ca sĩ Đoan Trang được một chàng trai người Mỹ theo đuổi, ca sĩ Thu Minh bị lạc trong trường, ca sĩ Hồ Ngọc Hà được khen là xinh đẹp… Còn những đánh giá về chuyên môn thì thường được... lờ đi. Nếu có, thì thường cũng là những lời đánh giá rất cao. Khán giả cũng chỉ nghe thế chứ biết đường nào mà lần!

Khác với những tuyên bố hùng hồn ấy, điều mà khán giả chờ đợi là hiệu quả của những chuyến đi lại khá mịt mờ. Album "Vút bay" của Mỹ Tâm dù được thực hiện khá tốn kém ở Hàn Quốc nhưng không được đánh giá cao.

Dự án xâm nhập thị trường Nhật Bản của ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng có vẻ không mấy khả quan khi mà trong nước, cô ca sĩ này cũng chưa tạo được ấn tượng gì đặc biệt ngoài vóc dáng gợi cảm của một người mẫu.

Đó là chưa kể tới trường hợp như ca sĩ Lam Trường, sau khóa học tại Mỹ về, anh hát giọng... khó nghe hơn. Còn một vài ca sĩ mà khán giả vẫn còn trong vòng chờ đợi vì đứa con tinh thần của họ chưa ra đời như Đoan Trang, Thu Minh...

Thường khi tên tuổi ca sĩ đã "chạm đỉnh" thì việc đưa giọng hát ra thị trường nước ngoài là tất yếu, nếu họ không muốn mình xuống dốc. Cần phải nhận định một cách khách quan rằng phần lớn những chuyến đi chinh phục thị trường ấy còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, chưa có một sự hợp tác và ủng hộ của các đối tác.

Điều đó dẫn đến các chuyến xuất ngoại của ca sĩ thường mang tính "giao lưu văn hóa" là chính chứ ít mang lại những ấn tượng đặc biệt.

Theo một số chuyên gia thì để ca sĩ Việt Nam hội nhập được ở thị trường nước ngoài, điều căn bản nhất là họ cần đáp ứng được yêu cầu về ngôn ngữ: ngôn ngữ thể hiện thông qua hát và ngôn ngữ âm nhạc.

Gần đây nhất, sự thất bại của giọng hát Phương Vy tại cuộc thi "ASIAN Idol" là một minh chứng cho thấy giọng hát hay thôi cũng chưa đủ. Các ca sĩ của chúng ta cần phải chuyên nghiệp hơn trong làm việc và niềm đam mê, học hỏi thật sự - điều mà các ca sĩ trẻ của chúng ta luôn còn thiếu chứ không phải chỉ để lăngxê tên tuổi

Thảo Duyên
.
.