Xuất bản văn học trong thế giới @

Thứ Hai, 09/05/2005, 08:22
Xuất bản qua mạng đã trở thành một sân chơi mới cho các nhà văn. Hầu hết các trang báo điện tử chính thống như “VnExpress”, “Tuổi trẻ”, “Thanh niên”, “Lao động”... đều có trang văn học.

Các trang này được xây dựng khá sinh động bao gồm thơ, truyện ngắn, giới thiệu sách, bình luận, giới thiệu chân dung văn học… Mỗi địa chỉ như thế, đều là một “nhà xuất bản ảo”.

Phải thừa nhận rằng, không có một hình thức xuất bản nào lại tiện ích như xuất bản qua mạng: Cùng một lúc, một tác phẩm có thể có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ cần gõ ba chữ “Nguyễn Huy Thiệp” trong phần “tìm kiếm” là chúng ta có thể tìm thấy tất cả các tác phẩm đã in và chưa in của nhà văn này.

Cũng tương tự, có thể tìm thấy “Cõi người rung chuông tận thế” của Hồ Anh Thái, “Đại tá không biết đùa” của Lê Lựu, “Ăn mày dĩ vãng” của Chu Lai, “Cô gái đến từ hôm qua” của Nguyễn Nhật ánh... Và rất nhiều truyện ngắn của các tác giả như Y Ban, Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Tư...

Bên cạnh đó, thơ của các tác giả trong nước cũng được đăng tải trên mạng khá nhiều. Chúng ta có thể đọc những chùm thơ của các tác giả như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Hồng Ngát; thơ của các nhà thơ quá cố như cặp vợ chồng tài hoa xấu số Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ hay cả tổng tập thơ của nhà thơ bạc mệnh Hàn Mặc Tử …

Trong những năm gần đây, việc xây dựng một website không quá khó khăn trong khâu thủ tục cũng như kinh phí, đã khiến những nhà văn “thức thời” chọn một cách quảng bá tác phẩm và tên tuổi hiệu quả như Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn Vũ Hồng cũng xây dựng cho mình một website mang tên ông để… cập nhật tình hình văn học nghệ thuật trong nước lên mạng thông qua báo chí trong nước.

Ban liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xây dựng được cho mình một diễn đàn cùng tên, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc cũng như những người làm nghề viết. Hay có cả một diễn đàn thơ trẻ tại địa chỉ thotre.com là điểm truy cập của khá nhiều bạn trẻ quan tâm đến thơ trong thời buổi bận rộn này.

Văn học trên mạng - ngổn ngang trăm mối

Hiện nay, có lẽ chưa ai thống kê được có bao nhiêu website chuyên hoặc có liên quan đến văn học, cơ chế quản lý và hình thức tồn tại. Nhưng một điều dễ nhận thấy là chúng thường hoạt động một cách tự phát chứ chưa có một hệ thống tổ chức quản lý thống nhất.

Điều đáng nói hơn cả là, có những tác phẩm văn học chưa, hoặc không được phép xuất bản, lưu hành vẫn ngang nhiên tồn tại. Đấy là chưa kể, có hàng chục trang web “đen” bằng tiếng Việt thuộc loại văn hóa ngoài luồng đăng tải những truyện ngắn, truyện dài kỳ mang tính khiêu dâm, trụy lạc, loạn luân ngang nhiên hoành hành mà chưa có cách nào quản lý.

Chiếm số đông người đọc văn học trên mạng là giới trẻ, nên cũng thêm một điều đáng bàn hơn là thơ trẻ. Trong phần giới thiệu thơ trẻ của chuyên trang văn học của một báo điện tử chính thống có những câu thơ như sau: “Em save anh vào document tử cung/ Trét lên tường những gam màu bò cái/.../ bào thai rắn rớt... nhầy nhụa bàn phím/ hình dung anh cắn phải lưỡi khi làm tình”.

Vậy mà có lời giới thiệu là… “không ngờ một cô gái có nét đẹp di-gan trong làng thơ Sài Gòn đã viết được những câu thơ đầy bất chấp, đạt đến sự phun trào trên những xác chữ tròn căng”. Hay “Các bạn gái hãy chú ý/ Hãy sử dụng Whisper!/ Whisper có cánh vào những ngày cuối tháng!/ Hai lớp, siêu thấm/ An toàn” thì thực sự tôi chẳng hiểu họ làm thơ về cái gì, để làm gì và tại sao lại phải viết như vậy?

Thật không hiểu “một làn sóng thơ nữ thời @” như những lời giới thiệu  hoa mỹ kia đang đi về đâu? Bên cạnh đó còn có các bài thơ “dân gian”, trước đó được xuất bản bằng… miệng trong các buổi “trà dư tửu hậu” của một vài người, thì nay đã được “văn bản hóa” trên mạng, trở thành một luồng văn hóa vô cùng độc hại.

Xuất bản qua mạng vẫn đứng ngoài cuộc?

Trong các văn bản của mình, Bộ Văn hóa - Thông tin đã thừa nhận sự tồn tại của hình thức xuất bản qua mạng trong hệ thống xuất bản nói chung. Thế nhưng, trong Luật Xuất bản (sửa đổi) vừa qua, việc quản lý mới chỉ được đề cập ở mức độ hết sức... chung chung là: “...Những xuất bản phẩm lưu hành hợp pháp được đưa lên mạng thông tin máy tính. Việc đưa xuất bản phẩm lên mạng thông tin máy tính được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.--PageBreak--

Có thể thấy là, luật vẫn chưa có những điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình phát triển của thực tế, cho dù điều chỉnh vào lúc này cũng đã... chậm. Một hình thức xuất bản mới vẫn đang bị “bỏ ngỏ” trong thực tiễn đời sống cũng như trong luật. Khi chưa có một khung pháp lý, một hành lang hạn chế nào, thì chẳng ai có thể hình dung, xuất bản qua mạng sẽ đi đến đâu?.

TS. Nguyễn Đình Nhã - Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa - Thông tin): “Khi chưa có luật, việc quản lý rơi vào... bất lực!”

Thực tế là văn bản luật và văn bản dưới luật của hình thức xuất bản qua mạng đến nay vẫn chưa có gì đáng nói. Hơn nữa, đây là một lĩnh vực khó vì nó liên quan đến yếu tố kỹ thuật, đến việc làm thế nào để có một thiết bị theo dõi và điều chỉnh các hoạt động. Vấn đề quản lý đã được Bộ Văn hóa - Thông tin đề cập một cách ráo riết, nhưng thực tế, trong luật mới chỉ ghi được một vài câu hết sức chung chung.

Luật chỉ nói rằng, xuất bản hợp pháp ở Việt Nam thì được đưa lên mạng, khi đưa, tuân thủ những quy định của Chính phủ nhưng vẫn chưa có quy định nào chính thống và chưa thực thi. Xuất bản một tác phẩm văn học qua mạng mà chưa qua thẩm định thì theo quy định rõ ràng là vi phạm nhưng vẫn chưa có khung xử lý nào.

Bộ Văn hóa - Thông tin đang giao cho Cục Xuất bảnCục Xuất bản đang trong quá trình chuẩn bị để tham gia hình thành khung pháp lý. Thực tế là không chỉ có sách mà ngay cả những thông tin khác không ai ngăn chặn nổi, việc quản lý cũng rơi vào bất lực.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Biên tập viên NXB Thanh Niên: “Cần sớm công bố tên các nhà xuất bản điện tử”

Việc xuất bản trên mạng không ảnh hưởng quá lớn đến văn hóa đọc truyền thống, mà nó chỉ giải quyết tính thông tin và tham khảo. Tuy nhiên, từ góc độ của người làm xuất bản truyền thống, tôi thấy có sự mâu thuẫn. Trong khi để có thể xuất bản được một cuốn sách thì tác giả và nhà xuất bản phải trải qua quá nhiều khâu, với thời gian tính bằng tháng, thì việc xuất bản trên mạng trong vài năm trở lại đây, trong nhiều trường hợp, lại rất nhanh và khá thoải mái....

Tuy chưa phải là trên các trang web chính thức do nhà nước Việt Nam quản lý nhưng việc xuất hiện những tác phẩm trên ở mạng mặc nhiên cũng đẩy các nhà xuất bản truyền thống vào tình huống khó xử với cộng tác viên của mình…

Bên cạnh những trang web do các tổ chức sống ở nước ngoài quản lý, còn cũng có những đường “link” hẳn hoi ở trong nước, nằm trong trang văn hóa của một tờ báo điện tử. Đọc những dòng sáng tác được gọi tên là “hậu hiện đại” ở trang web này không ít người trong nghề giật mình, và ngẫm ngợi: quá khó để được giới xuất bản truyền thống cấp “giấy thông hành”.

Mặt khác, nếu cứ lấy nguyên những bài trên trang web này (sau khi đã “OK” chuyện bản quyền) để in ấn, phát hành thì cũng chỉ là giấc mơ xa vời của những người yêu nghề xuất bản (truyền thống) hôm nay…

Tôi cho rằng đã đến lúc Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thông tin cần sớm đưa ra quy định những tác phẩm như thế nào thì được đưa lên mạng và sớm công bố tên những nhà “xuất bản điện tử” được phép xuất bản tác phẩm…

Nguyệt Hà
.
.